20
18
/
1100284
Nơi ta thấy cả dáng hình đất nước thân thương
longform
Nơi ta thấy cả dáng hình đất nước thân thương

“Học đi em. Học đi mà nhớ mãi. Quê hương ta một dải. Từ mũi Cà Mau. Đến địa đầu Móng Cái…”. Móng Cái - vùng đất phên giậu đó là nơi ta đặt niềm tin mãnh liệt từ khi cô dạy đặt nét bút đầu tiên vẽ bản đồ đất nước, hun đúc tâm hồn ta biết sống cho Tổ quốc thiêng liêng…

“Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân ở phường Bình Ngọc, TP Móng Cái ngày nay. 17 tuổi tôi lên đường nhập ngũ và bắt đầu con đường binh nghiệp của đời mình. Suốt sự nghiệp của mình, tôi chiến đấu và công tác xa quê hương, và đến sau này, khi gắn bó với khúc ruột miền Trung nắng gió, nhưng những ký ức, năm tháng thuở thiếu thời ở Móng Cái mãi là suối nguồn tưới mát tâm hồn tôi khi nghĩ về hai chữ quê hương.

Những năm 60 của thế kỷ trước, hòa trong khí thế hừng hực xung phong ra trận của lớp lớp thanh niên cả nước, lứa thanh, thiếu niên nơi mảnh đất địa đầu chúng tôi cũng hăng hái, sục sôi với quyết tâm lên đường bảo vệ Tổ Quốc. Tháng 9/1966 khi có đợt tuyển quân đi bộ đội, tôi vô cùng háo hức. Chỉ nặng có hơn 40 kg tôi không đủ điều kiện khi khám sức khỏe. Nhưng tinh thần sục sôi nào đâu chờ được, tôi mặc áo rộng buộc đá lên người để qua vòng kiểm tra. Và tôi đã vinh dự là 1 trong số 27 thanh niên của Bình Ngọc lên đường năm ấy.

Trước ngày tôi đi, cụ thân phụ dặn rằng: “Đi là tốt nhưng đi nhất định phải hoàn thành nhiệm vụ mới được trở về. Con hãy nhớ đến truyền thống cách mạng của gia đình, gương các chú bác, anh chị con để phấn đấu, trưởng thành”. Tôi lên đường với hành trang là lời cha dặn cùng lời thề khắc ghi dưới mái đình Trà Cổ của thế hệ thanh niên chúng tôi: “Từ điểm đầu tiên của nét bút vẽ nên hình chữ S của Tổ quốc, chúng con nguyện chiến đấu đến cùng, nguyện cắm lá cờ chiến thắng ở miền Nam”.

Đình Trà Cổ, phường Trà Cổ.

Đình Trà Cổ với tôi là một phần máu thịt nơi quê mẹ. Mái đình cổ kính hàng trăm năm tuổi vừa là cột mốc văn hóa nơi biên cương Móng Cái và cũng là điểm tựa tinh thần thiêng liêng trong tâm thức của mỗi người dân miền biển. Nơi ấy, tôi được nghe các cụ cao niên kể về nguồn cội, tổ tiên, nghe những câu ca dao ngọt ngào hương vị biển cả, được cùng chúng bạn với những trò chơi thơ bé trên sân đình... Và cũng dưới mái đình này, biết bao người con của Móng Cái trước khi nhập ngũ đều nguyện thề sẽ chiến đấu lập công, để không hổ thẹn với quê hương, tiên tổ. Vì vậy, những hoài niệm về mái đình Trà Cổ trong tôi không bao giờ phai nhạt mà luôn dạt dào nhớ nhung.

