20
18
/
1100302
Giá trị tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong bản sắc văn hóa Người thợ Mỏ, Người dân Đất Mỏ
longform
Giá trị tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong bản sắc văn hóa Người thợ Mỏ, Người dân Đất Mỏ

Nhân kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống Công nhân Mỏ, Truyền thống ngành Than 12/11 (1936-2021), ngày 11/11, tại TP Hạ Long, Tỉnh ủy Quảng Ninh phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam tổ chức gặp mặt kỷ niệm và tuyên dương các điển hình tiên tiến. Tại buổi gặp mặt đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, phát biểu khẳng định, giá trị tinh thần “kỷ luật và đồng tâm” và những bài học kinh nghiệm được chung đúc từ chiều dài của lịch sử, chiều sâu của văn hóa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong bản sắc văn hóa Người thợ Mỏ, Người dân Đất Mỏ. Trung tâm truyền thông trân trọng giới thiệu phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy!

Hôm nay, tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam long trọng tổ chức chương trình gặp mặt kỷ niệm 85 năm ngày truyền thống công nhân vùng Mỏ, truyền thống ngành Than và tuyên dương các điển hình tiên tiến. Hiện diện trong sự kiện đầy ý nghĩa hôm nay, mỗi chúng ta đều có cùng một cảm xúc dâng trào, tâm thức sâu lắng về ý nghĩa, giá trị đặc sắc riêng có của Vùng đất Mỏ anh hùng đã từng đi đầu của phong trào công nhân thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, đi đầu trong công cuộc công nghiệp hóa buổi ban đầu dựa vào khai thác tài nguyên và hôm nay đang năng động, sáng tạo chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” để các giá trị truyền thống được nhân lên và tỏa sáng. Cuộc gặp mặt hôm nay diễn ra trong điều kiện chúng ta thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 đang cho chúng ta nhiều bài học đến hiện đại từ truyền thống, phát triển từ nền tảng, nhất là khả năng tạo ra giá trị gia tăng từ phát huy truyền thống hào hùng, vẻ vang của ngành Than 85 năm qua.

Thay mặt Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, tôi xin gửi đến các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo tỉnh; các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Than qua các thời kỳ, các đồng chí đại biểu, các vị khách quý cùng toàn thể các đồng chí những tình cảm tốt đẹp và lời chúc mừng nồng nhiệt nhất.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trò chuyện với thợ lò tại Lò chợ II-5-2a, mức +70 đến 105 Giếng Vàng Danh.


Vùng mỏ Quảng Ninh là một trong những cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, truyền thống cách mạng vẻ vang “Kỷ luật và Đồng tâm” được hun đúc lên từ những ngày sục sôi khí thế cách mạng của cuộc Tổng bãi công của hơn ba vạn thợ mỏ ngày 12/11/1936 với tất cả sức mạnh, ý chí quật cường, tinh thần bất khuất, kiên cường của giai cấp công nhân, người lao động; đồng thời, đã để lại những bài học thực tiễn mang tầm lý luận về phương thức tập hợp lực lượng, tính kỷ luật, ý chí sắt đá, bền gan trong đấu tranh, sự gắn kết, đùm bọc tương thân, tương ái của những người cùng cảnh ngộ, cùng nghề nghiệp, cùng giai cấp của công nhân Mỏ, rộng hơn là toàn thể lực lượng cách mạng.

Đánh giá về cuộc bãi công của công nhân mỏ Cẩm Phả, báo Le Travail (Lao động), tờ báo công khai của Đảng ta ra ngày 27/11/1936 đã viết: “Cuộc đấu tranh trong bình tĩnh và kỷ luật, đấu tranh với một ý chí không gì lay chuyển nổi của giai cấp vô sản. Đây là đặc trưng chủ yếu đã toát ra từ trong cuộc bãi công đáng khâm phục của công nhân mỏ Cẩm Phả”.

Trải qua các giai đoạn lịch sử, quá trình xây dựng, phát triển của tỉnh Quảng Ninh và ngành Than, tinh thần cách mạng 12/11/1936 và truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” luôn được các thế hệ cán bộ, công nhân Mỏ, ngành than; cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh trân trọng gìn giữ, phát huy, làm giàu thêm với những hành động thiết thực, viết nên những trang sử vẻ vang, hào hùng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng quê hương, đất nước, trở thành tài sản tinh thần vô giá của tỉnh Quảng Ninh và của ngành Than.

