
Quảng Ninh có 5 di tích trong Quần thể di sản thế giới Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới gồm có 12 cụm, điểm di tích trải rộng trên địa phận 3 tỉnh, thành là Quảng Ninh, Bắc Ninh và Hải Phòng. Trong đó, ở Quảng Ninh có 5 cụm, điểm di tích là Thái Miếu, chùa Lân, cụm di tích chùa Hoa Yên, am - chùa Ngoạ Vân và bãi cọc Yên Giang.
Nằm trong cụm những di tích liên quan đến nơi sinh thành của họ Trần và nơi yên nghỉ của nhiều vị vua và hoàng tộc triều Trần, ở Quảng Ninh có di tích Thái Miếu. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, đây ban đầu là nơi thờ cúng tổ tiên họ Trần, sau trở thành nơi thờ cúng các vị vua nhà Trần.
Kết quả khai quật khảo cổ năm 2009 tại đây đã phát lộ hai lớp kiến trúc thời Trần (thế kỷ 13-14) và thời Nguyễn (thế kỷ 19-20). Đặc biệt vào thời Trần, các kiến trúc nằm trên mặt bằng rộng hơn 2ha, có hình chữ Vương độc đáo với rất nhiều công trình liên kết với nhau.
Các di vật đặc biệt tìm thấy ở Thái Miếu gồm có chân đế bằng đá, ngói hình hoa sen và lá thuộc phong cách nghệ thuật thời Lý, chậu gốm hoa nâu có trang trí rồng theo phong cách thời Trần, đồ gốm men thời Lê Trung Hưng và đồ gốm Trung Hoa (thời Nguyên và Thanh). Công trình xây dựng gần đây nhất là vào năm 2014, lui về phía sau và vẫn nằm trên trục công trình thời Trần. Lễ hội Thái Miếu diễn ra vào tháng 1 (âm lịch), được dân làng tổ chức hàng năm.
Các di tích ở Quảng Ninh liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp tu hành của Phật Hoàng Trần Nhân Tông và sự ra đời của Phật giáo Trúc Lâm trên dãy núi Yên Tử có 3 cụm, điểm di tích là chùa Lân, chùa Hoa Yên và am - chùa Ngoạ Vân. Trong đó, chùa Lân có từ thời Trần, gắn với giấc mơ cưỡi rồng của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, cũng là nơi Đệ nhị Tổ Pháp Loa và Đệ tam Tổ Huyền Quang từng thuyết pháp cho hàng ngàn người.
Cụm di tích chùa Hoa Yên gồm nhiều di tích am, chùa, mộ tháp, bia, tượng, đường hành hương... nằm giữa Rừng quốc gia Yên Tử. Các công trình có từ thời Lý, tiếp tục được tu bổ, tôn tạo vào các đời sau. Trong đó, chùa Hoa Yên là ngôi chùa trung tâm của toàn bộ hệ thống chùa trên núi Yên Tử, là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành, giác ngộ và giảng đạo cho các đệ tử. Chùa tọa lạc trên một dông núi lớn và hùng vĩ trên núi Yên Tử.
Vườn tháp Huệ Quang và Hòn Ngọc là nơi tôn trí ngọc cốt của nhiều thế hệ thiền sư từng tu hành tại đây. Trong đó, Huệ Quang kim tháp được vua Trần Anh Tông và Đệ nhị Tổ Pháp Loa xây vào năm 1309, lưu giữ xá lỵ của Phật Hoàng. Tháp có tượng Phật Hoàng bằng đá cẩm thạch đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Các ngôi chùa khác trong cụm chùa Hoa Yên cũng có những ý nghĩa riêng. Trong đó, chùa Giải Oan gắn liền với tích Phật Hoàng lập đàn giải oan cho những cung nữ theo vua về Yên Tử, ngăn cản vua tu hành không được, đã trầm mình dưới suối. Chùa Một Mái là nơi Phật Hoàng đọc sách, soạn kinh. Chùa Vân Tiêu là nơi Phật Hoàng ở, tu tập, đào tạo tăng tài và biên soạn nhiều tác phẩm quan trọng nhất của Phật giáo Trúc Lâm. Chùa Bảo Sái là nơi đệ tử Bảo Sái trụ trì, biên tập kinh văn của Phật Hoàng. Đường Tùng gắn với các tuyến đường hành hương truyền thống từ hàng trăm năm nay...
Am - chùa Ngoạ Vân là nơi Phật Hoàng tìm về dựng am nhỏ tu hành những năm cuối đời rồi nhập Niết bàn tại đây, được xem như “thánh địa” của Phật giáo Trúc Lâm.
Bãi cọc Yên Giang thuộc hệ thống các bãi cọc và di tích liên quan đến trận thuỷ chiến trên sông Bạch Đằng lịch sử năm 1288, thể hiện vai trò, ảnh hưởng của Phật giáo Trúc Lâm trong cuộc sống Đại Việt và truyền thống sử dụng tài nguyên đất, nước… của người Việt. Bãi cọc được khoanh vùng, giữ nguyên trạng từ đó đến nay. Lễ hội Bạch Đằng đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2022.
Ý kiến ()