20
18
/
1100276
Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, vững niềm tin trong đại dịch
longform
Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, vững niềm tin trong đại dịch

Trong 2 năm 2020, 2021, dịch bệnh Covid-19 đã bùng phát diện rộng trên toàn thế giới và nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Là địa phương có cả đường biên giới trên bộ và trên biển, tỉnh Quảng Ninh không chỉ kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 qua các đợt dịch bùng phát ở nước ta mà còn giữ vững đà tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Từ đó, nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đã gửi trọn niềm tin vào tỉnh, trong dịch bệnh vẫn tiếp tục thúc đẩy quá trình đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Năm 2019, tỉnh Quảng Ninh đã thành công trong việc thu hút được Tập đoàn Foxconn tới nghiên cứu, tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh và thực hiện dự án đầu tư tại địa bàn tỉnh. Quảng Ninh là địa phương thứ 2 tại Việt Nam (sau Bắc Ninh) được Foxconn lựa chọn để đầu tư, trên diện tích 100.000m2 với tên gọi Dự án S-Việt Nam có tổng vốn đầu tư 137,1 triệu USD tại KCN Đông Mai, TX Quảng Yên.

Sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý cơ bản, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Dự án S-Việt Nam đã đi vào vận hành sản xuất kinh doanh từ tháng 11/2020 và có lô hàng xuất khẩu đầu tiên vào tháng 12/2020. Hiện, dự án “S-Việt Nam” tại KCN Đông Mai, TX Quảng Yên đã được triển khai đồng bộ, với tổng diện tích đã xây dựng của Dự án đến nay là trên 30.000/100.000m2 được sử dụng. Trong đó, diện tích khu vực sản xuất là 15.200m2; diện tích khu văn phòng, phòng thí nghiệm và công trình vệ sinh là 6.217,8m2; diện tích kho chứa nguyên vật liệu và thành phẩm là 9.400m2.

Dự án “S- Việt Nam” đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 1.000 lao động trên địa bàn tỉnh.

Bước vào triển khai dự án trong bối cảnh đặc biệt, phải đối mặt với những ảnh hưởng hết sức nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nhưng việc phát triển dây chuyền và ổn định sản xuất tại Công ty TNHH Competition Team Technology (Việt Nam), thuộc Tập đoàn Foxconn, vẫn được duy trì hiệu quả. Tới nay, dây chuyền sản xuất tivi của nhà máy đã tiến hành lắp đặt thiết bị và vận hành với trên 60% công suất; dây chuyền sản xuất module màn hình tinh thể lỏng và bảng mạch điện tử đang thực hiện nhập khẩu thiết bị sản xuất lắp ráp để đưa vào sử dụng trong thời gian tới.

Theo báo cáo của nhà đầu tư, trong năm 2020, doanh thu xuất khẩu của dự án đạt 2,018 tỷ đồng; giá trị nhập khẩu đạt 93,3 tỷ đồng. Tính tới thời điểm 7 tháng đầu năm 2021, doanh thu đạt 785,1 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 784,2 tỷ đồng; giá trị nhập khẩu đạt 760,7 tỷ đồng. Năm 2020, doanh nghiệp nộp thuế nhà nước 112 tỷ đồng và 7 tháng đầu năm 2021 nộp hơn 2,3 tỷ đồng. Hiện tại, dự án “S-Việt Nam” cũng tạo công ăn việc làm ổn định cho trên 1.000 lao động trên địa bàn tỉnh, với mức thu nhập bình quân đạt 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Alan Lin, Quản lý Tài chính Công ty TNHH Competition Team Technology (Việt Nam), thuộc Tập đoàn Foxconn, cho biết: Tới thời điểm hiện tại, mặc dù dịch bệnh Covid-19 vẫn làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển chung, nhưng chúng tôi vẫn cơ bản đang vận hành một cách hiệu quả với những định hướng rõ ràng trong việc sản xuất. Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng đơn đặt hàng của khách hàng và từng bước khắc phục những khó khăn do dịch Covid-19 và việc thiếu hụt container trong vận tải quốc tế. Trong quý IV/2021, chúng tôi sẽ dự kiến phấn đấu sản xuất khoảng 387.000 sản phẩm màn hình tivi nhằm đáp ứng được kịch bản tăng trưởng của tỉnh Quảng Ninh. 

