20
18
/
1100509
Quảng Ninh tiếp lửa SEA Games bằng trái tim nhiệt huyết
longform
Quảng Ninh tiếp lửa SEA Games bằng trái tim nhiệt huyết

Không chỉ bằng cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu, bằng tiếng trống, tiếng hò reo, người Quảng Ninh còn tiếp lửa cho thể thao bằng trái tim nhiệt huyết và sự thân thiện, cởi mở. Điều đó vốn xuất phát từ nền tảng văn hóa của con người Vùng mỏ hào sảng, văn minh; từ truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm" lan tỏa, đề cao sự đoàn kết, tương trợ, tinh thần cao thượng đúng với tinh thần mà Đại hội thể thao Đông Nam Á hướng tới.

Ngay từ sớm, Quảng Ninh đã chuẩn bị tất cả các điều kiện tốt nhất cho sự kiện thể thao Đông Nam Á lần đầu tiên được tổ chức trên Đất mỏ. Từ điều kiện sân bãi, nhà thi đấu đến nơi ăn, nghỉ của vận động viên, huấn luyện viên hay công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm ... đều đã được chuẩn bị và hoàn tất.

SVĐ Cẩm Phả được đầu tư khang trang, đủ điều kiện tổ chức các giải đấu quốc tế lớn.

Khi đi kiểm tra cơ sở vật chất cho SEA Games, Quảng Ninh được các quan chức thể thao Đông Nam Á đánh giá là địa phương đang sở hữu các cơ sở hạ tầng thi đấu thể thao thuộc loại hiện đại nhất Việt Nam. Tiêu biểu là sân vận động Cẩm Phả, một trong 4 địa điểm tổ chức bộ môn bóng đá, được đánh giá có chất lượng mặt cỏ đạt tiêu chuẩn, khả năng thoát nước tốt và khán đài có sức chứa lớn. Ngoài sân Cẩm Phả, những nơi tổ chức các môn thi đấu như Nhà thi đấu 5000 chỗ Đại Yên, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh, Khu du lịch quốc tế Tuần Châu hay Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử... đều có điều kiện thi đấu và ăn nghỉ đẳng cấp, đạt tiêu chuẩn tổ chức các sự kiện thể thao tầm cỡ quốc tế. Các khu vực này đều được trang trí khánh tiết đẹp, rực rỡ, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.

Dọc Quốc lộ 18 và các tuyến đường chính của Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều... khoảng 2.000 pano, băng rôn và biểu tượng, linh vật của SEA Games 31 đã tạo điểm nhấn cổ vũ và chào đón các đoàn thể thao cùng du khách về Quảng Ninh..

Trung tâm TP Hạ Long rực rỡ màu cờ của các nước tham dự SEA Games 31.

Mỗi người dân Quảng Ninh qua từng cử chỉ nhỏ của mình đều gửi đến thông điệp về sự chân thành, nhiệt tình, mến khách, để mỗi vận động viên, du khách trong và ngoài nước cảm nhận được rõ Quảng Ninh thực sự là điểm đến du lịch hấp dẫn, thân thiện, an toàn.

Để tạo thuận lợi cho cổ động viên, du khách trong và ngoài nước khi tham dự, theo dõi các môn thi đấu của SEA Games 31, Quảng Ninh đã miễn bán vé vào cửa tất cả các trận thi đấu; đồng thời miễn vé tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích của tỉnh đối với các vận động viên, huấn luyện viên của các đoàn...

Ban Tổ chức SEA Games của tỉnh đã lựa chọn, bố trí hơn 300 tình nguyện viên là sinh viên của Trường Đại học Hạ Long có sức khỏe, nhiệt tình, khả năng giao tiếp ngoại ngữ tốt để tham gia các chương trình tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng phục vụ tại SEA Games, đảm bảo có thể hỗ trợ tốt nhất cho Ban Tổ chức và các đoàn thể thao trong suốt thời gian thi đấu tại Quảng Ninh...

Các tình nguyện viên được tập huấn các kỹ năng cơ bản trong việc đón tiếp, hướng dẫn và phục vụ các đoàn quan chức, trọng tài, các cơ quan báo chí quốc tế.

