Báo chí cũng phải hợp lý hoá
Trong chuyên mục “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” tối 15-6-2014 trên VTV, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã trả lời các câu hỏi, trong đó có câu hỏi của người dân liên quan đến công tác quy hoạch hệ thống báo chí trong thời gian tới đây.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết: “Hiện nay, chúng ta có tới 838 cơ quan báo in, 67 đài phát thanh và truyền hình với gần 200 kênh phát thanh và truyền hình đang hoạt động và hàng chục kênh truyền hình nước ngoài đang hoạt động, tác nghiệp tại Việt Nam.
Ngoài ra, hệ thống báo mạng cũng đang phát triển rất mạnh mẽ. Trong thời gian vừa qua, các cơ quan từ Trung ương đến địa phương và một số tổ chức, một số nhà khoa học, nhà nghiên cứu và kể cả người dân cũng đã nhận thấy và cảnh báo rằng, trong hoạt động báo chí có sự lãng phí về nguồn lực. Từ sự lãng phí này, dẫn đến hiện tượng có nhiều tờ báo na ná giống nhau, kể cả về nội dung, tôn chỉ, mục đích, cho nên giảm đi tính bản sắc của các tờ báo, đồng thời, trong sự phát triển mạnh mẽ số lượng của các cơ quan báo chí như vậy, cũng không thể tránh khỏi sự cạnh tranh về thông tin.
Từ sự cạnh tranh về thông tin này dẫn đến có những thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được kiểm tra, xem xét, sai sự thật, gây sự bức xúc trong xã hội. Chính vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng, quy hoạch với báo chí trong lúc này là cần thiết. Quy hoạch có nhiều nhiệm vụ, không chỉ là để xem xét giảm số lượng báo chí mà quan trọng hơn là chúng ta phải đưa ra hành lang pháp lý, đưa ra những chính sách để xây dựng một đội ngũ báo chí hợp lý về số lượng nhưng đặc biệt là nâng cao chất lượng”.
Như vậy, việc tiến hành quy hoạch và đổi mới hệ thống báo chí là một yêu cầu đòi hỏi hiện nay, để tránh lãng phí nguồn lực, nâng cao chất lượng báo chí, đảm bảo quyền tự do ngôn luận cũng như quyền được hưởng thụ thông tin của người dân, như quy định tại Hiến pháp năm 2013.
Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 Hội nghị Trung ương 9 khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, có đánh giá về tình hình báo chí: “Hệ thống thông tin đại chúng phát triển thiếu quy hoạch khoa học, gây lãng phí nguồn lực và quản lý không theo kịp sự phát triển. Một số cơ quan truyền thông có biểu hiện thương mại hoá, xa rời tôn chỉ, mục đích”.
Trong nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hoá mà Nghị quyết 33-NQ/TW đề ra, có nội dung: “Quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên mạng Internet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh niên, thiếu niên. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và cơ chế đầu tư theo hướng ưu tiên các cơ quan báo chí, truyền thông chủ lực. Các cơ quan truyền thông phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ chủ yếu; nâng cao tính tư tưởng, nhân văn và khoa học, góp phần xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam”.
Hợp lý hoá báo chí để báo chí phát huy hiệu quả đã được Hồ Chí Minh, nhà báo khai sinh ra nền báo chí Cách mạng chỉ đạo: “Báo chí cũng phải hợp lý hoá. Đừng bày biện ra nhiều thứ. Làm ít nhưng làm cho hẳn hoi. Không hợp lý hoá lại như thế thì rốt cuộc báo viết ra không ai muốn đọc mà tốn kém một trăm thứ. Đoàn thể cứ co cổ lại chịu tiền để mấy chú làm báo ngồi vẽ voi, vẽ ngựa mà không ai đọc” (Hồ Chí Minh toàn tập, t.6, tr.53).
Công tác thông tin, truyền thông phải quan tâm hàng đầu việc xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống cho công chúng. Quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí, nhằm để báo chí được hợp lý hoá, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, góp phần xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng với yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Nguyên Đan
Ý kiến ()