20
18
/
1100347
Quảng Ninh bảo vệ an toàn cho học sinh trong đại dịch Covid-19 - Bài 1: “Vắc xin hạnh phúc” từ những ngôi trường mở cửa trong mùa dịch
longform
Quảng Ninh bảo vệ an toàn cho học sinh trong đại dịch Covid-19 - Bài 1: “Vắc xin hạnh phúc” từ những ngôi trường mở cửa trong mùa dịch

Thực hiện mục tiêu cao nhất trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 là bảo vệ trẻ em, bảo vệ học sinh, Quảng Ninh đã xây dựng những phòng tuyến an toàn để các em học sinh các cấp được học trực tiếp thay vì phải học trực tuyến. Hai năm trải qua dịch Covid-19, các em học sinh trên địa bàn tỉnh đều chia sẻ không gì vui bằng khi đi học là được đến trường, được giao tiếp, học tập, vui chơi cùng bè bạn, thầy cô, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nơi trong cả nước hay thế giới vẫn còn phải học trực tuyến ở nhà do chưa thể kiểm soát được dịch Covid-19. 

Em Lý Anh Thư, học sinh lớp 9A, Trường THCS Thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu:

Em rất cảm ơn những người đang ngày đêm chống dịch để em được đến trường

T

rước diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 vô cùng căng thẳng hiện nay, có rất nhiều ngôi trường phải tạm dừng việc đến trường và học trực tuyến tại nhà. Em thấy mình thật may mắn khi hiện giờ vẫn được đến trường học mỗi ngày.

Thật tuyệt vời làm sao khi được bước đi chầm chậm trên con đường thân thuộc đến trường, được nhìn ngắm những hàng cây dưới sân trường, được trò chuyện, chơi đùa cùng các bạn dưới bóng cây phượng vĩ. Và hơn cả là được lắng nghe trực tiếp những bài giảng từ thầy cô yêu dấu.

Những giờ học vui vẻ, sôi nổi và đầy hào hứng. Những dòng chữ của thầy cô trên bảng. Những bài thực hành, những thí nghiệm chúng em được tự tay thực hiện. Và ngay cả những giờ lao động hay những tiết thể dục mệt mà vui… Vẫn là những hình ảnh và hoạt động quen thuộc ấy, nếu như trước kia là những điều bình thường thì giờ đây lại quý giá biết bao! Hơn bao giờ hết, em cảm thấy mỗi thời khắc học tập trực tiếp tại trường đều vô cùng giá trị.

Em vô cùng biết ơn các cô chú lãnh đạo đã tạo điều kiện tốt nhất cho chúng em được đến trường. Và em rất muốn gửi lời cảm ơn tới những người anh hùng trên tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là những người chiến sĩ áo trắng, áo xanh, họ hi sinh thời gian, sức khỏe và cả niềm hạnh phúc đoàn tụ bên gia đình, người thân vì sự bình yên của cộng đồng. Trong giai đoạn khó khăn này, điều chúng em nhận được là bài học về sự biết ơn, về tinh thần đồng cảm, sẻ chia, đoàn kết, nhắc nhở chúng em biết trân trọng những gì đang có, biết yêu thương cuộc sống hơn.

Khi viết những dòng này, em bất giác nhìn qua khung cửa sổ lớp học, thấy bầu trời vẫn trong xanh, sân trường ngập tràn ánh nắng và tiếng cười rộn rã. Những điều đó như gợi nhắc chúng ta rằng trong gian lao thử thách chỉ cần lạc quan và vững tin vào một tương lai tươi sáng thì hạnh phúc sẽ mỉm cười với ta. 

Chị Nguyễn Thị Ngọc Ngà, Điều dưỡng trưởng, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí

Điều quan trọng giúp tôi hoàn thành sứ mệnh hỗ trợ TP Hồ Chí Minh là có một hậu phương vững chắc, là thấy con mình được đến trường

T

háng 7/2021, tôi là một trong những y bác sĩ, điều dưỡng đầu tiên của Quảng Ninh đặt chân tới TP Hồ Chí Minh hỗ trợ các đồng nghiệp của mình theo sự phân công của tỉnh.