Trải qua gần 60 năm xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương; Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh không ngừng nỗ lực, đoàn kết, sáng tạo, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, dấu ấn nổi bật trên các lĩnh vực; tạo bước phát triển bứt phá, đưa Quảng Ninh từ một địa phương nằm trong tình trạng yếu kém, chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của Trung ương trở thành một trong những Tỉnh năng động, sáng tạo, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực, trở thành trung tâm đổi mới của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, là cực tăng trưởng toàn diện của phía Bắc; nhất là sau 35 năm đổi mới, 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2015 - 2020. Trong 02 năm vừa qua, dù chịu tác động tiêu cực, nghiêm trọng chưa từng có của đại dịch COVID-19 gây ra, song tỉnh Quảng Ninh vẫn kiên cường giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển trong trạng thái bình thường mới”, trở thành điểm sáng của cả nước về phòng, chống, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và thực hiện “mục tiêu kép” với tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2020 đạt 10,05% và năm 2021 ước đạt trên 10%, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh công nghiệp, dịch vụ, nằm trong nhóm các địa phương liên tục trong 6 năm liền có tốc độ tăng trưởng và có số thu ngân sách cao nhất cả nước.

Nói đến sự phát triển của Quảng Ninh không thể không nói đến ngành Than và ngược lại. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Quảng Ninh và ngành Than luôn gắn bó mật thiết, máu thịt “tuy hai mà một, tuy một mà hai”. Chiếm đến 95% trữ lượng Than của cả nước, đất Quảng Ninh được cấu thành chủ yếu từ than. Than gắn với Đất, gắn với Người Quảng Ninh, vì có than mà đất Quảng Ninh được gọi là “Đất Mỏ”; trước đây ngày 12/11 hằng năm còn được gọi là ngày “Miền mỏ bất khuất” in sâu trong trái tim và khối óc của biết bao người con đất Mỏ; truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong bản sắc văn hóa Người thợ Mỏ, cũng là của Người dân Đất Mỏ… Đảng bộ Than Quảng Ninh với gần 19.000 đảng viên sinh hoạt tại 40 đảng bộ cơ sở, chiếm gần 20% tổng số đảng viên của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng đối với Đảng bộ tỉnh; cứ gần 05 người công nhân làm việc tại Quảng Ninh có 01 người là Đảng viên thuộc Đảng bộ Than Quảng Ninh. Con số nêu trên không mang ý nghĩa đơn thuần về mặt lượng, mà quan trọng hơn là mặt chất được cấu tạo nên bởi vai trò nòng cốt của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên vùng Mỏ, dựa trên giá trị truyền thống riêng có. Đây là nền tảng quan trọng để Đảng bộ tỉnh không ngừng tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng - một trong những yêu cầu nhiệm vụ quan trọng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở mọi thời kỳ cách mạng...


Những năm qua, quá trình chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, tỉnh Quảng Ninh đã trở thành tỉnh có cơ cấu dịch vụ - công nghiệp; đóng góp của ngành Than vào tăng trưởng của tỉnh Quảng Ninh có xu hướng giảm dần từ 35% trong cơ cấu GRDP năm 2010 xuống 21,3% (năm 2015), và 19,1% năm 2020 - điều này nằm trong xu thế chung của chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước trong thời kỳ mới. Ngành Than đã chủ động và tích cực tham dự vào quá trình chuyển đổi này, tiếp tục giữ một vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đến nay, ngành Than đóng góp khoảng 1/4 GRDP và gần 40% ngân sách thu nội địa của Tỉnh; tạo ra việc làm thường xuyên cho khoảng 100 ngàn lao động; tác động trực tiếp đến gần 1/3 dân số và gắn bó sâu sắc đến mọi mặt đời sống xã hội của tỉnh. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành dịch vụ, du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, ngành Than đã trụ vững, khẳng định vai trò trụ cột của ngành công nghiệp đối với sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

Ngày nay, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam trở thành một trong những Tập đoàn chủ lực, trụ cột vững chắc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; là một trong những lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh phát triển sản xuất kinh doanh, Tập đoàn rất tích cực tham gia hiệu quả công tác an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo và nhiều hoạt động văn hoá, xã hội khác…

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc, giữ đà tăng trưởng hằng năm trên 10%, GRDP bình quân đầu người đạt trên 10.000 USD. Tầm nhìn định hướng đến năm 2030 là xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; GRDP bình quân đầu người trên 15.000 USD; khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.

