Sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Chính sách cần gắn với thực tiễn
Nhiều ý kiến cho rằng, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường không làm tăng thu ngân sách mà tác động tiêu cực chung tới nền kinh tế.
Áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường là một trong những nội dung được quan tâm tại Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính xin ý kiến và ngày 27/11 vừa qua Quốc hội cũng đã thảo luận ở Hội trường với nhiều ý kiến trái chiều.
Có thể nhận thấy, sau rất nhiều hội thảo góp ý Dự thảo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, nước giải khát, dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) trình Quốc hội hầu như không có sự thay đổi so với dự thảo trước đó. Riêng với nước giải khát có đường, theo dự thảo, nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml quy định mức thuế suất là 10% do đây là mặt hàng mới bổ sung vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thực tế, xuất phát từ mục đích điều tiết thu nhập, hướng dẫn sản xuất, tiêu dùng, thuế tiêu thụ đặc biệt là một công cụ quan trọng giúp Nhà nước điều tiết nền kinh tế và tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Ngoài ra, mục đích của thuế tiêu thụ đặc biệt cũng nhằm hạn chế những mặt hàng không khuyến khích sử dụng như: Thuốc lá, rượu bia, đồ uống có đường, sử dụng nhiên liệu xăng, dầu,…
Từ thực tiễn đó, việc Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường nhằm mục đích kiểm soát béo phì, các bệnh lây nhiễm phần nào có thể coi là đề xuất hợp lý, tuy nhiên, không dễ.
Việc áp thuế đối với mặt hàng này hiện vẫn tiếp tục được các đại biểu quốc hội, chuyên gia, doanh nghiệp quan tâm. Nhiều ý kiến, kiến nghị không đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%. Bởi chưa đủ cơ sở khoa học chứng minh việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường hiệu quả trong việc kiểm soát tỷ lệ thừa cân, béo phì, tạo ra sự bất bình đẳng giữa các ngành hàng.
Về vấn đề này, nhìn từ quốc tế, hiện đã có hơn 100 quốc gia đánh thuế đối với đồ uống có đường nhằm ngăn chặn tình trạng thừa cân và các bệnh liên quan. Đơn cử, Mexico là một trong những quốc gia tiêu thụ đồ uống có đường cao nhất thế giới và cũng là nước có tỷ lệ người béo phì cao nhất, đã áp thuế 1 Peso (gần 500 đồng) đối với 1 lít đồ uống có đường từ năm 2014. Khoản thuế này đã khiến giá nước giải khát có đường tăng khoảng 11% và giảm 37% số lượng tiêu thụ.
Hay như tại Anh, từ tháng 4/2018 đã đánh thuế hai mức đối với đồ uống có đường. Nếu đồ uống có chứa từ 5 - 8 gram đường/100 ml sẽ phải chịu mức thuế là 0,18 Bảng (gần 6.000 đồng) mỗi lít. Còn tại Thái Lan, quốc gia này đã áp thuế đồ uống có đường từ tháng 9/2017. Nếu đồ uống có trên 14 gram đường/100 ml sẽ chịu thuế lên tới 5 Baht/lít (khoảng 3.500 đồng/lít).
Tuy nhiên, thực tế không phải quốc gia nào cũng thành công trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, đồng thời thực tiễn cũng thể hiện, tại các quốc gia như: Thái Lan, Ấn Độ, Na Uy, Phần Lan, Mehico, tỷ lệ thừa cân béo phì vẫn tiếp tục tăng, mặc dù tiêu thụ nước giải khát có đường giảm. Trong khi đó các quốc gia khác như: Nhật Bản, Singapore hay Trung Quốc không áp dụng chính sách thuế này, tỷ lệ thừa cân, béo phì lại được kiểm soát tốt.
Thậm chí, tại Đan Mạch, sau khi áp dụng chính sách thuế nêu trên gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng, bởi khi áp thuế, người Đan Mạch đã sang thị trường khác để mua nước giải khát với giá thấp hơn. Mặt khác, việc áp thuế này đã khiến Đan Mạch giảm 5.000 việc làm. Vì vậy, Chính phủ Đan Mạch đã bỏ thuế đồ uống có đường.
Vậy, câu hỏi đặt ra, nếu áp dụng chính sách thuế đối với đồ uống có đường, khả năng Việt Nam có xảy ra những hệ luỵ tương tự? Trong khi, đề xuất này được đánh giá là "cú sốc" tới ngành sản xuất nước giải khát, làm chậm quá trình phục hồi và tăng trưởng của ngành và các ngành công nghiệp phụ trợ.
Điều đáng nói, về mặt pháp lý, từ năm 2003 đến nay, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã 5 lần sửa đổi (vào các năm 2003, 2005, 2008, 2014 và 2016). Song, nhiều ý kiến luật sư cho rằng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt càng sửa... càng rối, gây bất ổn cho môi trường pháp lý, thể chế và kinh doanh, tác động tiêu cực doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.
Một trong những điểm vướng được nhiều ý kiến nêu ra, nếu chính sách thuế này áp dụng đó là tạo sự không công bằng khi chỉ tập trung vào các sản phẩm đồ uống đóng chai sẵn, trong khi đồ uống pha chế tại chỗ hầu như không được đề cập đến. Theo đó, mục tiêu tăng thuế nhằm hạn chế người tiêu dùng không dùng nước giải khát có đường nhưng có thể làm gia tăng việc người sử dụng các mặt hàng đồ uống sản xuất không chính thức hoặc sản phẩm sản xuất thủ công.
Bên cạnh đó, hiện nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã chuyển đổi sang các sản phẩm đồ uống ít đường hàm lượng dưới 5g nhưng vẫn có độ ngọt sẽ không phải chịu thuế. Như vậy, nếu việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với doanh nghiệp trong nước vô hình chung tạo sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Thậm chí sẽ tạo ra “kẽ hở” lách thuế, trốn thuế.
Cũng theo báo cáo đánh giá tác động kinh tế của thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường do Viện Quản lý kinh tế Trung ương thực hiện vừa qua, nếu áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước giải khát thì thu ngân sách từ năm thứ hai trở đi mỗi năm sẽ giảm khoảng 4.978 tỷ đồng từ thuế gián thu, chưa kể đến mức giảm tương ứng từ thuế trực thu.
Ngoài ra, chính sách thuế này sẽ không chỉ tác động trực tiếp lên ngành đồ uống mà còn tác động tới 25 ngành trong nền kinh tế và dẫn đến sụt giảm GDP gần 0,5% GDP, tương ứng 42.570 tỷ đồng.
Hiện, dự thảo vẫn tiếp tục được Bộ Tài chính lấy ý kiến và sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025, song thiết nghĩ, Ban soạn thảo cần đánh giá kỹ lưỡng tác động, các biện pháp thực hiện, cũng như lộ trình phù hợp cho chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường, đảm bảo tính khả thi và công bằng, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp trong nước.
Do đó, việc bổ sung, áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường cần được xem xét, cân nhắc cẩn trọng, đánh giá toàn diện, gắn với các kinh nghiệm quốc tế, cũng như các thứ tự ưu tiên trong quản lý chính sách để chính sách sát với thực tiễn, thực thi.
Ý kiến ()