Mặc dù đã biết đi vào tâm dịch nhưng bản thân tôi vẫn không tưởng tượng được mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh ở TP Hồ Chí Minh thời điểm đó. Đến nơi chưa kịp quen với khí hậu, quen với điều kiện sống chúng tôi đã lăn xả vào công việc. Từ Bệnh viện dã chiến số 6 đến Bệnh viện thu dung số 12, tôi cũng không thể nhớ nổi mình đã tiếp đón, chăm sóc bao nhiêu bệnh nhân. Tôi chỉ có thể nhớ là bệnh nhân nườm nượp vào viện, đủ các lứa tuổi từ trẻ nhỏ đến người già ở tuổi “xưa nay hiếm”.

Thời điểm đó, bản thân tôi cũng mới chỉ tiêm 1 mũi vắc xin, nguy cơ lây nhiễm bệnh luôn thường trực khi F0 vây quanh. Tuy nhiên, chúng tôi không chùn bước. Trong thời tiết nóng 35-36 độ, lúc nào chúng tôi cũng trong bộ quần áo bảo hộ kín mít, mồ hôi ướt rồi lại khô, khô rồi lại ướt nhưng sự quan tâm hàng đầu của chúng tôi luôn là bệnh nhân. Cơm có thể ăn không hợp khẩu vị, thời tiết thay đổi thất thường cho đến việc phải đối mặt với những yêu cầu nhiều khi vô lý của bệnh nhân nhưng không vì vậy mà chúng tôi nản lòng. Ở đây, nhiều bệnh nhân tiến triển bệnh rất nhanh, đang tốt bỗng lượng oxy tụt đột ngột làm chúng tôi phải vội vàng cấp cứu. Đến tầm tháng 8, tháng 9, lượng bệnh  nhân nhập viện ngày càng đông. Áp lực đặt lên vai chúng tôi càng nặng nề hơn. Nhiều khi mệt mỏi, lo lắng bủa vây, rất nhiều đêm trắng nhưng rồi chúng tôi lại tự nhắc bản thân và động viên nhau cố gắng hết sức cứu chữa cho bệnh nhân. Bởi chúng tôi biết, mình chính là hy vọng của họ.

Điều giúp chúng tôi trụ được 3 tháng đầy khó khăn ở TP Hồ Chí Minh, giúp chúng tôi hoàn thành sứ mệnh của người thầy thuốc là nhờ có một hậu phương vững chắc nơi quê nhà. Tôi là bà mẹ 2 con với một cậu con trai lớn đang tuổi dậy thì và một cô con gái nhỏ mới học tiểu học. Khi xung phong lên đường vào TP Hồ Chí Minh, tôi đã sắp xếp việc nhà, gửi gắm con cái cho người thân. Tuy nhiên, đây cũng là lần đầu tiên tôi xa con lâu đến thế. Trong những giờ trực, chúng tôi có thể toàn tâm, toàn ý cho bệnh nhân nhưng khi cởi bỏ bộ áo bảo hộ, nỗi nhớ nhà, nhớ con lại trào dâng trong tôi. Đặc biệt, khi năm học mới đến gần, nỗi nhớ ấy lại càng mạnh mẽ hơn với những băn khoăn lo lắng không biết ở nhà con có thiếu thốn gì không, chuẩn bị cho năm học mới như thế nào…

Đặc biệt, khi nhìn những bệnh nhân nhỏ tuổi phải nhập viện vì Covid-19, tôi càng lo lắng hơn, cầu mong quê nhà bảo vệ được vùng xanh, để trẻ em được đến trường, được bình an. Thật may, mơ ước đó của tôi đã thành hiện thực. Trong ngày khai giảng, được người thân gửi cho những bức ảnh các con đến trường, nước mắt tôi cứ thế rơi. Đang ở trong tâm dịch, ngay giữa cuộc chiến sinh tử với dịch bệnh, những hình ảnh đó giá trị lắm, tự hào lắm. Trong khi nhiều nơi đang phải phong tỏa, nhiều trường học trở thành nơi cách ly, nhiều học sinh phải khai giảng online mà Quảng Ninh vẫn đưa được trẻ đến trường là điều thực sự lớn lao và rất đáng tự hào.

