Nghị quyết số 17-NQ/TU đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển con người Quảng Ninh toàn diện, xem con người vừa là trung tâm, chủ thể, vừa là nguồn lực và động lực quan trọng nhất của sự phát triển. Để thực hiện nhiệm vụ này, một trong những giải pháp cốt lõi là xây dựng, phát triển và hoàn thiện hệ giá trị con người Quảng Ninh với 8 phẩm chất đặc trưng: Bản lĩnh, Tự cường, Kỷ cương, Đoàn kết, Nghĩa tình, Hào sảng, Sáng tạo, Văn minh. Đây không phải là những giá trị mới hình thành mà đã được hun đúc qua thực tiễn lịch sử, gắn liền với quá trình dựng xây và phát triển của vùng đất, con người Quảng Ninh.

Hiện nay, trong bối cảnh mới, trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, thích ứng với sự thay đổi và nâng cao sức mạnh nội sinh, việc giữ gìn và phát huy hệ giá trị con người Quảng Ninh trở thành nhiệm vụ quan trọng. Các cấp ủy và chính quyền cần không ngừng củng cố, lan tỏa những giá trị này thông qua giáo dục, tuyên truyền và thực tiễn đời sống, để mỗi người dân Quảng Ninh không chỉ thấm nhuần, kế thừa mà còn có ý thức bồi dưỡng, làm giàu thêm những phẩm chất cao đẹp. Điều này sẽ góp phần tạo nên một thế hệ con người Quảng Ninh mới - vừa mang đậm bản sắc truyền thống, vừa đủ năng lực để bắt nhịp với xu thế phát triển của đất nước.

1. Bản lĩnh

Bản lĩnh: là sự kiên cường, vững vàng trước những thử thách, không dễ bị khuất phục bởi khó khăn hay áp lực, dám đối mặt với nghịch cảnh, kiên định với mục tiêu và không dễ dàng từ bỏ trước những thách thức.

Quảng Ninh là một tỉnh biên giới với lịch sử hàng nghìn năm kiên cường dựng nghiệp, bảo vệ biên cương và lao động sản xuất. Chính quá trình ấy đã hun đúc nên bản lĩnh đặc trưng của người Quảng Ninh.

Quảng Ninh là “cái nôi” của ngành công nghiệp khai thác than. Không chỉ đóng vai trò trụ cột trong sự phát triển của Quảng Ninh, ngành than còn là một trong những ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam suốt nhiều thập kỷ. Từ những năm kháng chiến, than Quảng Ninh đã trở thành nguồn nguyên liệu quan trọng phục vụ sản xuất vũ khí, nhiên liệu cho đầu máy xe lửa, nhà máy điện, góp phần giữ vững nền kinh tế tự lực tự cường. Bước vào thời kỳ đổi mới, ngành than tiếp tục giữ vai trò quan trọng, đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ cho sự phát triển công nghiệp, điện lực và các ngành kinh tế khác.

Lãnh đạo Công ty Xây lắp mỏ tặng quà động viên công nhân lao động đào lò vượt tiến độ.

Lãnh đạo Công ty Xây lắp mỏ tặng quà động viên công nhân lao động đào lò vượt tiến độ.

Tuy nhiên, lao động trong hầm lò là một trong những công việc khắc nghiệt bậc nhất. Ngày qua ngày, người thợ mỏ phải làm việc trong không gian chật hẹp, thiếu ánh sáng, không khí, nóng bức và đầy bụi than. Họ phải đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn hay những sự cố bất ngờ dưới lòng đất. Dù vất vả, hiểm nguy, nhưng họ vẫn ngày đêm bám trụ, cần mẫn khai thác từng tấn than, góp phần quan trọng vào nền kinh tế đất nước. Sự bền bỉ, kiên cường của những người thợ mỏ không chỉ tạo nên sức sống cho ngành công nghiệp khai khoáng mà còn hun đúc nên bản lĩnh con người Quảng Ninh: mạnh mẽ, dám đương đầu với thử thách và luôn vươn lên để phát triển.

Bản lĩnh của người Quảng Ninh không chỉ là ý chí kiên cường trong gian khó mà còn thể hiện ở khát vọng vươn lên, dám thay đổi để phát triển. Trong công cuộc đổi mới, khi Đảng bộ tỉnh quyết định chuyển đổi kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, cán bộ và nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã chọn con đường đổi mới, đòi hỏi bản lĩnh, sự sáng tạo và tư duy đột phá. Cho đến nay, Quảng Ninh đã lột xác mạnh mẽ, trở thành điểm đến nổi bật trên bản đồ du lịch, có các đô thị hiện đại, khu công nghiệp công nghệ cao và hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, thử thách có thể khác nhau nhưng bản lĩnh vẫn luôn là giá trị cốt lõi giúp Quảng Ninh vững bước tiến lên.

