20
18
/
1100301
Dạy học an toàn, thích ứng với đại dịch Covid-19
longform
Dạy học an toàn, thích ứng với đại dịch Covid-19

Dạy học an toàn, thích ứng với đại dịch COVID-19

Tất cả vì thế hệ trẻ, vì học sinh thân yêu

Thời gian qua, tỉnh luôn dành quan tâm đặc biệt cho phát triển ngành Giáo dục. Ngân sách chi cho lĩnh vực GD&ĐT hằng năm chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách của tỉnh, trong đó chi thường xuyên cho giáo dục chiếm khoảng 30-35% tổng chi thường xuyên của tỉnh. Hàng loạt các chính sách đặc thù, riêng có, mang tính nhân văn cho giáo dục được tỉnh ban hành, triển khai đã tạo nên những đột phá, chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng dạy học, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Những quyết sách hợp lòng dân

Nhìn lại quá trình phát triển, đặc biệt là 10 năm qua thấy rõ, tỉnh đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng cho công tác GD&ĐT. Các chính sách đặc thù của tỉnh được xây dựng kịp thời, hợp lòng dân, trên cơ sở mở rộng các chính sách của Trung ương, mở rộng đối tượng được thụ hưởng. Việc triển khai các chính sách duy trì kịp thời, thường xuyên, công bằng cho các đối tượng, tác động tích cực đến chất lượng giáo dục toàn tỉnh. Nổi bật là: Nghị quyết số 309/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 về việc quy định chính sách hỗ trợ một số đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2021 - 2025. Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND ngày 27/8/2021 về việc quy định chính sách thu hút đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường CĐ Việt Hàn Quảng Ninh và Trường CĐ Y tế Quảng Ninh, giai đoạn 2021-2025. Hay như Nghị quyết số 36/2021/NQ-HĐND ngày 27/8/2021 về một số giải pháp cấp bách và chính sách đặc thù phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong đó quy định hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông tại các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh năm học 2021-2022, theo mức thu học phí công lập đang áp dụng trên địa bàn tỉnh.

Học sinh lớp 1 của Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (TP Hạ Long) trong ngày đầu tiên đến trường của năm học mới 2021-2022.

Chị Bùi Thị Diệu Thúy, phường Hòa Lạc, TP Móng Cái, phấn khởi nói: Tôi cũng như nhiều phụ huynh rất phấn khởi vì các con được tỉnh hỗ trợ 100% học phí trong năm học này. Trong bối cảnh dịch bệnh, nhân dân gặp nhiều khó khăn, chính sách ban hành rất kịp thời, sẽ giảm bớt gánh nặng đối với người dân có thu nhập thấp, người dân sống ở vùng còn nhiều khó khăn.

Cùng với việc ban hành nhiều chính sách đặc thù cho giáo dục, tỉnh ưu tiên nguồn lực từ ngân sách để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất hệ thống các cơ sở giáo dục - đào tạo theo hướng đạt chuẩn, đồng bộ, hiện đại; từng bước phát triển mô hình giáo dục thông minh. Giai đoạn 2015-2020, tổng kinh phí tỉnh chi cho GD&ĐT lên tới gần 22 nghìn tỷ đồng.

Một giờ học của sinh viên Trường Đại học Hạ Long.

Đặc biệt, tỉnh đã thuê những tư vấn hàng đầu thế giới lập 7 quy hoạch chiến lược, trong đó có Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành một địa phương có nguồn nhân lực chất lượng cao đảm bảo tính chuyên nghiệp và đẳng cấp quốc tế, đáp ứng hội nhập quốc tế và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước; có kết cấu hạ tầng, cơ sở đào tạo chuyên nghiệp có khả năng đào tạo nghề đồng bộ, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc gia và khu vực; có điều kiện, năng lực liên kết, liên doanh với các cơ sở đào tạo hàng đầu trong nước và quốc tế.

Đồng thời, tích cực vận dụng hình thức đối tác công - tư để huy động nguồn lực ngoài ngân sách, đầu tư một số cơ sở giáo dục chất lượng cao ở những nơi có điều kiện thuận lợi, như: Trường Mầm non quốc tế thiếu nhi 1/6 (TP Cẩm Phả); Trường Mầm non Olympia (TP Móng Cái); Trường Quốc tế Singapore tại TP Hạ Long… Qua đó, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của con em nhân dân trong tỉnh.

