Bảo hiểm nông nghiệp
Vấn đề là, làm cách nào để người nông dân vượt qua những khó khăn khi lâm vào hoàn cảnh cây trồng, vật nuôi bị chết hàng loạt. Trong thực tế, nhiều hộ gia đình nông dân đã nghèo lại nghèo hơn khi vay tiền để sản xuất thì lại gặp thiên tai, dịch bệnh. Làm cách nào để vượt qua khó khăn này đang là băn khoăn lớn đối với người nông dân. Chính vì vậy người nông dân vui mừng khi Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định về việc thí điểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp (BHNN). Theo quyết định này, việc thí điểm thực hiện BHNN sẽ thực hiện từ 1-7 năm nay đến hết năm 2013, tại 21 tỉnh, thành phố. Trong đó thực hiện bảo hiểm đối với cây lúa tại 7 tỉnh. Bảo hiểm đối với trâu, bò, lợn, gia cầm tại 9 tỉnh, thành phố. Bảo hiểm đối với nuôi trồng thủy sản cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng tại 5 tỉnh.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nông dân, cá nhân nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN, Nhà nước sẽ trợ giúp 100% phí bảo hiểm; đối với hộ nông dân, cá nhân cận nghèo sản xuất nông nghiệp được trợ giúp 80% phí bảo hiểm, và trợ giúp 60% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo, cận nghèo sản xuất nông nghiệp; các tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN được trợ giúp 20% phí bảo hiểm.
Cùng với quyết định thí điểm BHNN cho nông dân, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản. Ngân hàng Nhà nước cũng vừa ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết thực hiện quyết định này và có hiệu lực từ 1-5-2011. Theo đó, việc hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản thông qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được thực hiện dưới hai hình thức: cho vay hỗ trợ lãi suất và cho vay theo lãi suất tín dụng đầu tư phát triển.
BHNN cùng hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản là những chính sách giúp nông dân yên tâm sản xuất, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp một cách bền vững.
Ý kiến ()