Bảo vệ môi trường biển
Đoàn khảo sát trên đã kết luận: San hô ở vùng biển đảo Cô Tô chết hàng loạt là do thời gian qua, các địa phương cấp phép cho thợ lặn khai thác cá nhưng lại không quản lý chặt chẽ để ngư dân sử dụng chất nổ, chất độc xyanua trong khai thác, đánh bắt. Trong khi đó, đây lại là những phương thức đánh bắt cá mang tính huỷ diệt, làm cho các loại rong tảo biển sống trên rạn vốn là thức ăn của cá phát triển mạnh, che phủ các rạn san hô làm cản trở sự quang hợp của chúng.
Việc san hô ở vùng biển đảo Cô Tô chết hàng loạt đã báo động về công tác bảo vệ môi trường biển ở Quảng Ninh.
Việc lập báo cáo tác động môi trường trước đây mới chỉ chú ý đến những dự án, hoạt động trên bờ. Bởi những tác động này dễ nhận thấy và ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân. Bảo vệ môi trường biển đảo đã được Quảng Ninh quan tâm hơn khi Vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Được biết UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có chỉ thị yêu cầu Ban Quản lý Vịnh Hạ Long và một số cơ quan hữu quan ngừng việc triển khai mở rộng ranh giới Di sản Vịnh Hạ Long sang vùng Vịnh Bái Tử Long. Theo báo Lao Động (24-10) thì dư luận cho rằng việc ngừng mở rộng ranh giới Di sản Vịnh Hạ Long là sự thận trọng cần thiết, bởi việc mở rộng không gian di sản sẽ vấp phải hàng loạt những bất cập về bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là ảnh hưởng của việc khai thác than.
Quảng Ninh tự hào có vùng biển đảo giầu đẹp, trong đó có Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới, có Vịnh Bái Tử Long, có những đảo giầu tiềm năng như Cô Tô, Quan Lạn, Ngọc Vừng... Một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng Vân Đồn thành Khu Kinh tế là cảnh quan thiên nhiên của biển đảo.
Ý kiến ()