20
240
/
1100285
Tiên Yên - Vơi đầy một miền ký ức
longform
Tiên Yên - Vơi đầy một miền ký ức

Trong các địa phương miền Đông của tỉnh Quảng Ninh, huyện Tiên Yên nằm ở vị trí trung tâm và người ta thường gọi nơi ấy là Ngã ba miền Đông Bắc. Tiên Yên hôm nay đã thực sự thay da đổi thịt qua những thăng trầm lịch sử. Sự chuyển mình của vùng đất này càng làm cho người Tiên Yên và những người từng gắn bó với Tiên Yên, thao thức với ký ức khó khăn gian khổ nay đã mãi xa rồi.

Tiên Yên là một vùng đất phong cảnh hữu tình, được thiên nhiên ban tặng những ưu đãi, một miền núi non kỳ vĩ, một bờ biển tươi đẹp, một vùng đồng bằng trù phú. Đây là địa bàn cư trú lâu đời của 13 dân tộc anh em với những bản sắc văn hóa đặc sắc. Không chỉ vậy, Tiên Yên còn hiện hữu cái tình người sâu nặng, đủ nhắc nhớ cho những ai từng gắn bó nay đã chia xa Tiên Yên một miền ký ức vơi đầy.

“Đồng bào các dân tộc Tiên Yên đang ra sức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa” Nghệ nhân ưu tú LỶ A SÁNG

Ngay từ nhỏ tôi đã có đam mê và yêu thích những nghi lễ truyền thống của dân tộc mình. Nhờ chịu khó tham gia các buổi lễ, những câu hát, điệu nhảy cứ thế đi vào tâm trí tôi lúc nào chẳng hay. Thời gian chiến tranh ác liệt đã làm gián đoạn nghi lễ, tưởng như mai một, tuy nhiên, sau khi hòa bình được lập lại, tôi từng bước luyện tập, sưu tầm tài liệu với mong muốn phục dựng văn hóa dân tộc mình. Năm 1986, tôi tìm đến nhà già làng Nình A Hồ, thôn Khe Lục, xã Đại Dực, xin để được theo già học hát múa các nghi lễ dân tộc mình. Phải mất đến 3 năm, tôi mới thành thạo và bắt đầu tham gia thực hành các nghi lễ cho dân làng. Từ đó, tôi được các cụ trong làng tin tưởng và giao cho chủ trì nhiều nghi lễ quan trọng của người Sán Chỉ. Các lễ hội là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, tích hợp nhiều yếu tố văn hoá đặc trưng của tộc người Sán Chỉ trên địa bàn huyện Tiên Yên, như các phong tục tập quán, nghi thức thờ tự, âm nhạc, ca, múa, mỹ thuật, nên mang nhiều yếu tố tâm linh. Làm lễ cầu mùa cũng như nhiều lễ hội khác, tôi mong muốn xin trời đất cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, muôn loài được sinh sôi nảy nở, cuộc sống an lành ấm no hạnh phúc, giúp cho người dân yên tâm hơn khi bắt tay vào lao động sản xuất. Các lễ hội dân gian, nghi lễ cầu an, cầu mùa nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần, đồng thời tạo cơ hội sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, làm gia tăng tính cố kết cộng đồng các dân tộc Tiên Yên.

Nghệ nhân Lỷ A Sáng (thứ 2 từ trái sang) làm Lễ cầu mùa tại Lễ hội Mùa vàng vùng cao Đại Dực huyện Tiên Yên năm 2020.

Từ năm 2015, tôi mở lớp học miễn phí tại nhà để truyền dạy cho người dân muốn học các bước tiến hành nghi lễ, dạy chữ Nôm, cách trình diễn dân gian. Chúng tôi truyền dạy cách nói tiếng Sán Chỉ, chữ Nôm của người Sán Chỉ Tiên Yên cách hát soóng cọ cho lớp trẻ, để giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc mình. Tôi đã truyền dạy chữ nho, điệu múa, hát được cho 7 người là con, cháu trong gia đình. Các học viên của tôi sau này thành diễn viên quần chúng đã nhiều lần biểu diễn trong các lễ hội văn hoá của xã, giao lưu trong huyện, tỉnh. Họ cũng chính là những hạt nhân nòng cốt trong việc tích cực vận động người dân xã xoá bỏ các hủ tục trong ma chay, cưới xin, sống theo nếp sống mới tiến bộ, văn minh cho xã Đại Dực nói riêng và huyện Tiên Yên nói chung.

