Bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng trong môi trường mạng xã hội
Mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube, Telegram, Instagram, Linkedin,…) đang phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều lợi ích đối với các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam. Hiện nay, mạng xã hội đã trở thành nơi mà người dùng sử dụng để kết nối với nhau. Đây là nơi chúng ta có thể gặp mặt người thân, bạn bè mặc dù cách xa về mặt địa lý, mạng xã hội giúp duy trì các mối quan hệ thân thiết và tạo lập, xây dựng các mối quan hệ mới. Mạng xã hội giúp kết nối, học tập và làm việc hiệu quả hơn, nhưng cũng đặt ra nguy cơ về an ninh và tư tưởng văn hóa, chính trị.
Tuy nhiên, do có tính mở, với đặc trưng tự do, đa dạng, bình đẳng, nhiều khi bị xóa nhòa ranh giới giữa thực và ảo, khó bị kiểm soát, vì vậy “không gian mạng” mang đến không ít thách thức đối với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Mạng xã hội trở thành công cụ hàng đầu để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá, chuyển hóa chính trị, khủng bố như: tuyên truyền những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, thông tin xấu độc, cố tình bôi xấu cán bộ, đảng viên, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, chia rẽ đoàn kết, gây mất niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đây thực sự là một mặt trận quan trọng và không thể buông lỏng. Đấu tranh tư tưởng trên “không gian mạng” hiện nay là vấn đề khách quan, nhiệm vụ quan trọng và là của toàn dân, đòi hỏi mọi người, lực lượng thực thi nhiệm vụ này phải luôn nhận thức đầy đủ những thách thức và yêu cầu của nhiệm vụ, xây dựng bản lĩnh, trách nhiệm và quyết tâm cao, góp phần giữ vững nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng trước tình hình mới.
Tại Việt Nam, thời điểm đầu năm 2024, có 78,44 triệu người dùng Internet (chiếm 79,1% dân số); 73,3% dân số sử dụng mạng xã hội; có tổng cộng 168,5 triệu kết nối di động đang hoạt động; 92,7% tổng số người dùng Internet tại Việt Nam đã sử dụng ít nhất một nền tảng tryền thông xã hội. Do đó, đây là môi trường thuận lợi cho các thế lực thù địch tuyên truyền những quan điểm sai trái với nhiều thủ đoạn, phương thức khác nhau, ngày càng tinh vi, xảo quyệt, nguy hiểm hơn, có tác động đến các tầng lớp trong xã hội. Thủ đoạn tấn công, đả kích trực diện nền tảng tư tưởng của Đảng, vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, mục tiêu, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Một số thủ đoạn thường được sử dụng:
- Tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phủ nhận những thành tựu to lớn của nhân dân dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đã đạt được trong quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế.
- Lợi dụng, cường điệu hóa những hạn chế, khuyết điểm của Đảng và hệ thống chính trị trong lãnh đạo, quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội để quy kết cho rằng việc Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng chính là nguyên nhân gốc rễ của những hạn chế, khiếm khuyết đó.
- Bôi nhọ lãnh tụ, xuyên tạc lý lịch, thân thế sự nghiệp các lãnh tụ, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước để đi đến phủ nhận con người, phủ nhận hệ tư tưởng mác xít và vai trò lãnh đạo của Đảng. Thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân để thông qua đối tượng này trực tiếp phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào mục tiêu, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội.
- Lợi dụng các sự kiện chính trị - xã hội “nhạy cảm”, việc bắt, xử lý số cán bộ cao cấp về tội tham nhũng; xét xử số đối tượng chống đối vi phạm pháp luật, để lôi kéo, kích động người dân tập trung đông người gây rối an ninh, trật tự, biểu tình, bạo loạn, lật đổ; tuyên truyền kích động các hoạt động ly khai, tự trị trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Móc nối, lôi kéo các đối tượng cơ hội chính trị có cả cán bộ đương chức, có tướng lĩnh đã nghỉ hưu và thành phần chống đối trong trí thức, văn nghệ sĩ tăng cường chống Đảng, cổ xúy cho “dân chủ tư sản”, “xã hội dân sự”, “xã hội dân chủ”.