2. Tự cường

Tự cường là tinh thần tự lực, không trông chờ vào sự giúp đỡ từ bên ngoài mà luôn nỗ lực vươn lên để đạt được thành công.

Quảng Ninh, vùng đất địa đầu Đông Bắc Tổ quốc, không chỉ được biết đến với vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ mà còn là biểu tượng của tinh thần tự cường trong suốt chiều dài lịch sử. Từ những cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ quê hương đến quá trình xây dựng và phát triển hôm nay, tinh thần tự lực, tự chủ của nhân dân Quảng Ninh luôn là nguồn sức mạnh giúp tỉnh vượt qua khó khăn, thử thách.

Trong suốt chiều dài lịch sử, Quảng Ninh giữ vai trò trọng yếu trong kháng chiến chống ngoại xâm, ghi dấu những chiến công hiển hách, điển hình là 3 trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng: trận Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán năm 938; trận Lê Hoàn đánh tan quân Tống năm 981 và trận Trần Hưng Đạo đánh tan quân Nguyên Mông vào năm 1288. Những trận đánh này khẳng định Quảng Ninh là phòng tuyến vững chắc của Đại Việt, hun đúc tinh thần tự lực, kiên cường của nhân dân nơi đây.

Mũi Sa Vĩ, nơi khởi đầu của đường biên tổ quốc.

Mũi Sa Vĩ, nơi khởi đầu của đường biên tổ quốc.

Trong thời kỳ hiện đại, Quảng Ninh là địa bàn chiến lược trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nhân dân vừa kiên cường bám đất, bám biển chiến đấu, vừa duy trì sản xuất với tinh thần “Sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc”. Đồng thời, tỉnh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Trong chiến tranh biên giới năm 1979, nhân dân và lực lượng vũ trang Quảng Ninh tiếp tục anh dũng chiến đấu bảo vệ từng tấc đất quê hương, giữ vững chủ quyền biên giới. Sau chiến tranh, tinh thần ấy tiếp tục được phát huy mạnh mẽ trong công cuộc tái thiết, phát triển kinh tế. Quảng Ninh đã tự chủ trong việc bố trí nguồn lực, xây dựng hạ tầng, cải thiện giao thông, phát triển các khu công nghiệp, cảng biển, sân bay, từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Tỉnh không ngừng mở rộng quy hoạch đô thị, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Đoàn Thanh niên Công ty CP Than Mông Dương tham gia khắc phục hậu quả cơn bão số 3/2024 (Yagi) trên địa bàn TP Cẩm Phả.

Đoàn Thanh niên Công ty CP Than Mông Dương tham gia khắc phục hậu quả cơn bão số 3/2024 (Yagi) trên địa bàn TP Cẩm Phả.

Ngày nay, tinh thần tự cường tiếp tục trở thành động lực để Quảng Ninh vươn lên mạnh mẽ. Trong xây dựng các chiến lược phát triển của mình, Quảng Ninh đều đặt ra mục tiêu phải là một trong những cực tăng trưởng của đất nước, giữ vai trò dẫn dắt, “đầu tàu” phát triển của vùng Đông Bắc Bắc bộ. Điều này khẳng định rõ nét trong kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong hơn một thập kỷ qua. Các nhiệm kỳ kế tiếp nhau đã thể hiện rõ tinh thần tự cường, dám nghĩ, dám làm, tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược; đi tiên phong trong đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh gọn tổ chức bộ máy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tích cực cải cách hành chính để phát huy có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh, phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Đặc biệt, khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, được coi là thách thức lớn chưa từng có không chỉ của mỗi địa phương mà còn là ở quy mô quốc gia, quốc tế thì Quảng Ninh đã tiếp tục khẳng định được ý chí vững vàng, quyết tâm phát triển và tư duy đổi mới không ngừng. Các đối sách với đại dịch của tỉnh luôn chủ động, đi trước, đón đầu, thể hiện qua phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, để từ đó thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân vừa ổn định kinh tế - xã hội, phục hồi các ngành sản xuất, giữ đà tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới... Gần đây nhất, cơn bão số 3 (Yagi) đã gây nên thiệt hại nặng nề trên địa bàn tỉnh với tổng thiệt hại khoảng 28.034 tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng thiệt hại cả nước, tương đương giảm 0,65% tăng trưởng GRDP của tỉnh. Nhưng với tinh thần tự lực, tự cường, trách nhiệm rất cao, sự chủ động, nỗ lực, Quảng Ninh đã kiên cường vượt qua khó khăn, giữ vững địa bàn an toàn - ổn định - phát triển. Tỉnh đã nhanh chóng ban hành các chính sách, biện pháp quan trọng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tái thiết sản xuất, ổn định cuộc sống sau bão. Với tinh thần “nhường cơm, sẻ áo”, Quảng Ninh đã xin nhường lại gói hỗ trợ 100 tỷ đồng từ Chính phủ cho các địa phương miền núi phía Bắc khó khăn hơn đang phải chịu ảnh hưởng của thiên tai.