Ngày tôi lên đường, ngoài gia đình, bạn bè, còn có người bạn gái Hoàng Thị Liễm sau này cũng là người bạn đời của tôi tiễn xuống tận bến đò ngang. Mãi về sau tôi có viết câu thơ về giây phút tạm biệt quê hương thế này “Bến đò ngày trước thuyền sang/ Em đưa anh xuống sang trang cuộc đời”... Chiêm nghiệm lại, cuộc đời tôi đã rẽ hướng từ ấy, nhưng dù có đi đâu, thì Móng Cái vẫn luôn là mảnh đất quê hương nghĩa nặng tình sâu, nơi có dòng tộc, gia đình, nghĩa mẹ, tình cha, đạo nghĩa thầy trò, tình cảm bạn bè, vợ chồng. Đặc biệt, trong đời quân ngũ tôi luôn may mắn có sự đồng hành từ hậu phương của mình. Vợ tôi là chị gái ruột của liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm - nữ liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh tại Đồn biên phòng Pò Hèn năm 1979, nên cũng như mọi người dân Móng Cái, lòng yêu nước, sự anh dũng, quả cảm từ họ đã tiếp cho tôi ý chí, sức mạnh để không ngừng nỗ lực, cống hiến, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Anh hùng Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy chiếc xe tăng M48 số hiệu 35, tiến đánh Sài Gòn ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu của Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng.

Tôi vẫn thầm cảm ơn quê nhà làng biển, chính vị mặn mòi, nghĩa tình và mạnh mẽ của biển đã thấm vào từng đường gân, thớ thịt để giúp tôi có bản lĩnh, cương trực, mạnh mẽ, quả cảm vượt qua mọi gian khổ suốt một thời trận mạc, để mỗi dịp trở về, tôi được ngẩng cao đầu dưới mái đình quê hương, tự hào là người con của mảnh đất địa đầu Móng Cái anh hùng.

Thời gian trôi qua, dù ở bất cứ đâu, ở hoàn cảnh nào lòng tôi cũng không quên theo dõi những chặng đường phát triển của quê hương. Hạnh phúc và tự hào vô cùng khi thấy Móng Cái đang trỗi dậy mạnh mẽ trong hình hài, diện mạo của một thành phố vùng biên năng động, hiện đại, luôn trong tốp đầu phát triển, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của tỉnh Quảng Ninh. Từ cây cầu Bắc Luân II đến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái và mới đây là dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh trong Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái... tất cả đang mở ra thêm “cánh cửa” giao thương, hội nhập mạnh mẽ đưa Móng Cái đến gần hơn với thế giới, là cơ sở để thành phố vươn mình sớm hoàn thành mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, cảng biển trọng điểm của Quảng Ninh và tiến tới là của cả nước. Những chiến công từ thời chiến cho đến những thành tựu ở thời bình hôm nay của Móng Cái cứ thế lấp lánh, rực rỡ như khúc hoan ca rộn ràng bên dòng sông Ka Long hiền hòa, chảy mãi.

Năm 1979, tôi là Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong cuộc giao ban truyên truyền sáng ngày 19/2 ở Đài, nhà báo Trần Lâm, Tổng Biên tập lúc đó đã chỉ đạo phát sóng các tiết mục ca ngợi tập thể, điển hình đang chiến đấu dũng cảm để bảo vệ Tổ quốc. Tấm gương cô Hoàng Thị Hồng Chiêm ở biên giới tỉnh Quảng Ninh là một điển hình đó. Trong nỗi căm hờn quân xâm lược cùng niềm tin quyết chiến quyết thắng của cả đất nước, mỗi phóng viên, biên tập viên, nghệ sĩ… của Đài tiếng nói Việt Nam, ai cũng muốn làm một điều gì để gửi đến nơi tuyến lửa tiền tuyến. Điều đó thôi thúc tôi viết ca khúc Bông hoa Hồng Chiêm.

Ngay ngày hôm đó, tôi xuống phòng Thời sự, xin đồng nghiệp những thông tin trận chiến ở Móng Cái và về liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm. Trong hoàn cảnh sáng tác khi chưa có dịp gặp gỡ, cũng không nghe ai kể lại, tất cả những gì tôi có là những tin tức của đồng nghiệp và dòng cảm xúc chứa chan sự biết ơn với những người con anh hùng của đất nước. Tôi cẩn thận nghiên cứu, tìm ý tứ cho ca khúc đến thuộc lòng cả bản tin. Càng nghiên cứu, tôi càng thấy khâm phục, tự hào về cô gái tuổi đôi mươi của cửa hàng thương nghiệp Pò Hèn nhỏ bé nhưng lại có ý chí, dũng khí và lòng quả cảm lớn lao khi trở thành người chiến sĩ nơi tuyến đầu của trận đánh. Cô đã cầm súng, và ngoan cường chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Sự hy sinh của Hồng Chiêm khiến tôi nghĩ đến câu thơ của Tố Hữu “Có những phút làm nên lịch sử/ Có cái chết hóa thành bất tử”.

Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Pò Hèn (xã Hải Sơn, TP Móng Cái).

Hình ảnh quả cảm của liệt sĩ Hồng Chiêm cứ trở đi trở lại trong tâm trí tôi. Như một phép lạ, mỗi khi thanh âm của phím đàn ngân lên, thì cũng là lúc lời bài hát lại rõ ràng trong đầu tôi. Và kết quả, ca khúc đã ra đời ngay trong đêm hôm đó. “Bên hoa hồi, hoa quế thơm rừng biên giới/ Có bông hoa Hồng Chiêm thắm đẹp/ Dưới ánh nắng vàng khoe sắc bản làng/ Bông hoa hồng ấy chính là tên… Cô đã thở thành người dũng sĩ/ Gương diệt thù giữ đất Quảng Ninh/... Sông núi hát mãi chiến công này…

Với thế mạnh, sở trường của mình, tôi lựa chọn chất liệu dân ca miền núi phía bắc này để viết tác phẩm. Sáng hôm sau tôi báo cáo và trình bày ca khúc đến Tổng biên tập Trần Lâm, nhạc sĩ Phạm Tuyên được mọi người khen ngợi. Bông hoa Hồng Chiêm cũng là bài hát đầu tiên được sáng tác trong số rất nhiều những ca khúc sau này viết về Pò Hèn, về cuộc chiến đấu anh dũng nơi đây.

Chân dung nữ liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm và bức tượng của chị trong sân trường THCS Bình Ngọc, Móng Cái.

Sau khi bài hát được hoàn thiện bản phối, thu âm chính thức, khoảng 3 ngày sau, ca khúc đã được cất lên trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bài hát được thính giả đón nhận nồng nhiệt, đã có rất nhiều lá thư gửi về Đài yêu cầu phát lại bài hát. Tôi còn nhớ có bức thư ngay đầu thư người viết đã trích lại câu hát “Bên hoa hồi, hoa quế thơm rừng biên giới/Có bông hoa Hồng Chiêm thắm đẹp... Cuộc đời nêu sáng tấm gương/ Mang trong mình hào khí Trưng Vương”. Người viết bức thư thể hiện sự tâm đắc, yêu thích, trân trọng bài hát. Họ bảo qua bài hát, hình tượng nữ liệt sĩ Hồng Chiêm ở rất gần gũi, dễ hình dung chứ không phải nơi biên giới xa xôi. Bởi Hồng Chiêm chính là đại diện cho hình ảnh, vẻ đẹp, phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam trung hậu, bất khuất, kiên cường.

Giữa biết bao áng văn, thơ, nhạc, họa đi cùng năm tháng về Pò Hèn - bản hùng ca của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, tôi rất vinh dự khi được đóng góp một ca khúc ngợi ca về nữ liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm - người con gái anh hùng của quê hương Bình Ngọc, Móng Cái. Đến bây giờ, sau hơn 40 năm sáng tác bài hát và nay tôi cũng ở tuổi 86, mỗi khi nghe lại giai điệu Bông hoa Hồng Chiêm, lòng tôi vẫn trăn trở, tiếc nuối không nguôi khi chưa một lần có cơ hội được về với mảnh đất địa đầu Móng Cái, lên đỉnh Pò Hèn thắp nén tâm nhang gửi đến liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm và những liệt sĩ, anh hùng đã mãi mãi nằm lại nơi biên cương - những con người sinh ra đã nguyện mang trên mình sứ mệnh bảo vệ chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu.