Sau giờ trực, nghe con gọi điện thoại, rít rít kể về các buổi học, về thầy cô và các bạn, tôi không nén nổi nụ cười. Niềm vui của con đã truyền đến với tôi, giúp tôi có thêm động lực để hoàn thành sứ mệnh của người thầy thuốc trong thời gian hỗ trợ TP Hồ Chí Minh.

Em Phạm Đăng Dương, cựu học sinh Trường THPT Hòn Gai

Nhờ Quảng Ninh phòng chống dịch tốt, em đã được ôn tập và thi trong một môi trường an toàn nhất

N

ăm học 2020 – 2021 quả là một năm học có quá nhiều cung bậc cảm xúc đối với em. Em cũng như các bạn đồng trang lứa phải trải qua những giai đoạn rất đáng nhớ: đầu năm học, em được học tập trực tiếp tại trường, nhưng bắt buộc phải đảm bảo về an toàn chống dịch. Tuy nhiên, một số hoạt động vui chơi giải trí, tập trung đông người của Nhà trường đã bị hạn chế đi khá nhiều. Đó cũng là một điều khá thiệt thòi đối với em, bởi những hoạt động đó chính là những kỉ niệm vui cuối cùng của 18 năm thanh xuân trên ghế nhà trường của mình. Không những vậy, em phải quay trở lại học online vì có ca nhiễm trong thành phố sau vài tháng bắt đầu năm học. Lúc đó, bản thân em cảm thấy có đôi chút sợ hãi vì sợ không đảm bảo được chất lượng ôn tập của mình.

Nhưng thật may mắn, chỉ sau một thời gian rất ngắn, chúng em lại được tiếp tục ôn thi trực tiếp ở trường, cùng với việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch được đẩy lên mức cao hơn, nhằm tạo cho em một môi trường ôn tập vừa an toàn, vừa đảm bảo về mặt kiến thức. Bản thân em cảm thấy thật hạnh phúc và vui mừng khi có cơ hội được học trực tiếp cùng với các bạn. Tuy đã bị hạn chế về mặt hoạt động, chúng em vẫn có những khoảnh khắc vui vẻ với nhau những ngày cuối năm cấp ba, mà vẫn ôn tập một cách hiệu quả, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh trong nước ngày càng phức tạp và Trường THPT Hòn Gai đang trong thời gian cải tạo, nâng cấp khiến việc di chuyển các địa điểm học tập khác nhau còn bất cập.

 


Có thể nói, việc được ôn tập trực tiếp, không phải học và ôn tập, thi online như nhiều nơi khác, là một điều may mắn đối với em nói riêng và học sinh tỉnh Quảng Ninh nói chung. Nhờ sự chỉ đạo sát sao và kịp thời của các bác lãnh đạo tỉnh, cùng với sự vào cuộc, chung tay giúp đỡ của các thầy cô giáo trong Hội đồng Giáo dục Nhà trường và cha mẹ, em đã được ôn tập và thi trong một môi trường an toàn nhất, đảm bảo được chất lượng về mặt kiến thức và điểm thi. Nếu như không có những sự chỉ đạo quan trọng và giúp đỡ tận tâm ấy, em và các bạn trong trường khó có thể đạt được kết quả tốt như vậy. Bởi việc ôn tập online sẽ cản trở việc giao tiếp giữa cô và trò, trong học hành, ôn kiến thức cũ và tiếp thu kiến thức mới. Hơn nữa, có rất nhiều yếu tố xung quanh khiến chúng em không thể tập trung ôn tập hoàn toàn, từ đó việc hiểu kiến thức một cách trọn vẹn, đầy đủ như ở trên lớp là một điều khá “xa xỉ” đối với những bạn học online, kể cả bản thân em. Dù tinh thần tự học của em cũng được đánh giá là khá tốt, nhưng việc học trực tiếp khiến em có động lực học hơn, và chất lượng học cũng tốt hơn nhiều so với việc học online.