Tỉnh tiếp tục kiên trì đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững; từng bước phát triển kinh tế số, kết hợp chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp theo hướng: (1) Phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. (2) Tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, ứng dụng công nghệ cao thân thiện với môi trường, công nghiệp thông minh có giá trị gia tăng lớn, quản trị hiện đại, tạo đột phá đóng góp vào GRDP và thu ngân sách; phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng điểm là ngành Than góp phần bảo đảm an ninh năng lượng theo quy hoạch. (3) Phát triển kinh tế biển và nông nghiệp công nghệ cao. Phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển gắn với các hành lang kinh tế, đô thị ven biển gắn với các hành lang giao thông đồng bộ, hiện đại ngày càng hoàn thiện của tuyến phía Tây và tuyến phía Đông của Tỉnh. (4) Phát triển doanh nghiệp và phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển sản phẩm chủ lực và xây dựng thương hiệu của Tỉnh, thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế. (5) Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nhất là xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh và sự phát triển của ngành Than dựa trên quan hệ cộng sinh, gắn bó hữu cơ “hai trong một”. Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đổi mới phương thức phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh của tỉnh Quảng Ninh có ý nghĩa chiến lược, tạo tiền đề quan trọng để ngành Than vận động cùng chiều với xu hướng chung, tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và phát triển bền vững; nhờ đó công nhân lao động ngành Than được hưởng thành quả phát triển của tỉnh, yên tâm gắn bó lâu dài với Đất mỏ. Cơ cấu lại, đổi mới ngành Than có ý nghĩa cả trước mắt và lâu dài đối với sự phát triển bền vững của tỉnh. Do vậy, nhân dịp này tôi đề nghị ngành Than tiếp tục chú trọng một số vấn đề sau đây:

Một là, ngành Than tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, quản trị rủi ro, phù hợp với tình hình mới, với thực lực mới, tốc độ mới, không để bị động, bất ngờ trong mọi hoàn cảnh. Phát huy cao nhất vai trò của từng doanh nghiệp ngành Than và mỗi công nhân, lao động là trung tâm, là chủ thể trong sản xuất an toàn, ngày càng chủ động trong ứng phó linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát rủi ro. Kiên trì thực hiện tốt phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, dự phòng, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở. Phấn đấu là ngành kinh tế gương mẫu, đi đầu trong thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 và ổn định phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Trong bối cảnh càng khó khăn, ngành Than càng phải đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước theo lời Bác Hồ dạy “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”, “Càng thi đua, càng mau thắng lợi”; phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” để mỗi cán bộ, công nhân ngành Than thực sự là đội quân tiên phong, hạt nhân, nòng cốt thích ứng an toàn đảm bảo cho sự ổn định và phát triển, quyết định năng suất, chất lượng trong từng ca sản xuất, cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đơn vị và của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.



Hai là, ngành than cần quan tâm hơn tới công tác Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về Than, khoáng sản; đầu tư đồng bộ thăm dò, khai thác, chế biến sản phẩm than, khoáng sản tạo giá trị gia tăng lớn với tầm nhìn dài hạn, bảo đảm cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài; bảo vệ môi trường, cảnh quan, di sản văn hóa, thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hóa; bảo đảm quốc phòng - an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu; tiếp cận các nguyên tắc của thị trường, đi đầu sử dụng các công nghệ mới, áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, nhất là tận thu đất đá thải mỏ là chất thải rắn làm vật liệu san lấp, kinh tế xanh để quản lý than, khoáng sản chặt chẽ, công khai, minh bạch, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả, không xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực, cạn kiệt khoáng sản; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh theo hướng bền vững hơn, hiệu quả hơn; giảm tổn thất tài nguyên. Cùng với Tỉnh Quảng Ninh quyết tâm cải thiện điều kiện làm việc, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, lao động; giải quyết tốt vấn đề nhà ở cho công nhân lao động và gia đình họ góp phần thu hút lao động có kỹ năng, gắn với tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số của tỉnh.

