20
18
/
1100464
Trong dòng chảy khát vọng hùng cường của đất nước: “Phát triển xanh” - Lựa chọn của Quảng Ninh
longform
Trong dòng chảy khát vọng hùng cường của đất nước: “Phát triển xanh” - Lựa chọn của Quảng Ninh

“Với vùng đất lấy du lịch làm ngành kinh tế trụ cột như Quảng Ninh thì “xanh” còn hàm chứa “cái đẹp”, cái “an toàn” - như khi ta nói đến “biển xanh” là biển “đẹp”, biển “an toàn” được phân biệt với “biển sóng dữ”; trời “xanh” là trời “đẹp”, báo hiệu thời tiết an toàn được phân biệt với “trời giông tố”; rừng “xanh” là rừng “đẹp” đối lập với rừng lá úa, lụy tàn, bị tàn phá, thiếu sức sống. Vì vậy, tăng trưởng “xanh” không chỉ thuần túy là khái niệm kinh tế học sinh thái mà còn hàm chứa giá trị văn hóa - nhân văn sâu sắc. Phát triển xanh, tăng trưởng xanh là lựa chọn của Quảng Ninh” - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký.

Là tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo; nằm ở phía Đông Bắc Tổ quốc với vị trí địa lý thuận lợi, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khái quát một cách rất ngắn gọn rằng "Quảng Ninh chính là một Việt Nam thu nhỏ”.

Trung tâm TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Từ nơi đặt nét bút đầu tiên vẽ bản đồ đất nước, người Quảng Ninh ý thức, trách nhiệm rằng sự năng động, sáng tạo, hào sảng phải được chuyển hóa thành thành quả của quá trình đổi mới, hiện thực hóa khát vọng to lớn của nhân dân trở thành động lực và nguồn lực cho sự phát triển.

Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thuê đơn vị tư vấn nước ngoài lập các quy hoạch chiến lược của tỉnh. Các quy hoạch này đặt nền tảng cho quá trình xanh hóa tầm nhìn của các thế hệ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khi điều hành, tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển.

“Tăng trưởng “xanh” là một nhu cầu tự thân của một tỉnh lấy du lịch làm ngành kinh tế trụ cột cho phát triển, có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh, tạo sức ép lớn đối với phát triển bền vững, nếu không chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” sẽ phát sinh các xung đột cản trở phát triển dài hạn, không cho phép phát huy đầy đủ các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế so sánh của địa phương để tạo đột phá phát triển nhanh và bền vững” – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký.

7 QUY HOẠCH CHIẾN LƯỢC CỦA TỈNH QUẢNG NINH

1. QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030:
+ Tư vấn: Tập đoàn Mckinsey (Mỹ) có uy tín hàng đầu trên thế giới.
+ Thời gian nghiên cứu lập: tháng 5/2012 đến hết tháng 12/2013.
+ Trên 70 cuộc phỏng vấn, trao đổi với các chuyên gia của Mckinsey tại hơn 15 quốc gia; 20 chuyến khảo sát thực địa; 25 cuộc họp, hội thảo để báo cáo; tiếp thu, tiếp nhận trên 1.500 ý kiến tham gia.
+ Ngày 31/12/2013, Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2622/QĐ-TTg.
+ Mục tiêu của Quy hoạch: Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, là một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước...

2. QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 VÀ NGOÀI 2050:
+ Tư vấn: Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering- NSC (Nhật Bản)
+ Thời gian thực hiện từ tháng 2/2013 đến tháng 7/2014
+ Tổ chức 21 cuộc họp, hội thảo lấy ý kiến tham gia.
+ Ngày 28/7/2014, UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt Quy hoạch tại Quyết định số 1588/QĐ-UBND
- Mục tiêu của Quy hoạch: Đến năm 2050 Quảng Ninh trở thành vùng đô thị lớn mang tầm vóc quốc tế; là vùng động lực phát triển kinh tế quốc gia với định hướng phát triển du lịch- công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; là vùng di sản văn hóa, lịch sử quốc tế, di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

3. QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030:
+ Tư vấn: Tập đoàn BCG (Mỹ).
+ Thời gian từ tháng 6/2013 đến tháng 10/2013.
+ Tổ chức 3 cuộc hội thảo, thực hiện trên 100 cuộc phỏng vấn, tiến hành khảo sát trên 1.000 khách du lịch, ý kiến các nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch, chuyên gia về du lịch ở trong và ngoài nước.
+ Ngày 4/7/2014, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 1418/QĐ-UBND.
+ Mục tiêu của Quy hoạch: Xây dựng Quảng Ninh trở thành một trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia...