Năm 2022 sẽ là một năm đầy triển vọng cho doanh nghiệp và dự kiến sản lượng sản xuất của nhà máy có thể sẽ tăng từ 2 đến 3 lần so với năm 2021.

Theo đánh giá của đại diện Foxconn tại Quảng Ninh, năm 2022 sẽ là một năm đầy triển vọng cho doanh nghiệp và dự kiến sản lượng sản xuất của nhà máy có thể sẽ tăng từ 2 đến 3 lần so với năm 2021. Về lâu dài, theo tính toán của nhà đầu tư, dự án “S-Việt Nam” sẽ tiếp tục hoạt động ổn định, đáp ứng đầy đủ trang thiết bị vật chất, máy móc từ năm 2026 với doanh thu đạt khoảng 24.643 tỷ đồng/năm. Lợi nhuận trước thuế dự kiến phát sinh từ năm 2022 và ổn định từ năm 2026 trở đi, trung bình sẽ đạt khoảng 1.088 tỷ đồng/năm.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhập khẩu dây chuyền lắp ráp và mở rộng nhà xưởng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Với sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo các sở, ban, ngành và các biện pháp kiểm soát chặt chẽ dịch Covid-19, chúng tôi tin tưởng rằng dự án “S-Việt Nam” sẽ tiếp tục hoạt động hiệu quả và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế của tỉnh” - Ông Alan Lin nhấn mạnh.

Trong số các ngành, lĩnh vực có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế ở Quảng Ninh thời gian qua phải kể đến ngành dệt may, với sự đóng góp tích cực của Tập đoàn Texhong tại KCN Hải Yên (TP Móng Cái) và KCN Cảng biển Hải Hà (huyện Hải Hà). Đến nay, 2 KCN này đã thu hút trên 20 nhà đầu tư thứ cấp, chủ yếu là sản xuất các sản phẩm dệt may và phụ trợ dệt may, với số vốn đăng ký đầu tư lên đến trên 2 tỷ USD.

Ông Hồng Thiên Chúc, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Texhong, chia sẻ: Với sự dẫn dắt, mời gọi đầu tư, cam kết hỗ trợ của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, chúng tôi đã đặt chân đến Quảng Ninh, quyết tâm dành nguồn lực để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dệt may và phụ trợ dệt may, phục vụ nhu cầu ở Việt Nam và xuất khẩu đi các nước trên thế giới. Qua 9 năm đầu tư tại Quảng Ninh, đến nay Tập đoàn đã có 8 công ty trực thuộc, đang hoạt động sản xuất tại 2 KCN (KCN Hải Yên, KCN Cảng biển Hải Hà), với hệ thống nhà xưởng, dây chuyền sản xuất được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất hiện nay.

Mở đường tiên phong phát triển nhà xưởng sản xuất các sản phẩm sợi, phục vụ cho ngành dệt may tại Quảng Ninh là Công ty TNHH Texhong Ngân Long (Tập đoàn Texhong). Theo lãnh đạo Công ty, thời điểm năm 2012, Công ty được sự giới thiệu của cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Ninh, đơn vị đã đầu tư nhà xưởng sản xuất tại KCN Hải Yên trên diện tích 39ha, với tổng vốn đăng ký đầu tư 350 triệu USD. Sau 9 năm đi vào hoạt động, hiện tại Công ty TNHH Texhong Ngân Long đã xây dựng được 5 phân xưởng sản xuất sợi, 4 tòa nhà ký túc xá, 1 trạm điện 110Kv, 1 nhà ăn tập thể và các công trình phụ trợ khác.

Trong 9 năm đầu tư tại Quảng Ninh, Công ty TNHH Texhong Ngân Long đã hình thành nên chuỗi nhà xưởng sản xuất sợi cotton chuyên biệt, với nguồn nguyên liệu bông được nhập khẩu từ các nước Mỹ, Australia, Ấn Độ. 

