20
18
/
1100355
Những quyết sách vì dân
longform
Những quyết sách vì dân

2 năm đương đầu với đại dịch Covid-19, Quảng Ninh đã xây dựng, triển khai rất nhiều cơ chế, chính sách mới, với mục tiêu hỗ trợ mọi tầng lớp nhân dân ổn định đời sống, phát triển sinh kế lâu dài, bền vững và được bảo vệ an toàn trước dịch bệnh. Đây có thể nói là những chính sách “an dân” và “được lòng dân” của Quảng Ninh trong “cơn bão” dịch Covid-19, bởi được triển khai rất nhanh chóng, kịp thời, đa dạng đối tượng thụ hưởng.

Từ đầu năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như thu nhập, đời sống của người dân. Trong bối cảnh đó, từ rất sớm, Quảng Ninh đã ban hành những quyết sách trong cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch Covid-19. Thấy rất rõ, trong những quyết sách của tỉnh, người dân luôn là chủ thể, trung tâm.

Tháng 3/2020, HĐND tỉnh khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 245/2020/NQ-HĐND “về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định tình hình KT-XH trên địa bàn tỉnh”. Theo Nghị quyết này, toàn bộ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có hộ khẩu thường trú tại Quảng Ninh bị mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/ người/tháng theo thời gian người lao động bị mất việc, tối đa không quá 3 tháng, kể từ tháng 4/2020. Đã có gần 500 trường hợp người lao động lâm vào cảnh khó khăn đã được hỗ trợ kịp thời. Cùng với đó, tỉnh cũng khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ người dân nằm trong diện khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 theo các quy định của Trung ương. Theo đó, năm 2020, tỉnh đã chi hỗ trợ gần 8.900 trường hợp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, với tổng số tiền 102,7 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký kiểm tra việc đầu tư phát triển du lịch tại huyện Bình Liêu.

2 năm qua, hàng loạt những chính sách hỗ trợ trực tiếp nhiều đối tượng người có hoàn cảnh khó khăn, chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đã được Quảng Ninh thực hiện. Đơn cử, ngay sau khi Nghị quyết 68/NQ-CP (ngày 1/7/2021) của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Quảng Ninh đã tập trung rà soát và triển khai thực hiện. Đến hết tháng 9/2021, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho hơn 214.000 người, hơn 5.500 đơn vị, doanh nghiệp nằm trong diện thụ hưởng với tổng số tiền trên 45,37 tỷ đồng. Cùng với đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 42/QĐ-UBND (ngày 16/8/2021) về việc hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, mở rộng thêm nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Dự kiến, toàn tỉnh sẽ có khoảng 25.000 người được thụ hưởng chính sách này, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 32 tỷ đồng.

Cùng trong tháng 7/2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Nghị quyết được xem là chính sách quan trọng để giúp cải thiện thêm một bước đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, yếu thế trên địa bàn. Theo đó, từ ngày 1/8/2021, mức chuẩn trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh sẽ được nâng lên 450.000 đồng/tháng đối với đối tượng bảo trợ xã hội, người yếu thế sinh sống tại cộng đồng, giai đoạn từ ngày 1/8/2021 đến ngày 31/12/2022 và tăng lên 500.000 đồng/tháng từ ngày 1/1/2023 trở đi, cao hơn 1,38 lần so với mức chuẩn trợ giúp xã hội tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Còn đối với người nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, mức chuẩn trợ cấp xã hội là 500.000 đồng/tháng. Cùng với đó, bổ sung thêm một nhóm đối tượng mới là trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Không chỉ mở rộng hơn về đối tượng thụ hưởng, Nghị quyết cũng đã điều chỉnh mức hưởng trợ cấp tăng lên cao hơn từ 1,3 đến 1,85 lần so với mức chuẩn quy định tại Nghị định 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Cùng với đó là các chế độ hỗ trợ về: Bảo hiểm y tế; chi phí khám, chữa bệnh; học phí và chi phí học tập cho trẻ đang đi học; chi phí mai táng; các hỗ trợ đột xuất; và một số nội dung đặc thù khác như hỗ trợ sau thoát nghèo, hỗ trợ vật dụng sinh hoạt cho đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội...

