20
18
/
1100353
Năm học an toàn ở địa bàn an toàn
longform
Năm học an toàn ở địa bàn an toàn

Chưa bao giờ ngành giáo dục đào tạo, các em học sinh sinh viên, các thầy cô giáo lại có nhiều khó khăn, thách thức, vất vả như trong 2 năm 2020 và 2021 do đại dịch COVID-19 gây ra. Song cũng chưa khi nào, nhà giáo, nhà trường ở Quảng Ninh lại chủ động, kịp thời đề ra phương án phù hợp, vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương pháp và hình thức dạy học để các hoạt động giáo dục không bị ngưng trệ. Đặc biệt, tỉnh đã quyết liệt thực hiện các giải pháp chống dịch để học sinh được an toàn tới trường, đồng thời tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông một lần và kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sớm nhất cả nước… mang lại niềm tin và hạnh phúc cho các em học sinh, nhân dân và các bậc phụ huynh.

Học sinh là đối tượng
“bảo vệ trọng điểm”

Có lẽ, chưa năm nào, giáo dục Quảng Ninh đứng trước nhiều thách thức đến như vậy. Toàn tỉnh liên tục có các ca nhiễm, F1, F2 là học sinh, giáo viên, nhân viên trong trường học, trong đó có nhiều trẻ mầm non, học sinh tiểu học – lứa tuổi còn nhỏ, chưa được tiêm phòng vắc xin. Thống kê của Sở GD&ĐT, từ ngày 21/10 đến 4/12/2021, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 77 trường hợp nhiễm COVID - 19, hơn 3.800 F1 là học sinh, giáo viên, nhân viên trong các trường học. Tại một số trường học, có thời điểm, toàn bộ hoặc 1 phần học sinh phải chuyển từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến. Thậm chí, ở nhiều nơi, thầy, trò, phụ huynh cùng thức trắng đêm để truy vết, xét nghiệm sàng lọc. Một số nhiệm vụ giáo dục đào tạo phải giãn, hoãn hoặc giảm quy mô tổ chức. Nhiều hoạt động tập huấn chuyên môn phải chuyển sang hình thức tập huấn trực tuyến.

Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ, Mạo Khê, TX Đông Triều dạy học trực tuyến cho 1/3 số học sinh có nguy cơ cao.

Khó khăn, vất vả là vậy. Song, cũng chưa khi nào, các nhà giáo, các nhà trường, học sinh của tỉnh lại ngừng nỗ lực, ngừng sáng tạo, đề ra phương án phù hợp, vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học để các hoạt động giáo dục không bị ngưng trệ. Và trong mọi hoàn cảnh, tỉnh Quảng Ninh cũng chưa bao giờ ngừng sự quan tâm, ưu ái đặc biệt đến giáo dục đào tạo. Trong năm nay, dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch, tỉnh vẫn tiếp tục dành ưu tiên nguồn lực từ ngân sách đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất hệ thống các cơ sở giáo dục - đào tạo theo hướng đạt chuẩn, đồng bộ, hiện đại, từng bước phát triển mô hình giáo dục thông minh. Ngân sách chi cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo của tỉnh năm nay vẫn chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách của tỉnh, trong đó chi thường xuyên cho giáo dục chiếm khoảng 30-35% tổng chi thường xuyên. Hoạt động xã hội hóa, huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư một số cơ sở giáo dục ở những nơi có điều kiện thuận lợi cũng được thúc đẩy mạnh mẽ, giúp học sinh được thụ hưởng môi trường giáo dục tốt nhất.

Học sinh lớp 1 của Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (TP Hạ Long) trong ngày đầu tiên đến trường của năm học mới 2021-2022.

Trong khó khăn, Quảng Ninh cũng là địa phương đi đầu cả nước hỗ trợ 100% học phí cho học sinh, trẻ mầm non ở các trường phổ thông công lập và ngoài công lập theo mức thu học phí công lập trên địa bàn tỉnh trong năm học 2021 – 2022 (tổng số tiền hỗ trợ trên 138 tỷ đồng). Đặc biệt, xuyên suốt, nhất quán trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định học sinh là đối tượng phải “bảo vệ trọng điểm”. Chính vì thế, công tác triển khai tiêm vắc xin cho học sinh độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi cũng đã, đang được ưu tiên đặc biệt, triển khai nghiêm túc, đảm bảo an toàn nhất cho các em, tạo sự yên tâm cho phụ huynh. Đến ngày 4/12/2021, học sinh từ 12 đến 17 tuổi toàn tỉnh tiêm mũi 1 vắc xin phòng COVID-19 đạt 99,25%, tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt 80,69%.

Từ nguồn ngân sách, hàng tuần đều có ít nhất 3-5% học sinh trên địa bàn tỉnh còn được xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, có tính đại diện, chống lãng phí. Qua đó, nhằm giám sát, phát hiện sớm, sàng lọc nhanh các trường hợp nghi mắc, người có nguy cơ cao.

Xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho học sinh tại Trường Tiểu học Hạ Long.