Ba là, đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; phát huy đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng của ngành Than đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Thường xuyên chăm lo xây dựng tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội trong các đơn vị thành viên. Quan tâm xây dựng giai cấp công nhân ngành Than gắn với phát triển đoàn viên và xây dựng tổ chức công đoàn trong sạch, vững mạnh, thích ứng với điều kiện mới, giữ vững truyền thống, khí chất công nhân vùng Mỏ. Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Bốn là, thường xuyên phối hợp chặt chẽ, toàn diện hơn nữa với chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên than, khoáng sản, đất đai, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự; giữ nghiêm trật tự kỷ cương pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ than; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị không để xảy ra những vụ việc đáng tiếc, gây bức xúc dư luận. Tăng cường cơ chế ràng buộc giữa chính quyền địa phương và ngành Than trong phát triển thị trường kinh doanh xăng dầu lành mạnh, tăng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; thúc đẩy liêm chính kinh doanh, thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Tập trung hoàn nguyên môi trường, phủ xanh bãi thải mỏ, các khai trường mỏ than đã đóng cửa; cải tạo môi trường các khu vực khai thác, đổ thải theo quy hoạch, nhất là vùng Cẩm Phả; tích cực phối hợp với tỉnh có phương án hạ độ cao bãi thải gắn với sử dụng đất đá thải mỏ để san lấp mặt bằng các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Năm là, vào ngày này cách đây 10 năm, lúc 11 giờ 11 phút 11 giây, ngày 11/11 năm 2011 (giờ GMT, tức 2 giờ sáng ngày 12/11 giờ Việt Nam) Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh được công nhận là 01 trong 07 Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Chúng ta rất tự hào vì trên mảnh đất này có những giá trị khác biệt bởi Thiên tạo không nơi nào có được, đó là Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; bởi Nhân tạo đó là Di sản tinh thần truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”- một giá trị cốt lõi, nổi bật của văn hóa, con người Quảng Ninh trải qua năm tháng lịch sử được hun đúc, tái tạo không ngừng, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh mà cứ mỗi khi gặp khó khăn, thử thách thì giá trị đó lại được nhân lên gấp bội, hòa quyện với truyền thống đoàn kết, thống nhất của Đảng bộ, cộng hưởng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, càng tô thắm thêm truyền thống hào hùng, vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, của Vùng mỏ anh hùng, của Ngành than, và bản lĩnh, ý chí của con người Quảng Ninh.

Với truyền thống kiên cường vượt khó, “Kỷ luật và Đồng tâm”, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần nỗ lực vươn lên, quyết tâm đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển bứt phá, chúng ta siết chặt tay nhau, cùng nhau đoàn kết quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch, ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững đà tăng trưởng hai con số của tỉnh Quảng Ninh và đà phát triển bền vững của ngành than, phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2021 và của cả giai đoạn 2020 - 2025, tiếp tục hiện thực hóa tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh “xây dựng ngành Than trở thành ngành kinh tế gương mẫu cho các ngành kinh tế khác và tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp”, cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới toàn diện, đồng bộ.

Kỷ niệm 85 năm ngày truyền thống công nhân vùng Mỏ - truyền thống ngành Than là dịp mỗi chúng ta “ôn cố tri tân”, tự hào, thấm nhuần sâu sắc hơn ý nghĩa, giá trị tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” và trân quý những bài học kinh nghiệm được chung đúc từ chiều dài của lịch sử, chiều sâu của văn hóa trên Vùng đất mỏ Anh hùng. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức viên chức, người dân Quảng Ninh và công nhân, lao động của Ngành Than tự nhắc nhủ mình càng phải có bổn phận lớn hơn, trách nhiệm cao hơn với ngành, với nghề, với quê hương, đất nước; không ngừng phấn đấu, rèn luyện, nỗ lực vượt bậc, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hành động quyết liệt và hiệu quả để xứng đáng với các thế hệ đi trước, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước; tiếp tục chung sức, đồng lòng tập trung nỗ lực cùng cả nước chiến thắng đại dịch COVID-19, ổn định kinh tế - xã hội; kiên trì hiện thực hóa mục tiêu: Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; đảm bảo an sinh xã hội, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; nhanh chóng thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa khu vực thành thị và nông thôn; không ngừng nâng cao mức sống và chất lượng sống của Nhân dân; bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát huy giá trị di sản văn hóa; đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Mở rộng và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc, phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế; xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác, phát triển. Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh.