20
18
/
1100268
Quảng Ninh: An toàn cho học sinh là ưu tiên hàng đầu
longform
Quảng Ninh: An toàn cho học sinh là ưu tiên hàng đầu

Với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tỉnh Quảng Ninh đã, đang có nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể, nhiều sáng kiến hay, góp phần vừa ổn định phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo an dân, an sinh, trật tự an toàn xã hội. Trong bối cảnh thực hiện quan điểm chống dịch của Chính phủ là sống chung với Covid-19, tỉnh Quảng Ninh đã, đang đặc biệt quan tâm đến đối tượng học sinh, trẻ em, lứa tuổi chiếm tới ¼ dân số của tỉnh (với trên 300.000 học sinh, trẻ mầm non). Để đảm bảo an toàn cho học sinh, trẻ em đến trường trong trạng thái bình thường mới, tỉnh đặc biệt quan tâm, dành nhiều nguồn lực, với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, tạo sự yên tâm, tin tưởng đến tất cả các bậc cha mẹ, phụ huynh học sinh, nhân dân trong toàn tỉnh.

Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn dành rất nhiều nguồn lực, sự quan tâm đặc biệt cho giáo dục, cho học sinh. Ngân sách chi cho lĩnh vực GD&ĐT hằng năm chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách của tỉnh, trong đó chi thường xuyên cho giáo dục chiếm khoảng 30-35% tổng chi thường xuyên của tỉnh. Chất lượng giáo dục năm sau cao hơn năm trước ở tất cả các cấp học, bậc học, ở giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn.

Có được những kết quả trên là nhờ trong suốt quá trình phát triển, đặc biệt 10 năm qua tỉnh đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng để phát triển GD&ĐT. Các chính sách đặc thù của tỉnh được xây dựng trên cơ sở mở rộng các chính sách của Trung ương, trong đó chủ yếu mở rộng đối tượng được thụ hưởng và mức hỗ trợ được vận dụng bằng với mức quy định của Trung ương.

Việc triển khai thực hiện các chính sách cũng đảm bảo được duy trì kịp thời, thường xuyên, công bằng cho các đối tượng, tác động tích cực đến chất lượng giáo dục toàn tỉnh nói chung.

Giáo viên đo thân nhiệt cho học sinh Trường TH Cẩm Bình, TP Cẩm Phả.

Tính riêng từ năm 2009 đến tháng 6/2019, Sở GD&ĐT đã tham mưu HĐND tỉnh ban hành 17 Nghị quyết về hỗ trợ các đối tượng là giảng viên, giáo viên, trẻ em, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính các chính sách đặc thù cho giáo dục vùng sâu, vùng xa, thì đến nay cũng đã có 08 chính sách. Trong đó có thể kể đến các quyết sách: Nghị quyết số 204/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên được đánh giá là một trong những quyết sách vô cùng quan trọng tạo động lực thúc đẩy giáo dục của tỉnh phát triển. Nghị quyết số 49/2011/NQ-HĐND ngày 09/12/2011 của HĐND tỉnh về việc quy định chế độ thưởng cho học sinh đoạt giải trong các kỳ thi tuyển sinh vào hệ chính quy các trường đại học, cao đẳng và giáo viên đào tạo học sinh đoạt giải. Nghị quyết số 309/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 về việc quy định chính sách hỗ trợ một số đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2021 – 2025...

Năm nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở các địa phương trong cả nước, toàn tỉnh vẫn giữ vững được địa bàn an toàn. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT được tổ chức đúng theo kế hoạch, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các thí sinh. Học sinh trong toàn tỉnh cũng đã được khai giảng đúng vào ngày 5/9, kịp thời bắt nhịp vào một năm học mới với không khí hân hoan, phấn khởi, tạo tâm lý yên tâm tới tất cả các bậc phụ huynh.

Em Đặng Phương Nhi, lớp 4, Trường Tiểu học Hữu Nghị, TP Hạ Long, nói: Em rất vui vì được đến trường học cùng các bạn. Khi đến trường và ở lớp các bạn đều có ý thức đeo khẩu trang, sát khuẩn tay. Các cô dặn dò chúng em rất chu đáo về các biện pháp chống dịch.

Tiết học của trẻ 5 tuổi, Trường Mầm non Hạ Long, TP Hạ Long.

