20
18
/
1100422
2 năm trong cuộc chiến chống dịch Covid-19: Lấy tiêu chí hạnh phúc làm thước đo thành công
longform
2 năm trong cuộc chiến chống dịch Covid-19: Lấy tiêu chí hạnh phúc làm thước đo thành công

Trong 2 năm chống đại dịch Covid-19, Quảng Ninh đã thành công trong việc bảo vệ vùng xanh an toàn, đồng thời vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục trở thành cực tăng trưởng năng động ở khu vực miền Bắc. Những thành tựu kinh tế - xã hội vì con người, vì hạnh phúc nhân dân mà Quảng Ninh đã đạt được hai năm qua không đơn thuần ở những con số cân đo, đong đếm, mà quan trọng hơn là ở những nỗ lực cao nhất mà tỉnh đã tập trung một cách hiệu quả trong những điều kiện rất khó khăn, phức tạp, để cải thiện và không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân. Đó cũng là cơ sở niềm tin để khơi dậy khát vọng của nhân dân về một địa phương phát triển, hạnh phúc, một vùng đất năng động, sáng tạo, hướng tới đích lâu dài vì mục tiêu cao nhất là hạnh phúc của nhân dân.

Năm 2020, Quảng Ninh đã thực hiện tốt “mục tiêu kép”, giữ địa bàn luôn an toàn - ổn định - phát triển; tăng trưởng kinh tế GRDP ước đạt 10,05%, nằm trong top các địa phương dẫn đầu cả nước.





Trong điều kiện ngành du lịch, dịch vụ - ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đã ban hành 09 Kết luận và các thông báo, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo với quan điểm nhất quán, kiên trì, quyết tâm thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm.

Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo, xác định rõ khu vực công nghiệp và xây dựng là trụ cột, bù đắp cho du lịch, dịch vụ, đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách, trọng tâm là ngành than, điện, chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ. Đặc biệt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 của Tỉnh ủy nhằm phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực dẫn dắt tăng trưởng trong năm 2021 và trong giai đoạn tới. 

Đồng thời, thúc đẩy các hoạt động thương mại bán lẻ, thương mại biên giới, xuất nhập khẩu, dịch vụ vận tải; phục hồi ngành du lịch và chỉ đạo tiếp tục cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản...



Trong 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã diễn ra hết sức phức tạp, kéo dài trên nhiều địa phương trong cả tỉnh, tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân và ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt kinh tế-xã hội của tỉnh, tác động tiêu cực đến việc làm, sinh kế, tâm lý của nhân dân. Với yêu cầu đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, cùng với cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, ngành y tế Quảng Ninh đã huy động tổng lực, chưa từng có từ trước đến nay, với nỗ lực, quyết tâm cao nhất cho công tác phòng, chống dịch. Toàn ngành y tế đã huy động 100% lực lượng gồm y tế nhà nước, y tế tư nhân, dân quân y, trường đào tạo ngành y, cán bộ y tế đã nghỉ. Với sự huy động tối đa lực lượng, toàn bộ hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở đã cùng với các địa phương có dịch tập trung cao cho việc điều tra, truy vết, xét nghiệm F1, F2 và các trường hợp có nguy cơ cao, từ đó nhanh chóng khoanh vùng, xử lý sớm các ổ dịch, hạn chế thấp nhất số lượng ca mắc trong cộng đồng.

Các giải pháp chuyên môn chưa có trong tiền lệ cũng đã được ngành Y tế triển khai, như thành lập các bệnh viện dã chiến, giám sát, xét nghiệm, cách ly, triển khai điều trị F0 tại nhà... Nhiều cán bộ, nhân viên y tế của Quảng Ninh đã tình nguyện lên đường tham gia chống dịch ở các địa phương trong cả nước để tham gia chống dịch và chăm sóc bệnh nhân. Đặc biệt, chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 lớn nhất trong lịch sử đã được Quảng Ninh triển khai đi đầu trong cả nước. Từ tháng 4 đến tháng 12/2021, ngành đã tổ chức 3 đợt tiêm chủng diện rộng tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1, mũi 2 và mũi 3 (mũi tăng cường) cho người dân thuộc đối tượng tiêm chủng từ 12 tuổi trở lên. Đến nay đã có trên 1,1 triệu dân của tỉnh được tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin phòng Covid-19; dự kiến trước tết Nguyên đán hoàn thành 95% người từ 18 tuổi trở lên có chỉ định tiêm chủng mũi 3.