Nhìn lại chặng đường lịch sử, có thể khẳng định rằng, tinh thần tự cường đã, đang và sẽ trở thành nguồn sức mạnh nội tại giúp Quảng Ninh không ngừng vươn lên, phát triển toàn diện và bền vững.

3. Kỷ cương

Kỷ cương là sự tôn trọng luật pháp, tuân thủ quy tắc xã hội và đề cao trách nhiệm cá nhân đối với cộng đồng.

Kỷ cương trong quản lý và điều hành: Quảng Ninh là một trong những địa phương tiên phong trong việc thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính quyền minh bạch, hiệu quả. Tinh thần “kỷ luật và đồng tâm” - vốn là truyền thống từ thời kỳ công nhân mỏ đấu tranh bảo vệ quyền lợi - đã trở thành kim chỉ nam trong công tác quản lý, điều hành của chính quyền địa phương. Bộ máy chính quyền các cấp ở Quảng Ninh hoạt động theo nguyên tắc công khai, minh bạch, giảm thiểu thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý giúp nâng cao hiệu suất làm việc, hạn chế tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu.

Kỷ cương trong lao động và sản xuất: Người Quảng Ninh có truyền thống lao động chăm chỉ, bền bỉ, đặc biệt là trong ngành khai thác than - một trong những ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. Kỷ cương trong lao động được thể hiện rõ qua tác phong làm việc chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm cao và ý thức giữ gìn an toàn lao động. Trong ngành than, các công nhân mỏ luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn lao động, kỷ luật khai thác, góp phần đảm bảo hiệu suất và giảm thiểu tai nạn nghề nghiệp. Bên cạnh đó, trong các lĩnh vực hoạt động khác, người Quảng Ninh ngày càng được đánh giá cao về kỷ cương, như: trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, người Quảng Ninh thể hiện sự chuyên nghiệp, văn minh trong cách phục vụ, tạo ấn tượng tốt với du khách; ở các khu kinh tế, khu công nghiệp, tinh thần làm việc nghiêm túc đã giúp thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đến đầu tư.

 Phòng CSGT (Công an tỉnh) tiếp nhận, xử lý hồ sơ cấp đổi GPLX trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Hồng Việt

 Phòng CSGT (Công an tỉnh) tiếp nhận, xử lý hồ sơ cấp đổi GPLX trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Hồng Việt

Kỷ cương trong đời sống xã hội: Sự kỷ cương của người Quảng Ninh còn được thể hiện trong đời sống hàng ngày, từ việc giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường đến chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của địa phương. Người dân Quảng Ninh có ý thức cao trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là tại các khu du lịch như Vịnh Hạ Long, Yên Tử, Cô Tô... Việc chấp hành pháp luật, quy định giao thông, xây dựng đô thị văn minh được đề cao, giúp Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương có môi trường sống tốt. Đời sống cộng đồng gắn bó, đề cao tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ người nghèo, vùng khó khăn.

Kỷ cương trong phát triển bền vững: Quảng Ninh không chỉ phát triển kinh tế mà còn chú trọng đến yếu tố bền vững, với những chính sách nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường, phát triển đô thị thông minh và năng lượng sạch. Các dự án công nghiệp, du lịch phải đảm bảo yếu tố thân thiện với môi trường, hạn chế tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. Việc quản lý tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là ngành than, được thực hiện chặt chẽ, tránh khai thác trái phép gây thất thoát tài nguyên. Các chương trình trồng rừng, bảo vệ môi trường biển được triển khai thường xuyên, với sự tham gia tích cực của người dân.

