20
18
/
1100448
Tiếp nối niềm hạnh phúc đến trường
longform
Tiếp nối niềm hạnh phúc đến trường

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, hôm nay, ngày 14/2, toàn bộ học sinh của Quảng Ninh bắt đầu quay trở lại trường học. Mặc dù số lượng F0 cả nước vẫn tăng từng ngày, nhiều nơi cho học sinh học trực tuyến, nhưng học sinh Quảng Ninh vẫn vững tin tới trường. Bởi lẽ 2 năm qua, Quảng Ninh đã khẳng định được sự hiệu quả trong công tác phòng chống dịch, đảm bảo môi trường an toàn cho học sinh. Gia đình, nhà trường, xã hội từ miền núi đến miền xuôi, từ nông thôn đến thành thị đã luôn thiết lập cơ chế phối hợp tích cực, chặt chẽ để nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng chống dịch. Đặc biệt là việc tiêm vắc xin cho trẻ 12-17 tuổi, chủ động test nhanh tại nhà, hay việc quản lý, theo dõi sức khỏe học sinh một cách chủ động, chặt chẽ, có hệ thống… đã tạo được “lá chắn” chống dịch hiệu quả trong nhà trường. Những điều đó đã mang đến cho các em học sinh niềm vui, niềm hạnh phúc tới trường.

Chủ nhật, ngày 19/12/2021, khi nhận được tin hai em Nguyễn Vân Trang, Nguyễn Hữu Hiệp được bố mẹ test nhanh tại nhà cho kết quả dương tính, cô giáo Nguyễn Thị Lưu, giáo viên chủ nhiệm lớp 4A6, Trường Tiểu học Quang Trung, TP Hạ Long ngay lập tức thông báo lên zalo của nhóm lớp để tất cả phụ huynh nắm được. Các phụ huynh của lớp 4A6 tuy có chút lo lắng, hồi hộp song ai nấy đều nhanh chóng kiểm tra sức khỏe của con em mình, chủ động test nhanh cho cả gia đình. Cô giáo Nguyễn Thị Lưu, xúc động kể lại: Thời điểm đó, zalo nhóm lớp cứ tinh tinh liên tục. Bản thân tôi cũng rất lo cho sức khỏe các học trò của mình vì các em còn nhỏ, chưa được tiêm vắc - xin Covid-19. Cứ vài hôm, lại có 1-2 em trở thành F0. Lớp có 46 bạn mà đến ngày 15/1 có tới 19 học sinh F0, còn 27 em F1. Thế nhưng, dù là F0 hay F1 thì các em vẫn không nghỉ một buổi học nào. May mắn là sức khỏe của các em đều ổn định. Phụ huynh mang cả bàn, sách vở, máy tính bảng, điện thoại thông minh vào bệnh viện để con có thể học trực tuyến, không bị hổng kiến thức.

Phụ huynh học sinh hỗ trợ các con học trực tuyến.

Cũng theo cô Lưu, giữa tháng 1, khi các bạn F1 hết thời gian cách ly học ở nhà, thì lớp cũng ngay lập tức kết hợp linh hoạt học trực tuyến kết hợp trực tiếp. Các bạn F0 chưa thể đến trường ngay thời điểm đó cũng được học đồng thời với học sinh trên lớp. Anh Nguyễn Trung Ngọc, khu 8, phường Hồng Hải, phụ huynh của em Nguyễn Ngọc Minh Quang, lớp 4A6, Trường Tiểu học Quang Trung chia sẻ: Ngày 19/12, khi cô giáo thông báo lớp có 1 bạn nghi nhiễm Covid-19, tôi đã ngay lập tức test nhanh cho cháu Quang cả 2 lần đều cho kết quả dương tính, Sau đó, thì gia đình tôi có thêm 2 người cũng trở thành F0. Nhờ sự quan tâm, hỏi han nhiệt tình của cô giáo chủ nhiệm và cô hiệu trưởng, cháu nhà tôi vẫn được tiếp thu những kiến thức mới thông qua hình thức học trực tuyến. Hiện nay, sức khỏe cháu đã ổn định và cháu rất háo hức được đến trường học trực tiếp cùng các bạn.