4. QUY HOẠCH MÔI TRƯỜNG TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030:
+ Tư vấn: Công ty TNHH NIPPON KOEI (Nhật Bản)
+ Tổ chức lập quy hoạch từ tháng 6/2013 đến tháng 8/2014 với 10 cuộc họp, hội thảo được tổ chức để lấy ý kiến tham gia.
+ Ngày 18/8/2014, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt tại Quyết định số 1799/QĐ-UBND.
- Mục tiêu của Quy hoạch: Đến năm 2020 Quảng Ninh sẽ là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước thực hiện thành công các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường trong khuôn khổ chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam.

5. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030:
+ Tư vấn: Tập đoàn BCG (Mỹ)
+ Tổ chức điều tra, thu thập thông tin của trên 300 doanh nghiệp, 45 cơ sở dạy nghề; 2 lần lấy ý kiến tham gia của các chuyên gia đầu ngành của Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Viện Khoa học Lao động Xã hội - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
+ Ngày 17/11/2014, UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt tại Quyết định số 2704/QĐ-UBND.
- Mục tiêu của Quy hoạch là: Xây dựng đội ngũ nhân lực tỉnh Quảng Ninh có quy mô, cơ cấu, chất lượng nhân lực cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện hội nhập và phát triển mạnh mẽ; là một địa phương có nguồn nhân lực chất lượng cao đảm bảo tính chuyên nghiệp và đẳng cấp quốc tế, đáp ứng hội nhập quốc tế và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước; có kết cấu hạ tầng, cơ sở đào tạo chuyên nghiệp có khả năng đào tạo nghề đồng bộ, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc gia và khu vực; có điều kiện, năng lực liên kết, liên doanh với các cơ sở đào tạo hàng đầu trong nước và quốc tế.

6. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030:
+ Quy hoạch do Viện Chiến lược Chính sách Khoa học Công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ là đơn vị tư vấn có uy tín đẳng cấp quốc gia lập, triển khai từ tháng 2/2012 đến tháng 6/2014 với 17 cuộc họp, hội thảo được tổ chức để lấy ý kiến tham gia.
+ Ngày 2/6/2014, UBND tỉnh đã phê duyệt tại Quyết định số 1109/QĐ-UBND.
+ Mục tiêu của Quy hoạch: Phấn đấu đưa khoa học và công nghệ trở thành nền tảng và động lực then chốt trong tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, góp phần đảm bảo tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của tỉnh đạt 12–13% giai đoạn 2011–2020. Xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh tiên tiến trong vùng đồng bằng sông Hồng về khoa học và công nghệ vào năm 2020.

7. QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT ĐẾN NĂM 2020 VÀ KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT 5 NĂM ĐẦU (2011-2015) TỈNH QUẢNG NINH:
+ Quy hoạch này do tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo triển khai lập theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình triển khai tổ chức lập quy hoạch đã được sự tham gia rất trách nhiệm và tâm huyết của các Bộ, Ngành Trung ương có liên quan, nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường.
+ Ngày 7/02/2013, Quy hoạch này đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 22/NQ-CP.

Gần 1 thập kỷ kiên trì thực hiện không gian phát triển một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá” đã cho Quảng Ninh lời giải thấu đáo về vấn đề mẫu thuẫn và thách thức được nhìn nhận từ 10 năm trước. Tỉnh đã đang từng bước hóa giải được mâu thuẫn, xung đột giữa khai thác than, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển công nghiệp với phát triển du lịch, dịch vụ cùng trên một địa bàn, cùng một không gian phát triển. Đó là mâu thuẫn giữa công nghiệp hóa, đô thị hóa được đẩy mạnh, đẩy nhanh với yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái. Đó là mâu thuẫn giữa phát triển bền vững với hóa giải thách thức của các an ninh phi truyền thống, nhất là biến đổi khí hậu.