Kỷ cương của người Quảng Ninh không chỉ là truyền thống mà còn là động lực để tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ, vững chắc. Chính nhờ tinh thần kỷ luật, trách nhiệm và đoàn kết mà Quảng Ninh đã vươn lên trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, cải cách hành chính và bảo vệ môi trường. Trong tương lai, tinh thần này tiếp tục là nền tảng giúp Quảng Ninh hội nhập, phát triển bền vững và khẳng định vị thế của mình trên bản đồ kinh tế Việt Nam. Giá trị này đang được phát huy và trở thành “sức mạnh mềm” để Quảng Ninh vững bước cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên mới.

4. Đoàn kết

Đoàn kết là sự gắn kết giữa các cá nhân, cộng đồng để cùng nhau hướng đến mục tiêu chung.

Quảng Ninh không chỉ là vùng đất của những con người bản địa mà còn là nơi hội tụ của những người con từ khắp mọi miền Tổ quốc. Những lớp người từ nhiều vùng quê khác nhau đã đến đây lập nghiệp, mang theo văn hóa, phong tục riêng, nhưng khi đặt chân đến Quảng Ninh, họ nhanh chóng hòa mình vào nhịp sống nơi đây, cùng nhau lao động, chiến đấu, xây dựng quê hương mới. Trải qua bao thế hệ, chính sự kề vai sát cánh trong gian khó đã tạo nên một cộng đồng gắn kết chặt chẽ. Ở Quảng Ninh, không có sự cục bộ địa phương, không có ranh giới vùng miền, chỉ có một tinh thần chung: đoàn kết, kiên trì, dám nghĩ dám làm để xây dựng một vùng đất đáng sống, đáng tự hào.

Các đại biểu, nhân dân tham gia nhảy sạp trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc xã Hải Sơn.

Các đại biểu, nhân dân tham gia nhảy sạp trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc xã Hải Sơn.

Từ xa xưa, đoàn kết, đồng tâm là truyền thống của cư dân vùng biên ải, vùng biển trong trong lao động, sản xuất, đấu tranh chống thiên tai, giặc giã. Ở vùng đất heo hút, hiểm trở, thường trực bị đe dọa bởi các mối hiểm nguy từ thiên tai và địch họa, người dân phải cố kết lại để thành một khối bền chặt, đồng tâm hiệp lực để sinh tồn. Trải qua thời gian, đoàn kết, đồng tâm càng thêm khăng khít, trở thành một lẽ tự nhiên của cư dân vùng Đông Bắc. Là một tỉnh có sự giao thoa của nhiều dân tộc như Kinh, Dao, Tày, Sán Dìu..., Quảng Ninh là minh chứng rõ ràng cho tinh thần đoàn kết dân tộc. Các cộng đồng dân cư nơi đây luôn biết cách chung sống hòa hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống cũng như trong phát triển kinh tế.

Tinh thần đoàn kết càng được phát huy trong văn hóa hiện đại ra đời từ cuộc sống công nghiệp trên vùng đất Quảng Ninh. Cùng với quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp ở vùng Đông Bắc, lực lượng công nhân mỏ được hình thành và phát triển ngày càng đông đảo. Đội ngũ công nhân xuất thân từ nhiều vùng miền khác nhau, sống đoàn kết, quần tụ thành các xóm thợ, lán thợ, làng công nhân, khu phố thợ... Trong quá trình lao động, sản xuất hầm lò, nhất là đấu tranh cách mạng chống lại ách áp bức hà khắc của thực dân và tay sai, công nhân mỏ phải đoàn kết, đồng tâm thành một khối thống nhất để cộng hưởng sức mạnh đấu tranh. Từ khi Đảng ta ra đời, đoàn kết thống nhất là một nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nên phẩm chất đó càng được rèn giũa, phát huy, nâng lên tầm cao mới. Kỷ luật và đồng tâm - đoàn kết và thống nhất trở thành một truyền thống quý báu, mà cao hơn là một giá trị văn hóa Quảng Ninh.

