Ăn quá nhiều muối có thể tăng nguy cơ ung thư dạ dày
Thực phẩm siêu chế biến ngày nay chủ yếu sử dụng muối như chất bảo quản, việc tiêu thụ quá nhiều muối có thể gây hại cho sức khỏe.
Muối là một khoáng chất chứa natri clorua, rất cần thiết cho sự sống. Cơ thể sử dụng muối để cân bằng chất lỏng, dẫn truyền xung thần kinh, co cơ, và hấp thụ dinh dưỡng. Đồng thời, muối cũng giúp tăng hương vị món ăn. Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều muối có thể gây hại cho sức khỏe.
Giữ nước và đầy hơi
Khi ăn một bữa ăn nhiều muối, cơ thể sẽ giữ thêm natri và cố gắng pha loãng nó bằng nước dẫn đến tình trạng giữ nước. Điều này có thể gây đầy hơi khó chịu hoặc phù nề (sưng ở cơ thể). Phù thường xuất hiện ở mắt cá chân, bàn tay, nhưng có thể xảy ra ở bất kỳ đâu.
Tuy nhiên, nếu phù nề xảy ra thường xuyên sau khi ăn thực phẩm nhiều muối, đó có thể là dấu hiệu của vấn đề nghiêm trọng hơn. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu gặp tình trạng này.
Tăng huyết áp
Vì ăn nhiều muối có thể làm cơ thể giữ nước nhiều hơn, lượng nước tăng này dẫn đến tăng thể tích máu và có thể làm tăng huyết áp.
Một số người nhạy cảm với muối hơn, dẫn đến nguy cơ cao mắc tăng huyết áp (huyết áp cao). Khi đó, máu trong động mạch gây áp lực mạnh hơn lên thành mạch, buộc tim phải hoạt động vất vả hơn để duy trì tuần hoàn. Nếu không được điều trị, huyết áp cao có thể dẫn đến suy tim, đột quỵ, hoặc bệnh thận.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiêu thụ nhiều muối và tăng huyết áp, nhưng chưa có thử nghiệm cụ thể trên người khỏe mạnh với huyết áp bình thường, vì vậy không chắc chắn rằng việc giảm muối là cần thiết cho tất cả mọi người.
Khoa học hiện vẫn chưa rõ liệu ăn quá nhiều muối có gây ra bệnh tim mạch (CVD) hay không. Một số nghiên cứu cho thấy biểu đồ dạng chữ U, nghĩa là nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng ở cả hai mức tiêu thụ muối cao và thấp.
Tăng cảm giác khát
Ăn thực phẩm chứa nhiều muối như khoai tây chiên hoặc các loại hạt có thể khiến bạn cảm thấy khát hơn. Đây là cách cơ thể báo hiệu sự mất cân bằng giữa nước và natri.
Bạn có thể uống nhiều nước hơn để cân bằng, nhưng điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tăng huyết áp hoặc phù nề nếu có. Tuy nhiên, uống nước sau khi ăn nhiều muối là cần thiết để tránh mất nước.
Ngoài ra, uống nhiều nước có thể khiến bạn đi tiểu thường xuyên hơn, làm mất đi canxi, một khoáng chất quan trọng cho cơ thể trong việc đông máu, điều hoà nhịp tim.
Sỏi thận
Nếu bạn không uống đủ nước nhưng lại ăn chế độ ăn nhiều muối, nguy cơ bị sỏi thận có thể tăng lên. Sỏi thận hình thành từ canxi, oxalat hoặc axit uric, và khi sỏi lớn, chúng có thể gây đau.
Ăn quá nhiều muối làm tăng lượng canxi đi qua thận và ra nước tiểu, làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Uống đủ nước là cách hiệu quả để giảm nguy cơ này.
Nguy cơ ung thư dạ dày có thể tăng
Một số nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa việc tiêu thụ quá nhiều muối và nguy cơ ung thư dạ dày. Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa xác định rõ liệu muối có trực tiếp làm tăng nguy cơ hay không, hoặc liệu nguy cơ này có liên quan đến các loại thực phẩm khác ăn kèm với muối.
Dữ liệu hiện tại chưa đủ nhiều, và yếu tố di truyền cũng như lối sống của mỗi người làm cho kết luận chưa chắc chắn. Cần nhiều nghiên cứu hơn để làm rõ vấn đề này.
Nên ăn bao nhiêu muối trong một ngày?
Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ khuyến nghị tiêu thụ ít hơn 2.300 milligram muối mỗi ngày cho mọi lứa tuổi, tương đương khoảng một thìa cà phê. Đây là hướng dẫn tốt cho những người mắc bệnh thận hoặc các vấn đề về tim.
Tuy nhiên nhiều nghiên cứu cho rằng giới hạn này nên được tăng lên cho phần còn lại của dân số.
Có một số thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát chất lượng cao đã nghiên cứu lượng muối tiêu thụ và nguy cơ mắc bệnh tim hoặc tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào. Các thử nghiệm này, với sự tham gia của hàng trăm ngàn người và đã chỉ ra rằng:
- Những người tiêu thụ quá nhiều muối có nguy cơ mắc bệnh tim và tử vong cao hơn. Những người tiêu thụ rất ít muối cũng có nguy cơ tương tự. Những người tiêu thụ từ 2.600-5.000 milligram muối mỗi ngày có nguy cơ thấp nhất
- Lượng muối khuyến nghị là 2.300 milligram mỗi ngày, nhưng một số nghiên cứu cho thấy cơ thể chúng ta cần muối ở mức độ cao hơn. Điều quan trọng là duy trì lượng muối vừa phải, không quá nhiều hoặc quá ít.
Giảm thực phẩm đóng gói trong chế độ ăn sẽ giúp giảm natri hiệu quả hơn so với việc chỉ ngừng dùng muối khi nấu.
- Lưu ý rằng không phải tất cả thực phẩm chứa nhiều natri đều có vị mặn, chẳng hạn như bánh mì và ngũ cốc, trong khi hơn 70% natri dư thừa đến từ thực phẩm chế biến sẵn.
Ý kiến ()