 

Được học tập trong môi trường giáo dục của tỉnh Quảng Ninh, em cảm thấy mình thật hạnh phúc khi được nhận những sự đầu tư của tỉnh. Từ việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nhà trường, các chính sách ưu tiên cho giáo dục như miễn học phí trong thời gian dịch bệnh, quan tâm động viên những học sinh có kết quả tốt,… Tất cả những sự quan tâm kịp thời và đầu tư như vậy đã giúp chúng em có một môi trường học tập vừa an toàn, vừa hiện đại, giúp cho việc nghiên cứu các kiến thức khác nhau trở nên dễ dàng hơn. Đồng thời, học sinh chúng em cũng có thêm động lực lớn để có thể trau dồi thêm và phát triển bản thân hơn, từ đó gặt được nhiều thành tích, giải thưởng hơn ở các đấu trường tầm cỡ khu vực, quốc gia và châu lục. Và chính nhờ những sự đầu tư và quan tâm đúng lúc, kịp thời, thường xuyên như vậy, em đã vượt qua mọi rào cản khó khăn, cố gắng hết sức trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc Gia và đạt được kết quả rất tự hào với 28,35 điểm (trong đó: Toán: 8,8; Ngữ Văn: 9,75; Tiếng Anh: 9,8).

 


Hiện nay, em đang theo học chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Đại học Ngoại thương nhưng học trực tuyến. Đây là một điều hơi buồn vì năm đầu tiên ở bậc đại học của em lại diễn ra hoàn toàn qua internet, từ hoạt động khai giảng, học tập, thi cử hay những hoạt động ngoại khóa khác.

Em mong rằng các địa phương trong cả nước đều chống dịch tốt như Quảng Ninh để em có thể học tập trực tiếp tại trường, có nhiều cơ hội để nghiên cứu kiến thức và phát triển bản thân hơn.

Em Nguyễn Hoàng Trâm Anh, học sinh lớp 4D1, Trường Tiểu học Kim Đồng, TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh

Em biết mình sẽ an toàn khi đến trường

T

rường Tiểu học Kim Đồng của em nằm tại trung tâm thị xã Đông Triều. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, có thời điểm chúng em tạm dừng đến trường và chuyển sang hình thức học online tại. Mặc dù các thầy, cô giáo luôn tạo điều kiện tốt nhất, cố gắng xây dựng các bài giảng hay và thú vị giúp chúng em tập trung hơn khi học trực tuyến, nhưng bản thân em mong muốn được đến trường vì niềm vui khi được gặp bạn bè, thầy cô không có gì sánh bằng. Hơn nữa, việc được tiếp thu kiến thức trực tiếp ở trường sẽ có hiệu quả và tập trung hơn khi tự học ở nhà.


Tuy nhiên, chúng em cũng chỉ phải học online một thời gian rồi lại đến trường khi dịch được kiểm soát. Nghe tin đó, chúng em vui lắm. Không chỉ chúng em, các cô cũng đã đến trường từ rất sớm, cũng háo hức chào đón chúng em, hướng dẫn cặn kẽ chúng em thực hiện nghiêm túc các nội dung phòng chống dịch bệnh ngay từ cổng trường, và đặc biệt 100% chúng em đều được thực hiện test nhanh Covid- 9 trong buổi học đầu tiên.


Được quay trở lại trường, học trực tiếp em thấy rất hạnh phúc và luôn biết ơn các cấp lãnh đạo, các y, bác sĩ, các chú công an, chú bộ đội... đã không quản ngày đêm, khó khăn vất vả để đem lại bình yên, hạnh phúc cho nhân dân. Em xin hứa sẽ chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch bệnh, tiếp tục phấn đấu học tập, rèn luyện tốt để trở thành con ngoan, trò giỏi . Em rất mong dịch Covid-19 sẽ mau qua đi để cuộc sống trở lại bình yên cho tất cả mọi người. Để chúng em được tham gia học tập, vui chơi thoải mái. Để một đất nước bình yên và một thế giới không dịch bệnh. 

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên Trường Tiểu học Hạ Long, TP Hạ Long

Được dạy - học trực tiếp là điều hạnh phúc, là niềm vui, sự mong đợi của cả cô và trò

G

ắn bó với nghề dạy học đến nay được 19 năm, trải qua những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết sôi động, từ làng chài Vung Viêng- Hùng Thắng mang trên những lớp học bồng bềnh sóng gió đến những tiết dạy thăng hoa tràn đầy năng lượng, hứng thú bên những cô cậu trò nhỏ ở mái trường Tiểu học Hạ Long, chưa bao giờ tôi lại cảm nhận được rõ ràng đến thế niềm vui, niềm hạnh phúc từ một điều tưởng như giản dị vô cùng. Đó là cô - trò được an toàn cùng nhau đến trường, đến lớp.