Dự báo những tác động của dịch bệnh Covid-19 sẽ còn kéo dài, chính vì vậy, cùng với việc triển khai những chính sách hỗ trợ các đối tượng người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năm 2021, tỉnh tiếp tục ban hành nhiều chính sách mới với mục tiêu cao nhất nhằm đảm bảo sức khoẻ, an toàn cho nhân dân trước đại dịch; thúc đẩy phát triển KT-XH, rút ngắn khoảng cách vùng miền;…

Tháng 2/2021, HĐND tỉnh khóa XIII đã xem xét, ban hành Nghị quyết số 326/NQ-HĐND ngày 8/2/2021 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo an sinh xã hội và ổn định tình hình KT-XH trên địa bàn tỉnh. Trong đó, điều chỉnh các nhiệm vụ chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển để tăng dự phòng ngân sách lên mức tối đa 4% trên tổng chi ngân sách địa phương, tạo nguồn lực dự phòng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, thiên tai, dịch bệnh khác. Đặc biệt, dù ngân sách tỉnh gặp khó khăn do tác động từ các nguồn thu giảm, tuy nhiên tỉnh vẫn bố trí khoảng 500 tỷ đồng cho việc mua vắc-xin phòng dịch Covid-19, tranh thủ sớm nhất thời gian để thiết lập miễn dịch cộng đồng, bảo vệ sức khỏe cho người dân. Nhờ chủ động sớm, đến cuối tháng 9/2021, 100% dân số Quảng Ninh trong độ tuổi quy định đã hoàn thành tiêm 2 mũi vắc xin, tỉnh cũng đứng thứ 4 cả nước về tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Công nhân KCN Đông Mai, thị xã Quảng Yên tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.


Một chính sách của Quảng Ninh đã được đông đảo người dân trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh đánh giá rất cao, truyền tải được thông điệp chăm lo cho sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo của tỉnh. Đó là chính sách hỗ trợ 100% học phí năm học 2021-2022 cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông tại các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh (theo Nghị quyết số 36/2021/NQ-HĐND, ngày 27/8/2021, của HĐND tỉnh). Theo đó, toàn tỉnh sẽ có 222.483 học sinh được thụ hưởng chính sách hỗ trợ trong năm học 2021-2022 với nguồn kinh phí hỗ trợ là hơn 138,2 tỷ đồng. Cũng theo Nghị quyết số 36/2021/NQ-HĐND, một số chính sách đặc thù khác cũng được HĐND tỉnh thông qua như: Hỗ trợ kinh phí tiền bồi dưỡng, tiền ăn cho các đối tượng tham gia công tác phòng, chống dịch tuyến đầu; hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội trong thời gian phải thực hiện cách ly; hỗ trợ chi phí xét nghiệm sàng lọc, mai táng phí… Dự kiến kinh phí thực hiện lên tới trên 286,4 tỷ đồng. Những quyết sách của tỉnh, một lần nữa đã khẳng định mục tiêu “an dân” lên hàng đầu, được đông đảo mọi tầng lớp nhân dân đón nhận, đồng thuận cao.

Được biết, với mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục tốt nhất cho học sinh, cũng trong năm 2021, tỉnh đã ưu tiên dành vị trí đắc địa của TP Hạ Long để triển khai Dự án cải tạo, mở rộng Trường THPT Hòn Gai. Dự án được xây dựng trên diện tích gần 20.000m2, trong đó trên 10.600m2 là diện tích hiện trạng, hơn 9.200m2 là diện tích mở rộng, tổng mức đầu tư hơn 250 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách của TP Hạ Long. Đây là dự án tạo bước đột phá trong công tác đầu tư, phát triển giáo dục của tỉnh và cũng là điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan tại khu vực trung tâm TP Hạ Long. Ngay trong ngày tựu trường năm học 2021-2022, thày và trò Trường THPT Hòn Gai đã được giảng dạy, học tập trong diện mạo ngôi trường mới, mang một vị thế và kỳ vọng mới cho sự phát triển của Nhà trường, cũng như hứa hẹn những đổi mới trong sự nghiệp GD&ĐT của tỉnh thời gian tới.

Học sinh Quảng Ninh được học tập trong môi trường an toàn.

