20
532
/
1100255
Thực hiện kịch bản tăng trưởng 3 tháng cuối năm: Kỳ vọng 2021
longform
Thực hiện kịch bản tăng trưởng 3 tháng cuối năm: Kỳ vọng 2021

D

ịch bệnh Covid-19 đã phủ bức tranh ảm đạm lên hoạt động sản xuất kinh doanh ở hầu hết các ngành kinh tế, các doanh nghiệp. 3/4 thời gian của năm 2021 đã trôi qua trong bối cảnh ưu tiên số 1 cho phòng chống dịch bệnh. 1/4 thời gian còn lại của năm đang được Chính phủ chỉ đạo các địa phương tăng tốc phục hồi phát triển kinh tế theo chiến lược chống dịch “từ Zero Covid” sang “sống chung với Covid”. Có lợi thế của “vùng xanh an toàn” Quảng Ninh trong 9 tháng qua đã duy trì cơ bản ổn định tình hình sản xuất, đảm bảo tốc độ tăng trưởng nằm trong nhóm cao nhất cả nước. Rất nhiều hy vọng được Chính phủ gửi gắm đến các địa phương “vùng xanh an toàn” như Quảng Ninh trong 3 tháng còn lại của năm để bù đắp cho tốc độ tăng trưởng chung của cả nước 2021.

Vượt qua làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 3 hồi đầu năm 2021 khi là một điểm dịch của cả nước và giữ được địa bàn “vùng xanh an toàn” trong đợt dịch lần thứ 4 trước “cơn bão” biến thể Dellta, Quảng Ninh là một trong số ít địa phương đến thời điểm này có được tốc độ tăng trưởng ở mức cao nhất của cả nước.

So với cùng kỳ 9 tháng của năm 2020 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của 9 tháng qua là cơ sở để Quảng Ninh tự tin về đích tăng trưởng 2 con số năm 2021, khẳng định quyết định bẻ lái từ định hướng phát triển dịch vụ – công nghiệp sang công nghiệp – dịch vụ của tỉnh hoàn toàn phù hợp với bối cảnh, tình hình mới.

Theo báo cáo đánh giá 9 tháng đầu năm 2021 của UBND tỉnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 9 tháng tăng 8,6%, cao hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8,5%), thấp hơn 1,1 điểm % so với kịch bản tăng trưởng đầu năm (kịch bản tăng 9,7%). Trong đó: Khu vực Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ước tăng 4,0% (cùng kỳ tăng 3,2%), tăng 0,5 điểm % so với kịch bản (kịch bản tăng 3,5%), đóng góp 0,2 điểm % tăng trưởng, chiếm tỷ trọng 5,6% GRDP.

Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,6% (cùng kỳ tăng 8,9%), tăng 1,8 điểm % so với kịch bản (kịch bản tăng 9,8%), đóng góp 5,6 điểm % tăng trưởng và chiếm tỷ trọng 53,9% GRDP.

Khu vực dịch vụ tăng 5,5% (cùng kỳ tăng 3,5%), thấp hơn 5,6% so với kịch bản đề ra là 11,1%, đóng góp 1,9 điểm % tăng trưởng, chiếm tỷ trọng 29,1% GRDP. Khu vực thuế sản phẩm tăng 6% (cùng kỳ tăng 6,7%), thấp hơn 2,6 điểm % so với chỉ tiêu kịch bản (kịch bản tăng 8,6%), đóng góp 0,6 điểm % và chiếm tỷ trọng 11,4% GRDP.

Với sự xuất hiện của yếu tố an ninh phi truyền thống mới, đại dịch toàn cầu Covid-19, ngành du lịch, dịch vụ đã bị tác động ảnh hưởng rất nặng nề, 2 năm nay không có được sự tăng trưởng. Điều này đã được tỉnh Quảng Ninh sớm nhận diện để có sự điều chỉnh phù hợp khi tập trung nguồn lực, công tác lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện tạo sức bứt phá cho ngành công nghiệp, trong đó trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo.

Kết quả cho thấy sản xuất công nghiệp đang và tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Cụ thể, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng của Quảng Ninh tăng 10,58% cùng kỳ.