Nghệ nhân Lỷ A Sáng, còn có tên khác là Lỷ Minh Sáng, sinh năm 1950, ở thôn Phài Giác, xã Đại Dực huyện Tiên Yên. Sinh ra trong gia đình có nhiều đời làm thầy cả nên từ nhỏ ông đã được tiếp xúc với các nghi lễ văn hóa của người Sán Chỉ. Không chỉ truyền dạy tri thức văn hóa dân gian, ông Lỷ A Sáng còn giữ gìn và lưu truyền nhiều làn điệu dân ca dân vũ của người Sán Chỉ. Với những thành tích đạt được, năm 2014, già làng Lỷ A Sáng đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian Việt Nam” vì đã có công thực hành truyền dạy nghi lễ cầu mùa, cầu an của đồng bào Sán Chỉ. Năm 2015, ông được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Gần đây, nghệ nhân Lỷ A Sáng còn giúp ngành văn hoá, đã tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng lễ cầu mùa theo nguyên gốc. NNƯT Lỷ A Sáng có đóng góp không nhỏ trong việc góp phần phát huy và gìn giữ giá trị văn hóa phi vật thể của người Sán Chỉ ở Quảng Ninh.

Ở Tiên Yên hiện nay, có nhiều người vẫn thích gọi trấn lỵ Tiên Yên là Phố Cũ. Họ là những con người hoài cổ, đang ở Tiên Yên mà luôn nhớ Tiên Yên. Họ nhớ một trấn lỵ Tiên Yên xưa với sự pha trộn giữa kiến trúc của người Hoa và người Pháp, nhớ từng ngôi nhà ống chỉ 2 tầng, mái ngói thâm nâu, từng góc phố mái nhà, ngói đất nung lợp âm dương đã ngả màu thời gian, tường vôi tróc lở. Nhớ những dãy phố theo ô bàn cờ gọn ghẽ. Phố chẳng có vỉa hè.
Thời gian có chảy trôi, nhưng lòng người thì không thay đổi. Cái mới không thể xóa nhòa được một Tiên Yên rất xưa cũ. Tiên Yên vẫn là Tiên Yên của hồn xưa nét cũ. Ít nhất, điều đó luôn tồn tại trong tâm trí những người yêu mến và gắn bó với Tiên Yên.

“Tiên Yên là tình yêu, là cuộc sống của tôi” Thiếu tá HÀ TRUNG TUẤN, nguyên Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bình Liêu

Năm đó, tôi là một trong những người lính thuộc Sư đoàn bộ đội chủ lực thừa lệnh của Bộ Quốc phòng tiến về tiếp quản vùng Đông Bắc. Giây phút đoàn quân chúng tôi đi giữa phố Tiên Yên vào buổi sáng hôm ấy mãi là kỷ niệm không thể quên. Trung đoàn hơn 1.000 người, được chia làm 3, hành quân từ Đình Lập (Lạng Sơn) về Tiên Yên, vừa đi vừa hô các khẩu hiệu tuyên truyền cách mạng. Lúc đó, ai trong chúng tôi cũng hừng hực khí thế sẵn sàng bắt tay vào việc tái thiết huyện. Vượt qua hàng rào dây thép gai của Pháp đầu đoạn Yên Than, đoàn quân hùng dũng tiến vào khu vực Trung tâm. Thấy bộ đội hành quân vào, người già lẫn trẻ nhỏ đều ùa hết xuống đường, xuống phố để hoà chung vào không khí náo nức ngày tiếp quản. Quân ta đi đến đâu nhân dân reo hò đến đó. Khắp nơi trong khu vực thị trấn và các vùng lân cận như Tiên Lãng, Khe Tù, Lò Vôi… phấp phới rừng cờ, biểu ngữ bay phần phật trong nắng thu, làm cho cuộc tuần hành của lực lượng dân quân, bộ đội và người dân địa phương thêm phần hừng hực khí thế cách mạng. Đúng 12 giờ trưa ngày 8/8/1954, trước sự chứng kiến của hàng ngàn người dân và sự giám sát của Tổ quốc tế kiểm soát đình chiến tại Tiên Yên, những đơn vị lính Pháp cuối cùng đã làm lễ cuốn cờ rút khỏi mảnh đất mà chúng chiếm đóng, thay vào đó là lá cờ đỏ sao vàng. Nhìn lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh bay trong ngày tháng 8 lịch sử, các đồng chí đảng viên lão thành lẫn người dân địa phương đều rơi nước mắt vì vui sướng.