Có lẽ trước Tết Nguyên đán 2020, trước khi dịch Covid -19 ập tới, không một giáo viên nào lại nghĩ rằng hàng ngày được đến trường, được dạy - học trực tiếp là điều hạnh phúc, là niềm vui, sự mong đợi của cả cô - trò. Công việc hàng ngày giờ lại trở thành niềm ao ước của rất nhiều giáo viên, học sinh cả nước. Năm học mới 2021-2022, tỉnh Quảng Ninh, TP Hạ Long là một trong những ít tỉnh, thành phố mà học sinh được đến trường học trực tiếp từ đầu năm học mà chưa bị gián đoạn.

Đối với tôi, mỗi ngày đến trường được nhìn thấy các em, được hoạt động cùng các em, được nhìn thấy ánh mắt háo hức, tràn đầy niềm vui, hứng khởi khi khám phá kiến thức mới đó chính là nguồn động lực vô bờ với nghề của tôi. Điều đó giúp tôi không ngừng thay đổi bản thân, không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới mạnh mẽ từ tư duy đến phương pháp dạy học, hướng tới mục tiêu giáo dục toàn diện năng lực phẩm chất cho học sinh. Và những cô cậu trò nhỏ của tôi cũng vậy, các em không ngừng thể hiện những năng lực cá nhân thông qua những hoạt động học tập trên lớp, qua đó hình thành phẩm chất, nhân cách của con người thế hệ mới với đủ tri thức, kỹ năng, sự chủ động, sáng tạo.

Đặc biệt với học sinh lớp 1, các con cần lắm những lời động viên khích lệ, những cái xoa đầu khen ngoan, những cái nắm tay uốn nắn từng con chữ, cái đặt tay nhẹ nhàng lên lưng giúp con ngồi thẳng, cho đến những cái ôm ấm áp giúp con đỡ rụt rè, bỡ ngỡ, đến ánh mắt yêu thương, khích lệ khi rèn luyện các con theo nề nếp học tập ở cấp học mới.

Để có được những điều đó thì việc dạy học trực tuyến không thể đáp ứng được vì dạy-học trực tuyến là cô trò phải làm việc với máy móc, thiết bị, ở đó những cử chỉ dạy dỗ yêu thương giữa cô trò không thể có được. Khi dạy học trực tuyến, kể cả người giáo viên có thiết kế thật nhiều hoạt động, trò chơi học tập thì việc duy trì hứng thú dạy- học của cô trò sẽ không được quá lâu và hiệu quả mang lại không như mong muốn.

Qua đó chúng ta càng thấy rõ hơn tầm quan trọng, vai trò của việc thực hiện dạy-học trực tiếp. Giờ phút này đây, bản thân tôi, những người đồng nghiệp của tôi, những trò nhỏ của tôi đều cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết khi được đến trường, đến lớp. Chúng tôi càng chắt chiu từng giờ trên lớp, chắt chiu từng phút giây để cô trò trao đổi, mở mang thêm kiến thức. Bên cạnh đó, cô trò chúng tôi cùng thực hiện nghiêm khắc các quy định về phòng chống dịch Covid - 19 để những “phút giây hạnh phúc” mà chúng tôi đang có sẽ tiếp tục “đồng hành” với cô trò chúng tôi! Vững vàng nhé “Hạ Long” thân yêu!

Cô giáo Đặng Thị Nguyệt, giáo viên Trường PTDTBT TH – THCS Nam Sơn, huyện Ba Chẽ

Tôi thấy thật may mắn khi được nghe tiếng trống trường, tiếng học sinh ríu rít mỗi ngày

N

ằm bên bờ sông Ba Chẽ thơ mộng và hiền hòa, ngay cửa ngõ của huyện, xã Nam Sơn tiếp giáp với nhiều huyện thị trong tỉnh, nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức, nhất là khi đứng trước đại dịch Covid - 19.