Trong đó: Chỉ số sản xuất ngành khai khoáng tăng 1,67% cùng kỳ; sản lượng than sạch đạt 35,1 triệu tấn, bằng 100,55% cùng kỳ. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo 9 tháng tăng 37% cùng kỳ. Một số sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo 9 tháng tăng so với cùng kỳ như: loa, tai nghe tăng 376,38%; vải dệt từ sợi bông tổng hợp tăng 531,4%; màn hình tivi, sợi bông cotton tăng 17,88%; xi măng tăng 2%; bột mỳ tăng 6,3%... Sản lượng điện sản xuất tăng 2,72% cùng kỳ, sản lượng điện tiêu thụ tăng 2,55% cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp cung cấp nước hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 4,08% cùng kỳ.

C

huyển trạng thái chống dịch từ “Zero Covid” sang “Sống chung với covid” là một thách thức đối với những địa bàn đã giữ được là “vùng xanh an toàn” trong suốt thời gian qua. Bởi hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều đã được xây dựng trong bối cảnh sản xuất trong vùng xanh an toàn, khi chuyển trạng thái chống dịch đồng nghĩa với việc chấp nhận sẽ có những xáo trộn nếu như có F0 xuất hiện trong cộng đồng hoặc trong người lao động của doanh nghiệp. Trong khi đó những diễn biến phức tạp của dịch bệnh vẫn chưa thể lường hết được do những biến chủng mới.

Theo phân tích của các ngành chức năng, từ nay đến cuối năm dịch bệnh vẫn chưa thể chấm dứt, hiện một số tỉnh gần với Quảng Ninh còn đang xuất hiện các ổ dịch mới... sẽ tiếp tục tác động và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch và thu ngân sách trên địa bàn.

Sân golf Tuần Châu.

Cùng với đó, ngành Than – ngành sản xuất có đóng góp rất quan trọng trong điểm số tăng trưởng của tỉnh Quảng Ninh, cũng như đời sống xã hội được dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ than giảm sút, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá sắt thép, xăng dầu…, và sự tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 làm cho chuỗi cung ứng bị đứt gãy, tác động đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị than.

Ở lĩnh vực du lịch dịch vụ dù tỉnh đã cho mở lại một số hoạt động du lịch nội tỉnh có kiểm soát và tới đây mở du lịch ngoại tỉnh nhưng do tâm lý sợ dịch, khả năng tài chính bị ảnh hưởng do dịch bệnh nên thị trường du lịch khó có thể phục hồi ngay trong năm 2021.

Ở lĩnh vực thu xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do lượng than tồn kho nhiều, trong khi nhu cầu sử dụng than sản xuất điện giảm, dẫn đến lượng than nhập khẩu năm 2021 giảm mạnh so với năm 2020. Số thu từ xăng, dầu nhập khẩu sẽ tiếp tục giảm mạnh, do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam phải tập trung tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất… cũng tác động, ảnh hướng lớn đến việc thực hiện chỉ tiêu thu NSNN trên địa bàn.

Khó khăn thách thức còn nhiều nhưng các chuyên gia kinh tế lại cho rằng động lực tăng trưởng của Quảng Ninh vẫn còn rất mạnh mẽ nếu tận dụng tốt các cơ hội từ địa bàn an toàn để tăng tốc phát triển kinh tế. Quảng Ninh đã qua 90 ngày chưa có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, địa bàn vẫn là vùng “xanh” an toàn; 100% người dân có chỉ định tiêm đã được tiêm mũi 1 vắc xin phòng Covid-19; niềm tin, sự đồng thuận, ủng hộ của doanh nghiệp, người dân đối với Đảng, chính quyền đang rất cao. Hơn nữa việc có địa bàn an toàn đã không làm đứt gãy các chuỗi cung ứng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn được duy trì ổn định.

V

ới điểm số tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng qua chưa đạt được kịch bản đề ra là một thách thức rất lớn đối với Quảng Ninh để đạt được con số tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2021 là 10,5%. Nhiệm vụ đặt ra cho Quý IV (quý cuối cùng của năm) là phải đạt được tốc độ tăng GRDP 15,3% - một ngưỡng rất cao đòi hỏi phải thực sự bứt tốc ở tất cả các ngành, lĩnh vực.