Các hội cổ động viên cũng đã chuẩn bị những màn chào đón rất đặc biệt đối các đoàn thể thao của các nước trong khu vực đến thi đấu, tranh tài. Nhân hiệu ứng của SEA Games, các hãng lữ hành đã đẩy mạnh các hoạt động kích cầu, phục hồi toàn diện các hoạt động du lịch; các điểm đến, sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc, phong phú và đa dạng, các sản phẩm du lịch mới của tỉnh từ du lịch biển, sinh thái, khám phá đến du lịch văn hóa, lịch sử, ẩm thực...

Các quầy thông tin quảng bá, tư vấn du lịch đã được lập tại các điểm thi đấu, nơi lưu trú của các đoàn thể thao để đồng hành cùng SEA Games 31. Đồng thời, nhiều ấn phẩm quảng bá du lịch Quảng Ninh và các thông tin hữu ích cũng được cung cấp, hỗ trợ miễn phí cho du khách.

Các đơn vị lữ hành đã nghiên cứu để đưa ra tour được thiết kế trong ngày, phù hợp với lịch trình di chuyển nhanh gọn của các đoàn, cũng như giúp các đoàn khách có trải nghiệm trọn vẹn nhất tại Quảng Ninh.

Các đơn vị lữ hành giới thiệu tour du lịch cho đoàn thể thao tham dự SEA Games 31.

SEA Games 31 là sự kiện nhận được nhiều sự quan tâm của nhân dân, du khách và công chúng hâm mộ thể thao. Do đó, không chỉ chào đón bằng những hình ảnh trực quan, Quảng Ninh còn chào đón SEA Games bằng âm nhạc. Ngoài bài hát chính thức của SEA Games 31, Quảng Ninh còn có cho riêng mình một ca khúc về không khí Đại hội thể thao Đông Nam Á trên Đất mỏ.

Nhạc sĩ Lê Đăng Vệ (trái) và nhạc sĩ Phùng Hữu Đức Hùng (phải) đã cùng sáng tác ca khúc “Quảng Ninh chào đón SEA Games” .

Sự kiện này cũng đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của đông đảo văn nghệ sĩ Quảng Ninh, trong đó có những nhạc sĩ. Nhạc sĩ Lê Đăng Vệ và nhạc sĩ Phùng Hữu Đức Hùng đã cùng sáng tác ca khúc “Quảng Ninh chào đón SEA Games” với tinh thần, nhiệt huyết cao độ để cổ vũ, hưởng ứng sự kiện thể thao của người Vùng mỏ. Những ca từ của ca khúc như: "Bình minh ngày mới nắng lên/ Quảng Ninh chào đón SEA Games/ Từ Yên Tử về Đại Yên tới Cẩm Phả vùng than/ Hạ Long kỳ quan thế giới..." một lần nữa nói lên không khí thể thao đã lan tỏa khắp các ngả đường Vùng mỏ.

Ca khúc được thể hiện bởi một loạt ca sĩ của Vùng mỏ. Tất cả những người tham gia dự án âm nhạc này đều là con em quê hương Quảng Ninh. Thông qua sản phẩm âm nhạc này, các nhạc sĩ, nghệ sĩ của Quảng Ninh mong muốn truyền đi thông điệp về lòng nhiệt tình, hiếu khách của người dân Quảng Ninh với bạn bè bốn phương. Đây cũng là lời chúc các vận động viên sẽ có những thành tích thi đấu tốt nhất trên đấu trường SEA Games 31.

Những ngày qua, không khí thể thao nói chung và bóng đá nói riêng tại Quảng Ninh vô cùng sôi động.

Sức nóng của các trận đấu tăng từng ngày, nhu cầu đến sân của người hâm mộ rất lớn. Từ cụ già đến trẻ nhỏ, ai ai cũng yêu thích bóng đá và sẵn sàng dành thời gian để góp mặt trên khán đài cổ vũ đội tuyển nữ. Chính vì vậy, mỗi khi thầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung thi đấu là khán giả đã ngồi chật kín cầu trường Cẩm Phả với 16.000 chỗ ngồi.

Để đảm bảo an ninh và kiểm soát số lượng người vào sân, Ban Tổ chức không bán vé nhưng ở những trận thi đấu cuối vẫn in vé mời cho ngày thi đấu bóng đá nữ và chung kết bóng chuyền. Vì thế mà câu chuyện nóng hổi nhất vẫn là chuyện về những tấm vé.