Anh Nguyễn Trung Ngọc test nhanh cho con.

Câu chuyện của lớp 4A6, Trường Tiểu học Quang Trung chỉ là một lát cắt về những nỗ lực, khó khăn, ảnh hưởng của đại dịch đến ngành giáo dục trong suốt 2 năm qua. Nhưng qua đó cũng phần nào phản ánh được sự chủ động, sự cố gắng, sự phối kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội, nhằm thực hiện mục tiêu cao nhất là đảm bảo sức khỏe, an toàn cho tất cả học sinh. Rất nhiều phụ huynh nhờ chủ động test nhanh, tầm soát định kỳ, thường xuyên cho con tại nhà mà đã kịp thời phát hiện con em mình bị lây nhiễm. Tại từng lớp, nhờ chủ động phòng chống dịch với các biện pháp thiết thực nên ổ dịch chỉ khoanh vùng trong lớp, không lây lan rộng ra phạm vi toàn trường.

Cô giáo Vũ Thị Hoàng Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung cho biết:
Từ đầu năm học 2021-2022, dù thành phố Hạ Long vẫn liên tục có hàng chục ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày tuy nhiên nhiều học sinh Trường Tiểu học Quang Trung, TP Hạ Long vẫn có cơ hội được đến trường để học trực tiếp, đảm bảo chương trình học kỳ 2 không bị gián đoạn. Để đảm bảo an toàn, đảm bảo sức khỏe cho học sinh khi đi học, nhà trường đã siết chặt việc thực hiện nghiêm quy định 5K, đặc biệt là việc đeo khẩu trang của học sinh, giáo viên. Hạn chế tối đa việc di chuyển, tiếp xúc, tổ chức tập trung đông người nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm giữa các lớp học. Ban giám hiệu nhà trường còn điều chỉnh, bố trí, sắp xếp giảm tải các công việc kiêm nhiệm cho nhân viên y tế học đường, từ đó tập trung vào công tác phòng chống dịch, công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Qua đó, chủ động lên kế hoạch, tham mưu cho trường chuẩn bị sẵn sàng các phương án nhân lực, vật lực, đáp ứng các tình huống dịch bệnh ở các cấp độ.

Không phải ngẫu nhiên mà 2 năm qua, giáo dục Quảng Ninh luôn vững vàng trong đại dịch. Đặc biệt, năm 2021, trong làn sóng dịch thứ 4, Quảng Ninh là 1 trong số ít các địa phương trên cả nước mà toàn thể thầy cô giáo và học sinh được hưởng trọn niềm vui, niềm hạnh phúc đến trường ngay từ đầu năm học mới, đáp ứng mong mỏi của học sinh, phụ huynh và toàn xã hội. Đây là kết quả của các quyết sách sáng tạo, khoa học, quyết đoán, tỏ rõ bản lĩnh của người đứng đầu từ tỉnh đến cơ sở, theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, dự phòng, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở.

Xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho học sinh.