Nối tiếp sự thành công của Công ty TNHH Texhong Ngân Long tại KCN Hải Yên, Tập đoàn Texhong quyết định huy động mọi nguồn lực làm chủ đầu tư dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN Cảng biển Hải Hà tại huyện Hải Hà, do Công ty TNHH KCN Texhong Việt Nam trực tiếp quản lý. Sau 7 năm kể từ ngày được cấp phép đầu tư, đến nay, đơn vị này đã dành trên 2.200 tỷ đồng tập trung thực hiện công tác GPMB được trên 530/660ha và đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển KCN chuyên sâu về dệt may. Đến nay, KCN Cảng biển Hải Hà đã thu hút được 18 dự án đầu tư, nâng tổng vốn đăng ký đầu tư vào KCN Cảng biển Hải Hà lên trên 1,4 tỷ USD.

Các dự án đã đầu tư vào KCN Cảng biển Hải Hà đến nay đều thuộc chuỗi dây chuyền công nghiệp dệt may và phụ trợ dệt may hiện đại, trở thành khu vực sản xuất sợi lớn nhất Việt Nam, chiếm khoảng 25% tổng sản lượng của toàn ngành dệt may trong nước. Các sản phẩm của các dự án trong KCN Cảng biển Hải Hà đã giúp lấp khoảng trống thiếu hụt nguyên vật liệu và phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài của ngành dệt may Việt Nam, giúp các nhà máy may mặc Việt Nam giảm chi phí và đáp ứng nhanh kế hoạch sản xuất, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của ngành dệt may Việt Nam.

Cụ thể là trong 9 năm đầu tư tại Quảng Ninh, Công ty TNHH Texhong Ngân Long đã hình thành nên chuỗi nhà xưởng sản xuất sợi cotton chuyên biệt, với nguồn nguyên liệu bông được nhập khẩu từ các nước Mỹ, Australia, Ấn Độ. Sợi cotton của đơn vị được xuất khẩu đến các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mexico, Băng la đét, Campuchia... Sản lượng sợi cotton đơn vị sản xuất hàng năm đạt trên 140.000 tấn. Qua 9 năm thực hiện đầu tư tại Quảng Ninh, giá trị nhập khẩu của Công ty đạt trên 820 triệu USD; giá trị xuất khẩu đạt trên 2,5 tỷ USD; thu nộp cho ngân sách nhà nước trên 250 tỷ đồng. Đặc biệt, Công ty đã tạo công ăn việc làm ổn định, tạo sinh kế bền vững cho trên 3.500 lao động, với mức lương từ 7-12 triệu đồng/người/tháng.

Công nhân công ty TNHH Texhong Ngân Long được tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Trong gần 2 năm chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, tuy nhiên, Công ty luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ từ các cấp, các ngành trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cũng như hỗ trợ hoạt động xuất, nhập khẩu, từ đó đã tiếp thêm sức mạnh để công ty từng bước trụ vững, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Tao Hui, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Texhong Ngân Long, cho biết: Trước những thành công tại Quảng Ninh, thời gian tới đây, chúng tôi có kế hoạch sẽ gia tăng sản lượng sản xuất sợi cotton lên từ 450-500 tấn/ngày. Với sản lượng sản xuất tăng như vậy, tôi mong các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho đơn vị thuận lợi trong việc thực hiện xuất, nhập khẩu hàng hóa; đồng thời hỗ trợ trong việc tuyển dụng nguồn lao động vào làm việc trong các phân xưởng sản xuất.

Còn tại Công ty TNHH KHKT Texhong Ngân Hà, sau 7 năm đầu tư tại Quảng Ninh, với số vốn đăng ký đầu tư trên 400 triệu USD, đến nay, đơn vị đã hình thành nên chuỗi dây chuyền công nghiệp dệt may hiện đại tại KCN Cảng biển Hải Hà. Sản phẩm dệt may của công ty đến nay đã xuất khẩu đi các nước châu Âu, châu Á, châu Mỹ cung cấp cho các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, bao gồm: Uniqlo, Puma, Target, Uchino, Givenchy, Lacoste, Boss, Polo… Theo thống kê 3 năm gần đây, tổng doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị đạt trên 1,1 tỷ USD. Riêng trong 9 tháng năm 2021, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, sản lượng sản xuất của Công ty vẫn tăng trên 32% so với cùng kỳ năm 2020. Được biết hiện nay, đơn vị đang tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan để khởi công xây dựng giai đoạn 2 của phân xưởng dệt vải, với tổng số vốn đầu tư trên 50 triệu USD.