Về hình thức tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch, phản động chủ yếu qua các phương tiện truyền thông, internet, blog, mạng xã hội, duy trì sử dụng hàng chục đài phát thanh chương trình Việt ngữ, hàng trăm trang báo, tạp chí, nhà xuất bản tiếng Việt, hàng ngàn website, blog... đồng thời bỏ tiền ra thuê quảng cáo trên các mạng xã hội để liên tục phát tán những thông tin xấu, độc, xuyên tạc, chống phá gây tác động xấu đến tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Chúng đã lập ra nhiều trang web mạo danh lãnh đạo các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, một số nhân vật được xã hội chú ý hoặc nhân danh “đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực”, “bảo vệ môi trường”, “bảo vệ chủ quyền biển, đảo”, “phản biện xã hội”, “hiến kế cho Đảng”… để trích dẫn, bình luận, xuyên tạc, hạ uy tín, làm mất niềm tin của quần chúng nhân dân với Đảng, Nhà nước. Đồng thời, đưa lên internet và mạng xã hội những mặt trái của xã hội, khai thác những thông tin tiêu cực, không chính thống, chưa rõ ràng để dẫn dắt, hướng lái dư luận theo chiều hướng tiêu cực, làm cho người đọc mơ hồ, mất cảnh giác nhằm mục đích tạo nên sự hoài nghi, phản kháng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó, chuyển hóa dần sang tư tưởng sai trái, phản động, thù địch. Chúng còn xuất bản các xuất bản phẩm có nội dung xấu, độc; biên soạn tài liệu, video lồng ghép nội dung thổi phồng, xuyên tạc, bóp méo sự thật; tiến hành rải truyền đơn, tờ rơi, viết vẽ khẩu hiệu phản động.
Đối tượng tác động của hoạt động tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch, phản động chủ yếu là trí thức, văn nghệ sĩ; cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ hưu trí, cán bộ, đảng viên có biểu hiện bất mãn, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa; Nguy hiểm hơn là chúng hướng đến nhóm đối tượng thế hệ trẻ, nhất là học sinh, sinh viên; người lao động…
Nhận thức được điều này, Đảng ta đã xác định, cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch thực chất là cuộc đấu tranh giữa hai ý thức hệ xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa; là cuộc đấu tranh lâu dài, phức tạp, ngày càng diễn ra quyết liệt. Trong các văn kiện đại hội ở thời kỳ đổi mới, Đảng đều nhấn mạnh nhiệm vụ đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng. Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (năm 1994) của Đảng đã xác định “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch là một trong bốn nguy cơ. Đại hội VIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ “phê phán và bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch”. Đại hội IX của Đảng khẳng định phải “Đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch”. Với tinh thần đó, Đại hội X của Đảng đã yêu cầu “chủ động và kiên quyết phê phán những quan điểm sai trái, bác bỏ những luận điệu phản động, góp phần làm thất bại mọi mưu toan “diễn biến hòa bình,” bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch”.