Thiếu tá Hà Trung Tuấn thời trai trẻ.

Khi ấy, Tiên Yên còn là vùng đất “tranh tối, tranh sáng”. Người dân đa phần đều chưa hiểu thế nào là cách mạng. Bởi trước đó họ chỉ sống dưới chế độ thực dân Pháp. Lúc này nhiệm vụ của những người lính chúng tôi ngoài tiếp quản lại vùng đất từ tay quân đội Pháp, còn phải làm công tác dân vận, để người dân hướng về Đảng, tin tưởng vào Đảng và Bác Hồ, rồi một lòng đi theo Đảng. Mặt khác bộ đội còn phải chống chọi với bọn thổ phỉ sống lẩn khuất trong rừng, thậm chí cả trong cộng đồng người dân. Bọn thổ phỉ ám sát cán bộ ta và cũng tuyên truyền mạnh hòng mị dân chống lại Đảng, đe dọa khi người dân theo cách mạng. Cuộc chiến những ngày đầu tiếp quản Tiên Yên không chỉ đòi hỏi lòng dũng cảm, mà còn cần sự khôn khéo linh hoạt của cán bộ, bộ đội để được lòng nhân dân. Cán bộ vác gạo chia cho dân cứu đói và giúp dân làm nhiều công việc khác. Chỉ đến khi người dân cùng bảo nhau: “Bộ đội Cụ Hồ tốt thật” thì khi đó coi như ta đã chiến thắng. Thời Tiên Yên mới tiếp quản đời sống của người dân thiếu thốn cực khổ cả về vật chất lẫn tinh thần. Người dân bị chế độ thực dân và phong kiến áp bức, nhiều nơi còn nặng nề các hủ tục mê tín dị đoan. Người ốm đau bệnh tật phổ biến. Ngay cả khi trời nắng hạn người ta cũng mời thày mo đến cúng. Trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tệ tảo hôn cũng rất phổ biến. Con trai người dân tộc thiểu số và kể cả người Kinh khi làm đám cưới, nhà trai cũng phải có hàng trăm cân thịt, gạo hay hàng trăm đồng bạc trắng mới cưới được vợ. Con trai Dao còn có quyền bán vợ.

Đó là chuyện của ngày xưa, còn ngày nay những hủ tục lạc hậu đó đã không còn nữa. Con người ngày nay đã văn minh gấp trăm lần xưa. Đó cũng là nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm đến đời sống của người dân, xây dựng trường học khang trang, đường sá các thôn bản thuận tiện cho trẻ em đến trường. Từ sự vào cuộc của cấp ủy và chính quyền các cấp, phong tục văn hóa tốt đẹp của người dân tộc thiểu số được phát huy, những hủ tục lạc hậu dần mất đi. Theo đó, các xã thường xuyên tổ chức các lễ hội dân tộc. Các lễ hội này, đã đem lại đời sống tinh thần phong phú đến với người đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn huyện.

Thiếu tá Hà Trung Tuấn cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm xưa.

Khi về tiếp quản Tiên Yên, tôi còn chẳng biết vùng đất Đông Bắc như thế nào. Nào ngờ như duyên phận, cuộc tiến quân về vùng đất xa lạ, lại là nơi gắn bó cả cuộc đời. Cuộc đời tôi đã trải qua bao biến thiên lịch sử gắn với mảnh đất này. Tiên Yên từ chỗ là thị xã, tỉnh lỵ của tỉnh Hải Ninh thì trở thành huyện, giờ đang phấn đấu tái lập thị xã. 9 năm sau khi về tiếp quản Tiên Yên, tỉnh Hải Ninh sáp nhập với khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh cũng là lúc tôi nên duyên chồng vợ với một cô gái Tiên Yên. Dù có đi đâu làm gì thì tôi vẫn quay lại Tiên Yên. Tôi không thể xa Tiên Yên được. Tiên Yên hiền hòa, người Tiên Yên thuần hậu và cuộc sống ở Tiên Yên cũng êm đềm, dễ chịu lắm. Mảnh đất này có cả một thời thanh niên sôi nổi của tôi, có tình yêu, nơi tôi có vợ con có một gia đình nhỏ. Đó là máu thịt của tôi. Giờ đây, tuổi đã gần đất xa trời rồi, được sống và chứng kiến sự đổi thay mỗi ngày của quê hương Tiên Yên, những người có mặt ở đây những ngày đầu luôn cảm thấy rất tự hào.