Tinh thần đoàn kết còn thể hiện rõ trong những thời điểm khó khăn, như khi đại dịch COVID-19 bùng phát, chính quyền và người dân đã cùng nhau đồng lòng chống dịch, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đó là những cống hiến không mệt mỏi của hàng nghìn con người trong lực lượng tuyến đầu chống dịch - những tình nguyện viên, y, bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ... toàn tâm, toàn lực thực hiện nhiệm vụ, góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân. Đó là hàng vạn công nhân ngành Than vừa căng mình phòng, chống dịch, vừa hăng say, miệt mài lao động giữ vững nhịp độ sản xuất. Đó là hoạt động hiệu quả của các tổ tự quản phòng, chống dịch COVID-19; hàng nghìn tổ liên gia “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng người” góp phần ngăn ngừa dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng. Quảng Ninh đã tạo nên tấm lá chắn vững chắc, đồng lòng, chung sức cùng cả nước chiến thắng đại dịch.

Người dân Quảng Ninh không chỉ đoàn kết trong nội tỉnh là còn luôn mở rộng tinh thần gắn kết với các địa phương trên cả nước và bạn bè quốc tế, cùng chung tay xây dựng một xã hội phồn vinh, tiến bộ, ấm no, hạnh phúc. Tỉnh luôn đi đầu trong các hoạt động hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch với nhiều tỉnh, thành phố, góp phần thúc đẩy sự thịnh vượng chung. Quảng Ninh cũng tích cực mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế, đặc biệt với các nước như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Philippines, Belarus... tạo nên một môi trường hòa bình, cùng phát triển. Thông qua các chương trình giao lưu, hợp tác kinh tế - xã hội, người dân Quảng Ninh không chỉ đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước 1à còn thể hiện tinh thần cởi mở, sẵn sàng học hỏi, chia sẻ với bạn bè thế giới, góp phần xây dựng một tương lai hòa bình, bền vững.

Đoàn kết được định vị trở thành một giá trị cốt lõi trong văn hóa và con người Quảng Ninh. Chính nhờ tinh thần đoàn kết ấy là tỉnh không ngừng phát triển, trở thành một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước. Trong tương lai, tinh thần đoàn kết này sẽ tiếp tục là động lực để Quảng Ninh vươn xa, phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

5. Nghĩa tình

Nghĩa tình là lòng nhân ái, sự sẻ chia và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

Nghĩa tình không chỉ là lột giá trị đạo đức là còn là nền tảng tạo nên sự gắn kết bền chặt trong cộng đồng, góp phần xây dựng một xã hội phát triển hài hòa, nhân văn. Quảng Ninh là vùng đất có bề dày lịch sử với nhiều cuộc đấu tranh kiên cường, và trong những thời khắc gian khó, tinh thần tương trợ, đùm bọc lẫn nhau luôn được người dân thể hiện rõ rệt. Trong những năm tháng kháng chiến, nhân dân Quảng Ninh không chỉ trực tiếp tham gia chiến đấu là còn sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, cưu mang bộ đội, chiến sĩ. Các gia đình vùng mỏ đã chia sẻ từng bữa ăn, hầm trú ẩn để bảo vệ cán bộ cách mạng. Đặc biệt, trong phong trào công nhân mỏ đấu tranh đòi quyền lợi vào năm 1936, tình nghĩa đồng bào, đồng nghiệp được thể hiện rõ qua tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” - cùng nhau chống lại sự áp bức của thực dân, bảo vệ lẽ phải và công bằng xã hội. Chính từ tinh thần nghĩa tình, người dân Quảng Ninh luôn có ý thức trách nhiệm với quê hương, sẵn sàng chung tay trong các phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Những con đường làng, những cây cầu nối đôi bờ, những mái trường khang trang được dựng lên không chỉ nhờ chính sách của Nhà nước mà còn từ sự đóng góp của cộng đồng, từ tấm lòng của những người con xa quê mong muốn quê hương ngày càng phát triển. Nghĩa tình còn thể hiện ở tinh thần hiếu khách, cởi mở, giúp Quảng Ninh trở thành điểm đến không chỉ hấp dẫn về cảnh quan mà còn ấm áp trong lòng du khách bởi sự thân thiện, mến khách của người dân địa phương.

Hội Bảo trợ NKT-TMC tỉnh cùng CLB Thiện nguyện Nhân Tâm Hạ Long và chính quyền địa phương khánh thành Nhà tình thương cho hộ ông Lê Văn Hào (khu Trới 8, phường Hoành Bồ, TP Hạ Long), tháng 12/2023.

Hội Bảo trợ NKT-TMC tỉnh cùng CLB Thiện nguyện Nhân Tâm Hạ Long và chính quyền địa phương khánh thành Nhà tình thương cho hộ ông Lê Văn Hào (khu Trới 8, phường Hoành Bồ, TP Hạ Long), tháng 12/2023.