Trường PTDTBT TH-THCS Nam Sơn – nơi các em nhỏ người dân tộc thiểu số đang học tập và ăn ở lại càng dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết. Mới nhận công tác tại đây được vài năm, nhưng tôi có cả một tuổi thơ gắn bó và học tập dưới mái trường vùng cao này. Trải qua bao nhiêu lần đổi tên, bao nhiêu lần chuyển địa điểm, bước qua bao thăng trầm và biến cố của quê hương, ngôi trường đã trở thành nhân chứng sống cho sự vươn lên mạnh mẽ của giáo dục xã Nam Sơn. Và giờ đây đứng trước một thử thách mới – cuộc chiến chống đại dịch Covid 19 – chúng tôi lại có thể viết tiếp bản hùng ca ấy bằng những giai điệu tự hào.

Nhớ lại thời gian đầu khi dịch Covid -19 vừa xuất hiện và có nguy cơ bùng phát, đó có lẽ là những kí ức không thể nào quên đối với chúng tôi và học trò. Toàn huyện thực hiện giãn cách xã hội, học sinh không thể đến trường nên việc học tập phải chuyển sang hình thức trực tuyến. Ở Nam Sơn, nhiều em nhỏ khi đó vẫn còn đang oằn mình với nghèo khó thì khái niệm “học trực tuyến”, “học online” là quá xa lạ với các em.

Đối với nhiều gia đình, thậm chí một chiếc điện thoại để liên lạc cũng còn là thứ xa xỉ, thì việc học trực tuyến qua internet bằng máy tính và điện thoại thông minh, học trên truyền hình gần như là không thể. Ngay cả việc giao bài trực tiếp cũng không mấy hiệu quả, bởi gia đình các em sống rải rác, nên việc đến từng nhà để hướng dẫn, giám sát cho học sinh thực sự chỉ có thể coi là giải pháp tạm thời.

Thế nhưng, rất may mắn vì đồng hành cùng nhà trường và ngành giáo dục trên mặt trận phòng chống Covid - 19 luôn có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, chủ động, sáng tạo của các cấp ủy, chính quyền; sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị toàn tỉnh. Nhà trường đã nhanh chóng chuyển từ mục tiêu “không có Covid” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid – 19” đúng với tinh thần chỉ đạo của tỉnh, của địa phương. May mắn hơn nữa khi tỉnh Quảng Ninh triển khai tiêm vắc xin diện rộng. Nhờ thế mà phụ huynh an tâm và học sinh đã có thể tập trung học tập hơn khi đến trường với “tấm áo bảo hộ chống Covid” trên người.

Ngay lúc này, cuộc chiến Covid vẫn đang hết sức phức tạp. Các huyện lân cận đã có rất nhiều trường hợp nhiễm Covid và huyện Ba Chẽ đã xuất hiện ca F0 đầu tiên. Xã Nam Sơn cũng đã có nhiều ca F1, F2. Ở nhiều tỉnh thành, đặc biệt là các tỉnh thành phía nam, các bạn học sinh đã nhiều tháng nay không được nghe âm thanh của tiếng trống trường, tiếng ê a đọc bài, tiếng ríu rít gọi nhau… thì may mắn thay, các em nhỏ ở đây vẫn được lắng nghe những âm thanh ấy mỗi ngày. Dù phải giữ khoảng cách, dù phải gọi nhau qua lớp khẩu trang nhưng tôi nhìn thấy ở các em cảm giác yên tâm khi được sinh sống và học tập trong một môi trường đã được chuẩn bị kĩ lưỡng trong công tác phòng chống dịch. Tôi cũng cảm nhận được sự biết ơn trong ánh mắt của các em, mỗi khi tôi nhắc đến sự vào cuộc nỗ lực của cả hệ thống chính trị toàn tỉnh để các em vẫn hàng ngày được đến trường, để không ai bị bỏ lại phía sau…

Để một ngày nào đó khi “giặc Covid” không còn là nỗi ám ảnh với đất nước, với nhân loại, trong những bài giảng của tôi, tôi sẽ kể cho học trò về những “chiến sĩ” ở thời bình, đã “chiến đấu” hết mình với đại dịch Covid - 19 để duy trì cuộc sống bình yên cho quê hương. Một thời bình mà tinh thần dân tộc đã hòa quyện chặt chẽ cùng với niềm say mê, nhiệt huyết của những người cầm phấn.