Để thực hiện những chủ trương đó, Đảng đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết nêu rõ các quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp lớn. Một trong những văn bản quan trọng là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X), ngày 01/8/2007 “Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới”. Nghị quyết chỉ rõ: “Triển khai đồng bộ, chủ động cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, phản bác các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo, chống phá Đảng, Nhà nước ta, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” thực hiện đa nguyên chính trị, hình thành lực lượng đối lập, gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch, thường xuyên cảnh giác, chủ động phòng chống nguy cơ tự diễn biến, tự chuyển hóa ở cả Trung ương, các ngành, các cấp”. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) đã nhận định: Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa được khắc phục có hiệu quả, làm giảm sức chiến đấu của Đảng và lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, kể cả trong những lực lượng nòng cốt, gắn bó với Đảng, với chế độ, đã phát sinh một số vấn đề tư tưởng, tâm trạng bức xúc, đáng lo ngại, ảnh hưởng tới tính đồng thuận xã hội. Các phần tử cơ hội chính trị trong nước móc nối với thế lực thù địch, phản động ở nước ngoài xuyên tạc, vu cáo, chống phá quyết liệt Đảng, Nhà nước ta trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng. Trên cơ sở nhận định đó, Nghị quyết đã yêu cầu “triển khai đồng bộ, chủ động cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, phản bác các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo, chống phá Đảng, Nhà nước ta, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, thực hiện đa nguyên chính trị, hình thành lực lượng đối lập, gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch; thường xuyên cảnh giác, chủ động phòng chống nguy cơ tự diễn biến ở cả Trung ương và các ngành, các cấp.
Nghị quyết Trung ương 9, khóa X, ngày 02/2/2009 “Về một số nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng” cũng đã nhấn mạnh: “Chủ động phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển, hóa” và đấu tranh chống các quan điểm sai trái, bác bỏ luận điệu tuyên truyền phản động, làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng”.
Đến Đại hội XI, Đảng ta một lần nữa khẳng định: “Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa trong nội bộ ta; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”. Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị khoá XII ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Như vậy, có thể thấy, đấu tranh trên không gian mạng hiện nay là rất gay gắt trên mặt trận tư tưởng lý luận. Giữ vững trận địa tư tưởng, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng là nhiệm vụ quan trọng và hết sức cấp thiết. Nhằm chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu lợi dụng không gian mạng đưa thông tin xấu độc, giả mạo chống phá cách mạng Việt Nam, cán bộ, đảng viên cần hạn chế thấp nhất tác động ảnh hưởng tiêu cực của các nhóm thành phần lợi dụng không gian mạng. Đồng thời, tập trung làm tốt một số giải pháp sau:
Một là, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự là những chiến sĩ xung phong, đi đầu trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Đối với mỗi đảng viên, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nói, viết và làm đúng chủ trương, đường lối của Đảng. Đây là một yêu cầu rất quan trọng và mỗi đảng viên phải thể hiện trách nhiệm cao trong công tác, hoạt động, sinh hoạt, sử dụng mạng xã hội…
Hai là, chú trọng tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân để nhìn nhận và có trách nhiệm, ý thức trước mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, các dấu hiệu “tự diễn biến, tự chuyển hóa. Đây là một giải pháp rất quan trọng, thường xuyên, cơ bản, lâu dài để mỗi cán bộ, đảng viên dù công tác ở cương vị nào cũng nêu cao trách nhiệm và nâng cao cảnh giác, bảo đảm “giữ vững bên trong là chính”.
Ba là, tổ chức tuyên truyền bằng nhiều nội dung, hình thức, trong đó tập trung tuyên truyền về âm mưu, phương thức, thủ đoạn đưa thông tin xấu độc, giả mạo trên không gian mạng của các loại đối tượng làm chuyển biến nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân để mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân khi tham gia, tương tác, chia sẻ bình luận, hưởng ứng, bài viết trên các trang mạng xã hội có trách nhiệm trước bản thân, trước pháp luật.
Bốn là, tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 16/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng, Chỉ thị số 15/CT-TTg, ngày 17/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đảm bảo an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới và Thông báo số 17/TB-VPTW ngày 23/8/2016 của Thường trực Ban Bí thư về biện pháp cấp bách bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng; nhất là Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thật tốt Nghị quyết này, xem đây là sự định hướng chiến lược quan trọng trong việc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Năm là, thường xuyên cập nhật thông tin chính thống, thay đổi phương pháp truyền đạt thông tin một cách đơn giản, dễ tiếp cận, phát huy tích cực vai trò của các cơ quan báo chí, xuất bản. Chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet trong nước xây dựng phương án phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các trang mạng phản động.
Ý kiến ()