Tỉnh Quảng Ninh cũng xác định học sinh là 1 trong những đối tượng được bảo vệ trọng điểm trong đại dịch. Ở từng thời điểm, tỉnh đã chỉ đạo ngành giáo dục đào tạo, y tế và UBND các địa phương có phương án, giải pháp cụ thể cho học sinh, sinh viên đi học bảo đảm tuyệt đối an toàn, chu đáo; tăng cường tối đa, toàn diện chức năng y tế học đường đảm bảo quản lý, theo dõi sức khỏe học sinh một cách chủ động, chặt chẽ, có hệ thống; tổ chức dạy và học có trọng tâm, trọng điểm; thiết lập cơ chế phối hợp, kênh liên lạc 24/7 chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Đặc biệt, với chiến lược vắc xin chủ động, thần tốc, đi trước, làm trước, tuyệt đối an toàn, Quảng Ninh đạt tỷ lệ bao phủ cao và sớm nhất trong cả nước. Trong đó, 99,62% học sinh từ 12-17 tuổi đã tiêm mũi 1 vắc - xin phòng Covid-19. Tỷ lệ trẻ 12-17 tuổi tiêm mũi 2 cũng đạt trên 97%. Em Lê Gia Khánh, lớp 8A2, Trường THCS Lê Văn Tám, TP Hạ Long tự tin nói: Em đã hoàn thành 2 mũi vắc xin Covid-19. Giờ đây, chúng em đã yên tâm hơn khi đến trường. Em nghĩ lá chắn Covid-19 ở trường học chỉ được tạo ra khi chúng em được tiêm chủng đủ liều và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch. Qua đó, giúp chúng em đến trường an toàn, qua đó, hoàn thành khung chương trình năm học.

Học sinh ở TP Móng Cái tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Cùng với cơ hội được đến trường học trực tiếp, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp hiện nay cũng là cơ hội để ngành Giáo dục toàn tỉnh tiếp tục tận dụng nền tảng CNTT được trang bị sẵn có, đẩy mạnh chuyển đổi số, tìm ra những giải pháp mới để ngăn ngừa, giữ vùng xanh an toàn cho môi trường học đường. Có thời điểm, một số địa phương phải cho học sinh tạm dừng đến trường để bảo đảm công tác phòng, chống dịch thì việc dạy học trực tuyến, qua truyền hình là giải pháp cần thiết giúp các em không quên kiến thức, duy trì nền nếp học tập. Bảo đảm hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền. Em Nguyễn Như Quỳnh, lớp 9A8, Trường THCS Nguyễn Trãi, TP Uông Bí chia sẻ: Trước Tết Nguyên Đán, lớp chúng em phải học trực tuyến vì thành phố Uông Bí khi đó thuộc vùng cam, cấp độ 3. Dù học trực tuyến nhưng chúng em vẫn hiểu bài. Cô giáo chúng em thường xuyên sử dụng hình ảnh, video minh họa, tổ chức các trò chơi qua các phần mềm hỗ trợ để tăng tính chủ động cho học sinh.

Đảm bảo chất lượng dạy và học kể cả trên học trực tuyến.
Cô giáo Lê Thị Thanh Xuân, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi, TP Uông Bí nói:
Dù học trực tuyến hay trực tiếp, chất lượng bài giảng vẫn được các thầy, cô giáo, các nhà trường của thành phố quan tâm, đảm bảo triển khai nội dung học kỳ II theo đúng tiến độ chương trình, đúng, đủ nội dung kiến thức cơ bản của các khối lớp. Với học trực tuyến, ngay khi vào tiết học, giáo viên phải điểm danh từng em để ổn định nền nếp. Học sinh đều phải bật camera trong suốt buổi học. Giáo án giáo viên chuẩn bị cũng phù hợp với từng đối tượng học sinh trực tuyến, đảm bảo việc học tập của các em không bị gián đoạn.

Nhờ giữ vững địa bàn an toàn, cùng những chính sách phù hợp được ban hành cho giáo dục, trong 2 năm học vừa qua, thầy và trò tại các trường học trong tỉnh đã có cơ hội để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Đồng thời, đổi mới phương pháp giáo dục theo chuẩn kiến thức kỹ năng, nhằm phát huy tư duy sáng tạo, tích cực của học sinh, đảm bảo học thật, thi thật. Qua đó, tạo chuyển biến, đột phá trong giáo dục mũi nhọn, giáo dục đại trà, lập nên những dấu mốc mới tại các cuộc thi, kỳ thi cấp quốc gia, quốc tế trong suốt 2 năm qua.