Tại điểm phát vé Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh (TP Hạ Long) sáng sớm 21/5, rất đông người xếp hàng chờ nhận vé xem trận Chung kết bóng đá nữ và bóng chuyền.

Người người, nhà nhà đi săn vé. Người hâm mộ Quảng Ninh sẵn sàng xếp hàng dài trước cổng sân vận động Cẩm Phả và các điểm phát vé từ đêm hôm trước để chờ đến sáng hôm sau được nhận vé mời. Thậm chí, người ta còn bắc ghế ra ngồi, trải chiếu ra nằm cả đêm để giữ chỗ xếp hàng. Vẫn biết có những bất tiện nhưng ngay cả điều đó cũng chứng minh cho sức hấp dẫn của môn thể thao vua đối với người Quảng Ninh, tình yêu thể thao cuồng nhiệt của người Vùng mỏ.

Hàng trăm người có mặt tại khu vực SVĐ Cẩm Phả từ tối 20/5 và thức xuyên đêm chờ đến giờ phát vé.

Sự cổ vũ nồng nhiệt, hết mình của khán giả Vùng mỏ là động lực cho các đội tuyển quốc gia thi đấu các bộ môn tại Quảng Ninh. Trong trận tranh hạng ba môn bóng đá nữ, khi kết thúc trận đấu, các nữ cầu thủ Philippines đã xúc động hướng về các khán đài cảm ơn sự cổ vũ của khán giả trên sân vận động Cẩm Phả dành cho đội tuyển nước bạn. Tương tự, các quan chức thể thao Thái Lan cũng đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với sự cổ vũ đầy nhiệt tình, văn hoá của cổ động viên trên sân Cẩm Phả.

Huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, ông Mai Đức Chung chia sẻ: Nhìn những dòng khán giả xếp hàng từ 3 giờ sáng để nhận vé vào sân, chúng tôi vô cùng xúc động và thiết nghĩ càng phải có trách nhiệm hơn với khán giả. Tôi cùng học trò đã nỗ lực cao nhất để không phụ lòng người hâm mộ.

Màn hình Led cỡ lớn đã được dựng lên tại Quảng trường 30/10, TP Hạ Long để phục vụ nhân dân cổ vũ cho Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam.

Để những khán giả không có vé vào sân cổ vũ có thể theo dõi các trận đấu thuận tiện, nhiều địa phương trong tỉnh đã lắp đặt màn LED cỡ lỡn như: Khu đô thị TTP và Quảng trường 12/11 Cẩm Phả, Quảng trường 30/10 thành phố Hạ Long, Sân vận động thị xã Quảng Yên... Không khí cổ vũ tại các khu vực này cũng không hề thua kém trong sân vận động, sự cuồng nhiệt của người hâm mộ thể thao Vùng mỏ lan tỏa ra các khu vực; truyền cảm hứng cho nhiều người dân; tạo một khí thế sôi động, náo nhiệt và hết mình vì đội tuyển quốc gia.

Cùng với bóng đá, bóng ném bãi biển là môn thi đấu được khởi tranh sớm nhất SEA Games 31 tại Quảng Ninh. Trong gần 1 tuần diễn ra 24 trận đấu, khán đài hơn 2.400 chỗ trên bãi biển Tuần Châu (Hạ Long) luôn có rất đông khán giả tới cổ vũ.

Khán giả cổ vũ nhiệt tình cho Đội bóng ném bãi biển nam Việt Nam tại Khu du lịch và Giải trí quốc tế Tuần Châu, TP Hạ Long.

Các khán đài của Nhà thi đấu 5000 chỗ phường Đại Yên cũng luôn có số lượng khán giả đông đảo nhất là những trận đấu cuối.

Nhà thi đấu đa năng 5000 chỗ phường Đại Yên, TP Hạ Long thường xuyên chật kín khán giả mỗi khi đội tuyển Việt Nam thi đấu.

Bên cạnh du khách, người dân Quảng Ninh luôn cố gắng sắp xếp công việc để có mặt cổ vũ cho các đội tuyển. Trên khán đài, nhiều bóng áo xanh công nhân mỏ; nhiều phụ huynh dẫn theo con nhỏ đi cổ vũ... Dù là người dân hay du khách, những con người chưa từng quen biết nhưng đều có cảm xúc chung, cùng chung nhịp đập con tim khi cổ vũ các trận đấu.