Quảng Ninh hôm nay hiện đại, quy củ, ngăn nắp, sạch sẽ, là nơi giao thoa vẻ đẹp thiên nhiên, con người, văn hóa trong xu thế hội nhập và phát triển. Đô thị xanh, sạch đẹp, nông thôn, miền núi, hải đảo là những miền quê đáng sống. Kinh tế - Xã hội phát triển đột phá, đạt được những thành tựu toàn diện, là một địa phương luôn nằm trong top dẫn đầu của cả nước, với mức tăng trưởng GRDP trong 10 năm qua luôn đạt trên 10%. Các chỉ số đo lường năng lực cạnh tranh cấp tỉnh như PCI, PAPI liên tục giữ vị trí quán quân nhiều năm liền. Sự phát triển của nền kinh tế chuyển hướng hoàn toàn từ “nâu” sang “xanh”. Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông lột xác ngoạn mục. Từ địa bàn không đường cao tốc, không sân bay, không cảng biển quốc tế trở thành một địa phương hội tụ đủ những yêu cầu về hạ tầng giao thông hiện đại nhất, hiện thực hóa những ý tưởng, khát vọng lớn trở thành một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc, cánh cửa mở, cửa ngõ đối trọng xứng tầm của ASEAN với Trung Quốc.

Câu chuyện các nhà đầu tư “chê” Quảng Ninh chỉ có công nghiệp khai thác than ô nhiễm môi trường nay đã trở thành quá khứ. Quảng Ninh hôm nay có quyền “kén chọn” những nhà đầu tư thực sự tầm cỡ, những nhà đầu tư biết đồng hành cùng tỉnh trong hành trình phát triển xanh.

Còn nhớ sau Đại hội X của Đảng, nền kinh tế trong nước rơi vào tình trạng thoái trào do sự suy thoái chung của kinh tế thế giới. Sự co cụm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư là một hiện thực. Trong bối cảnh ảm đạm đó, có một Quảng Ninh năng động, thổi bùng lên bằng những khát vọng mới.

Đó là lần đầu tiên tỉnh tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô tầm cỡ quốc gia và quốc tế với sự tham gia của hơn 500 nhà đầu tư trong và ngoài nước; xây dựng Đề án phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; Xây dựng Đề án thành lập Khu Kinh tế đặc biệt Vân Đồn tham vấn ý kiến các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, học giả, nhà khoa học trong và ngoài nước, nhân dân toàn tỉnh; Xây dựng Đề án 25 về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy biên chế; sắp xếp, tổ chức, thành lập, vận hành một số mô hình hoạt động mới phù hợp với yêu cầu đổi mới và đột phá của tỉnh.

Hơn 10 năm kiên trì thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển theo chiều sâu, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột: thiên nhiên, con người, văn hóa kết hợp với tận dụng xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập, cơ hội mới và công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại và tham gia sâu rộng, có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Tái cơ cấu nền kinh tế; giải quyết đồng bộ và có hiệu quả các mâu thuẫn, thách thức nhằm đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa - đô thị hóa; kết hợp chặt chẽ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp; lấy Đảng bộ và chính quyền làm vai trò kiến tạo, lấy người dân làm chủ thể, doanh nghiệp làm động lực, đã cho Quảng Ninh quả ngọt của đổi mới và đột phá.

Điều gì quan trọng, bao trùm nhất làm nên một Quảng Ninh hôm nay và tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực, quốc tế trong 10, 15 năm tới?