Ông Hà Trung Tuấn, sinh năm 1935 tại xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, hiện trú tại số nhà 161, phố Hòa Bình, thị trấn Tiên Yên, nguyên Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bình Liêu. Ông Tuấn nguyên chiến sĩ Trung đoàn 238, thuộc Sư đoàn 332 của Quân khu Đông Bắc, từng là chiến sĩ tham gia tiếp quản Tiên Yên ngày 8/8/1954. Sau đó, Thiếu úy Hà Trung Tuấn tham gia Đại đội 20, Đoàn 127 Yên Tử vào Nam chống Mỹ cứu nước, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở trung đoàn 43, tuyến 1 trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Ông Tuấn hiện là Trưởng Ban Liên lạc Những người kháng chiến Quảng- Hồng- Hải của huyện Tiên Yên.

“Tôi muốn lưu giữ ký ức của người Tiên Yên qua những bức ảnh”Nghệ sĩ nhiếp ảnh CẤN ĐÌNH LOAN

Tôi yêu cái hoang sơ của quê hương Tiên Yên, càng khám phá càng thấy mê đắm hơn. Tôi không biết những bức ảnh vùng cao của mình có tạo được ấn tượng gì nhiều không với người xem, nhưng chắc chắn nó đều bắt đầu từ cảm xúc tận đáy lòng. Tôi muốn ghi lại tất cả những gì có thể ở vùng cao xa xôi kia, để ca ngợi bản chất và cái đẹp giản dị, hồn nhiên của đồng bào các dân tộc suốt đời gắn bó với nương rẫy, núi rừng.Tôi thương những tiếng khóc của em bé sau cơn bão làm tốc mái nhà; gánh củi nặng đè lên vai bé gái trên con đường đất đỏ; bếp lửa vùi vài củ sắn non. Tôi yêu vẻ đẹp của hoa rừng; những nếp nhà ấm êm chênh vênh trên sườn non; ánh mắt trong sáng và điệu cười xinh của người sơn nữ, hay vẻ phúc hậu của cụ già hạnh phúc bên con cháu v.v. Khi làm ảnh, tôi say lắm, kể cả chụp chân dung, cứ ngắm nhìn gương mặt tươi tắn của họ đã thấy rất vui rồi.

NSNA Cấn Đình Loan (thứ 2 từ phải sang) cùng đoàn nghệ sĩ sáng tác tác phẩm ảnh nghệ thuật.

Tôi say phong cảnh Tiên Yên nên đi đâu, tôi cũng mang theo máy ảnh như một thứ không thể thiếu được. Mê chụp chân dung thiếu nữ nhưng ở Tiên Yên thì ít người lựa chọn loại hình này nên tôi cứ tự ngắm, thấy ưng thì tự chụp. Có lần, lên chợ vùng cao, tôi “rình” thấy cô gái Dao xinh quá liền tiến đến xin chụp mà cô xấu hổ nhất định không cho, thế là đành lắp ống kính têlê chụp xa. Phiên sau, tìm gặp cô tặng ảnh, cô cứ mời tôi về nhà chơi...

Tiên Yên đẹp mê hồn qua góc máy của NSNA Cấn Đình Loan.

Tôi tìm thấy trong nhịp điệu lao động hăng say, mỗi buổi hoàng hôn hay mỗi sớm mai dường như đều có cái đẹp rất riêng. Có thể, đó là cái đẹp như hơi thở của núi, của rừng Tiên Yên. Tôi dám chắc suốt cả đời này ta cũng không thể khám phá hết được những tiềm ẩn của con người cuộc sống và thiên nhiên hùng vĩ vùng cao. Càng đi, tôi càng đắm đuối vào nó. Từ khi cầm máy quyết định chọn cho mình sáng tác ảnh vùng cao, ngày nào tôi cũng vào bản. Có khi cả ngày, có khi chỉ mươi phút và mỗi lần như vậy tôi lại thấy có thêm nhiều nét mới đến ngỡ ngàng. Rừng thay lá, hoa thay mùa, suối và đá cuộn theo dòng chảy, những đỉnh núi chân mây, ruộng bậc thang, lễ hội cuộc sống lao động và nét đẹp hoang sơ của người con gái vùng cao v.v. Nhiều lắm, làm sao chụp hết được… Khi có được khoản tiền vừa đủ cho cuộc sống là tôi tập trung đầu tư nhiều thời gian cho sự đam mê của mình. Và tôi còn nghĩ rằng, ảnh tôi tặng bạn bè cũng là để giới thiệu hình ảnh quê hương. Bằng cách đó tôi biết rằng bạn bè cũng rất yêu quê tôi. Trong tâm niệm, tôi muốn lưu giữ lại mãi cho sau này hình ảnh cuộc sống con người của quê hương hôm nay…

