
Khai thác tiềm năng du lịch từ rừng
Quảng Ninh có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ với giá trị cao cả về vẻ đẹp cảnh quan, môi trường, đa dạng sinh học… Các đơn vị quản lý những diện tích rừng này đều mong muốn bên cạnh nhiệm vụ về bảo tồn thì được phép khai thác rừng cho phát triển du lịch.
Tiềm năng còn bỏ ngỏ
Các hệ sinh thái rừng trên địa bàn tỉnh có đóng góp rất lớn cho nền kinh tế và đời sống con người thông qua các dịch vụ mà rừng cung cấp, như: Gỗ, lâm sản ngoài gỗ, điều tiết nguồn nước, giúp bảo vệ môi trường, phát triển du lịch sinh thái... Rừng cũng là không gian sinh sống của cộng đồng các dân tộc, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số với sinh kế từ rừng tương đối lớn.

Quảng Ninh đã sớm đóng cửa rừng tự nhiên, cộng với công tác bảo vệ và phát triển vốn rừng tương đối tốt đã giúp cho sinh cảnh các khu rừng, đặc biệt là hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ, rừng quốc gia, khu bảo tồn cả trên cạn và dưới nước có cảnh quan đa dạng, sinh động, là tiềm năng giàu có cho phát triển du lịch rừng trên địa bàn.
Có thời gian đi thực tế tại nhiều khu vực như: Khu rừng quốc gia Yên Tử, Vườn quốc gia Bái Tử Long, Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng, khu bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần và nhiều khu vực rừng có tính đa dạng sinh học cao như: Quảng Nam Châu, Vịnh Hạ Long… chúng tôi không khỏi choáng ngợp, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của tự nhiên, với những hồ, suối, thác nước trong lành, những cánh rừng xanh tươi với hoa, trái kỳ thú, những khu rừng ngập mặn hoang sơ, những đàn cá bơi lội quanh rạn san hô sắc màu dưới đáy biển…
Giàu tiềm năng du lịch như vậy nhưng thực tế các khu bảo tồn rừng trên địa bàn tỉnh chưa có nơi nào khai thác trực tiếp các giá trị từ rừng để phục vụ du khách. Đông khách du lịch bậc nhất là Vịnh Hạ Long thì các tour khám phá rừng trên núi đá, các hồ nước hay giá trị đa dạng sinh học trong các hang động trong lòng núi cũng không phổ biến, có chăng là phục vụ cho công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học là chính.
Ở khu di tích - danh thắng Yên Tử thì du khách chủ yếu tham quan, chiêm bái các chùa, am, tháp nơi đây kết hợp với cảnh sắc của núi non, rừng và các loài cây cổ của Yên Tử. Các tour tuyến du lịch trải nghiệm trong rừng hầu như chưa có, có chăng cũng mới chỉ là thiền hành - đi dưới hàng tùng, ngắm mai vàng trên các vách núi, ngắm mây, đón bình minh trên đỉnh thiêng Yên Tử…

Ở một số nơi cũng có những mô hình du lịch nhỏ khai thác khung cảnh của rừng núi tự nhiên, như các xã, phường: Kỳ Thượng, Thống Nhất, Quảng La, Yên Tử, Đồng Văn, Lục Hồn, Bình Liêu… Sự nỗ lực của các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ thiết nghĩ là rất đáng khích lệ. Nó cũng cho thấy sức hút của du lịch rừng với du khách từ vẻ hấp dẫn của cảnh sắc thiên nhiên và sự nhạy bén của các mô hình tại nhiều địa phương. Chỉ có điều, không ít trong số đó vẫn vướng các cơ sở pháp lý từ quy định chung về quản lý, bảo vệ rừng.
Nhiều vướng mắc, khó khăn
Cho đến gần đây vẫn chưa có dự án lớn nào khai thác vốn rừng cho du lịch được triển khai trên địa bàn. Đơn cử, năm 2021, Phương án quản lý rừng bền vững của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030, đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt. Tuy nhiên, cho đến nay Đề án Phát triển du lịch sinh thái tại Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng thì vẫn nằm trên giấy.

