
Quyết tâm làm mới nghề nuôi biển
Thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, các chính sách thay đổi, sự thiếu ổn định của thị trường… đó là những nguy cơ bủa vây đối với hoạt động nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) trên biển.
Gần 1 năm qua, "bức tranh" nuôi biển Quảng Ninh như được “vẽ lại” với nét chủ đạo là giao khu vực biển cho người nuôi. Sự quyết tâm bám biển, phục hồi nhanh chóng hoạt động nuôi biển của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp sau thiên tai là một thuận lợi để Quảng Ninh phát triển kế hoạch nuôi biển bền vững, giá trị cao.

Theo tổng hợp mới nhất từ các địa phương, tính đến ngày 12/7 Quảng Ninh đã hoàn thành giao khu vực biển cho 663 cá nhân NTTS theo quy định, với tổng diện tích gần 456ha tại địa bàn các phường, xã: Hà An, Cẩm Phả, Quang Hanh, Móng Cái 2, Đông Ngũ, Đầm Hà, Quảng Hà và đặc khu Vân Đồn. Về giao khu vực biển thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, quy trình giao gồm 3 TTHC là thủ tục môi trường (ĐTM/cấp giấy phép/đăng ký môi trường); thủ tục cấp phép NTTS; thủ tục giao khu vực biển. Sở NN&MT đã nghe và cho ý kiến về các thuyết minh dự án NTTS theo hướng chủ động đồng hành cùng các tổ chức, doanh nghiệp, HTX trong thực hiện giao khu vực biển NTTS.
Theo đó, đã hướng dẫn xây dựng 76 hồ sơ với diện tích 6.452ha, trong đó có 61 hồ sơ đã hoàn thiện thuyết minh dự án và sơ đồ với diện tích 4.936,7ha, bao gồm 22 hồ sơ phải xin ý kiến và đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến thống nhất chủ trương theo quy chế làm việc vì quy mô diện tích dự án từ 50ha mặt nước biển trở lên. Đến thời điểm ngày 12/7, toàn tỉnh có 61 hồ sơ giao khu vực biển của các tổ chức, doanh nghiệp, trong đó có 8 hồ sơ đã hoàn thành ĐTM; 6 hồ sơ hoàn thành thủ tục đăng ký môi trường; đã cấp phép NTTS trên biển cho 26 hồ sơ với diện tích 3.166ha.
Theo Giám đốc Sở NN&MT Nguyễn Minh Sơn, quá trình giao khu vực biển là quá trình thay đổi tư duy, nhận thức và hành động của cả đơn vị chức năng quản lý và người nuôi biển. Việc đưa vào khuôn khổ, nền nếp, có sự quản lý thường xuyên của các quy định hiện hành và các đơn vị chức năng không hề dễ dàng khi đã có quá trình dài diễn ra tình trạng NTTS trên biển tự phát, quản lý thiếu chặt chẽ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc giao khu vực biển là điều kiện bắt buộc và chỉ khi đáp ứng điều kiện này mới có thể tham gia nuôi biển tại Quảng Ninh.

Anh Ngô Nam Trung, Giám đốc HTX Thuỷ sản Trung Nam (đặc khu Vân Đồn), đơn vị được giao khu vực biển đầu tiên của tỉnh nhận định: Giải pháp giao khu vực biển không chỉ giải quyết những bất cập của đơn vị quản lý, mà còn hỗ trợ người NTTS nâng cao chất lượng, sản lượng và giá trị sản phẩm của mình. Cụ thể, khi khu vực biển được giao cho người nuôi là khi các đơn vị chức năng khắc phục hiện trạng NTTS trên biển tự phát, sai trái, chồng chéo quy hoạch, giảm việc tạo áp lực lớn lên mặt biển và chất lượng nước biển. Người NTTS an tâm bởi đó là diện tích mặt nước được sử dụng lâu dài, sản phẩm nuôi có nguồn gốc để có thể tiếp cận các thị trường rộng lớn, vật nuôi giảm áp lực cạnh tranh về thức ăn, cũng như môi trường sống để phát triển.
Mặc dù đã tập trung triển khai, tuy nhiên nhiều hồ sơ giao biển trên toàn tỉnh vẫn đang chậm thực hiện. Nguyên nhân bởi những hồ sơ đang trong thời gian xin ý kiến các sở, ngành, địa phương, hoặc đang chờ bổ sung; nhiều hồ sơ vướng mắc vì thay đổi vị trí đề xuất dự án do chủ trương của địa phương, vị trí khu vực biển nằm trong vùng đệm Vịnh Hạ Long phải xin ý kiến Bộ VH-TT&DL, hoặc đang thực hiện thủ tục nộp phạt xử lý vi phạm hành chính do NTTS khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, chậm hoàn thiện theo yêu cầu…
Hiện nay, sau khi chuyển sang thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, việc giao khu vực biển cho cá nhân NTTS thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện được chuyển về cấp xã, phường, đặc khu thực hiện theo quy định tại Nghị định số 131/2025/NĐ-CP (ngày 12/6/2025) của Chính phủ phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành NN&MT. Các đơn vị này đang chủ động bố trí, sắp xếp vị trí, địa điểm thực hiện dự án NTTS trên biển cho các tổ chức có nhu cầu phù hợp với quy hoạch, năng lực tài chính, kỹ thuật... đồng thời tổ chức rà soát, cập nhật mới, điều chỉnh ranh giới, diện tích NTTS trên địa bàn quản lý gửi về Sở NN&MT tổng hợp báo cáo tỉnh.

Sở NN&MT hiện đang phối hợp, hướng dẫn cho đặc khu Vân Đồn (4 hồ sơ), phường Tuần Châu (85 hồ sơ) và các địa phương khác hiệu chỉnh, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thành hồ sơ giao khu vực biển, phấn đấu hoàn thành trong tháng 7/2025; tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX hoàn thiện hồ sơ giao khu vực biển song trùng với hồ sơ cấp phép để rút ngắn thời gian giao khu vực biển; tổng hợp gửi Sở Tài chính xem xét điều chỉnh Quy hoạch tỉnh đối với những trường hợp vướng mắc về hành lang luồng giao thông, vùng nước cảng biển, vùng đệm di sản…
Thúc đẩy quá trình giao khu vực biển, quyết tâm phát triển nuôi biển đúng chính sách pháp luật, UBND tỉnh cũng đã có thông báo chốt đến hết quý III/2025, những trường hợp NTTS trên biển thiếu chủ động, tích cực, hợp tác trong quá trình triển khai các bước giao khu vực biển sẽ bị xem xét giải toả, thu hồi diện tích đang nuôi. Đồng thời các đơn vị chức năng và UBND tỉnh hiện đang tổng hợp ý kiến, hoàn thiện đề xuất, tờ trình để trình cấp thẩm quyền Trung ương giảm tiền thuê mặt nước thực hiện NTTS.
Ý kiến ()