20
18
/
1100341
Khơi dậy, hiện thực hóa khát vọng thoát nghèo, làm giàu
longform
Khơi dậy, hiện thực hóa khát vọng thoát nghèo, làm giàu

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nguồn vốn tín dụng chính sách đã và đang lan tỏa khắp mọi vùng, miền trong tỉnh, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo, nhằm biến những khát vọng làm giàu của người dân thành hiện thực.

Huyện Ba Chẽ có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, địa hình phức tạp, đi lại khó khăn. Nhiều năm trở về trước, nói đến công tác giảm nghèo ở Ba Chẽ khiến người ta không khỏi “e ngại”, bởi tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không muốn thoát nghèo còn ăn sâu trong nếp nghĩ của nhiều người dân nơi đây. Thế nhưng đến nay, những ngôi nhà cao tầng đang mọc lên san sát, những cánh rừng phủ kín một màu xanh, người dân nơi đây đang thi đua lao động sản xuất.

Đi cùng cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Ba Chẽ kiểm tra thực tế việc sử dụng đồng vốn tín dụng chính sách, chúng tôi thấy rõ hiệu quả của nguồn vốn này đối với người dân nơi đây, đang từng ngày tạo nên những thay đổi trong cách nghĩ, cách làm của người dân. Hầu hết các hộ dân trên địa bàn huyện vay vốn để đầu tư trồng rừng.

Anh Nịnh Văn Vùng, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện, đi cùng, cho biết: "Tôi gắn bó với huyện miền núi này từ những ngày đầu Ngân hàng CSXH huyện được thành lập. Ở Ba Chẽ có tới 80-90% số hộ dân vay vốn tín dụng chính sách. Gia đình ít nhất là khách hàng của 1 chương trình, nhiều là 3-4 chương trình. Dù là vay 1 hay nhiều chương trình, các hộ dân đều sử dụng vốn đúng mục đích, đúng đối tượng, trả nợ và lãi đúng hạn. Điều này thể hiện ý thức trách nhiệm của mỗi người dân khi cầm đồng vốn trong tay. 95% số hộ dân của 6 xã vùng cao của huyện viết đơn tự nguyện xin thoát nghèo là khách hàng của Ngân hàng CSXH huyện".

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, hộ bà Triệu Thị Hương (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) đầu tư trồng cây trà hoa vàng.


Chúng tôi đến thăm gia trại của anh Triệu A Lộc (thôn Pắc Cáy, xã Đồn Đạc) khi anh vừa được vay thêm 100 triệu đồng chương trình cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện. Với số vốn này, vợ chồng anh đầu tư nuôi gà Tiên Yên, cải tạo vườn đồi trồng cây ăn quả, chăm sóc diện tích rừng hiện có.

Anh Lộc tâm sự: "Gia đình tôi vốn là hộ nghèo của xã, năm 2017 được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư trồng rừng, nuôi lợn, nuôi gà. Tiền bán lợn, bán gà dùng để trả lãi hằng tháng, bán cây keo khi đến kỳ thu hoạch để trả gốc. Gia đình tôi còn được vay thêm 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn; 100 triệu đồng chương trình cho vay giải quyết việc làm. Giờ đây, gia đình đã thoát diện hộ nghèo, cuộc sống dần sung túc hơn".

Hộ ông Chìu Đức Sềnh (xã Đồn Đạc) đầu tư trồng 2ha cây quế từ vốn vay chương trình cho vay giải quyết việc làm.


Nhà ông Chìu Đức Sềnh nằm cách nhà anh Lộc không xa. Vợ chồng ông Sềnh đang tất bật chăm sóc cho vạt quế mới trồng. Ông Sềnh hồ hởi khoe: "Gia đình tôi đã thoát nghèo từ nhiều năm nay rồi. Nhận thấy hiệu quả rừng gỗ lớn về kinh tế lâu dài, cùng sự hỗ trợ của tỉnh và địa phương, gia đình tôi được vay 100 triệu đồng chương trình cho vay giải quyết việc làm với lãi suất ưu đãi để cải tạo đất, mua giống, phân bón... trồng 2ha quế trên diện tích đất trồng cây keo kém hiệu quả trước đây. Chỉ 10-15 năm nữa, rừng quế này sẽ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng".

Anh Triệu Văn Lộc và ông Chìu Đức Sềnh là hai trong số hàng nghìn hộ dân huyện Ba Chẽ đang thắp lên hy vọng làm giàu nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách. Những khoản vay ưu đãi không chỉ là trợ lực cho các hộ thoát nghèo, cận nghèo... bền vững, mà còn là điểm tựa vững chắc để các hộ vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Ngân hàng CSXH huyện đang triển khai 11 chương trình tín dụng với tổng dư nợ trên 261 tỷ đồng cho 5.804 hộ dân vay. Huyện hiện là địa phương có dư nợ lớn nhất trong tỉnh, số hộ vay đông, song nhiều năm nay không có nợ xấu. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho hiệu quả, ý nghĩa và lan tỏa của vốn tín dụng chính sách trong việc giải quyết nhu cầu bức thiết về vốn để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân. Đến nay huyện chỉ còn 27 hộ nghèo, tỷ lệ 0,48%.