Tại Quảng Ninh, có những cổ động viên đặc biệt, đó là lãnh đạo tỉnh, đại diện ngành Than và các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tỉnh... Ở trận chung kết bóng đá nữ, với sự quan tâm tới các cô gái vàng của thể thao Quảng Ninh, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đã có mặt dự khán. Tất cả là sự chung vui, động viên và quan tâm trao thưởng cho các cầu thủ, vận động viên, huấn luyện viên đến từ những cổ động viên "đặc biệt" này.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia tổ chức SEA Games 31 chúc mừng HLV Mai Đức Chung và đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam.

Chị Bùi Thị Hồng Hạnh là một cổ động viên cuồng nhiệt của bóng đá thuộc Hội cổ động viên Quảng Ninh. Các trận thi đấu bóng đá nữ trong khuôn khổ SEA Games 31, chị Hạnh không bỏ một buổi nào. Chị còn hào phóng treo thưởng cho đội nữ hàng trăm triệu đồng nếu đội vô địch. Chị Hạnh cũng cho hay, chị là một trong hai cổ động viên đã lặn lội theo chân các đội tuyển bóng đá Việt Nam ra nước ngoài vừa để cổ vũ vừa tiếp tế thực phẩm cho các cầu thủ bởi một lý do khiến chị lo sợ các tuyển thủ Việt Nam không quen đồ ăn nước ngoài.

Còn chị Vũ Thanh Thúy, Phó Chủ tịch Hội Cổ động viên Quảng Ninh, chia sẻ: Đội tuyển nữ Việt Nam đã có những chiến thắng rất ấn tượng và thuyết phục. Vì vậy, với điểm tựa là sân nhà, cổ động viên sẽ luôn đồng hành, cổ vũ hết mình cho đội tuyển. Ngay từ trận đầu tiên, chúng tôi đã đăng thông tin trên facebook để các cổ động viên nắm bắt thông tin và chủ động chuẩn bị trang phục đến cổ vũ.

Những trận đấu của đội tuyển nữ Việt Nam tại SEA Games 31 trên sân nhà Cẩm Phả, nhiều khán giả ấn tượng với hình ảnh một cổ động viên nhí vô cùng đặc biệt. Đó là Quỳnh Chi, con gái của Phạm Hoàng Quỳnh, nữ cầu thủ của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam quê ở Hồng Phong, Đông Triều. Trong hành trình bảo vệ ngôi vương SEA Games của đội tuyển bóng đá nữ quốc gia, Quảng Ninh vinh dự đóng góp 7 cầu thủ thuộc biên chế Câu lạc bộ bóng đá nữ Than - Khoáng sản Việt Nam, trong đó chỉ riêng Phạm Hoàng Quỳnh là có con nhỏ. Trong suy nghĩ ngây thơ và non nớt của cô bé Quỳnh Chi, có lẽ tình yêu thể thao của người Vùng mỏ đã bắt đầu được gieo hạt mầm đầu tiên.

Xúc động khoảnh khắc con gái của cầu thủ Hoàng Quỳnh xuống sân chúc mừng chiến thắng của mẹ.

Huấn luyện viên Mai Đức Chung chia sẻ: SEA Games được tổ chức trên sân nhà, đối với tập thể đội tuyển nữ Việt Nam chúng tôi đó thực sự là một điều hạnh phúc. Càng hạnh phúc hơn khi các cầu thủ được thi đấu tại Sân vận động Cẩm Phả với sự cổ vũ vô cùng nhiệt thành của gần 2 vạn cổ động viên Quảng Ninh. Thực sự đã kinh qua rất nhiều giải đấu cả trong nước và quốc tế nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi cảm nhận được sự cổ vũ, động viên lớn đến như vậy của người hâm mộ. Nguồn năng lượng tích cực, vô tận từ các khán đài sân Cẩm Phả tiếp thêm rất nhiều sức mạnh cho thầy trò chúng tôi ra sân, chiến đấu và chiến thắng.

HLV Mai Đức Chung chung vui chiến thắng với khán giả Quảng Ninh.