Ở vùng vịnh Bái Tử Long thì Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long hiện nay mới đang xúc tiến xây dựng Phương án quản lý rừng bền vững, sau khi được tỉnh phê duyệt là cơ sở để xây dựng Đề án Phát triển du lịch sinh thái, xây dựng các quy hoạch chi tiết và xúc tiến thu hút các dự án đầu tư vào du lịch dưới tán rừng. Chia sẻ với chúng tôi, lãnh đạo Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long từng cho hay, Đề án được phê duyệt thì theo đó sẽ có quy định các vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng phục hồi sinh thái, vùng dịch vụ hành chính và tương ứng với mỗi khu vực này sẽ có những hoạt động du lịch phù hợp theo quy định.
Ở Vườn quốc gia Bái Tử Long, đơn vị cũng ấp ủ những sản phẩm trải nghiệm cho du khách như: Đi bộ trong rừng đến các điểm cây di sản, xây dựng các điểm ngắm biển, ngắm rừng ở trên dọc tuyến đường tuần tra bảo vệ rừng kết hợp với du lịch sinh thái; xây dựng các tuyến đường để khách trải nghiệm đạp xe trong rừng ở các khu phục hồi sinh thái và gắn với đó là những điểm nghỉ đêm với những căn nhà bằng vật liệu thân thiện với vườn tại khu dịch vụ hành chính…
Với Vườn quốc gia Bái Tử Long thì đây đã là cơ hội mở, gỡ được nhiều vướng mắc bấy lâu nhưng để hiện thực hoá cũng còn nhiều thời gian. Qua tìm hiểu cho thấy, việc tìm nhà đầu tư trong phát triển du lịch rừng là rất quan trọng, đòi hỏi nhà đầu tư lớn, có tâm, có tầm để vừa khai thác tốt vừa làm giàu vốn rừng, giảm thiểu tác động lên các giá trị của rừng. Đây cũng là một nguyên nhân mà du lịch rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng vẫn chưa thể hiện thực hoá.

Mở ra những cơ hội mới
Trong bối cảnh phát triển du lịch tại các khu rừng có tính bảo tồn cao còn nhiều khó khăn, gần đây, một số nơi đã có tín hiệu lạc quan hơn. Đơn cử, Dự án du lịch sinh thái đảo Đá Dựng, xã Đầm Hà do Công ty CP Đầu tư phát triển Bảo Nguyên làm chủ đầu tư, đã được UBND tỉnh phê duyệt với diện tích trên 66ha, trong đó có 38ha là diện tích rừng tự nhiên. Đảo Đá Dựng vừa qua cũng đã được tỉnh ra quyết định công nhận là Khu du lịch cấp tỉnh. Nơi đây có cảnh quan hoang sơ, tươi đẹp, vì vậy việc doanh nghiệp đầu tư biến đảo Đá Dựng thành điểm du lịch sang trọng mà vẫn hài hoà, thân thiện với thiên nhiên, bảo tồn được hệ sinh thái rừng tự nhiên như mục tiêu doanh nghiệp đặt ra thiết nghĩ là rất đáng khích lệ.
Năm 2021, UBND tỉnh đã phê duyệt “Phương án quản lý rừng bền vững của Ban Quản lý rừng phòng hộ TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Đầu tháng 6 vừa qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ Móng Cái (nay là Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ miền Đông) cũng đã chính thức được UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ. Đây là Đề án du lịch sinh thái rừng đầu tiên trên toàn tỉnh, tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động du lịch tại đây, nhằm triển khai thực hiện Phương án quản lý rừng bền vững đã được phê duyệt theo đúng quy định hiện hành.

Theo đó, trong gần 1.700ha rừng phòng hộ sẽ hình thành 4 tuyến du lịch và 19 điểm du lịch dựa trên các tuyến đường tuần tra bảo vệ rừng, các tuyến đường mòn hiện có. Đề án cũng dành 5% diện tích rừng để xây dựng hạ tầng du lịch. Mục tiêu của Đề án là thu hút được 12-19 nhà đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa để kinh doanh phát triển dịch vụ du lịch tại rừng phòng hộ; tạo việc làm cho trên 300 người dân địa phương, trong đó 100 lao động trực tiếp và 200 lao động gián tiếp. Đồng thời, góp phần chuyển đổi ngành nghề, nâng cao sinh kế cho người dân vùng đệm thông qua việc tham gia các hoạt động du lịch, dịch vụ; góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Rừng phòng hộ miền Đông có nhiều giá trị hấp dẫn với diện tích rừng già dọc tuyến biên giới, rừng đầu nguồn xung quanh hồ Trúc Bài Sơn, rừng tự nhiên gắn với những đỉnh cao, thác nước và rừng ngập mặn ven biển. Ngoài giá trị về cảnh quan, địa hình và đa dạng sinh học, rừng nơi đây còn gắn liền với nhiều di tích lịch sử trong vùng như: Khu di tích lịch sử Pò Hèn, di tích đồi Trần Phú, đền Xã Tắc, đình Trà Cổ, chùa Xuân Lan. Điều này cho phép chúng ta kỳ vọng về những dự án du lịch rừng sẽ hình thành nơi đây trong một tương lai gần.
Ý kiến ()