Việc xây dựng con người Quảng Ninh nghĩa tình không chỉ là kế thừa truyền thống mà còn là yêu cầu tất yếu trong thời đại mới. Một xã hội phát triển bền vững không chỉ dựa vào tăng trưởng kinh tế mà còn cần có nền tảng đạo đức, nhân văn vững chắc. Khi mỗi người dân sống có trách nhiệm, biết sẻ chia và giúp đỡ nhau, họ sẽ tạo ra một môi trường sống tích cực, đoàn kết, thúc đẩy sự phát triển toàn diện cả về kinh tế lẫn đời sống tinh thần. Đó cũng chính là lý do tỉnh Quảng Ninh không ngừng bồi đắp, lan tỏa những giá trị nghĩa tình, để con người nơi đây không chỉ thành công trong sự nghiệp mà còn biết trân quý, nâng đỡ nhau cùng tiến bước, cùng xây dựng một Quảng Ninh giàu đẹp và hạnh phúc.

6. Hào sảng

Hào sảng là tính cách rộng rãi, cởi mở, thân thiện và phóng khoáng.

Từ xưa, Quảng Ninh là vùng đất biên cương cửa ải, trùng trùng hiểm nguy, nơi đâu cũng núi cao, vực thẳm, biển rộng, sông dài. Song song với đó, Quảng Ninh lại là vùng đất giàu tài nguyên, đặc biệt là biển và than, tạo nên một nền kinh tế sôi động với các ngành nghề như đánh bắt, buôn bán và du lịch. Chính môi trường này đã tạo cho người Quảng Ninh tinh thần cởi mở, thẳng thắn và rộng rãi. Họ quen với sự giao thương, thích giao lưu và sẵn sàng chia sẻ với những người xung quanh; không câu nệ tiểu tiết mà sống thoải mái, chân thành; đối đãi nồng hậu, không tính toán thiệt hơn trong các mối quan hệ. Điều này thể hiện rõ trong cách họ đãi khách - luôn tiếp đón nhiệt tình, dành những gì tốt nhất cho bạn bè, người thân; trong giao tiếp, họ nói chuyện thẳng thắn, đôi khi bộc trực nhưng luôn mang tinh thần xây dựng, chân thật. Người Quảng Ninh luôn mở lòng đón nhận tinh hoa, đón nhận bạn bè bốn phương, sẵn sàng kết giao anh em. Điều đó khiến Quảng Ninh trở thành nơi hội tụ tinh hoa trăm miền.

Giao lưu văn hóa Việt Nam - Lào tại Trường Đại học Hạ Long.

Giao lưu văn hóa Việt Nam - Lào tại Trường Đại học Hạ Long.

Không chỉ dừng lại trong những mối quan hệ cá nhân, tinh thần hào sảng của người Quảng Ninh còn thể hiện qua cách họ chung tay đóng góp vì cộng đồng, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau trong khó khăn. Những hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ người nghèo, giúp đỡ đồng bào vùng sâu, vùng xa hay cứu trợ khi thiên tai xảy ra đều thể hiện rõ nét tinh thần sẻ chia ấy. Người Quảng Ninh luôn trân trọng những giá trị tập thể, sẵn sàng gác lại lợi ích cá nhân vì mục tiêu chung, góp phần tạo nên một xã hội đoàn kết, nghĩa tình. Trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, tinh thần hào sảng ấy đã thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác, gắn kết, giúp tỉnh trở thành một trong những địa phương có môi trường sống năng động.

Hào sảng không chỉ là một phẩm chất cá nhân mà đã trở thành một giá trị văn hóa đặc trưng của người Quảng Ninh. Trên con đường hội nhập và phát triển, giá trị này vẫn tiếp tục được gìn giữ và phát huy, tạo nên hình ảnh một vùng đất sẵn sàng sẻ chia, luôn chào đón mọi người bằng sự chân thành, rộng mở. Chính tinh thần ấy đã giúp Quảng Ninh không ngừng vươn xa, trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ về du lịch mà còn về kinh tế, văn hóa.

7. Sáng tạo

Sáng tạo là khả năng tìm ra những cách làm mới, hiệu quả hơn để giải quyết vấn đề.