Sau những thất bại trước chủ nhà Việt Nam, huấn luyện viên trưởng tuyển nữ Philippines, Campuchia và Myanmar đều cùng chung cảm nhận rằng chưa bao giờ được chứng kiến cảnh tượng khán đài chật kín người ở một trận đấu bóng đá của phái nữ như vậy. Ông Tin Myint Aung, huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá nữ Myanmar, chia sẻ: Bản thân tôi cũng ngạc nhiên với bầu không khí trên sân do các cổ động viên tạo ra. Việt Nam đã có nguồn động lực thi đấu mạnh mẽ từ khán giả trên sân.

Có thể khẳng định rằng, Ban Tổ chức SEA Games 31 đã rất sáng suốt khi đưa bóng đá nữ về Sân vận động Cẩm Phả. Đây là một trong những nơi chứa đựng tình yêu và niềm kiêu hãnh của người vùng Than và cũng là nơi mà niềm đam mê thể thao đã trở thành truyền thống văn hóa từ lâu. Người Cẩm Phả, người Vùng than vốn coi trọng truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm", và trong thể thao, họ cũng đề cao sự đoàn kết, sự tương trợ, nhiệt huyết hết mình. Vì vậy, khi đội tuyển nữ Việt Nam thi đấu, chẳng có lý do gì mà “chảo lửa” Cẩm Phả không “rực cháy”. Bốn bề khán đài là một màu đỏ phủ kín. Màu đỏ của quốc kỳ, màu áo trên ngực cổ động viên và cả trong trái tim của mỗi một người hâm mộ.

Những khán đài chật kín khán giả, đỏ rực màu cờ Tổ quốc sẽ là những hình ảnh không thể nào quên về người hâm mộ thể thao tại Quảng Ninh.

Đứng trước lá đại kỳ tung bay đầy kiêu hãnh, niềm tự hào dân tộc như càng dâng cao, làm sôi sục nhiệt huyết trong trái tim mỗi cầu thủ.

Mỗi khi đội tuyển nữ Việt Nam có bàn thắng, hàng vạn cổ động viên vỡ òa hạnh phúc, cầu trường như muốn "nổ tung". Bởi khi đó, không chỉ có tình yêu bóng đá mà đó còn là tinh thần và niềm tự hào dân tộc vốn đã sẵn có trong huyết quản của mỗi người chỉ chờ dịp để được bùng lên.

Kết thúc mỗi trận đấu, người hâm mộ Quảng Ninh vẫn nán lại rất lâu tại sân vận động để chia vui cùng các nữ cầu thủ Việt Nam. Nhiều người còn chờ phía ngoài sân để đón các thần tượng nữ và để được chụp những tấm ảnh lưu niệm đầy ý nghĩa với những cô gái vàng của thể thao nước nhà.

Đội trưởng Huỳnh Như, người hùng của đội tuyển Việt Nam trong trận chung kết với Thái Lan, tri ân khán giả vùng Mỏ.

Quả thật, chưa bao giờ các tuyển thủ nữ Việt Nam hạnh phúc như những ngày sống trong bầu không khí bóng đá tuyệt vời đến thế. Đoàn quân của huấn luyện viên Mai Đức Chung sẽ nhớ mãi bầu không khí rực lửa trên sân Cẩm Phả, nhớ những tiếng hô vang “Việt Nam” hùng tráng như một luồng sức mạnh vô hình cho đôi chân thêm mạnh mẽ.

Sức nóng cuồng nhiệt của khán giả Quảng Ninh còn lan tỏa tới nhiều quốc gia và trở thành chủ đề thu hút dư luận. Hình ảnh những dòng người Quảng Ninh thức xuyên đêm để xếp hàng dài chờ được nhận tấm vé vào sân và những đường phố rợp băng rôn, cờ đỏ sao vàng với hàng ngàn người hâm mộ đổ ra đường đã trở thành những hình ảnh đẹp trong mắt du khách và bạn bè quốc tế.

