
Vân Đồn vào mùa thu hoạch hàu sữa
Hiện nay đang là cao điểm thu hoạch hàu sữa ở Vân Đồn, vụ mùa đầu tiên ngư dân gượng dậy sau thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 3 năm 2024. Không khí khẩn trương ở các vùng nuôi báo hiệu một mùa vụ đầy kỳ vọng.
Những ngày này, khu vực cảng Cái Rồng (đặc khu Vân Đồn) nhộn nhịp tàu, thuyền ra vào, mua bán hàu sữa. Với quyết tâm không rời biển, người nuôi đã nhanh chóng tái thiết sản xuất (căng phao, thả giống, tập trung bảo vệ và chăm sóc cẩn thận các lứa hàu mới). Chính quyền địa phương cũng kịp thời giao lại vùng mặt nước biển để người dân yên tâm sản xuất, tạo nên một lực đẩy quan trọng giúp nghề nuôi hàu phục hồi mạnh mẽ.

Anh Hoàng Văn Thụ, một hộ nuôi thủy sản ở khu vực Cái Rồng, chia sẻ: Nuôi hàu tương đối dễ, không tốn chi phí cho thức ăn vì chúng sống nhờ sinh vật phù du như tảo, chỉ cần kiểm tra và vệ sinh để hạn chế bị các sinh vật, đất bùn bám vào làm hàu chết, hoặc chậm phát triển. Mặc dù năm đầu tiên có chi phí đầu tư lớn, song các năm sau chỉ cần tái đầu tư giống. Việc nuôi hàu phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên và giá cả thị trường nên cũng có năm được, năm mất, tuy nhiên thu nhập của nghề này vẫn ổn định hơn nuôi trồng các loài khác.
Hiện nay, giá hàu tươi khá ổn định, khoảng 15.000-26.000 đồng/kg, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, gấp 2,5-3 lần so với thời điểm trước cơn bão số 3 năm 2024. Mức giá này giúp người nuôi đạt lợi nhuận tới 50% tổng doanh thu, trở thành điểm tựa tài chính để tái đầu tư và mở rộng sản xuất.
Anh Nguyễn Văn Phú, chủ cơ sở nuôi cá và hàu tại vùng biển Vân Đồn từng chịu thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 3 năm 2024, khi toàn bộ cơ sở nuôi bị cuốn trôi. Không nản chí, anh Phú tiếp tục đầu tư khôi phục sản xuất và hiện là thành viên của HTX Ngư Long Vân Đồn. Khi tham gia HTX, anh Phú được hỗ trợ kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm và thuận lợi trong việc tiếp cận các công nghệ mới, hiện đại. Anh Phú cho biết: Sau bão, tôi và anh em trong HTX đã đầu tư khoảng 30 tỷ đồng để nuôi hàu trên 300ha mặt biển. Dự kiến năm nay chúng tôi sẽ thu về khoảng 7-8 tỷ đồng.

Theo thống kê, tổng diện tích NTTS trên biển ở Vân Đồn hiện đạt 3.663ha, trong đó có hơn 3.500ha nuôi nhuyễn thể (chủ yếu là hàu, ngao). 6 tháng đầu năm 2025, sản lượng thủy sản toàn đặc khu đạt 9.897 tấn, tăng 140% so cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, sản lượng khai thác đạt 1.423 tấn (tăng 210,7%) cho thấy dấu hiệu phục hồi ấn tượng của ngành thủy sản địa phương.
Nghề nuôi hàu không chỉ đóng góp lớn cho kinh tế của đặc khu, mà còn tạo ra sinh kế ổn định cho gần 4.800 lao động, gồm cả lao động nuôi trồng, khai thác và dịch vụ hậu cần. Anh Ngô Nam Trung, Giám đốc HTX Thủy sản Trung Nam cho biết: Dù sản lượng chưa thực sự lớn do ảnh hưởng từ thiên tai trước đó, nhưng lợi nhuận mang lại vẫn rất khả quan. HTX chúng tôi đã tranh thủ đầu tư nuôi tiếp các lứa hàu mới, phủ kín 50ha mặt biển được giao. Nhờ yên tâm về mặt bằng sản xuất, ngư dân rất phấn khởi.
Nhằm đảm bảo phát triển bền vững, đặc khu Vân Đồn đã triển khai chuyển đổi toàn bộ phao xốp sang phao nhựa HDPE, loại vật liệu thân thiện với môi trường. Cùng với đó, các HTX, doanh nghiệp được khuyến khích thực hiện đăng ký và cấp phép NTTS trên biển, tiến tới quản lý vùng nuôi hiệu quả hơn, đảm bảo lợi ích dài lâu giữa con người và tự nhiên.
Với sự đồng lòng giữa người dân và chính quyền, cùng với hướng đi đúng đắn trong tổ chức sản xuất và bảo vệ môi trường biển, đang tạo nền tảng vững chắc cho một ngành kinh tế biển hiện đại, bền vững. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định, nghề nuôi hàu đang trở thành trụ cột sinh kế cho các hộ dân nơi đây.
Ý kiến ()