Không chỉ hỗ trợ khu vực miền núi, hải đảo giai đoạn trong đại dịch, với tầm nhìn chiến lược, Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND (ngày 16/7/2021) về phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, ngân sách nhà nước các cấp dành khoảng 4.000 tỷ đồng (tương đương 3% tổng chi ngân sách địa phương) để thực hiện chương trình. Ước tính, sẽ có hơn 162.000 đối tượng được thụ hưởng chính sách này. Riêng năm 2021, HĐND tỉnh phân bổ nguồn kinh phí 200 tỷ đồng chi cho các dự án hỗ trợ đầu tư hạ tầng thiết yếu và ủy thác cho vay Ngân hàng Chính sách xã hội tạo sinh kế cho đồng bào. Mới đây, đã có trên 68.200 người dân là đồng bào DTTS ở các xã khu vực 2, 3 của tỉnh đã được nối lại hiệu lực của thẻ BHYT từ ngày 1/8/2021. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục kéo dài thời gian hỗ trợ tiền ăn, gạo cho học sinh bán trú thêm 2 năm học, miễn toàn bộ học phí cho học sinh các cấp học mầm non và phổ thông trong năm học 2021-2022.

Quảng Ninh đặt mục tiêu đến hết năm 2022, Quảng Ninh không còn thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới, 100% số xã thuộc khu vực này đạt chuẩn nông thôn mới… Từ nay đến hết năm 2025, sẽ nâng mức thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020.

Ông Nguyễn Thái Hưng, Giám đốc Công ty CP Du lịch khách sạn Sài Gòn – Hạ Long: Chính sách của tỉnh là “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp

2 năm qua là khoảng thời gian quá khó khăn đối với các doanh nghiệp nói chung và đặc biệt là doanh nghiệp dịch vụ du lịch như chúng tôi. Như ở Khách sạn Sài Gòn – Hạ Long, năm 2020 doanh thu chỉ bằng 60% so với năm 2019, đến năm 2021 chỉ bằng 18% so với năm 2020. Từ 150 lao động, đến nay chúng tôi đã phải thực hiện hoãn việc 2 đợt đối với trên 80 lao động. Trước những khó khăn này, thời gian qua Khách sạn Sài Gòn – Hạ Long đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ những chính sách của Trung ương và tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, trên 80 lao động tạm hoãn công việc tại khách sạn hiện đang được hưởng chính sách hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Mặt khác, tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời hỗ trợ khách sạn bằng các chính sách giảm giá thuê đất; hỗ trợ giá điện; hỗ trợ phí thu gom rác thải… cho khách sạn. Đây thực sự là “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp vào thời điểm này, để có thể tiếp tục bám trụ trước những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và sẵn sàng phục hồi trong thời gian sớm nhất. Những quyết sách tôi nghĩ đã cho thấy tâm và tầm của những người đứng đầu, luôn quan tâm, chăm lo cho người dân, doanh nghiệp.

Anh Nguyễn Quang Mạnh, tổ 4B, khu 2, phường Hồng Hà, TP Hạ Long: Người yếu thế có thể an tâm vượt qua đại dịch

Bản thân là người khuyết tật, lao động tự do, tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm ổn định để đảm bảo đời sống, đặc biệt là trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong thời gian qua. Công việc để mưu sinh của tôi hiện nay là bán vé số. Việc làm này cho thu nhập cũng bấp bênh, đặc biệt là do ảnh hưởng bởi dịch nên việc bán vé số thời điểm này khá khó khăn. Trong khi hiện nay gia đình tôi cũng còn con nhỏ đang tuổi ăn học, không có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, tôi đã được hưởng tiền hỗ trợ từ chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho lao động tự do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Số tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng được nhận vào thời điểm rất khó khăn, đã là nguồn động viên, khích lệ rất lớn với gia đình tôi. Cả gia đình cùng đã được tiêm văc-xin miễn phí. Tôi mong rằng, trong thời gian tới, trước tình hình dịch bệnh còn nhiều phức tạp, các cấp chính quyền trong tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, có những chính sách kịp thời để mỗi người dân, đặc biệt là những người yếu thế như tôi có thể đảm bảo cuộc sống.