Vậy Quảng Ninh kịch bản điều hành ở từng lĩnh vực như thế nào trong 1/4 thời gian còn lại của năm 2021? Quyết tâm tranh thủ, tận dụng mọi cơ hội khi đang là vùng xanh an toàn, khi vẫn có được đà để hồi phục và phát triển trong bối cảnh chống dịch mới, Quảng Ninh có những sách lược riêng để đạt được mục tiêu đề ra. Trong đó các khu vực công nghiệp, xây dựng được kỳ vọng tiếp tục là động lực dẫn dắt sự bứt tốc trong giai đoạn cuối của năm 2021.

Điều đó có nghĩa là, để khu vực công nghiệp-xây dựng tăng 21,4% trong Quý IV thì tổng sản lượng than sạch sản xuất năm 2021 phải tăng 2,82 triệu tấn trở lên so với kịch bản đề ra. Tỉnh cam kết sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ tối đa cho ngành Than như: bám sát các bộ, ngành và tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thị trường tiêu thụ, tăng sản lượng tồn kho... để động viên ngành Than tăng tối đa sản lượng khai thác, góp phần vào tăng trưởng kinh tế GRDP, thu ngân sách nhà nước và bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. 

Thi công cầu Vân Tiên (dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái).

Đối với động lực tăng trưởng mới là ngành chế biến chế chế tạo, Quảng Ninh sẽ tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp dệt may, loa, màn hình tivi, thân mũ... tăng năng suất, sản lượng; chủ động nắm tình hình, kịp thời giải quyết ngay khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ, bổ sung năng lực tăng thêm ở một số dự án sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nhóm ngành chế biến chế tạo.

Lĩnh vực xây dựng sẽ được điều hành theo hướng quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy triển khai các dự án công, phấn đấu đưa thêm 3 công trình động lực vào khai thác: Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, cầu Cửa Lục 1, đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả, trong đó cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sẽ là công trình quan trọng để phát huy lợi thế các cửa khẩu, tạo ra cực tăng trưởng mới.

Lĩnh vực du lịch, dịch vụ được dự báo sẽ từng bước có được sự phục hồi, Quảng Ninh hy vọng khu vực dịch vụ tăng 10,5% so với cùng kỳ. Như vậy, chiến lược đối với lĩnh vực này là kích cầu du lịch bài bản, trong ưu tiên phát triển du lịch nội tỉnh, kết nối du lịch giữa các tỉnh, thành phố an toàn với Covid-19 tiếp giáp với Quảng Ninh và tận dụng khai thác khách du lịch từ các khu công nghiệp, khu kinh tế, các tỉnh, thành phố an toàn với Covid-19 trên cả nước.

Tháng 10 này, tỉnh Quảng Ninh sẽ khởi công 4 dự án có tổng mức đầu tư hơn 280.000 tỷ đồng.

Đó là, dự án: Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh; Sân golf Đông Triều; Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh và Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1). Đến nay, các dự án đã đủ điều kiện sẵn sàng đưa vào khởi công, khởi động.

Cầu Cửa Lục 1 đã đạt khoảng 80% khối lượng.

Trong đó, Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định 529/QĐ-TTg. Dự án có tổng mức đầu tư trên 230.000 tỷ đồng, quy hoạch trên một phần diện tích đất thuộc TP Hạ Long và TX Quảng Yên, tiếp giáp với tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn. Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh được kỳ vọng sẽ tạo diện mạo đô thị mới, là sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh, làm thay đổi đáng kể đời sống KT-XH của nhân dân trong vùng. Đặc biệt, sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, khai thác được tiềm năng, thế mạnh giáp biển khu vực TP Hạ Long, TX Quảng Yên, thu hút được đông đảo du khách trong nước và quốc tế tham quan, trải nghiệm, khám phá.