Chị Đặng Thị Thanh, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Đào Phúc Lộc, TP Móng Cái

Tôi rất ủng hộ việc tiếp tục cho trẻ đến trường khi dịch đã được khống chế và kiểm soát…

N

ăm học 2021 – 2022 bắt đầu trong không khí vui mừng, phấn khởi của các thầy cô giáo, các em học sinh đặc biệt là các bậc phụ huynh của thành phố Móng Cái khi mà sau 4 lần bùng dịch, Móng Cái nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung vẫn luôn được đánh giá cao về chỉ số an toàn trong công tác phòng và chống dịch.

Cho đến đợt bùng dịch lần này cũng vậy, ngay khi dịch có dấu hiệu bắt đầu bùng rộng tại thành phố, tâm lý của hầu hết tất cả các bậc phụ huynh đều khá lo lắng cho an toàn của các con, vì chưa khi nào trên địa bàn thành phố có nhiều F0 như vậy. Bản thân tôi là một người mẹ, trước tình hình như vậy cũng không tránh khỏi lo lắng.

Các bé còn nhỏ, sức đề kháng yếu nhưng lại ham chơi và hiếu động, ở trường các con ăn ngủ bán trú, mặc dù nhà trường quyết liệt chỉ đạo các thầy cô giáo nhắc nhở học sinh thực hiện 5K cũng không tránh khỏi những động chạm, tiếp xúc gần, phần nào tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh.



Tuy nhiên trải qua mấy mùa dịch, việc để các bé ở nhà cũng có rất nhiều bất cập. Khi trường dừng học do ảnh hưởng của dịch, hầu hết trẻ em đều ở nhà do các hoạt động vui chơi, học tập, ngoại khóa của trẻ đều bị hạn chế. Trong khi đó, các phụ huynh vẫn phải đi làm, không thể để mắt đến con cả ngày, không có thời gian chơi đùa, trò chuyện, lắng nghe con, điều đó phần nào làm ảnh hưởng đến tâm lý con trẻ, khiến nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích hiện hữu ngay tại nhà.

Vì vậy, mong muốn con được đi học, được đến trường nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch là điều mong mỏi không chỉ của riêng bản thân tôi mà cũng là của rất nhiều các bậc phụ huynh khác. Thế nên, chúng tôi đều “thở phào” khi các thầy cô nhắn tin lên nhóm “Dịch hiện đã được khống chế, ngày mai các con đi học trở lại”.

 

Qua mọi thông tin được các thầy cô cập nhật liên tục, chúng tôi nắm bắt kịp thời các phương án phòng chống dịch mà nhà trường và các lớp áp dụng. Ngoài điều tra đồng bộ, phân luồng phụ huynh, học sinh có nguy cơ cao, trường cũng đã chuẩn bị các điều kiện vệ sinh, khử khuẩn trong nhà trường như: bố trí các điểm rửa tay bằng xà phòng, có đủ nước sạch để thầy cô và các con sử dụng thường xuyên. Trong các lớp đều có bố trí dung dịch sát khuẩn, khẩu trang cho các con phòng khi trẻ quên.

Khi đưa con vào trường, thì những khẩu hiệu “Yêu cầu đeo khẩu trang khi vào trường”; “Nơi sát khuẩn tay nhanh”, “Chung tay phòng chống dịch Covid-19”, các khẩu hiệu 5K được nhà trường thiết kế sinh động thu hút sự chú ý của các bố mẹ và các con, mang tính tuyên truyền cao.

Bản thân tôi rất ủng hộ việc tiếp tục cho trẻ đến trường khi dịch đã được khống chế và kiểm soát. Chúng ta không thể vì dịch mà tước đi niềm vui đến trường của trẻ. Thay vào đó, tôi chú trọng đến việc tăng cường sức đề kháng cho con, rèn kỹ năng cho con để có ý thức tự bảo vệ bản thân ngay cả khi không có bố mẹ bên cạnh. Chỉ có như vậy, các con mới thực sự vượt qua mùa dịch một cách an toàn nhất.


Thực hiện: Lan Anh - Bảo Bình

Kỹ thuật đồ họa: Tất Đạt