Trong năm 2020, mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đã duy trì và tăng cường triển khai các giải pháp cải thiện, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Trong năm 2020, đã thực hiện khám, chữa bệnh cho 2.052.943 lượt người (tuyến tỉnh 1.045.152 lượt; tuyến huyện 1.007.791 lượt); điều trị nội trú cho 286.290 lượt người (tuyến tỉnh 153.607 lượt, tuyến huyện 132.683 lượt). Tổng số lượt xét nghiệm 7.418.394 (tuyến tỉnh 4.665.939 lượt, tuyến huyện 2.752.455 lượt). Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95%; số bác sỹ trên 1 vạn dân đạt 14,8 bác sỹ; số giường bệnh trên vạn dân đạt 54,6 giường bệnh; tiêu chí quốc gia về y tế xã đạt 100%.


Bước sang năm 2021, mặc dù phải chịu tác động, ảnh hưởng lớn do dịch Covid-19, toàn ngành y tế phải tập trung nguồn lực, thời gian cho công tác phòng, chống dịch bệnh góp phần giữ vững địa bàn an toàn. Tuy nhiên, công tác phát triển chuyên môn kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ vẫn được các đơn vị y tế thường xuyên quan tâm. Năm 2021, các đơn vị trong toàn ngành Y tế đã triển khai tổng số 506 nhiệm vụ khoa học công nghệ. Trong đó, có 47 nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật mới, giải pháp mới trong khám, chữa bệnh lần đầu tiên được thực hiện tại các bệnh viện, TTYT và có 18 kỹ thuật, giải pháp mới trong khám, chữa bệnh được gửi tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh Quảng Ninh.

Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được quan tâm; hết năm 2021 đạt 55 giường bệnh, 14,85 bác sỹ, 2,6 dược sỹ đại học và 23 điều dưỡng trên 1 vạn dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số, tăng 1,4% so với cùng kỳ; số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng 4% so với cùng kỳ.

Hai năm đương đầu với đại dịch là một thách thức lớn đối với thầy và trò trong hệ thống giáo dục cả nước nói chung, Quảng Ninh nói riêng. Tuy nhiên, nhờ quyết sách đúng đắn, kịp thời của tỉnh, trải qua 4 đợt dịch, các em học sinh Quảng Ninh vẫn có được niềm vui, niềm hạnh phúc được đến trường học trực tiếp. Ngành giáo dục Quảng Ninh đã biến khó khăn thành cơ hội, nỗ lực, phấn đấu, không ngừng đổi mới sáng tạo, đồng lòng, đoàn kết để vượt qua thử thách và thực hiện thành công nhiệm vụ các năm học và đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận.


Đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 xảy ra, các trường học đã thực hiện đóng cửa để cùng cả nước chống dịch. Ngành Giáo dục Quảng Ninh đã linh hoạt triển khai kế hoạch dạy học vừa phù hợp thực tế phòng, chống dịch vừa bảo đảm kiến thức, kỹ năng của chương trình dạy học. Bước vào năm học 2020-2021, Quảng Ninh đã thực hiện thành công việc bảo vệ địa bàn xanh nên học sinh các cấp của tỉnh đều được đến trường. Một số vùng như Đông Triều, Vân Đồn dù xảy ra dịch bệnh nhưng thời gian học trực tuyến không nhiều bởi tỉnh và các địa phương đã nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch.

Đặc biệt, để đảm bảo an toàn cao nhất cho học sinh khi đến trường, tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng triển khai tiêm phòng vắc xin Covid-19 đối với học sinh độ tuổi từ 12 – 17 tuổi. Ngay từ đầu tháng 11/2021, số lượng trẻ em từ 12-17 tuổi trên địa bàn tỉnh đã được tiêm mũi 1 vắc-xin phòng Covid-19 đạt tỷ lệ trên 98%.