Chị Nguyễn Thị Lân, khu Triều Khê, phường Hồng Phong, TX Đông Triều: Cảm động, tự hào trước chính sách hỗ trợ học phí

Ngay khi biết tin, tỉnh hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mầm non và học sinh tại các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh, bản thân tôi thấy cảm động và tự hào lắm. Bản thân tôi chưa bao giờ tôi thấy có chính sách hỗ trợ cho giáo dục như vậy tại tỉnh. Nhiều bạn bè của tôi ở tỉnh khác cũng biết đến và hỏi tôi, tôi cảm thấy vui và tự hào về tỉnh mình lắm. Tôi nghĩ, là một quyết sách rất nhân văn, kịp thời và hợp lòng dân. Như gia đình tôi, cũng tạm gọi là có mức thu nhập ổn định thì chi phí nuôi 2 con ăn học cũng chiếm một phần không nhỏ trong quỹ chi tiêu của gia đình. Trong khi, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều gia đình lao động tự do, lao động thu nhập thấp, người mất việc do dịch bệnh… họ quả thật quá khó khăn, chật vật để duy trì sinh hoạt trong gia đình cũng như trang trải các khoản chi phí khác, trong đó có chi phí ăn học cho con mình. Có lẽ bởi những quyết sách chăm lo cho giáo dục mà tỉnh đã thực hiện thời gian qua, nên Quảng Ninh đã, đang gặt hái được nhiều thành công tự sự nghiệp GD&ĐT thời gian này.

Ông Nình Ngọc Chắn, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu: Đồng bào chúng tôi rất phấn khởi

Từ tháng 6/2021, nhiều người dân là hộ DTTS ở các xã 135 chúng tôi đã không còn được thực hiện chính sách miễn phí đóng BHYT nữa. Dù đã thoát nghèo, không còn diện đặc biệt khó khăn nhưng đời sống vật chất cũng vẫn còn đó nhiều trăn trở, vì vậy, việc đóng BHYT cho tất cả các thành viên trong gia đình cũng là một mối lo. Rất may, từ tháng 8, chúng tôi lại được nối dài thời gian thực hiện BHYT miễn phí. Tôi được biết, đây là chính sách riêng của tỉnh Quảng Ninh. Điều đó cho thấy tỉnh luôn quan tâm đến người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới. Chúng tôi rất phấn khởi. Cùng với chính sách này, chúng tôi còn nhận được nhiều sự quan tâm, ưu ái khác về cơ sở hạ tầng, giao thông, phát triển văn hóa bản sắc dân tộc, y tế. Đặc biệt, con em đồng bào DTTS cũng sẽ được hưởng nền giáo dục chất lượng hơn; cơ hội việc làm, nghề nghiệp cũng được quan tâm hơn nữa với các chính sách về nông nghiệp, nông thôn, vay vốn phát triển sản xuất…. để bà con vươn lên làm giàu.

Em Phạm Phương Thu, lớp 12A5, trưởng THPT Hòn Gai (TP Hạ Long): Chúng em được phát triển trong môi trường giáo dục tốt nhất

Học sinh chúng em rất vui mừng và tự hào vì thời gian qua, nhờ những giải pháp chống dịch, hiệu quả, quyết liệt của tỉnh, chúng em vẫn đảm bảo được đến trường đầy đủ. Năm học này, cũng là một năm học vô cùng đặc biệt đối với em, khi ngôi trường THTP Hòn Gai em theo học được tỉnh quan tâm dành nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất khang trang đẹp đẽ. Những năm trước, mặc dù cũng đã được đầu tư cải tạo nhưng một số phòng học có diện tích khá nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của chúng em. Khu vực dành cho hoạt động giáo dục thể chất ngoài trời, sân vui chơi cho học sinh, diện tích cây xanh cũng vẫn còn hạn chế... Năm học này, ngôi trường mới được xây dựng với các khối nhà học mới có kiến trúc, trang thiết bị dạy và học hiện đại, diện tích trường được mở rộng gấp đôi. Đây thực sự là niềm hạnh phúc và là động lực to lớn để chúng em cố gắng học tập, đạt được những thành tích cao, không phụ lòng tin tưởng, đầu tư của tỉnh, của thầy cô, cha mẹ đã dành cho chúng em. Em mong muốn rằng, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư những công trình giáo dục hoàn thiện trong toàn tỉnh để học sinh của tất cả các vùng miền, địa phương trong tỉnh đều được giáo dục trong môi trường tốt nhất, từ đó làm tiền đề để chúng em vững vàng tiếp thu tri thức, phấn đấu trở thành những công dân có ích, xây dựng quê hương, đất nước trong tương lai.

Bài: Hồng Nhung - Nguyên Ngọc - Thanh Tùng

Trình bày: Hùng Sơn