
Khai thác hành trình "Hai vịnh - một điểm đến"
Là hai vùng vịnh Di sản, Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) không chỉ nổi bật bởi vẻ đẹp ngoạn mục, mà còn đang từng bước kết nối để hình thành chuỗi hành trình biển đảo đẳng cấp, thúc đẩy phát triển du lịch liên vùng theo hướng bền vững.
Vịnh Hạ Long có gần 2.000 đảo đá, hệ sinh thái phong phú và cảnh quan độc đáo. Nơi đây đã hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Vịnh Lan Hạ (Cát Bà, Hải Phòng) trải rộng gần 7.000ha, sở hữu hơn 400 đảo đá vôi, bãi cát trắng, nước trong xanh và không gian yên bình, phù hợp cho các hoạt động tắm biển, kayak, lặn san hô. Làng chài Việt Hải, Cửa Vạn vẫn giữ nếp sống truyền thống, tạo nên trải nghiệm văn hóa đặc sắc.

Không chỉ tương đồng về điều kiện tự nhiên, Hạ Long và Lan Hạ còn có khả năng kết nối đường thủy thuận lợi, mở ra cơ hội lớn phát triển tour liên vùng. Chuỗi hành trình Hạ Long - Lan Hạ - Bái Tử Long giúp nâng cao chất lượng trải nghiệm, kéo dài thời gian lưu trú và thúc đẩy các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, khám phá biển đảo. Đây được xem là hướng đi chiến lược để hình thành trục liên kết di sản và mở rộng không gian phát triển du lịch biển đảo Đông Bắc.
Từ năm 2023, Quảng Ninh đã xúc tiến hợp tác với Hải Phòng nhằm kết nối các tuyến tham quan giữa Vịnh Hạ Long và Vịnh Lan Hạ. Các cuộc làm việc cấp cao, khảo sát thực địa và đánh giá hạ tầng được triển khai đồng bộ. Quý I/2024, tỉnh Quảng Ninh giao các ngành chức năng nghiên cứu tuyến du lịch đường thủy Hạ Long - Cát Bà, trên cơ sở đảm bảo an toàn hàng hải, bảo tồn tài nguyên và phù hợp quy hoạch vùng vịnh.
Ngày 4/4/2025, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức họp chuyên đề do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hạnh chủ trì, thống nhất đưa tuyến VHL6 (từ cảng tàu khách quốc tế Hạ Long - qua Ba Hang, hòn Gà Chọi - đến ranh giới Vịnh Lan Hạ) vào khai thác chính thức. Phương án được xây dựng trên nguyên tắc bảo vệ di sản, kết nối thuận tiện và phục vụ nhu cầu phát triển du lịch liên vùng.
Chỉ một tháng sau, ngày 8/5/2025, HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua Nghị quyết số 51/2025/NQ-HĐND, bổ sung tuyến VHL6 vào hệ thống tham quan Vịnh Hạ Long, quy định mức phí 150.000 đồng/lượt cho hành trình kết nối Hạ Long - Lan Hạ. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để hiện thực hóa sản phẩm du lịch liên vùng, tạo bước đột phá cho không gian biển đảo phía Bắc.
Hiện nay, Quảng Ninh đang phối hợp chặt chẽ với Hải Phòng nhằm hoàn thiện thủ tục pháp lý, xây dựng cơ chế vận hành liên tuyến, kiểm soát phương tiện, bảo vệ ranh giới di sản và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù. Dự kiến, tuyến Hạ Long - Cát Bà sẽ chính thức khai trương vào cuối năm 2025, sẽ thu hút sự chú ý, quan tâm lớn của các doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Thế Huệ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, việc tăng cường liên kết không chỉ mở rộng không gian du lịch, mà còn giúp kéo dài thời gian lưu trú, phát triển chuỗi dịch vụ cao cấp hai chiều và tạo động lực để doanh nghiệp đổi mới sản phẩm.
Nhiều đơn vị đã nhanh chóng đón đầu xu hướng này. Tập đoàn LuxGroup, doanh nghiệp tiên phong trong phân khúc du thuyền cao cấp hoạt động ở cả 2 địa phương, đang triển khai chuỗi sản phẩm "Hai vịnh - Một hành trình", kết nối Vịnh Hạ Long và Lan Hạ từ mùa hè 2025. Trước đó, Công ty CP Du lịch Thuận Việt cũng từng thành công với tuyến Vịnh Hạ Long - Bái Tử Long, cho thấy tiềm năng lớn của mô hình kết nối hành trình biển đảo.

Theo đó, du thuyền 5 sao LuxGroup mang đến hành trình 4-6 ngày qua các vịnh di sản, kết hợp nghỉ dưỡng và trải nghiệm văn hóa - thể thao biển. Dịch vụ cá nhân hóa cùng các hoạt động đặc sắc như kayak, trekking, tiệc hoàng hôn, đêm ả đào... tạo dấu ấn khác biệt và khẳng định năng lực doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế.
Kết nối Hạ Long - Lan Hạ không chỉ mở tuyến tham quan, mà là bước đi chiến lược để kiến tạo không gian du lịch liên vùng bền vững. Với sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ giữa hai địa phương, hành trình “hai vịnh - một điểm đến” sẽ là chìa khóa để đánh thức tiềm năng du lịch miền Bắc, đưa các vịnh di sản Việt Nam vươn tầm quốc tế.
Ý kiến ()