Theo đó, toàn tỉnh có 646 cơ sở giáo dục với trên 335.000 trẻ mầm non và học sinh các cấp học. Cơ sở vật chất trường học không ngừng được đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia ở các cấp học đến nay đạt 555/632 trường, đạt tỷ lệ 87,81%. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo là 99,58%, tăng 19% so với năm 2015. Thi tốt nghiệp THPT năm 2021, điểm trung bình của học sinh Quảng Ninh đạt 6,29, xếp thứ 36/63 tỉnh, thành, tăng 14 bậc so với năm trước. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2021 đạt 97,4%, cao hơn năm trước 1,1%. Toàn tỉnh có 1.682 thí sinh trúng tuyển vào Trường đại học Hạ Long, gấp 1,44 lần so với năm 2020.

Nguyễn Hoàng Khánh, học sinh Trường THPT Bạch Đằng (TX Quảng Yên) xuất sắc đoạt ngôi vị quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21.

Tại vòng Chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2021, em Nguyễn Hoàng Khánh, Trường THPT Bạch Đằng, TX Quảng Yên cũng xuất sắc đoạt ngôi vị quán quân, dành học bổng 40 nghìn USD, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương có 3 thí sinh vô địch chung kết năm Olympia, nhiều nhất trong cả nước, sau 21 lần tổ chức. Tại Kỳ thi Quốc tế về khoa học đời sống được tổ chức tại Indonesia, Đội thi của Trường THPT Chuyên Hạ Long xuất sắc giành được huy chương đồng chung cuộc.

Em Ngô Minh Long, Trường THPT Hòn Gai đoạt giải nhất tại Cuộc thi Olympic quốc tế tiếng Pháp.

Cuộc thi Olympic quốc tế tiếng Pháp lần thứ nhất có sự tham gia của 100 thí sinh, đến từ 23 quốc gia, 4 châu lục, em Ngô Minh Long, lớp 12 B5, Trường THPT Hòn Gai là 1 trong 5 thí sinh đại diện dự thi của Việt Nam cũng đã xuất sắc đoạt giải nhất phần thi cá nhân, theo hình thức thi viết mức độ B1. Em Nguyễn Viết Hưng – Nguyễn Thành Long (Trường THPT Hòn Gai, TP Hạ Long) đoạt giải nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2020-2021.

Em Đặng Tài Nam, thành viên Đội thi của Trường THPT Chuyên Hạ Long đoạt huy chương đồng tại Kỳ thi Quốc tế về khoa học đời sống năm 2021 chia sẻ:
Chúng em có được kết quả cao như vậy một phần lớn là sự dạy dỗ tận tình của các thầy cô, môi trường giáo dục của tỉnh an toàn, qua đó chúng em có cơ hội để tự tin chinh phục những ước mơ lớn.

Dù đạt nhiều kết quả đáng mong đợi và mở ra nhiều cơ hội mới, nhưng toàn ngành giáo dục vẫn đứng trước không ít khó khăn thách thức. Theo Sở GD&ĐT, lũy kế từ ngày 01/11/2021 đến ngày 09/02/2022, toàn ngành giáo dục có 1.926 F0 là giáo viên, học sinh (chiếm tỷ lệ 13,45% tổng số ca nhiễm toàn tỉnh). Trong đó, có 1.859 học sinh. Các địa phương có số giáo viên, học sinh mắc COVID-19 cao là: Hạ Long, Đông Triều, Uông Bí, Cẩm Phả. Đặc biệt, thời điểm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, số ca nhiễm COVID-19 đang có dấu hiệu tăng mạnh, nhất là đối với trẻ em mầm non, học sinh tiểu học (nhóm đối tượng chưa được tiêm vắc - xin phòng Covid-19).

Các trường học, cơ sở giáo dục huy động giáo viên, nhân viên tổng vệ sinh, khử khuẩn phòng học, trường lớp, chuẩn bị các điều kiện an toàn để đón học sinh quay lại trường sau kỳ nghỉ Tết.