Toàn ngành Giáo dục cũng đã sớm xây dựng kế hoạch chuyển trạng thái dạy học thích ứng với tình huống khi có 500 đến 1.000 người mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhằm đạt được mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong năm học mới.

Anh Phạm Minh Cường, phường Hồng Hải, TP Hạ Long, phấn khởi nói: Vợ chồng tôi có hai cháu. Một cháu học lớp 1, một cháu mới 4 tuổi. Cả hai cháu đều rất thích đi học. Tôi rất yên tâm khi các cháu được đến trường, với môi trường học tập an toàn.

Đáng chú ý, Quảng Ninh cũng là địa phương đi đầu trong việc hỗ trợ 100% học phí cho học sinh, trẻ mầm non ở các trường phổ thông công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh trong năm học 2021-2022. Dự kiến nguồn kinh phí hỗ trợ trong năm học này lên tới hơn 138,2 tỷ đồng, được lấy từ nguồn kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 được quy định tại Nghị quyết 326/NQ-HĐND ngày 8/2/2021 của HĐND tỉnh và nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ.

Quảng Ninh hỗ trợ 100% học phí cho trẻ em mầm non và học sinh các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh năm học 2021-2022.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến hết sức phức tạp gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế và đời sống của nhân dân, việc ban hành chính sách đã giúp các bậc phụ huynh trên địa bàn vơi bớt khó khăn về tài chính, đồng thời động viên, khuyến khích các em học sinh đến trường.

Chị Trần Thị Hải, có con đang học tại Trường Mầm non Đồng Văn, huyện Bình Liêu, chia sẻ: Gia đình tôi đều đi làm rừng, công việc không ổn định nên thu nhập rất bấp bênh. Vì thế, khi có chính sách miễn giảm học phí cho học sinh trong đó có đối tượng trẻ mầm non như con tôi, chúng tôi rất mừng. Khoản tiền được miễn hằng tháng tuy không lớn nhưng đã giúp gia đình tiết kiệm chi phí để lo thêm sinh hoạt hằng ngày.

Năm học 2021-2022 tiếp tục là một năm học đặc biệt bởi nó diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tập trung nguồn lực để phòng, chống dịch Covid-19. Tỉnh đã chỉ đạo ngành Giáo dục phải tích cực tuyên truyền sâu rộng đến các bậc phụ huynh quan điểm, chỉ đạo mới của Chính phủ. Cụ thể là Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 12/10/2021 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” (gọi tắt là Nghị quyết 128), áp dụng thống nhất trong toàn quốc. Theo đó, Nghị quyết 128 được ban hành mở ra hướng tiếp cận mới trong chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Với Nghị quyết mới này, bên cạnh sự tích cực, chủ động, nhạy bén trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, thì điều kiện tiên quyết để thích ứng an toàn với Covid-19 vẫn nằm ở nhận thức, ý thức của mỗi người dân.

Các sinh viên tình nguyện Trường Đại học Hạ Long đo thân nhiệt cho tân sinh viên trước khi vào trường.

Trên cơ sở bám sát Nghị quyết 128, tỉnh Quảng Ninh đã có những cách làm mới, quyết sách mới, sáng tạo, linh hoạt, đặc biệt là với ngành Giáo dục, với học sinh. Trước những băn khoăn, lo lắng của các bậc phụ huynh về việc đảm bảo cho con em mình được đến trường an toàn, gần đây nhất, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 7395/UBND-DL1 về việc hướng dẫn tạm thời cách ly, xét nghiệm, di chuyển phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh sẽ xét nghiệm thường xuyên, định kỳ tại các trường học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trung tâm ngoại ngữ… (do Chủ tịch UBND cấp huyện chủ trì chỉ đạo triển khai và chịu trách nhiệm). Thực hiện xét nghiệm đối với học sinh, giáo viên, người lao động có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở.

Thực hiện xét nghiệm sàng lọc định kỳ cho toàn bộ học sinh tần suất 1 lần/tuần đối với những học sinh, giáo viên, người lao động mà có cha, mẹ, người thân (ở cùng nhà, có tiếp xúc hàng ngày) làm việc ở các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người như cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chợ đầu mối, bến xe, siêu thị, lái xe, người chạy xe mô tô chở khách (xe ôm), người giao hàng hóa (shipper)…; lao động làm công việc bốc vác hàng hoá tại các cảng bến, cửa khẩu, chợ đầu mối, nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú, quán ăn, karaoke, spa, club, vũ trường… Thực hiện xét nghiệm định kỳ 5-10% cho số học sinh của trường theo hướng dẫn tại Công văn 8228/BYT-MT ngày 30/9/2021.