Trong giai đoạn 2015-2020, giá trị xuất khẩu của toàn bộ KCN Cảng biển Hải Hà đạt trên 1,8 tỷ USD; giá trị nhập khẩu đạt trên 1,3 tỷ USD; đóng góp vào ngân sách tỉnh trên 1.600 tỷ đồng. Đặc biệt là đã tham gia giải quyết công ăn việc làm cho trên 10.000 lao động, với mức lương từ 7-12 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến từ nay đến tháng 6/2022, KCN Cảng biển Hải Hà sẽ thu hút được khoảng 600 triệu USD từ các nhà đầu tư thứ cấp, để từng bước hoàn thiện chuỗi sản xuất, cung ứng các sản phẩm dệt may, hình thành nên khu công nghiệp chuyên sâu dệt may tại Quảng Ninh, đúng như những gì mà chủ đầu tư đã cam kết.

Vào những tháng đầu năm 2021, khu công nghiệp Amata City Hạ Long (KCN Sông Khoai) tại TX Quảng Yên đã hân hoan chào đón khách hàng đầu tiên và cũng là một trong những nhà đầu tư có vốn đăng ký lớn nhất của tỉnh đến thời điểm hiện tại – Tập đoàn Jinko Solar Hongkong Limited. Trên diện tích 32,6ha, Tập đoàn Jinko dự tính sẽ xây dựng mô hình nhà máy thông minh chuyên sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời và sản phẩm chủ yếu hướng tới xuất khẩu. Đến tháng 9/2021, ngay cả trong bối cảnh đại dịch đang diễn biến phức tạp, Tập đoàn Jinko vẫn quyết định tăng vốn đầu tư vào KCN Sông Khoai. Dự án thứ 2 có diện tích khoảng 20,1ha với tổng vốn đầu tư lên đến 365.6 triệu USD, dự án mới tập trung vào chuyên ngành chế biến, sản xuất, lắp đặt và kinh doanh thỏi silic đơn tinh thể và tấm silic đơn tinh thể. Tổng vốn đầu tư 2 dự án vào KCN của Jinko đã lên hơn 863 triệu USD.

2 dự án này do Công ty Jinko Solar Hong Kong, một trong những nhà sản xuất tấm quang năng (pin năng lượng mặt trời) lớn và tiên tiến nhất trên thế giới, thực hiện. Năm 2019, nhà đầu tư này đã xếp vị trí thứ nhất và nắm giữ 12,6% thị trường toàn cầu. Hiện nay, tập đoàn này đang tiếp tục nghiên cứu triển khai đầu tư xây dựng khu nhà ở chuyên gia tại TP Hạ Long và khu nhà ở công nhân tại TX Quảng Yên.

Trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam cho Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar (Việt Nam).

Ngay trong thời điểm Quảng Ninh cũng như cả thế giới phải chiến đấu với dịch bệnh Covid-19, việc doanh nghiệp chọn Quảng Ninh là điểm đặt chân đã khẳng định sự hấp dẫn đầu tư của tỉnh nói chung và KCN Sông Khoai nói riêng. Bằng việc bảo vệ “vùng xanh” an toàn cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, Quảng Ninh đã tạo động lực để các doanh nghiệp vực dậy, tăng tốc sản xuất và trở thành địa chỉ được nhiều doanh nghiệp hướng tới.

Ông Huang Jinxing - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar Việt Nam cho biết, Quảng Ninh là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, doanh nghiệp đã quyết định lựa chọn đầu tư triển khai dự án mới tại tỉnh. Chỉ sau 6 tháng khi nhận được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Jinko 1, doanh nghiệp đã được nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Jinko 2. Điều này đã khẳng định sự quan tâm, ủng hộ, đồng hành của tỉnh Quảng Ninh với doanh nghiệp. Phía doanh nghiệp cam kết sẽ nhanh chóng đưa dự án đi vào hoạt động, sản xuất lô sản phẩm đầu tiên ngay trong cuối năm 2021, chậm nhất là tháng 1/2022.