Đứng trước bối cảnh đó, sau Tết Nguyên đán, toàn ngành giáo dục khẩn trương tổ chức dọn vệ sinh, khử khuẩn, tiêu độc phù hợp, linh hoạt tại các phòng học, phòng chức năng, các trang thiết bị đồ dùng dạy học (đồ chơi đối với mầm non), khuôn viên nhà trường… trước khi cho trẻ em mầm non, học sinh, học viên học trực tiếp trở lại. Tiến hành vệ sinh các khu vực rửa tay, nhà vệ sinh, bổ sung kịp thời xà phòng, dung dịch sát khuẩn và các vật dụng cần thiết khác phục vụ công tác phòng, chống dịch. Bố trí phòng cách ly tạm thời, phòng y tế đảm bảo theo quy định, tổ chức hiệu quả công tác tư vấn tâm lý học đường; đảm bảo các điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, trẻ em, học sinh, học viên trở lại làm việc, học tập sau kỳ nghỉ Tết.

Tủ thuốc của các nhà trường được trang bị đầy đủ phục vụ công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho học sinh.
Bà Lê Thị Lan, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT TP Cẩm Phả cho biết:
Phòng đã yêu cầu các cơ sở giáo dục xây dựng phương án cụ thể bảo đảm an toàn khi trẻ em, học sinh, học viên trở lại trường học, đảm bảo 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và trẻ em mầm non, học sinh, học viên trong toàn ngành giáo dục thành phố được test nhanh Covid-19 ngay sát thời điểm trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Trong tuần học đầu tiên sau thời gian nghỉ tết Nguyên đán, các cơ sở giáo dục tăng tỷ lệ tầm soát Covid-19, đồng thời khuyến khích cha mẹ học sinh thực hiện test nhanh cho con em mình tối thiểu 02 lần/tuần để phòng bệnh từ xa, từ sớm; thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, tuyệt đối không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trong trường học.
Phụ huynh test nhanh cho con trước ngày quay trở lại trường.

Theo Sở GD&ĐT, trong những ngày đầu học sinh quay lại học trực tiếp, các cơ sở giáo dục cần dành lượng thời gian phù hợp để học sinh làm quen trở lại với việc học trực tiếp. Tổ chức các hoạt động để tạo hứng thú và trạng thái thoải mái cho trẻ em, học sinh, học viên tới trường. Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn học sinh, học viên kiến thức và nguyên tắc cần tuân thủ trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa các học sinh trong lớp học; tuyệt đối không được để xảy ra việc kỳ thị đối với các trường hợp không may bị F0. Tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh. Tổ chức việc kiểm tra, đánh giá định kỳ theo hình thức trực tiếp tại trường cần được thực hiện sau một thời gian học sinh đã được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức.

Học sinh được hướng dẫn kỹ năng thiết yếu để chủ động bảo vệ bản thân khỏi dịch bệnh.

Việc đan xen giữa cơ hội và thách thức được cho là phép thử giúp ngành Giáo dục Quảng Ninh biến nguy thành cơ, từ đó tiếp tục thực hiện mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Trong hoàn cảnh khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19 chưa biết lúc nào là điểm dừng, các nhà trường càng cần quyết tâm hơn, đảm bảo học thật, thi thật, kết quả thật, tránh căn bệnh thành tích trong giáo dục, tiếp tục tạo môi trường sư phạm lành mạnh. Bảo đảm cho mỗi học sinh được an toàn sức khỏe trong mỗi gia đình là yếu tố quyết định. An toàn sức khỏe khi đến trường và học tập, rèn luyện trong môi trường nhà trường là cơ bản. Học sinh phải được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng về phòng chống dịch để tự bảo vệ sức khỏe bản thân, kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát và hỗ trợ y tế.


Thực hiện: Lan Anh - Bảo Bình

Kỹ thuật đồ họa: Mạnh Hà