Đến những vùng khó của tỉnh như Bình Liêu, Đầm Hà... bây giờ, sẽ không còn thấy cái nghèo đeo đẳng như trước. Những mảnh ruộng hoang hóa, những mảng đồi để cho cỏ dại mọc, những mảnh vườn bỏ không trước đây, nay đã khoác lên tấm áo mới tràn đầy sức sống. Đó là màu xanh của những cánh rừng trù phú, màu vàng của vườn cây sai trĩu quả, là màu của tương lai đủ đầy đang rộng mở.

Sự đổi thay rõ rệt đó có được từ khi nguồn vốn tín dụng chính sách lan tỏa khắp mọi vùng, miền trong tỉnh. Những khoản vay ưu đãi đã đồng hành cùng người dân thoát nghèo, nâng cao thu nhập, làm giàu chính đáng, hiện thực hóa những mong ước của họ. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho hàng nghìn hộ thoát nghèo, phát triển sản xuất, là điểm tựa giúp họ an cư, lạc nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Dòng vốn ngày một chảy mạnh, phủ rộng, trải dài đang cùng đôi tay cần mẫn của mỗi hộ dân xoay chuyển cuộc sống của họ, vun đắp ấm no và phát triển kinh tế địa phương. Đến nay, tổng dư nợ 18 chương trình tín dụng trên địa bàn tỉnh là 3.418 tỷ đồng với 87.548 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, nợ quá hạn và nợ khoanh là 2,12 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,062% tổng dư nợ, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ toàn quốc 0,7%.

Những kết quả có được chính là từ sự vào cuộc mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đẩy mạnh hoạt động tín dụng chính sách xã hội, trong đó có vai trò quan trọng của ban đại diện hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng CSXH các cấp.

Cán bộ Ngân hàng csxh huyện Vân Đồn hướng dẫn hộ dân xã Hạ Long theo dõi nợ gốc và lãi


Ban đại diện HĐQT ngân hàng CSXH các cấp đã tham mưu triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 22/11/2014) của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Từ đầu năm đến nay, ngân sách tỉnh đã bố trí ủy thác cho Ngân hàng CSXH tỉnh 120 tỷ đồng thực hiện chương trình cho vay giải quyết việc làm; trên cơ sở đó, Ngân hàng CSXH Việt Nam điều chuyển đối ứng 130 tỷ đồng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm.

Ban đại diện HĐQT ngân hàng CSXH các địa phương cũng tham mưu cấp ủy, chính quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, bố trí quỹ đất, miễn tiền thuê đất xây dựng trụ sở phòng giao dịch ngân hàng CSXH.

Ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện Bình Liêu, cho biết: Xác định vai trò quan trọng của nguồn vốn tín dụng chính sách đối với người dân, thời gian qua Ban đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị nâng cao chất lượng của vốn tín dụng chính sách phục vụ cho công tác giảm nghèo trên địa bàn. Huyện hỗ trợ xây dựng và đưa vào sử dụng trụ sở Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH mới từ tháng 4/2021 nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động.

Cán bộ Ngân hàng CSXH tỉnh phổ biến một số chương trình tín dụng mới cho người dân xã Đồng Sơn (TP Hạ Long).


Sự vào cuộc mạnh mẽ của các thành viên ban đại diện HĐQT ngân hàng CSXH đã mang lại những hiệu quả cho các chương trình tín dụng chính sách. Hơn ai hết, người dân là đối tượng được thụ hưởng nhiều nhất, có thêm trợ lực để bứt phá, đóng góp sự phát triển của địa phương.

Không chỉ là người bạn đồng hành của hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nguồn vốn tín dụng chính sách còn kịp thời hỗ trợ, chia sẻ với nhiều lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngân hàng CSXH Quảng Ninh đã hỗ trợ cho 12.361 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình và người lao động vay 684,6 tỷ đồng để ổn định đời sống; 31 doanh nghiệp được vay 4,7 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho 1.235 lượt người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP (ngày 1/7/2021) của Chính phủ.

Từ việc "trao cần câu" cho người yếu thế, không để người dân không bị bỏ lại phía sau trong hành trình thoát nghèo đã góp phần nhân lên tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, nhân lên niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Bài: Cao Quỳnh

Trình bày: Hùng Sơn