Người Quảng Ninh đã thể hiện rõ tinh thần sáng tạo của mình trong nhiều lĩnh vực. Trong lịch sử đấu tranh giữ nước, nhân dân Quảng Ninh đã có những sáng tạo góp phần làm nên những chiến công hiển hách. Đơn cử như, trong trận Bạch Đằng năm 1288, truyền thuyết kể rằng một bà cụ hàng nước bên bờ sông đã gợi ý cho Trần Hưng Đạo về quy luật thủy triều, giúp ông đưa ra chiến lược đóng cọc ngầm trên sông, tạo ra trận địa bẫy thuyền giặc, giúp quân dân ta giành thắng lợi vang dội. Nếu phân tích, bóc tách từng tầng ý nghĩa của truyền thuyết, có thể thấy nó phản ánh sự sáng tạo của người dân Quảng Ninh trong việc quan sát thiên nhiên, có sự hiểu biết sâu sắc về đặc điểm dòng chảy và thủy triều trên sông Bạch Đằng, có tinh thần chủ động đóng góp vào cuộc kháng chiến bằng những gợi ý chiến thuật thực tế. Điều này thể hiện truyền thống sáng tạo, linh hoạt và tinh thần gắn kết giữa tướng lĩnh và nhân dân trong cuộc đấu tranh bảo vệ quê hương. Năm 1995, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tham quan di tích lịch sử Bạch Đằng, sau đó đến miếu Vua Bà, Đại tướng có nói: “Sáng kiến của một người dân bình thường cũng có thể làm nên sự nghiệp lớn. Hưng Đạo đại vương đã chắt chiu sáng kiến của nhân dân để làm nên sự nghiệp lớn cho dân tộc”.

Không chỉ sáng tạo trong chiến đấu, tinh thần sáng tạo của người Quảng Ninh còn thể hiện trong công cuộc cách mạng vô sản. Trong phong trào “Vô sản hóa”, những công nhân vùng mỏ đã sáng tạo ra nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp với điều kiện lao động khắc nghiệt tại đây. Dưới sự hướng dẫn của những chiến sĩ cách mạng như Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt, Vũ Văn Hiếu, công nhân mỏ đã bí mật trao đổi tài liệu, sử dụng hình thức truyền miệng, tổ chức những buổi học chính trị ngay trong lòng hầm lò hoặc tại các lán trại sau giờ làm. Họ ngụy trang các tài liệu tuyên truyền thành báo cáo sản xuất, ghi chép kỹ thuật khai thác than để qua mắt sự kiểm tra của thực dân Pháp, đồng thời dùng tín hiệu bí mật để báo động khi có lính Pháp kiểm tra, đảm bảo an toàn cho hoạt động cách mạng. Nhờ vậy, phong trào đấu tranh công nhân tại Quảng Ninh không chỉ lan rộng mà còn phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những địa bàn cách mạng sôi nổi nhất cả nước.

Công nhân sản xuất các thiết bị điện tử tại KCN Đông Mai.

Công nhân sản xuất các thiết bị điện tử tại KCN Đông Mai.

Trong phát triển sản xuất, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đột phá, Quảng Ninh đã trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc. Dựa vào nền kinh tế phát triển toàn diện, Quảng Ninh vươn lên mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong trong đổi mới. Trong du lịch, không chỉ dựa vào vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh đã sáng tạo ra các sản phẩm du lịch mới như du lịch trải nghiệm tại làng chài, du lịch tâm linh Yên Tử hay du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước. Trong văn hóa và đời sống, người dân luôn biết cách thích nghi và làm mới cuộc sống, từ việc sáng tạo trong ẩ1 thực cho đến phát triển các sự kiện văn hóa kết hợp truyền thống và hiện đại, tạo nên bản sắc riêng cho vùng đất Quảng Ninh. Những thành tựu này không chỉ chứng minh sự sáng tạo là một đặc điểm nổi bật của người Quảng Ninh là còn là nguồn động lực giúp tỉnh bứt phá và phát triển bền vững.

Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của đất nước và thế giới, sáng tạo đã trở thành một phẩm chất quan trọng của con người Quảng Ninh, góp phần thúc đẩy sự đổi mới và phát triển bền vững của tỉnh. Trong quá trình phát triển, tỉnh cũng luôn xác định phải tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện và định hướng để mỗi cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức có thể phát huy tinh thần sáng tạo, từ đó góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành một trung tâm đổi mới, năng động và hiện đại. Đặt sáng tạo làm mục tiêu trong chiến lược phát triển con người sẽ giúp tỉnh không chỉ vươn xa hơn về kinh tế là còn định hình một bản sắc văn hóa mạnh mẽ, góp phần xây dựng Quảng Ninh thịnh vượng trong tương lai.