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Cấn Đình Loan là người gốc Hải Dương, từng học Cao đẳng Sư phạm 10+3 ở Trường Cao đẳng Sư phạm Uông Bí (nay là Trường Đại học Hạ Long), rồi theo nghề giáo viên suốt 15 năm gắn bó với vùng cao Quảng Ninh. Ngay quãng thời gian còn dạy học ấy, vốn có chút “máu” nghệ thuật cộng với cuộc sống mưu sinh đã đưa Cấn Đình Loan đến với nhiếp ảnh. Ban đầu thì anh rể Cấn Đình Loan là Vũ Ngọc Cầm vốn làm nghề báo, đã truyền nghề ảnh cho ông, sau thì vì yêu thích mà ông tự mày mò, nghiên cứu, học hỏi thêm. Những dịp nghỉ hè, nghỉ tết, ông chụp ảnh để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Cứ vừa dạy học vừa làm ảnh như thế, đến năm 1990, Cấn Đình Loan xin nghỉ hưu non để mở hiệu ảnh Mai Loan ngay tại nhà riêng (thị trấn Tiên Yên). Cấn Đình Loan bắt đầu mon men vào lĩnh vực ảnh nghệ thuật với những bức ảnh chụp phong cảnh vùng cao. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Cấn Đình Loan cũng là người chụp ảnh kỹ thuật số và biết ứng dụng kỹ thuật photoshop vào ảnh từ khá sớm (năm 1999). Khi sáng tác ảnh nghệ thuật, Cấn Đình Loan chọn cho mình một lối đi riêng đó là say sưa khai thác đề tài dân tộc miền núi Đông Bắc. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Cấn Đình Loan là người ham đi, đi để khám phá cho bằng được cái đẹp của vùng cao Đông Bắc. Ông muốn thông qua những tác phẩm ảnh nghệ thuật để lưu giữ hình ảnh quê hương nữa chứ, nhất là phố cổ Tiên Yên.


Thực hiện: Trần Minh - Phạm Học
Kỹ thuật đồ họa: Đỗ Quang


Hòn Gai - Hạ Long: Thân quen như là hơi thở
Hòn Gai là cái tên xưa cũ của thành phố Hạ Long bây giờ. Đối với những người đã sinh ra và lớn lên hoặc có gần như cả cuộc đời gắn bó với mảnh đất này, Hòn Gai như là máu thịt, là một phần không thể thiếu. Trải qua thời gian, trải qua thăng trầm, đã có biết bao nhiêu đổi thay, nhưng với họ, Hòn Gai xưa - Hạ Long nay vẫn luôn thân quen như là hơi thở…
   
Quảng Yên trĩu nặng nghĩa tình
Quảng Yên - vùng đất nên thơ nằm bên dòng Bạch Đằng giang đã ghi những dấu ấn đặc biệt vào văn hoá, lịch sử đất nước với 3 trận thủy chiến chống quân xâm lược phương Bắc, với những lễ hội, những công trình mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
   
Nơi ta thấy cả dáng hình đất nước thân thương
Móng Cái đang trỗi dậy mạnh mẽ trong hình hài, diện mạo của một thành phố vùng biên năng động, hiện đại, luôn trong tốp đầu phát triển, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của tỉnh Quảng Ninh.
   
Miền trầm tích nơi cửa ngõ phía Tây
Đông Triều không chỉ là quê gốc của nhà Trần mà còn là vùng đất có bề dày truyền thống, cùng khí thế của một vùng đất cách mạng  hun đúc niềm tự hào thiêng liêng cho mảnh đất, con người Đông Triều vững bước đi lên hôm nay…
   
Cẩm Phả in dấu tâm hồn thợ Mỏ
Vùng mỏ Cẩm Phả bây giờ đã mang diện mạo của đô thị hiện đại, năng động, phát triển. Trải qua những thăng trầm, khó khăn và thách thức, những con người vùng mỏ ở thế hệ nào vẫn luôn sát cánh, đồng tâm, mạnh mẽ đứng lên.