Dưới sân các cầu thủ thi đấu hết mình theo phong cách của từng đội còn trên khán đài, khán giả Vùng mỏ lại cổ vũ hết mình theo phong cách cũng rất riêng. Khi tiếng còi khai cuộc cất lên, điều dễ nhận thấy là các cổ động viên Quảng Ninh không chỉ dành sự ủng hộ cho đội chủ nhà Việt Nam mà còn dành tình yêu thể thao và tình cảm nồng nhiệt cho tất cả các đoàn vận động viên các nước tham dự SEA Games 31. Đó cũng chính là tinh thần thể thao cao thượng của người Quảng Ninh.

CĐV Quảng Ninh với những phong cách cổ vũ hết mình.

Có thể thấy, nhiều trận thi đấu không có đội Việt Nam tham dự nhưng khán giả Quảng Ninh vẫn đến các địa điểm thi đấu rất đông, để chứng kiến những màn so tài và động viên tinh thần VĐV các nước bạn. Lối cổ vũ rất đẹp ấy đã truyền đi thông điệp về sự đoàn kết đồng lòng, không chỉ vì địa phương, dân tộc, mà còn vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn, đoàn kết hơn sau đại dịch Covid-19. Nó xuất phát từ chính truyền thống "Kỷ luật - Đồng tâm" của người Vùng mỏ và tinh thần đó còn trùng khớp với thông điệp của Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31.

Những "làn sóng người" cuốn quanh khán đài sân Cẩm Phả đã tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho các nữ cầu thủ thi đấu dưới sân.

Khán giả Quảng Ninh luôn hướng đến cổ vũ với tinh thần thể thao cao thượng. Tại Cẩm Phả, khán giả đã mang đến sân vận động "vạn đóa hoa hồng" của sự chân thành, cởi mở. Họ đã dựng lên “bức tường hoa hồng đỏ" trên khán đài với cờ hoa, biểu ngữ, áo đỏ và của những trái tim nhiệt thành.

Cổ động viên Việt Nam và Thái Lan hoà chung không khí SEA Games.

Thực tế, lâu nay bóng đá nữ không được quan tâm nhiều bằng bóng đá nam, nhưng ở Cẩm Phả, ở Quảng Ninh thì khác! Quảng Ninh vốn có đội bóng đá nữ Than - Khoáng sản và cũng quan tâm tới thể thao, trong đó có bóng đá nữ. Người hâm mộ Quảng Ninh rất yêu thương các cầu thủ nữ của mình. Có lẽ vì vậy mà các cầu thủ nữ tại Vùng mỏ góp mặt trong đội hình đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam khá đông đảo với những cái tên tiêu biểu như: Nguyễn Thị Vạn, Dương Thị Vân, Phạm Hoàng Quỳnh... Và chính người hâm mộ thể thao Quảng Ninh vốn đã dành tình yêu cho bóng đá nữ nay lại càng tạo ra một hình ảnh đẹp, một tình yêu cuồng nhiệt với các cô gái vàng của bóng đá Việt Nam.

Đội tuyển nữ Phillipines chia vui với các cổ động viên trên sân.

Lý giải về điều này, Biên tập viên Tiểu Huyền, Ban sản xuất các chương trình thể thao (Đài Truyền hình Việt Nam), cũng cho rằng lượng khán giả đến cổ vũ đặc biệt như vậy bởi vì Vùng mỏ là mảnh đất yêu thể thao đặc biệt là bóng đá, phong trào bóng đá phát triển rất mạnh từ những hầm mỏ, khai trường. Hơn nữa, đây là nơi mà các cô gái của đội bóng Than Khoáng sản thường xuyên thi đấu. Sân nhà, khán giả nhà với tình yêu bóng đá vô bờ bến như vậy thì không có lý gì mà không sôi động, hào sảng theo cách của người Quảng Ninh.

Ngay cả những người thi đấu nhiều năm cho đội tuyển quốc gia như cựu tiền đạo Nguyễn Thị Minh Nguyệt cũng hết sức bất ngờ. Chị Minh Nguyệt nhận định: Khán giả Quảng Ninh cổ vũ rất cảm xúc. Họ cổ vũ bằng cả trái tim. Phong cách cổ vũ ấy ở những trận đầu khán giả đông quá choáng ngợp nhưng rồi các cầu thủ cũng dần dần quen với "chảo lửa" đông khán giả ở Cẩm Phả.

Các CĐV giơ cao đèn flash điện thoại tạo nên những hình ảnh tuyệt đẹp trên sân.

