Bảo vệ trẻ em dịp hè
Tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước luôn là mối nguy hiểm đối với trẻ em, là một trong những vấn đề nhức nhối, khiến dư luận xã hội quan tâm, lo lắng. Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương luôn quan tâm, vào cuộc, đẩy mạnh phòng, chống, thế nhưng số vụ tai nạn thương tích trẻ em vẫn chưa giảm, đặc biệt là tai nạn giao thông, đuối nước, nhất là vào dịp hè.
Theo thống kê, ở Việt Nam mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích. Trong đó, nhóm tuổi 15-19 chiếm tỷ lệ cao nhất 43%, tiếp đến nhóm tuổi 5-14 chiếm 36,9%, thấp nhất là nhóm tuổi 0-4 chiếm 19,5%. Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp một năm chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trong toàn quốc do tất cả các nguyên nhân.
Tại Việt Nam, đuối nước là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ từ 5 - 14 tuổi. Trong giai đoạn 2016-2020, trung bình mỗi năm có hơn 2.000 trẻ tử vong do đuối nước. Tai nạn đuối nước thường có xu hướng tăng mỗi dịp hè về. Như kỳ nghỉ hè năm nay, dù mới bắt đầu nhưng ở nhiều địa phương đã xảy ra các vụ đuối nước thương tâm đối với trẻ em.
Đơn cử như tại tỉnh Gia Lai, 3 học sinh cấp ba T.V.H. (17 tuổi, lớp 11A4), H.X.T. (19 tuổi, lớp 12A9) và N.T.T.T. (18 tuổi, lớp 12A9), đều thuộc Trường THPT Quang Trung, thị xã An Khê xin gia đình đi chơi. Nhưng đến tối gia đình liên lạc không được nên tổ chức tìm kiếm. Đến sáng hôm sau, người dân phát hiện xe máy và đồ dùng các em để lại trên bờ hồ Hòn Cỏ (xã Song An, thị xã An Khê) nhưng không thấy người nên trình báo cơ quan chức năng. Ngay sau đó, cả ba học sinh được tìm thấy đã tử vong dưới hồ.
Còn tại Quảng Ninh, ngày 5/6, tại bãi Đá Đen, khu 1, phường Bình Ngọc (TP Móng Cái), một nhóm học sinh đi chơi, nướng đồ ăn trên bãi biển, trong đó có một học sinh xuống tắm biển và bị đuối nước. Nạn nhân được xác định là cháu T.Q.T, sinh năm 2008, trú tại khu 3, phường Hải Hòa (TP Móng Cái), là học sinh lớp 9, Trường THCS Hải Hòa. Trước đó, tại khu vực gần cầu Đầm Nâu, thuộc xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái, có 1 nhóm học sinh rủ nhau đi tắm đã xảy ra một vụ đuối nước khiến cháu B.V.N, sinh năm 2008, trú tại thôn 7, xã Hải Tiến, TP Móng Cái, tử vong.
Trước những nguy cơ tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước có thể xảy ra đối với trẻ em, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 29/5 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước; quản lý, giáo dục thanh thiếu nhi, học sinh trong dịp hè trên địa bàn tỉnh. Trong đó yêu cầu, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị phải xác định công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, quản lý, giáo dục thanh thiếu nhi, học sinh trong dịp hè là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, nhất là thực hiện các quy định về an toàn, phòng, phòng chống đuối nước trẻ em trên các phương tiện vận chuyển khách, bến bãi, an toàn giao thông đường thủy, bể bơi, hồ bơi, bãi tắm, các dịch vụ vui chơi dưới nước cho trẻ em; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các vi phạm. Thường xuyên rà soát, cảnh báo kịp thời và yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định, tiêu chuẩn, tiêu chí về an toàn tại các khu vực thường xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, tai nạn thương tích đối với trẻ em, học sinh, đồng thời có biện pháp chủ động phòng ngừa kịp thời, giảm thiểu rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn, bảo đảm an toàn cho trẻ em, học sinh từ xa, từ sớm, nhất là tại gia đình, cộng đồng, trường học, các bãi tắm, bể bơi, sông, hồ, các công trình xây dựng, chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại, chợ và các địa điểm, công trình công cộng có trẻ em, học sinh tham gia hoạt động. Kiên quyết không để tồn tại các bãi tắm tự phát tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn đối với nhân dân và du khách, nhất là trẻ em.
Chỉ thị nêu rõ phải tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và các gia đình trong công tác quản lý, giáo dục thanh thiếu niên trong thời gian không đến trường, đặc biệt là dịp nghỉ hè; tổ chức hoạt động hè bổ ích, ý nghĩa cho thanh thiếu nhi, học sinh, nhất là giáo dục kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn thương tích trong trẻ em. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, phù hợp với từng nhóm đối tượng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác phòng ngừa tai nạn thương tích trẻ em, trong đó có tai nạn đuối nước.
Tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong cho trẻ em. Hi vọng rằng với sự quyết liệt vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là sự quan tâm, chăm lo, giám sát chặt chẽ của mỗi gia đình, người thân thì tai nạn thương tích trẻ em sẽ được kéo giảm trong thời gian tới, nhất là dịp hè đang diễn ra. Qua đó xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, hạn chế thấp nhất tai nạn xảy ra đối trẻ em.
Ý kiến ()