Tôi là đứa trẻ mồ côi mẹ và phải từ biệt cha khi chưa đầy 2 tuổi. Rồi suốt cả cuộc đời, nỗi khắc khoải mong được gặp cha vẫn day dứt cho đến ngày ông tạ thế. Nhưng, như những gì linh nghiệm nhất, người cha kính yêu Đào Phúc Lộc và người mẹ Hoàng Minh Phụng vẫn như bên cạnh tôi giúp tôi đứng vững trước mọi khó khăn trong cuộc đời. Những gì tôi biết về ông và quê hương Móng Cái không nhiều, chủ yếu qua lời kể. Cha tôi và những bà mẹ nuôi của tôi sau này luôn gợi nhớ, nhắc nhở về truyền thống quê hương, dòng tộc ở vùng biên Móng Cái. Hồi còn bé, trong thư cha tôi gửi, ông đều nói nhiều về quê hương. Ông bảo: Ba không có điều kiện để đưa con về quê cha mẹ ở Móng Cái. Ba hy vọng một ngày nào đó, ba sẽ đưa con về thăm quê cha đất tổ. Chú Sơn tôi (em ruột cha tôi) còn kể lại rằng năm 1948, tình cờ chú tôi gặp cha khi ông trên đường vào Nam. Ông bảo chú: Sau chiến thắng, em phải tìm cháu Minh Vân và đưa cháu về quê. Tôi biết cha tôi rất yêu quê hương và tự hào về gia tộc.

Đồng chí Đào Phúc Lộc (người thứ 7, từ trái qua, hàng đứng) cùng đồng đội tại căn cứ Trung ương cục miền Nam (1968). Ảnh: cand.com.vn.

Bà nội tôi mất, ông nội thì mải việc thầu khoán, cha tôi theo chị gái rời Móng Cái vào Hải Phòng tự lập. Cao trào Cách mạng 1936-1939 cuốn hút, hai chị em sớm giác ngộ, cha tôi nhiều lần được tổ chức giao nhiệm vụ đưa tài liệu và truyền đơn từ Liên Tỉnh uỷ B về Vùng mỏ. Năm 1939, khi mới 17 tuổi, cha tôi đã được đồng chí Tô Hiệu kết nạp vào Đảng. Năm 1941, ông đang là chi uỷ viên chi bộ Uông Bí - Vàng Danh, vừa về đến Hải Phòng thì sa lưới mật thám. Chúng tra khảo đủ kiểu tại Hải Phòng rồi Hỏa Lò - Hà Nội nhưng không đạt được mục đích nên đã đưa ông về Quảng Yên cho Tuần phủ Cung Đình Vận khai thác. Tại đây, ông bị kết án tại quê 5 năm. Ở Móng Cái có một người bạn của ông làm thư ký sở mật thám Pháp đã giả mạo chữ ký của sếp mật thám, bí mật cấp cho một giấy thông hành. Vậy là ông trốn qua Đông Hưng, tới Liễu Châu, gặp đoàn học sinh Việt Nam đi học quân sự từ Quảng Châu về do đồng chí Hoàng Văn Thái dẫn đầu. Đồng chí Hoàng Văn Thái chỉ đường cho cha tôi về Việt Bắc liên lạc với Trung ương. Tại căn cứ địa Việt Bắc, đồng chí Trường Chinh giao cho cha tôi nhiệm vụ trở lại Móng Cái xây dựng lại Mặt trận Việt Minh, đồng thời củng cố đường giao thông liên lạc của Đảng từ Hải Phòng qua Móng Cái sang Trung Quốc. Trở về Đông Hưng, ông đã cùng hai chiến sĩ liên lạc của Đảng lập chi bộ mang tên Trần Hưng Đạo. Sau khi tổ Việt Minh đầu tiên ở Móng Cái được thành lập do cha tôi là tổ trưởng, rất nhiều thanh niên ở Móng Cái đã hướng theo Việt Minh. Các xã Vạn Xuân, Ninh Dương, Trà Cổ, Vạn Ninh đều thành lập các tổ Việt Minh. Đầu năm 1945, nạn đói lan tràn, Việt Minh chủ trương vận động đồng bào cứu đói. Trong số thanh niên Việt Minh hăng hái vừa góp tiền của, vừa trực tiếp đi vận động có một phụ nữ nổi bật là Hoàng Minh Phụng chính là người mẹ kính yêu của tôi.

Mẹ tôi vốn là một tiểu thư khuê các con nhà gia thế nhưng đã “mê” con đường cách mạng. Bà trốn nhà, bỏ guốc cao gót và áo quần sang trọng để mặc bộ đồ dân dã, quần thâm áo nâu cùng đẩy xe bò đi các ngõ phố, ra cả Trà Cổ, Bình Ngọc xin từng bát gạo về nấu cháo phát chẩn cho những người dân phải đi ăn xin. Tháng 6/1945, khi quân Quốc dân đảng Trung Hoa thay mặt lực lượng Đồng minh tiến vào Móng Cái, Việt Minh ở Móng Cái đã tổ chức một cuộc tuần hành lớn rồi rút ra đảo Vĩnh Thực dùng thuyền vào Ba Chẽ lập chiến khu chuẩn bị tham gia tổng khởi nghĩa. Cả trung đội sa vào tay bọn Việt Cách. Cha tôi vào Ba Chẽ để cứu thoát cả trung đội. Ông chỉ dẫn cho đơn vị tìm đường về tham gia chiến khu Đông Triều. Trong cuộc hành quân xuyên rừng vô cùng gian khổ ấy có mẹ tôi. Thế rồi cha tôi về Quảng Yên cùng Tư lệnh Nguyễn Bình và đồng chí Đoàn Quang Thìn bàn việc khởi nghĩa cướp chính quyền tỉnh Quảng Yên vào ngày 23/7/1945. Sau khi giải phóng Quảng Yên, tỉnh lỵ đầu tiên trong cả nước, ông được đồng chí Võ Nguyên Giáp giữ lại làm Chính trị viên đơn vị Giải phóng quân giải phóng thủ đô do đồng chí Hoàng Văn Thái làm Chỉ huy trưởng. Sau đó, cha tôi tham gia Quân ủy hội và khi Bộ Tổng Tham mưu được thành lập với 3 phòng nghiệp vụ, làm Trưởng phòng Tình báo, Thủ trưởng đầu tiên của ngành Tình báo quân sự Việt Nam. Ông đã tuyển rất nhiều người cùng quê hương Móng Cái, trong đó có Hoàng Minh Phụng, mẹ tôi. Cùng hoạt động, cùng quê hương, cùng chí hướng cách mạng, hai người đã yêu nhau. Tháng 12 năm 1945, Bộ Tổng Tham mưu tổ chức đám cưới tác thành vợ chồng cho cha mẹ tôi. Hôn lễ giữa 2 người được tổ chức giản dị nhưng ấm áp. Đúng ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, tôi cất tiếng khóc chào đời.

Bà Đào Thị Minh Vân cùng cha mẹ.

Sau này, mẹ tôi hy sinh, cha tôi vào Nam chiến đấu, thỉnh thoảng ông có viết thư về. Một bức thư cha tôi viết có đoạn “Nghe tin con sơ tán về Móng Cái, cha mừng và xúc động lắm, con đã sơ tán về quê nội đó. Rất tiếc ba không ở gần để giới thiệu con với bà con cô bác họ hàng. Có thể con nói với cô Hà hay chú Sơn viết thư giới thiệu cho con, nếu con ở ngay thị xã Móng Cái. Ba có gởi kèm theo đây một cây viết máy có khắc tên con để thêm phần nào giúp con thuận lợi trong việc học tập và cũng là đồ thưởng của ba cho con. Chúc con luôn mạnh, học tập đạo đức tốt”. Trong bức thư gửi ra Bắc cha tôi luôn đặt nhiệm vụ với Tổ quốc lên trên hết và lý giải vì sao ba không thực hiện được lời hứa. Người cha đau đáu nỗi niềm riêng cho con, nặng tình với quê hương Móng Cái đã gieo vào lòng chúng tôi những tình cảm đẹp đẽ, gắn bó với quê hương như thế, để đi đâu làm gì vẫn luôn nhớ về mảnh đất địa đầu mến thương như ước nguyện của ba.