Thầy giáo Phạm Văn Nhân, Hiệu trưởng Trường THCS Cái Rồng, huyện Vân Đồn, cho biết: Để việc xét nghiệm sàng lọc hiệu quả, nhà trường đã tích cực phối hợp với trạm y tế trên địa bàn tập huấn kỹ thuật lấy mẫu, xét nghiệm cho các giáo viên; lập danh sách theo nhóm đối tượng, tổ chức thực hiện xét nghiệm theo đúng thời gian. Đến nay, trường đã thực hiện xét nghiệm test nhanh sàng lọc cho trên 300 giáo viên, nhân viên, học sinh.

Hạnh phúc được học tập trong “vùng xanh” an toàn

Nhờ quyết sách đúng đắn, kịp thời, qua 4 đợt dịch, tại Quảng Ninh, mọi người dân vẫn có được niềm vui, niềm hạnh phúc được sống trong “vùng xanh” an toàn. Trên 321.100 học sinh và hơn 2,1 vạn thầy cô giáo được đến trường dự lễ khai giảng năm học mới trong khi nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, thầy cô và các em học sinh nhiều nơi đã không thể tổ chức khai giảng trực tiếp. Đặc biệt, tỉnh cũng đã tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trong 1 đợt, tổ chức Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022 sớm nhất cả nước, qua đó mang lại niềm tin, hạnh phúc cho nhân dân, các bậc phụ huynh. Em Vũ Hoài Anh, lớp 9D2, Trường THCS Hòa Lạc, TP Móng Cái chia sẻ: Đối với em, ngày khai giảng vô cùng ý nghĩa. Đó là ngày khởi đầu cho một năm học mới. Em rất vui và hạnh phúc vì được đến trường học tập cùng các bạn.

Nữ sinh lớp 10 Trường THPT Lê Chân (TX Đông Triều) lần đầu tiên được khoác lên mình bộ áo dài trắng trong ngày bước chân vào bậc học THPT.

Dưới sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, của ngành giáo dục, trong năm nay, công tác phòng chống dịch được các nhà trường chủ động hơn, siết chặt hơn, với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn. Các trường học đã nhanh chóng triển khai các phương án phòng, chống dịch với phương châm "thích ứng an toàn". Kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt toàn bộ người ra, vào cơ quan, đơn vị trường học. Thực hiện tốt quy định về giãn cách trong giờ ra chơi, giờ tan trường để đảm bảo không tập trung đông người, tránh ùn tắc vào các giờ cao điểm. Hằng ngày, thực hiện khử trùng, vệ sinh lớp học, trường học, các vị trí thường xuyên tiếp xúc, phương tiện đưa đón học sinh thường xuyên, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định. Bảo đảm đầy đủ vật tư, trang thiết bị y tế thiết yếu phục vụ công tác phòng chống dịch. Mặc dù khó khăn về nhân lực song mỗi trường cũng đều cố gắng bố trí 1 nhân viên y tế hoặc cán bộ làm công tác y tế trường học để ứng phó với từng cấp độ dịch trong tình hình mới.

"Bài học rửa tay" của các học sinh trường Tiểu học Lý Tự Trọng, Móng Cái.

Dịch bệnh cũng được cho là phép thử để các nhà trường nói chung tận dụng nền tảng CNTT được trang bị sẵn có, từ đó, sáng tạo, linh hoạt, tìm ra những giải pháp mới để ngăn ngừa, giữ vùng xanh an toàn cho môi trường học đường. Năm nay, một số trường đã mạnh dạn thí điểm, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phòng, chống dịch, bước đầu đem lại những lợi ích thiết thực. Nhiều trường còn chủ động xây dựng, thiết kế các video bài giảng ở từng môn học để đưa vào kho tài nguyên học liệu dùng chung cho giáo viên, học sinh toàn trường trong thời điểm phải chuyển sang hình thức học trực tuyến. Cô giáo Trần Thị Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, TP Hạ Long, cho biết: Các bài giảng video của nhà trường đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng là vai trò của học sinh được xuất hiện xuyên suốt các hoạt động học tập của bài học, qua đó phát huy sự dân chủ và bình đẳng của học sinh trong mọi quyết định liên quan đến hoạt động bài học.

Học sinh Trường Tiểu học Hạ Long được nhắc nhở việc đeo khẩu trang đầy đủ qua hệ thống camera thông minh.

Bà Châu Hoài Thu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục không để vì một học sinh F0 mà cả lớp, cả trường phải nghỉ học, một vài học sinh F0 mà cả xã hay cả huyện nghỉ học. Đối với trẻ em, học sinh là F0 cần phối hợp nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi trường học, lớp học bảo đảm dạy và học an toàn; duy trì và tận dụng tối đa thời gian để tổ chức dạy học trực tiếp; sẵn sàng dạy học trực tuyến với phạm vi và thời gian phù hợp để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, vừa đảm bảo chất lượng, tiến độ thực hiện nhiệm vụ năm học, tránh cho học sinh nghỉ học trực tiếp ở quy mô rộng và kéo dài khi chưa thật sự cần thiết.

Bứt phá, vươn lên đạt nhiều thành tựu mới

Nhờ giữ vững được vùng xanh an toàn, hàng trăm nghìn học sinh, trẻ mầm non vẫn được đến trường học trực tiếp, giáo dục Quảng Ninh đã có cơ hội để thực hiện mục tiêu đổi mới, bứt phá về nhiều mặt. Tỉnh đã hoàn thành xây dựng một số Đề án trọng tâm như: Đề án phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng phát triển kinh tế, xã hội; Đề án sáp nhập Trường Cao đẳng Giao thông Quảng Ninh và Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh. Hiện nay, đang tiếp tục hoàn thiện Đề án nâng cao chất lượng day và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục phổ thông. Triển khai xây dựng một số quy định về mức học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ, cơ chế chính sách đối với Trường THPT chuyên Hạ Long, hỗ trợ bồi dưỡng học sinh giỏi.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và Tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022 trên địa bàn tỉnh được thực hiện an toàn, nghiêm túc, hiệu quả.

Điểm trung bình thi tốt nghiệp năm nay của tỉnh xếp thứ 36/63 tỉnh, thành, tăng 14 bậc so với năm 2020. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm 2021 đạt 97,4% (năm 2020 đạt 96,30%). Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2020 – 2021, tỉnh Quảng Ninh đạt 41 giải, trong đó có 1 giải nhất, 08 giải nhì, 13 giải ba, 19 giải khuyến khích.

Đáng chú ý, năm 2021, toàn tỉnh có 1.682 thí sinh trúng tuyển vào Trường đại học Hạ Long, gấp 1,44 lần so với năm 2020. Cơ sở vật chất trường học không ngừng được đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia ở các cấp học đến nay đạt 555/632 trường, đạt tỷ lệ 87,81%. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo là 99,58%, tăng 19% so với năm 2015.

Đội ngũ giảng viên, sinh viên Đại học Hạ Long ngày càng tăng về cả chất và lượng.

Đáng tự hào, trong năm nay, tại Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp quốc gia năm học 2020 – 2021, tỉnh có 01 giải nhất, 01 giải ba. Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 21, toàn tỉnh có 02 học sinh lọt vào cuộc thi Quý (Quý I và Quý IV). Trong đó, 01 học sinh đạt nhất Quý (Quý I) và 1 học sinh đã vô cùng xuất sắc giành được vòng nguyệt quế chung kết năm 2021 (em Nguyễn Hoàng Khánh, Trường THPT Bạch Đằng, TX Quảng Yên).

Đặc biệt, gần đây nhất, tại Kỳ thi Quốc tế về khoa học đời sống - Global Competition for Life Sciences (viết tắt là GLOCOLIS 2021), được tổ chức tại Indonesia, Đội thi của Trường THPT Chuyên Hạ Long đã xuất sắc giành được huy chương đồng chung cuộc, với đề tài Sử dụng mô hình toán học để dự đoán làn sóng COVID - 19 tại các quốc gia Đông Nam Á trong năm 2021, 2022.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng Bằng khen cho Nguyễn Hoàng Khánh, nhà Vô địch Olympia năm thứ 21.

Không dừng lại ở đó, kết quả phổ cập giáo dục - xóa mù chữ của tỉnh cũng được duy trì, giữ vững và nâng cao. Tỉnh Quảng Ninh đã được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 (vượt 5 năm so với kế hoạch đề ra). Toàn ngành cũng chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành các văn bản về lĩnh vực GD&ĐT đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tăng cường phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở gắn với đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Qua đó, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng liên tục từ 63% (năm 2015) lên 85% (năm 2020), trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 45,5%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt có tính quyết định để thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục...

Trường THPT Chuyên Hạ Long giành được HCĐ tại Kỳ thi Quốc tế về khoa học đời sống 2021, được tổ chức tại Indonesia, tháng 11/2021.

Đứng trước yêu cầu đó, ngành Giáo dục Quảng Ninh đang tiếp tục thi đua thực hiện lời Bác Hồ dạy “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt và học tốt”. Lấy người học là trung tâm, ứng dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ để nâng cao chất lượng dạy và học. Tạo ra môi trường sư phạm lành mạnh giúp cho người học vừa học chữ, học nghề, vừa học làm người, tìm được động lực, động cơ học tập đúng đắn. Trên cơ sở giữ vững thành quả đã đạt được, nâng cao căn bản chất lượng dạy và học trong toàn ngành giáo dục, phấn đấu Quảng Ninh sớm lọt vào nhóm địa phương đứng đầu về chất lượng giáo dục, đào tạo tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của tỉnh. Trong giai đoạn 2020 – 2030, kiên trì phấn đấu nỗ lực vượt bậc để đứng trong top 10 các tỉnh, thành phố có chất lượng giáo dục và đào tạo tốt nhất cả nước.


Thực hiện: Thùy Linh - Lan Anh
Kỹ thuật đồ họa: Đỗ Quang