8. Văn minh

Văn minh là sự phát triển về ý thức, lối sống và hành vi ứng xử trong xã hội. Quảng Ninh có vị thế là một tỉnh phát triển năng động, người dân nơi đây đã hình thành được nếp sống văn minh thể hiện qua nhiều khía cạnh trong đời sống, từ ứng xử nơi công cộng, kinh doanh, giao thông cho đến bảo vệ môi trường và phát triển du lịch.

Sự văn minh trong nếp sống và ứng xử cộng đồng: Người Quảng Ninh có tinh thần cởi mở, hiện đại và có ý thức xây dựng cộng đồng văn minh. Là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất cả nước, người dân Quảng Ninh nhanh chóng thích nghi với sự phát triển của xã hội nhưng vẫn duy trì được các giá trị truyền thống như tình làng nghĩa xóm, sự tôn trọng lễ nghi và tinh thần tương thân tương ái. Người dân có ý thức cao trong tôn trọng không gian công cộng, có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, hạn chế rác thải nơi công cộng và chấp hành các quy định đô thị.

Đông đảo du khách xuống tàu tham quan Cô Tô và du lịch tuyến đảo Vân Đồn dịp cao điểm du lịch hè 2024.

Đông đảo du khách xuống tàu tham quan Cô Tô và du lịch tuyến đảo Vân Đồn dịp cao điểm du lịch hè 2024.

Sự văn minh trong phát triển du lịch và dịch vụ: Là trung tâm du lịch lớn của cả nước, Quảng Ninh xác định yếu tố văn minh được đặt lên hàng đầu để phát triển bền vững ngành du lịch. Trong đó, hướng đến xây dựng hình ảnh du lịch chuyên nghiệp (hướng dẫn viên du lịch, nhân viên khách sạn, nhà hàng đều được đào tạo bài bản về kỹ năng phục vụ, giao tiếp và xử lý tình huống, tạo ra một môi trường du lịch văn minh, hiện đại); môi trường du lịch xanh - sạch - đẹp (chính quyền và người dân cùng nhau bảo vệ cảnh quan thiên nhiên; tổ chức các chiến dịch làm sạch bãi biển, hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ hệ sinh thái biển); ứng xử văn minh với du khách (các doanh nghiệp và hộ kinh doanh đã nâng cao ý thức phục vụ, giữ gìn uy tín thương hiệu, giúp du lịch Quảng Ninh ngày càng chuyên nghiệp hơn).

Sự văn minh trong giao thông và quy hoạch đô thị: Quảng Ninh là một trong những tỉnh đi đầu trong việc đầu tư phát triển giao thông, tạo nên hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ. Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cầu Bãi Cháy, sân bay Vân Đồn...không chỉ giúp kết nối thuận tiện là còn thể hiện tư duy phát triển đô thị văn minh, hiện đại. Người dân ngày càng có ý thức tham gia giao thông tốt hơn, hình thành thói quen tuân thủ luật giao thông, tạo ra môi trường giao thông an toàn hơn. Quảng Ninh còn có không gian đô thị quy hoạch khoa học, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống người dân.

Để tiếp tục phát huy và nâng tầm giá trị này, tỉnh xác định kiên trì với định hướng phát triển bền vững, giáo dục thế hệ trẻ về văn hóa văn minh và không ngừng đổi mới để đáp ứng yêu cầu của một tỉnh phát triển hàng đầu cả nước.

Như vậy, hệ giá trị con người Quảng Ninh “Bản lĩnh, Tự cường, Kỷ cương, Đoàn kết, Nghĩa tình, Hào sảng, Sáng tạo, Văn minh” không chỉ là những phẩm chất đã được hun đúc qua lịch sử mà còn là kim chỉ nam cho sự phát triển của tỉnh trong tương lai. Mỗi giá trị đều góp phần tạo nên bản sắc riêng biệt, giúp Quảng Ninh không ngừng vươn lên mạnh mẽ. Xây dựng con người theo hệ giá trị Quảng Ninh không phải chỉ là nhiệm vụ của chính quyền mà là trách nhiệm của cả xã hội. Khi mỗi cá nhân thấm nhuần những giá trị này và thể hiện qua hành động cụ thể, đó cũng là lúc hệ giá trị ấy thực sự đi vào đời sống, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng để tỉnh bứt phá trong giai đoạn phát triển mới.

Thực hiện: Bảo Bình
Trình bày: Vũ Đức