Đã gần 30 năm tôi về nghỉ chế độ nhưng tôi vẫn theo dõi từng bước đi, đổi thay của thành phố. Xét trên cả chiều dài phát triển, có thể thấy Móng Cái đã bứt phá và tăng trưởng vượt bậc. Từ một huyện biên giới nghèo, thuần nông, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, Móng Cái giờ đây đã vươn mình thành một trung tâm kinh tế lớn của tỉnh. Để có sự thay da đổi thịt đó là nhờ sự quan tâm, chăm lo, định hướng của Đảng, Nhà nước, của tỉnh cho vùng đất biên giới. Từ đó, đã tạo ra những đổi thay to lớn, toàn diện trên mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội. Đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Là một người con sinh ra và lớn lên của mảnh đất địa đầu Móng Cái, hơn nữa từng giữ vị trí lãnh đạo, tôi luôn cảm thấy tự hào và bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi ấy khi được thành phố mời tới dự gặp mặt các nguyên lãnh đạo thành phố mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái ngày càng hiện đại và khang trang.

Với đặc thù tự nhiên gắn với biển, Móng Cái không có nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp như các địa phương khác nhưng bù lại, chính nhờ vị trí địa bàn biên giới, nên hoạt động dịch vụ, giao thương vô cùng phát triển, đời sống nhân dân nhờ đó mà khấm khá hơn. Có lẽ trong ký ức của tôi và nhiều người dân Móng Cái hình ảnh của cửa khẩu biên giới vô cùng đậm nét. Cuộc sống của nhiều người đã gắn bó với nơi cửa khẩu, từ người có điều kiện kinh doanh, buôn bán đến người lao động làm nghề bốc vác hàng hóa. Cửa khẩu cũng là hình ảnh thể hiện những nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong thực hiện các chính sách đối ngoại, xây dựng, vun đắp quan hệ ngoại giao hữu nghị, hợp tác cùng phát triển với nước bạn. Để giờ đây, Móng Cái đang vững vàng trên hành trình trở thành thành phố cửa khẩu quốc tế hiện đại.

Là vùng đất phên giậu của Tổ quốc, Móng Cái cũng đã từng ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt của cha ông trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Nơi đây cũng là cửa ngõ ra nước ngoài hoạt động của nhiều chiến sỹ cách mạng, trong đó có đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Móng Cái đang tập trung xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. (Ảnh chụp tại trung tâm phường Trần Phú).

Tự hào biết bao khi hàng nghìn người con của quê hương Móng Cái, các cán bộ, đảng viên, bộ đội, dân quân du kích, quần chúng nhân dân luôn nêu cao tinh thần chiến đấu kiên trung, quật cường. Giữa những gian khổ, đau thương, mất mát của những cuộc chiến thì vẫn luôn lấp lánh ngọn lửa của lòng yêu nước, của ý chí anh hùng trong trái tim mỗi con người vùng đất địa đầu. Tôi còn nhớ, chứng kiến những cuộc càn quét của địch đi qua, người dân tứ xứ về Móng Cái sinh sống, làm ăn sẵn sàng bỏ lại chạy đi sơ tán khắp nơi, nhưng người dân Móng Cái thì luôn đoàn kết ở lại, chung niềm tin, chung ý chí, dũng cảm đương đầu, chiến đấu, sẵn sàng hy sinh để giữ lấy từng tấc đất quê hương. Phải chăng được sinh ra ở nơi “đầu sóng ngọn gió” nên cái chất kiên cường, quả cảm đã tự thấm vào máu của con người nơi đây như vậy. Giờ đây, những cái tên anh hùng Đào Phúc Lộc, Hoàng Văn Thủ đã trở thành tên đường, tên phố để mỗi khi nhắc đến đều gợi nhớ cho thế hệ trẻ về những người con anh hùng của đất Móng Cái.

Suốt chặng đường dài đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước, Móng Cái đã 3 lần vinh dự được trao tặng những danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Pháp, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới. Từ một chi bộ với 4 đảng viên ngày đầu thành lập tháng 10/1946, đến nay Đảng bộ thành phố đã có gần 4.200 đảng viên. Đây chính là lực lượng, thế hệ tiếp bước cha anh, là hạt nhân lãnh đạo, đoàn kết nhân dân trong mỗi bước đường phát triển. Dù ở thời kỳ nào, truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, bản lĩnh khí phách anh hùng sẽ mãi là sợi chỉ đỏ xuyên suốt để lớp lớp nhân dân Móng Cái vững vàng tiến bước đi lên giành thêm nhiều hơn nữa những thành tựu và đổi mới.