Con người ở đây chính là hệ thống chính trị của tỉnh, với vai trò kiến tạo phát triển. Hệ thống thể chế địa phương hướng vào cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; xây dựng lộ trình để giảm dần khai thác than gắn với phục hồi môi trường, hoàn thổ những mỏ phải đóng cửa; tính toán “đầu ra” cho doanh nghiệp, lao động, người dân chuyển đổi ngành nghề; kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn khuyến khích doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển các ngành kinh tế thân thiện môi trường, vừa giải quyết bài toán tăng trưởng, vừa giải quyết lao động, việc làm cho lao động chuyển đổi ngành nghề, nhất là dựa trên lợi thế phát triển du lịch, dịch vụ và các ngành công nghiệp thâm dụng khoa học, công nghệ; tuyên truyền, giáo dục toàn dân trong công cuộc chuyển đổi, không chỉ đáp ứng chuyển đổi sinh kế, nghề nghiệp mà cả văn hóa, lối sống từ làm thợ mỏ sang làm du lịch, làm công nghệ cao, trong đó có yêu cầu tiếp cận văn minh sinh thái; cơ cấu lại các cộng đồng cư dân làng chài gắn với giải quyết sinh kế để tăng cường khả năng bảo vệ môi trường sinh thái cho vịnh Hạ Long; đầu tư nhà nước hướng tập trung vào các khâu có tính đột phá để dẫn dắt tư nhân đầu tư mở mang phát triển các lĩnh vực thân thiện môi trường, mở ra các hành lang kinh tế ‘xanh” thay thế cho các hành lang kinh tế “nâu” trước đó; thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển kinh tế tuần hoàn để tiết kiệm tài nguyên, hạn chế phát thải, gây ô nhiễm ra môi trường ...

Đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, TP Hạ Long là trục đường di sản, cảnh quan đẹp nhất Quảng Ninh thời điểm hiện tại.

Lựa chọn phát triển xanh ở Quảng Ninh tiếp tục diễn ra trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Với:

Dịch vụ tổng hợp hiện đại

Dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Quảng Ninh là đầu tầu du lịch của cả nước, địa điểm hấp dẫn du khách quốc tế với các chỉ số “xanh”, an toàn, sạch, đẹp; tiêu chuẩn hóa về mặt bảo vệ môi trường sinh thái trong tất cả các khâu dịch vụ du lịch.

Công nghiệp “xanh”

Công nghiệp “xanh”, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn; công nghiệp năng lượng thân thiện với môi trường (phấn đấu là một trung tâm điện gió của phía Bắc). Phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng điểm là ngành Than góp phần bảo đảm an ninh năng lượng theo quy hoạch. Xác định rõ lộ trình đóng cửa, hoàn thổ các mỏ gắn với trả lại môi trường “xanh”.

Hệ thống xử lý nước thải tập trung tại KCN Cảng biển Hải Hà.

Kinh tế biển “xanh”

Kinh tế biển “xanh”, từ các ngành khai thác, chế biến hải sản bảo đảm an toàn, văn minh, chống đánh cá tận diệt, đánh cá trái phép gắn với bảo vệ ngư trường, môi trường biển đến phát triển các ngành logistics có giá trị bổ sung cho giá trị tăng trưởng “xanh”.

Mô hình nuôi cá bán tự nhiên trong lồng bè tại thị trấn Cái Rồng.

Nông nghiệp sinh thái

Nông nghiệp sinh thái, theo phương châm không đánh đổi suy thoái, tổn hại môi trường cho năng suất, mà hướng vào giá trị, nhất là các giá trị tài nguyên bản địa, đa dạng sinh học, bản sắc văn hóa, tạo môi trường cho phát triển du lịch canh nông, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh. Phát triển đô thị “xanh” gắn kết chặt chẽ, hài hòa với phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn văn minh, phát triển kinh tế tuần hoàn.

Thiên đường hoa Quảng La phát triển theo hướng mô hình du lịch sinh thái

Thực hiện: Lan Hương - Thu Chung

Kỹ thuật đồ họa: Đỗ Quang


Vùng đất hạnh phúc
Hơn mười năm qua, Quảng Ninh đã có sự phát triển không ngừng, trở thành đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội của khu vực phía Bắc.
Đổi mới phương thức lãnh đạo, tăng cường kiểm soát quyền lực
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta".