
Kế thừa và phát huy thương hiệu
Sau khi thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính, bỏ cấp huyện, nhiệm vụ cấp bách lúc này của ngành du lịch là rà soát lại tài nguyên du lịch cũng như xây dựng chiến lược tái định vị và phát triển thương hiệu điểm đến trên cơ sở kế thừa và phát huy những thành quả đã gây dựng được trong quá khứ.
Từ ngày 1/7/2025, 13 huyện, thị xã, thành phố của Quảng Ninh chính thức chấm dứt hoạt động, hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình song những di sản du lịch gắn liền với những địa danh này như thương hiệu du lịch Hạ Long, Đông Triều, Uông Bí, Cẩm Phả, Tiên Yên, Bình Liêu… vẫn đang được người dân, du khách, lữ hành tiếp tục sử dụng vì đã quen thuộc từ lâu.
Những thương hiệu gắn liền với địa giới hành chính trước đây vẫn có giá trị nhất định trong thời điểm hiện nay, tuy nhiên sau khi các đơn vị hành chính cấp xã mới đi vào hoạt động ổn định, về lâu dài, những thương hiệu này sẽ không còn chính xác. Thực tế này dẫn tới yêu cầu cần phải rà soát lại tài nguyên du lịch trong tình hình mới. Đồng thời cần có chiến lược tái định vị thương hiệu điểm đến để vừa kế thừa vừa phát huy thành quả xây dựng thương hiệu trong quá khứ.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt ngày 4/7/2014, không chỉ tiềm năng du lịch mà thương hiệu điểm đến cũng được xác định theo cấp huyện, thị xã, thành phố. Việc phát triển các vùng và sản phẩm du lịch cũng được xây dựng tương ứng theo địa giới hành chính cấp huyện. Nay bỏ cấp huyện, những thương hiệu đã xây dựng trong thời gian dài của các địa phương và ăn sâu vào ấn tượng của du khách sẽ được kế thừa như thế nào đang là vấn đề được ngành du lịch Quảng Ninh quan tâm.
Ông Nguyễn Lâm Nguyên, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đánh giá: Các địa phương cấp huyện trước đây của Quảng Ninh đều có những thương hiệu du lịch riêng gắn với tài nguyên tự nhiên, văn hóa, lịch sử và nỗ lực xây dựng hình ảnh trong suốt một thời gian dài. Sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, quan điểm của ngành du lịch Quảng Ninh là không để mai một những giá trị đã được khẳng định mà ngược lại tiếp tục kế thừa, phát huy và tích hợp hài hòa vào quy hoạch phát triển du lịch liên vùng, liên kết tuyến điểm trong tỉnh.

Ví dụ, thương hiệu du lịch tâm linh của phường An Sinh, Bình Khê, Mạo Khê, Yên Tử, Uông Bí, Vàng Danh; du lịch biển đảo của đặc khu Vân Đồn, Cô Tô; du lịch cộng đồng của xã Bình Liêu, Hoành Mô, Lục Hồn đều đã có vị trí nhất định trong lòng du khách. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để bảo tồn bản sắc đồng thời hỗ trợ truyền thông, xây dựng sản phẩm và kết nối thị trường nhằm phát huy hiệu quả trong giai đoạn phát triển mới.
Theo thống kê, rà soát sơ bộ của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 1 khu du lịch cấp quốc gia, 5 khu du lịch cấp tỉnh và 88 điểm du lịch đã được công nhận. Kết quả rà soát sơ bộ các khu, điểm du lịch hiện nay thuộc 37/54 xã, phường, đặc khu. Có 1 khu du lịch liên quan đến nhiều hơn 1 xã, phường là khu du lịch cấp tỉnh Bình Liêu trước đây thuộc huyện Bình Liêu, nay thuộc 3 xã Bình Liêu, Hoành Mô, Lục Hồn.
Với trường hợp của Khu du lịch cấp tỉnh Bình Liêu, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ có hướng dẫn cụ thể và đóng vai trò cầu nối để 3 xã trên phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch; phát triển sản phẩm du lịch đặc thù cũng như tổ chức các hội và lễ hội truyền thống theo hướng quy mô, bài bản và đặc sắc. Huyện Bình Liêu trước đây tổ chức thường niên 5 hội và lễ hội truyền thống. Đến nay, sau sáp nhập, 3/5 hội và lễ hội sẽ chủ yếu diễn ra tại xã Lục Hồn. Song với đặc điểm là các hoạt động hội và lễ hội thường được tổ chức kéo dài về mặt thời gian và trên địa bàn nhiều xã nên công tác phối hợp cần phải chặt chẽ, nhịp nhàng và thống nhất, có như vậy mới có thể tiếp tục phát huy thương hiệu du lịch mà huyện Bình Liêu trước đây đã dày công xây dựng.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn mới, với không gian phát triển mới, việc truyền thông quảng bá điểm đến cũng cần được đặc biệt quan tâm. Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing của Công ty CP Công nghệ Du lịch Best Price nhận định: “Trong giai đoạn chuyển tiếp, sử dụng cả tên cũ và tên mới để du khách dần quen với sự thay đổi mà không mất kết nối với thương hiệu cũ. Đồng thời, cần tăng cường truyền thông, đẩy mạnh quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội, công cụ tìm kiếm và bản đồ số, đảm bảo rằng dù tên hành chính thay đổi, thông tin về điểm đến vẫn dễ dàng tiếp cận”. Các địa phương mới được thành lập nên nhanh chóng thực hiện các chiến dịch quảng bá, kể chuyện về sự đổi mới của điểm đến du lịch.
Việc hoàn tất sắp xếp lại địa giới hành chính và triển khai chính quyền địa phương 2 cấp đã góp phần mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch cho các xã, phường mới. Với tài nguyên văn hóa, du lịch lớn hơn sẽ là nguồn lực mới để các xã, phường phát huy tinh thần sáng tạo, hợp tác xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng theo hướng Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) về du lịch và văn hóa, từ đó phát huy lợi thế du lịch làm động lực cho kinh tế - xã hội phát triển toàn diện và vẽ lại bản đồ du lịch Quảng Ninh.
Ý kiến ()