Đối với mỗi người, tình yêu dành cho quê hương, đất nước, nguồn cội luôn là tình cảm thiêng liêng nhất. Vì vậy, chẳng riêng tôi mà bất kỳ ai sinh ra lớn lên gắn bó cuộc đời với mảnh đất địa đầu Móng Cái sẽ đều dành tình yêu sâu lắng nhất, đẹp đẽ nhất cho nơi đây. Đặc biệt và tự hào hơn khi nét bút vẽ đầu tiên trên bản đồ dải đất hình chữ S Việt Nam là Móng Cái. Từ nơi địa đầu ta thấy cả dáng hình đất nước thân thương.

Mũi Sa Vĩ.

Không quá khi nói rằng tất cả những nhà văn, nhà thơ hay bất kỳ một tâm hồn yêu thơ nào khi đặt chân đến Móng Cái sẽ đều cảm tác ra những vần thơ cho riêng mình. Không chỉ đi vào sáng tác của các nhà thơ nổi tiếng như Xuân Diệu, Tố Hữu, Tế Hanh... Móng Cái còn “chảy” mãi trong dòng thơ bất tận, muôn màu của những tâm hồn yêu thơ. Có thể đó là một thoáng hoài niệm về hình ảnh mái đình, làng biển, cảm xúc đắm mình cùng dòng sông Ka Long hiền hòa, hay nét tươi tắn, nhộn nhịp, hiện đại của phố thị hôm nay... nhưng tựu trung lại đó đều là cảm xúc trân trọng, tự hào, dạt dào yêu mến khi đứng giữa đất trời biên cương.

“Em có ra miền Đông

Nhớ về thăm Móng Cái

Nơi ấy có dòng sông

Chảy dọc cùng biên giới

...

Miền đất của yêu thương

Nơi địa đầu Tổ quốc

Trong những gì có được

Không thấm nỗi thương đau

(Nhớ về thăm Móng Cái)

Lời thơ bình dị, chân thành này hay cũng chính là lời mời gọi của tôi - một người dân Móng Cái muốn giới thiệu đến bạn bè bốn phương về quê hương mình. Nhắc đến Móng Cái là nhắc đến mảnh đất địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc. Trong số 2.000 cột mốc trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung, cột mốc được cắm đầu tiên vào năm 2001, mở đầu cho giai đoạn cắm mốc thực địa theo Hiệp ước về biên giới trên đất liền giữa hai nước là cột mốc 1369 tại đầu cầu Bắc Luân (Móng Cái). Dù trên chót vót non cao hay giữa mênh mông sóng nước, mỗi cột mốc đều thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước, thắp lên niềm tự hào lớn lao.

Cột mốc 1369 tại đầu cầu Bắc Luân.

Móng Cái đặc biệt theo cách của riêng mình bởi tự nó không chỉ mang một vị trí quan trọng về chủ quyền biên giới quốc gia mà còn chất chứa cả tầng sâu văn hóa. Đó không đơn thuần là nét văn hóa sơ khai từ thời cha ông mở đất mà quan trọng hơn là cách người Móng Cái trân trọng, gìn giữ trọn vẹn bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc khi sống giữa vùng đất là trung tâm của sự giao thương về kinh tế, xã hội với nước bạn.

Sinh ra từ làng biển Vạn Ninh, nơi có nghệ thuật dân gian hát nhà tơ - hát, múa cửa đình, hát giao duyên, đối đáp rất phát triển, đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân, nên với một người “đắm đuối” với thơ ca như tôi, những câu hát, điệu múa của các bà, các mẹ đã in đậm trong tâm hồn. Bởi vậy, những làn điệu dân ca ấy cũng đi vào thơ tôi một cách nhuần nhị, hồn nhiên như thế. Tôi thích sáng tác bằng thể lục bát vì nó dễ để thể hiện tâm tình, bởi ca dao dân ca của các cụ xưa để lại cũng bằng những vần lục bát bình dị mà đậm đà chất tình, chất thơ như vậy.

Lễ hội đình Vạn Ninh năm 2019.

Người ta có thể nhớ tới quê hương, đất nước của mình chỉ qua một món ăn mộc mạc hay một địa danh đã gắn liền với những kỷ niệm đẹp... còn tôi, tôi muốn gửi gắm tình yêu đó qua mỗi câu thơ thắm đượm ân tình. Không khó để nhận ra trong thơ tôi, phần lớn hình ảnh về Móng Cái hiện lên qua những ký ức về làng xưa, mái đình, cầu ao, giếng nước, vành trăng nghiêng... gắn với tình quê sâu nặng, tình yêu đôi lứa mặn nồng. Những điều nhỏ bé, rất đỗi bình dị ấy của quê hương bao năm qua vẫn trở đi trở lại trong thơ tôi như một thứ tình cảm da diết không nguôi.

Xưa làng có một dòng sông

Nghe ông bà kể: nước nông váng phèn

Dần dà đất lấp vùi lên

Sông chìm từ bấy, sóng yên lặng dần

Xưa làng mỗi độ vào xuân

Hoa xoan tím ngõ dấu chân hẹn hò

“Đấy mà đã có lòng chờ

Đây có lòng đợi bao giờ thì bao”...

Xưa làng có chiếc cầu ao

Ai người giặt áo, yếm đào bỏ quên?

Trăng chênh chếch rọi bên thềm

Ai người nhớ bạn – buồn riêng một mình?

Làng xưa kia có Hội Đình

Mấy “ông” đám, vợ xinh nhất vùng

Có đi hát ví von cùng

Áo the giữ vạt xin đừng vội trao

Ngỡ ngàng ... thật ngỡ ngàng sao

Tôi về tìm lại lạc vào... làng xưa.

(Làng xưa)

Thực hiện: Ngọc Lan - Nguyễn Dung - Huỳnh Đăng

Kỹ thuật đồ họa: Hải Anh


Hòn Gai - Hạ Long: Thân quen như là hơi thở
Hòn Gai là cái tên xưa cũ của thành phố Hạ Long bây giờ. Đối với những người đã sinh ra và lớn lên hoặc có gần như cả cuộc đời gắn bó với mảnh đất này, Hòn Gai như là máu thịt, là một phần không thể thiếu. Trải qua thời gian, trải qua thăng trầm, đã có biết bao nhiêu đổi thay, nhưng với họ, Hòn Gai xưa - Hạ Long nay vẫn luôn thân quen như là hơi thở…
   
Quảng Yên trĩu nặng nghĩa tình
Quảng Yên - vùng đất nên thơ nằm bên dòng Bạch Đằng giang đã ghi những dấu ấn đặc biệt vào văn hoá, lịch sử đất nước với 3 trận thủy chiến chống quân xâm lược phương Bắc, với những lễ hội, những công trình mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
   
Miền trầm tích nơi cửa ngõ phía Tây
Đông Triều không chỉ là quê gốc của nhà Trần mà còn là vùng đất có bề dày truyền thống, cùng khí thế của một vùng đất cách mạng  hun đúc niềm tự hào thiêng liêng cho mảnh đất, con người Đông Triều vững bước đi lên hôm nay…
   
Cẩm Phả in dấu tâm hồn thợ Mỏ
Vùng mỏ Cẩm Phả bây giờ đã mang diện mạo của đô thị hiện đại, năng động, phát triển. Trải qua những thăng trầm, khó khăn và thách thức, những con người vùng mỏ ở thế hệ nào vẫn luôn sát cánh, đồng tâm, mạnh mẽ đứng lên.
   
Tiên Yên - Vơi đầy một miền ký ức
Tiên Yên là một vùng đất phong cảnh hữu tình, được thiên nhiên ban tặng những ưu đãi, một miền núi non kỳ vĩ, một bờ biển tươi đẹp, một vùng đồng bằng trù phú. Đây là địa bàn cư trú lâu đời của 13 dân tộc anh em với những bản sắc văn hóa đặc sắc.