Để có được những màn cổ vũ ấn tượng, Hội cổ động viên của Quảng Ninh đã làm rất tốt trong việc quy định cổ vũ văn minh, có văn hóa, mặc trang phục cờ đỏ sao vàng, mang cờ theo để cổ vũ, tuân thủ pháp luật. Nếu không tuân thủ quy định chung thì không được vào sân. Sân Cẩm Phả cũng không hề có hiện tượng ném giấy vệ sinh cuộn, ném pháo sáng ảnh hưởng tới mỹ quan và an ninh tại khu vực thi đấu. Điều này cũng cho thấy phong cách cổ vũ nhiệt tình nhưng đầy văn minh của cổ động viên Quảng Ninh.

Cẩm Phả đã gửi đến khán giả một thông điệp rằng, nơi đây không chỉ có công nghiệp, có những người thợ mỏ cần cù sáng tạo mà còn có những cầu thủ luôn tỏa sáng trên đài vinh quang, có những cổ động viên nhiệt huyết đầy mình. Cẩm Phả không chỉ là thành phố triệu đóa hồng mà còn là thành phố yêu chuộng thể thao.

Nữ cầu thủ Thanh Nhã hân hoan trong cái nắm tay thật chặt của người hâm mộ.

Những ngày đầu diễn ra SEA Games 31, Quảng Ninh mưa nắng thất thường, có trận bóng đá nữ Ban Tổ chức phải lùi thời gian thi đấu xuống đến 4 giờ nhưng khán giả không ai bỏ ra về mà vẫn sẵn sàng trụ lại và chờ đợi để được vào sân chứng kiến các cô gái thi đấu.

Hay như câu chuyện đẹp được thấy ở phút thứ 75 của trận đấu giữa đội tuyển nữ Việt Nam và đội tuyển nữ Philippines, hình ảnh dàn tình nguyện viên xếp thành bức “tường người” để bảo vệ sự riêng tư cho tuyển thủ Dương Thị Vân khi chị đang nhận được sự chăm sóc y tế đã được nhiều người ngợi khen. 

Trong những ngày diễn ra SEA Games, các đoàn thể thao đến Quảng Ninh cũng hoàn toàn yên tâm về sự chu đáo của Quảng Ninh. Câu chuyện Công an tỉnh Quảng Ninh tìm thấy hộ chiếu thất lạc của đoàn vận động viên bóng chuyền nam Thái Lan chỉ trong vòng nửa tiếng hay sợi dây chuyền vàng đắt tiền của thành viên đội tuyển Thái Lan làm rơi, cổ động viên người Quảng Ninh cũng không mảy may tơ hào mà đem gửi lại. 

Những tiếng hò reo cổ vũ theo nhịp (đặc sản của cổ động viên sân Cẩm Phả) tạo nên bầu không khí cuồng nhiệt.

Những ngày qua, ở Quảng Ninh, thể thao nói chung và bóng đá nói riêng được coi như một thứ “bùa mê”. Thể thao là một phần cuộc sống những ngày qua và dường như đã là chiếc cầu hữu nghị xoá nhoà mọi khoảng cách về địa lý, quốc tịch. Người ta có thể dễ dàng trao nhau những ánh mắt, nụ cười thân thiện, những cái ôm thật chặt đầy yêu thương.

Chị Phạm Thị Hường, nhân viên phục vụ của Trung tâm Truyền thông và Văn hóa Cẩm Phả, trao trả lại sợi dây chuyền vàng bị đánh rơi cho thành viên đội bóng đá Thái Lan là chị Bam.

Tất cả đã cho thấy tình yêu thể thao, sự cởi mở, thân thiện và phong cách cổ vũ đầy cống hiến của người Vùng mỏ. Đó là nền tảng để xây dựng một nền văn hoá cổ vũ đẹp, văn minh. Đó cũng là thông điệp quảng bá về mảnh đất, con người Quảng Ninh mến khách, xinh đẹp và giàu truyền thống văn hóa; điểm đến an toàn, hấp dẫn và thân thiện.



Thực hiện: Phạm Học
Ảnh: Minh Đức, Hùng Sơn, Minh Hà, Hoàng Quý, Hoàng Quỳnh
Trình bày: Đỗ Quang