Tiết học trải nghiệm sáng tạo tại Trường Mầm non Kim Sơn, Đông Triều.

Được biết, trong tất cả văn bản của Trung ương đến nay đều chưa yêu cầu học sinh là đối tượng phải bảo vệ trọng điểm, đối tượng tầm soát. Thế nhưng, để đảm bảo an toàn học sinh tới trường, Quảng Ninh luôn đi đầu, đặc biệt quan tâm đến các em, bởi đây là đối tượng chưa tiêm vắc xin, chiếm tới ¼ dân số của tỉnh. Việc sàng lọc định kỳ cho học sinh được xác định là rất hợp lý, sáng tạo. Toàn bộ kinh phí xét nghiệm sàng lọc cho học sinh đều được thực hiện miễn phí.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh:
Bên cạnh những thuận lợi, phải thấy rõ những nguy cơ, thách thức về mầm bệnh, ca bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào địa bàn rất lớn, luôn hiện hữu. Nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế thấp nhất ca mắc, ca chuyển nặng, tử vong do COVID-19; ổn định và phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, giữ đà tăng trưởng hai con số, hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của cả giai đoạn 2020-2025 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu Sở GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và UBND các địa phương rà soát, hướng dẫn quy trình phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động giáo dục và đào tạo theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế. Thực hiện các giải pháp đảm bảo thực hiện năm học 2021-2022 an toàn, hiệu quả, phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh tại từng địa phương. Chủ động xây dựng, tổ chức có hiệu quả kế hoạch sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, “dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”.

BTV Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo Sở GD&ĐT phải tổ chức dạy và học có trọng tâm, trọng điểm; kết hợp giữa dạy trên lớp với học trực tuyến, qua truyền hình, giao bài tập về nhà, phù hợp với yêu cầu học tập kiến thức mới và ôn tập. Hằng ngày, thực hiện khử trùng, vệ sinh lớp học, trường học, các vị trí thường xuyên tiếp xúc, phương tiện đưa đón học sinh thường xuyên, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định.

Cô giáo Nguyễn Thị Kim, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cẩm Sơn 2, TP Cẩm Phả cho biết: Nhà trường đã thiết lập cơ chế phối hợp, kênh liên lạc 24/7 chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác quản lý, theo dõi sức khỏe học sinh một cách thường xuyên, chủ động, chặt chẽ, có hệ thống; vận động phụ huynh học sinh kiên quyết không đưa con em tới lớp học, trường học khi có một trong các biểu hiện, triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở và phải liên hệ ngay với cơ sở y tế để xét nghiệm, tư vấn, hỗ trợ y tế kịp thời.

Giáo viên Trường Mầm non Đông Hải, huyện Tiên Yên vệ sinh lớp sau mỗi buổi học.

Đến nay, đã qua gần 4 tháng không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng, tỉnh vẫn giữ vững vùng “xanh” an toàn, địa bàn “ổn định - phát triển trong trạng thái bình thường mới”; tập trung triển khai hoàn thành nhanh nhất chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid -19 bảo đảm an toàn, có hiệu quả trên diện rộng với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Độ bao phủ mũi 1 đạt 94,6%, mũi 2 đạt gần 70% cho người từ 18 tuổi trở lên, cùng với năng lực của hệ thống y tế từng bước được củng cố, nâng cao, tạo nền tảng rất cơ bản để tỉnh Quảng Ninh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Có thể thấy, với sự quan tâm đặc biệt cho học sinh, trẻ em, tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực, tiếp tục chủ động, linh hoạt trong công tác chỉ đạo chống dịch Covid-19, vừa phù hợp với tình hình địa phương, vừa thống nhất với chủ trương chung của toàn quốc. Để từ đó, đặt nền móng để triển khai hiệu quả chiến lược chống dịch từ “không có Covid-19” sang “sống chung an toàn với Covid-19”.


Thực hiện: Lan Anh

Kỹ thuật đồ họa: Đỗ Quang, Hùng Sơn