Tiết học tiếng Anh với người nước ngoài của các bé Trường Mầm non Quốc tế thiếu nhi 1/6 (TP Cẩm Phả).

Cô giáo Trần Thị Thuần, Hiệu trưởng Trường Mầm non quốc tế thiếu nhi 1/6 (TP Cẩm Phả), cho biết: Dù mới hoạt động được 1 năm, song với nhiều phương pháp giảng dạy mới như Montessori, STEM, Reggio Emillia cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến 72 tháng tuổi, đã có trên 100 phụ huynh đăng ký cho con học tại trường, giúp trẻ sớm hình thành tính tự lập.

Được biết,  Trường Mầm non Quốc tế thiếu nhi 1/6 có quy mô rộng trên 5.300 m2 tại phường Cẩm Sơn, với 20 phòng học; mỗi phòng rộng từ 100-180m2, đầy đủ thiết bị hiện đại phục vụ từ 20-24 trẻ học. Trong số 40 giáo viên, nhà trường có 3 giáo viên người nước ngoài cơ hữu, giúp trẻ tiếp cận với tiếng Anh từ sớm và có khả năng phát âm chuẩn.

Để học sinh thụ hưởng môi trường giáo dục tốt nhất

Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh, trẻ em trong cả nước nói chung chịu nhiều thiệt thòi, tác động đến cuộc sống, sinh hoạt, học tập, thi cử. Tuy nhiên, tại Quảng Ninh, đến thời điểm này, với sự quan tâm đặc biệt của tỉnh, trẻ em và học sinh (đối tượng chiếm đến ¼ dân số toàn tỉnh) vẫn được thụ hưởng một môi trường giáo dục tốt nhất. Có thể thấy, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch, song cả 2 kỳ thi lớn đó là: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và Tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022 được tổ chức thành công. Trong suốt cả 2 kỳ thi, toàn tỉnh không có thí sinh không dự thi do thuộc đối tượng bị cách ly vì dịch Covid-19. Các điều kiện tổ chức thi được đảm bảo; công tác coi thi tại các điểm thi diễn ra an toàn, đúng quy định. Đặc biệt, với phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, chủ động từ xa, từ sớm, từ cơ sở, giữ vững địa bàn an toàn, Quảng Ninh tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trong 1 đợt, trong khi một số tỉnh, thành phố trong nước phải tổ chức thành 2 đợt thi do ảnh hưởng của dịch. Điều này khẳng định nỗ lực rất lớn, sự quan tâm đặc biệt của tỉnh dành cho học sinh. Em Lê Thị Huyên, từng dự thi tốt nghiệp THPT tại điểm thi Trường THPT Minh Hà (TX Quảng Yên), chia sẻ: Em rất vui vừa qua tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT, chúng em đều thi cùng 1 đợt, trước khi thi còn được xét nghiệm SARS-CoV-2. Điểm thi của em còn có 2 phòng chăm sóc y tế với 3 đến 5 nhân viên y tế để thực hiện theo dõi sức khỏe cho thí sinh.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và Tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022 trên địa bàn tỉnh được thực hiện an toàn, nghiêm túc, hiệu quả.

Bà Hoàng Thị Oanh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Chẽ, cho biết: Ba Chẽ là địa phương có địa bàn trải rộng, dân cư sống không tập trung. Tuy nhiên, trong cả 2 kỳ thi, thí sinh phải di chuyển xa đều được chính quyền địa phương, nhà trường hỗ trợ xe đưa đón, bố trí chỗ ăn, nghỉ miễn phí, tập trung, đảm bảo an toàn, tạo tâm lý thoải mái cho các thí sinh và sự yên tâm cho các bậc phụ huynh.

Bên cạnh nỗ lực để tổ chức thành công cho các kỳ thi quan trọng, tỉnh Quảng Ninh còn chú trọng đảm bảo an toàn cho tất cả học sinh khi đến trường, đến lớp. 100% học sinh toàn tỉnh đều được hân hoan khai giảng đúng ngày 5/9 và đi học trực tiếp tại lớp học từ đầu năm học. Tỉnh cũng đã sớm chỉ đạo ngành Giáo dục xây dựng kế hoạch chuyển trạng thái dạy học thích ứng với tình huống khi có 500 đến 1.000 người mắc Covid-19 trên địa bàn nhằm đạt mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.

Quảng Ninh giữ an toàn cho ngày khai giảng năm học mới 2021 – 2022.

