
Bảo vệ đàn lợn nuôi
Như vậy, đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 5 tỉnh, thành phố là Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Thanh Hóa. Dịch đã ở mức báo động, bởi theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, từ ngày 1-27/2, dịch bệnh xảy ra tại 96 hộ, 33 thôn, 20 xã, 13 huyện tại các địa phương nói trên. Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 2.349 con, với tổng trọng lượng hơn 172.500kg.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, thời gian qua, nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có tỉnh Quảng Ninh đã gấp rút khẩn trương lập các đoàn công tác, chốt kiểm dịch để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra. Dịch không lây sang người nhưng có thể lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt... Vì vậy, sự lây lan khi có dịch xảy ra là rất lớn, đặc biệt là gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi, khi tỷ lệ lợn mắc bệnh chết cao, lên đến 100%.
![]() |
Tại Quảng Ninh, tuy chưa xảy ra dịch tả lợn châu Phi, thế nhưng các ngành, địa phương đã tích cực triển khai phòng, chống dịch ngay tại cơ sở... |
Sau khi phát hiện dịch tại một số địa phương, Bộ NN&PTNT đã thành lập các đoàn công tác phối hợp với địa phương kiểm tra, dập dịch; chỉ đạo, hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch; tăng cường tuyên truyền, vận động đến người dân, tránh thông tin gây hoang mang dư luận.
Chỉ đạo về công tác dập dịch, tránh nguy cơ lan rộng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, nếu không có các biện pháp tập trung quyết liệt, hiệu quả thì nguy cơ dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan nhanh, ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, đặc biệt là người chăn nuôi.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, địa phương liên quan nghiêm túc triển khai Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 19/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trong đó cần tuyên truyền, vận động người chăn nuôi cam kết thực hiện 5 không: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền, cấp ủy, đoàn thể, nhân dân ở cơ sở vào cuộc; thành lập ngay ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật, đoàn công tác, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên để tổ chức phòng, chống dịch; xây dựng phương án, kịch bản cho các tình huống khác nhau để kịp thời ứng phó, xử lý kịp thời...
Tại Quảng Ninh, tuy chưa xảy ra dịch tả lợn châu Phi, thế nhưng với sự nguy hiểm của loại dịch này, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công điện yêu cầu các ngành, địa phương triển khai đồng bộ giải pháp cấp bách phòng, chống dịch; thành lập đoàn công tác, phân công rõ nhiệm vụ cho từng thành viên kiểm tra, giám sát, triển khai phòng, chống dịch ngay tại cơ sở...
Các địa phương khu vực biên giới giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, kiểm soát đối với người, phương tiện vận chuyển xuất phát từ nước có dịch bệnh lợn tả châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam; tuyên truyền người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới.
Quảng Ninh cũng đã thành lập các chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ vào tỉnh nhằm kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn từ các tỉnh, thành phố lân cận vào Quảng Ninh. Đồng thời tăng cường thông tin, tuyên truyền đến các địa phương, người dân nắm rõ tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch bệnh cũng như dấu hiệu nhận biết bệnh để nâng cao trách nhiệm phòng, chống dịch; các trại chăn nuôi, giết mổ cần đẩy mạnh công tác tự kiểm tra, nắm bắt biểu hiện đàn vật nuôi, tránh tư tưởng chủ quan...
Để xảy ra dịch tả lợn châu Phi thì thiệt hại cho người nông dân là rất lớn, chính vì vậy việc bám sát cơ sở, theo dõi, bảo vệ đàn lợn đóng vai trò quan trọng. Phát hiện sớm bệnh dịch, khoanh vùng, xử lý ổ dịch, tiêu hủy lợn bệnh ngay lập tức sẽ góp phần lớn trong việc giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.
Thái Bình
Ý kiến ()