Song song với việc thu hút nhà đầu tư thứ cấp, Tập đoàn Amata cũng tập trung hoàn thiện hạ tầng Khu Công nghiệp Sông Khoai với tổng diện tích 714ha, trong đó 123ha đã được phát triển tương đối hoàn thiện. Đây là một trong 5 KCN tại TX Quảng Yên có quy mô, diện tích đầu tư lớn nhất, được xác định là nơi thu hút, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - một trong những động lực tăng trưởng mới của Quảng Ninh. Khu công nghiệp Sông Khoai cũng chính là dự án nằm trong giai đoạn đầu của siêu dự án Amata City Hạ Long với tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD do Tập đoàn Amata (Thái Lan) đầu tư tại Quảng Ninh.

Nói về siêu dự án này, bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Amata Việt Nam, cũng đã nhấn mạnh: "Tập đoàn Amata rất tự hào là một trong những người đầu tiên tạo nên giấc mơ kim cương tại mảnh đất Quảng Yên. Là nhà đầu tư chiến lược lớn đầu tiên đến với Quảng Yên, chúng tôi đã cùng với chính quyền địa phương đánh giá những tiềm năng to lớn của vùng đất này và cùng đóng góp xây dựng đề án thành lập Khu kinh tế Quảng Yên. Quảng Yên là nơi có lợi thế của người đi sau, khi có hạ tầng tốt, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối tốt, quỹ đất rộng, gần cảng nước sâu Lạch Huyện và cũng có vị trí thuận lợi để xây dựng cảng biển riêng".

Ngày 21/12/2018, Tập đoàn Amata (Thái Lan) đã khởi công xây dựng Khu công nghiệp Sông Khoai ở thị xã Quảng Yên

Chia sẻ cụ thể về kế hoạch của Amata tại Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng Giám đốc Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long, cho biết, ngay từ những ngày đầu đến nghiên cứu tại Quảng Ninh, Amata đã xác định đây là dự án lớn nhất mà Tập đoàn triển khai tại Việt Nam, cả về quy mô đất (diện tích nghiên cứu là gần 5.800ha) lẫn quy mô vốn (gần 2 tỷ USD). Tiến trình phát triển khu công nghiệp với các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, có công nghệ cao để thu hút các nhà đầu tư về sản xuất cũng sẽ tạo nhu cầu về nơi ở, tiện ích thương mại, dịch vụ, từ đó sẽ tạo đà cho việc xây dựng, phát triển khu đô thị thông minh Amata Smart City Hạ Long.

Amata đặt kỳ vọng trong vòng 5 năm tới có thể lấp đầy hơn 70% diện tích KCN 714ha với vốn đầu tư thu hút hơn 3 tỷ USD, tạo ra hơn 60.000 việc làm cho KCN, góp phần gia tăng chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh, nâng cao giá trị xuất nhập khẩu, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung. Đồng thời, song song với phát triển về kinh tế, sự gia tăng về nhu cầu việc làm, giáo dục đào tạo của KCN sẽ góp phần cải thiện hơn nữa chất lượng cuộc sống của dân cư địa phương.


Thực hiện: Thùy Linh - Mạnh Trường - Minh Đức

Kỹ thuật đồ họa: Hùng Sơn


Những công trình tạo dấu ấn Quảng Ninh
Là địa phương đầu tiên của cả nước áp dụng hình thức hợp tác công - tư (PPP) trong nhiều dự án giao thông “khủng”, Quảng Ninh nổi lên như một “hiện tượng” về thu hút đầu tư hạ tầng giao thông.
   
Du lịch Quảng Ninh tỏa sáng
Du lịch Quảng Ninh đón khách tham quan, nghỉ dưỡng trong cả 4 mùa. Không gian du lịch Quảng Ninh mở rộng và trải dài khắp các địa phương trong tỉnh.
   
Những dự án vượt "bão" Covid
Cuối tháng 10/2021, Quảng Ninh sẽ khởi công, khởi động 4 dự án trọng điểm có tổng mức đầu tư lên đến 283.000 tỷ đồng.