Bằng việc bảo vệ vùng xanh an toàn, học sinh được đến trường, trong 2 năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, chất lượng giáo dục của Quảng Ninh năm sau cao hơn năm trước ở tất cả các cấp học, bậc học, ở giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn.


Nhờ giữ vững được vùng xanh an toàn, hàng trăm nghìn học sinh, trẻ mầm non vẫn được đến trường học trực tiếp, giáo dục Quảng Ninh đã có cơ hội để thực hiện mục tiêu đổi mới, bứt phá về nhiều mặt. Cơ sở vật chất trường học không ngừng được đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia ở các cấp học đến nay đạt 555/632 trường, đạt tỷ lệ 87,81%. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo là 99,58%, tăng 19% so với năm 2015.


Thực tế cho thấy, trong mọi hoàn cảnh, tỉnh Quảng Ninh vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đối với học sinh, đối với ngành giáo dục - đào tạo với quan điểm nhất quán, xuyên suốt là gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, từng bước đi, chính sách của địa phương; dành nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất ở địa bàn trung tâm cũng như vùng khó khăn; quan tâm, chăm lo con em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và Trường trung học phổ thông chuyên Hạ Long. Ưu tiên nguồn lực từ ngân sách đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất hệ thống các cơ sở giáo dục - đào tạo theo hướng đạt chuẩn, đồng bộ, hiện đại, từng bước phát triển mô hình giáo dục thông minh; thúc đẩy xã hội hóa, huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư một số cơ sở giáo dục ở những nơi có điều kiện thuận lợi, giúp học sinh được thụ hưởng môi trường giáo dục tốt nhất.

Năm 2020, cùng với thế giới và cả nước, Quảng Ninh bước vào một cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Dịch bệnh bùng phát đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển sản xuất, đời sống của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh. Với những hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách, khó chồng thêm khó. Để không ai bị bỏ lại phía sau, tại Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XIII, đã ban hành Nghị quyết số 245/2020/NQ-HĐND "Về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh". Theo đó, tỉnh đã nâng mức dự phòng chi ngân sách từ 2% lên 4%, tương ứng với 1.018 tỷ đồng, ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch, giải quyết khó khăn của doanh nghiệp, người lao động, các đối tượng chính sách, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Quảng Ninh là địa phương thứ hai trong nước (cùng với TP Hồ Chí Minh) chính thức có cơ chế hỗ trợ cho nhóm người yếu thế trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Trong năm 2020, các cấp, các ngành thực hiện đầy đủ chính sách an sinh xã hội, các chế độ chính sách đối với gia đình người có công, hộ nghèo, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; tổng chi chi an sinh xã hội đạt 2.280 tỷ đồng; hỗ trợ 88.950 trường hợp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, với tổng số tiền 102,7 tỷ đồng; hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở cho người có công giai đoạn 3 là 2.558 hộ, đạt 96%; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 0,52% năm 2019 xuống còn 0,36% năm 2020.

Bước sang năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, nhưng Tỉnh vẫn đặc biệt quan tâm, chăm lo, đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, con người. Nhờ đó, diện mạo thành thị và nông thôn thay đổi rõ rệt. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao, nhất là tại các khu vực dân tộc miền núi, biên giới, biển đảo.


Trên quan điểm ưu tiên cho vùng khó để thực hiện thành công khâu đột phá về phát triển văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh, ngày 17/5/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06, trên cơ sở đó, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 16 ngày 16/7/2021 về Chương trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Quảng Ninh dự kiến dành khoảng 4.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện chương trình nhằm thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch vùng, miền.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm tới các đối tượng chính sách, yếu thế, những người có hoàn cảnh khó khăn, chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Tổng chi an sinh xã hội năm 2021 ước đạt 1.790 tỷ đồng; trong đó, đã hỗ trợ 629 tỷ đồng cho trên 5.600 doanh nghiệp, gần 430.000 người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo tiêu chí đa chiều hết năm 2021 chỉ còn 0,1%.


Thực hiện: Nguyễn Hoa

Kỹ thuật đồ họa: Mạnh Hà