Dự án Sân golf 27 lỗ được đầu tư tại TX Đông Triều, được quy hoạch trên diện tích 130ha, phục vụ khoảng 800 khách/ngày. Trong đó, diện tích quy hoạch sân golf rộng 128,72ha, còn lại là hạ tầng giao thông. Sân golf sẽ có các công trình lưu trú thấp tầng, khu khách sạn cao tầng, sân tập golf, hạ tầng cây xanh, cảnh quan, khu vui chơi giải trí, không gian nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp…

Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử nằm trên núi Yên Tử, thuộc Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử là một điểm đến thu hút du khách thập phương.

2 dự án sẽ được khởi động công tác đầu tư là: Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh và Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1). Trong đó, dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh được đầu tư tại phường Cẩm Thịnh (TP Cẩm Phả). Đây sẽ là dự án nhà máy điện sử dụng khí LNG nhập khẩu đầu tiên của miền Bắc có công suất dự kiến là 1.500 MW. Khi hoàn thành, dự án bổ sung lượng điện lớn cho lưới điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng. Đồng thời tiếp tục khẳng định Quảng Ninh là trung tâm sản xuất điện lớn của cả nước. Để hỗ trợ nhà đầu tư, TP Cẩm Phả đã tiến hành kiểm đếm, lên phương án đền bù, GPMB…

Dự án bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1) cũng sẽ được khởi động đầu tư các hạng mục hạ tầng kỹ thuật bến cảng tổng hợp. Khi hoàn thành sẽ hình thành đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa đường biển tại khu vực Cửa khẩu Móng Cái, là tiền đề để hình thành mạng lưới cơ sở hạ tầng logistics gắn liền với chuỗi dịch vụ hậu cần cảng: Vận tải - kho bãi - cảng biển với mô hình vận tải đa phương thức nhằm mang lại hiệu quả tối ưu cho hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Móng Cái.

Lãnh đạo BQL Khu Kinh tế tỉnh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho đại diện Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar Việt Nam.

90 ngày hoàn thành kỳ vọng của năm 2021, cả tỉnh Quảng Ninh đang bứt tốc bằng quyết tâm cao nhất, giữ địa bàn an toàn, ổn định để phát triển trong trạng thái bình thường mới, thích ứng với những biến đổi của tình hình do tác động của dịch bệnh, luôn luôn là địa bàn đổi mới, năng động biến thách thức thành cơ hội, trong cái khó, tìm ra những cái khôn. Phải đạt mức tăng trưởng 2 con số, góp phần bù đắp cùng cả nước những thiếu hụt do ảnh hưởng của dịch bệnh là quyết tâm của tỉnh Quảng Ninh!


Thực hiện: Lan Hương - Thu Chung

Kỹ thuật đồ họa: Tất Đạt


2 triệu tấn than và 1% điểm tăng trưởng GRDP
TKV đặt mục tiêu rất cao trong quý IV/2021, đó là sản xuất từ 1,5-2 triệu tấn than, cùng Tổng công ty Đông Bắc đóng góp khoảng 1 điểm % tăng trưởng GRDP cho tỉnh.  
   
Tăng công suất, vận hành sản xuất điện an toàn
Các đơn vị sản xuất điện đã khắc phục khó khăn, thách thức để đảm bảo cung ứng đủ điện cho hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, giữ vững đà tăng trưởng và tạo thêm động lực cho nền kinh tế.
   
Bổ sung năng lực cho ngành chế biến, chế tạo
Tất cả những cơ chế, chính sách tốt nhất, hiệu quả nhất, đã, đang được Quảng Ninh triển khai, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.  
   
“100 ngày đặc biệt”- Chiến dịch riêng có của Quảng Ninh
3.000 cán bộ, công nhân trên các công trường bám sát tiến độ tổng thể của các dự án, tăng gấp đôi nhân lực, phương tiện, tổ chức thi công liên tục nhiều ca, nhiều kíp, đồng loạt nhiều hạng mục.  
   
Phục hồi du lịch Quảng Ninh: An toàn, linh hoạt, hiệu quả
Để hoạt động du lịch được phục hồi thì một trong những yếu tố tiên quyết nhất chính là phải đảm bảo được môi trường du lịch an toàn.