Có thể thấy, giáo dục luôn được ưu tiên trong các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh. Chắc chắn, với sự quan tâm đặc biệt của tỉnh, học sinh, trẻ em toàn tỉnh tiếp tục được thụ hưởng các chính sách, học tập trong môi trường giáo dục tốt nhất, an toàn nhất. GD&ĐT của Quảng Ninh sẽ có thêm nhiều bứt phá, đi đúng lộ trình đổi mới, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Chủ động thích ứng linh hoạt

Dịch Covid-19 kéo dài gần 2 năm nay đã đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia và toàn xã hội, trong đó có ngành GD&ĐT. Để thích ứng an toàn trước đại dịch, với sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, sự cố gắng, nỗ lực của HSSV, công tác giáo dục của tỉnh Quảng Ninh đạt nhiều kết quả quan trọng. Sống chung với dịch, thích ứng linh hoạt, sáng tạo không ngừng đó là nhiệm vụ các cơ sở giáo dục tỉnh đang nỗ lực phấn đấu, để trong mùa dịch đảm bảo các tiết học trọn vẹn, hiệu quả nhất.

Kích hoạt phương án dạy học phù hợp

Ngày 22/10 vừa qua, khi có thông tin một học sinh của Trường THPT Hòn Gai, TP Hạ Long có tiếp xúc với người thân trong gia đình là F0 từ Bình Dương trở về, ngay lập tức Ban Giám hiệu nhà trường đã quyết định cho 2.000 học sinh toàn trường tạm thời nghỉ học trực tiếp, chuyển sang học online trong khi chờ kết quả xét nghiệm của F1. Cô giáo Vũ Thị Phượng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hòn Gai (TP Hạ Long) cho biết: Suốt 2 năm học, giữa bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhà trường luôn chuẩn bị sẵn phương án, kịch bản cho từng trường hợp cụ thể. Trong đó, dạy và học trực tuyến được thiết lập ngay khi xuất hiện ca mắc Covid-19 trên địa bàn.

Tại Trường Tiểu học Hồng Thái Tây – nơi xuất hiện những ca F0 đầu tiên là học sinh của TX Đông Triều, tính đến ngày 8/11, trường có 6 học sinh trong diện F0. Trước nguy cơ đó, nhà trường đã thông báo đến phụ huynh học sinh và thiết lập phương án dạy học trực tuyến. Cô giáo Nguyễn Bích Luyện, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Với kinh nghiệm trong 2 năm qua, nhà trường nhanh chóng bắt nhịp với việc dạy và học trực tuyến qua 2 phần mềm là Zoom, MET. Đến nay, 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong trường đã được xét nghiệm. Với 45 học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có thiết bị học tập thông minh, nhà trường đã dùng hình thức phát phiếu học tập đến từng em.

Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ, Mạo Khê, TX Đông Triều dạy học trực tuyến cho 1/3 số học sinh có nguy cơ cao.

Còn tại Trường tiểu học Nguyễn Văn Cừ, phường Mạo Khê, TX Đông Triều, ngay khi có ca nghi nhiễm trong trường, nhà trường cũng đã kích hoạt phương án dạy học trực tuyến cho 1/3 số học sinh có nguy cơ cao, trên tinh thần tập trung vào những nội dung cốt lõi, tích hợp một số nội dung trong môn học và giữa các môn học thành các chủ đề học tập để tiết kiệm thời gian. Hiện nay học sinh toàn trường đều có đủ các thiết bị để học online.

Tương tự, tại Trường Mầm non Phương Đông, TP Uông Bí, khi trong trường xuất hiện F0 là học sinh, nhà trường cũng đã chủ động cho trẻ nghỉ học, cách ly, theo dõi tại gia đình. Ngoài việc cập nhập thường xuyên các thông tin về diễn biến dịch bệnh qua tin nhắn, trên nhóm zalo cho phụ huynh, thì trong thời gian tạm dừng đến lớp, nhà trường cũng đã cung cấp các video hướng dẫn chăm sóc trẻ cho phụ huynh, nhất là các video về vệ sinh phòng dịch, dinh dưỡng, sức khỏe…

Bên cạnh việc chủ động từ phía các nhà trường, ngành GD&ĐT cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục khai thác tối đa, hiệu quả nguồn học liệu của tỉnh và Bộ GD&ĐT đã được xây dựng từ những năm học trước, nhất là các bài giảng trực tuyến, bài giảng qua truyền hình để phục vụ công tác giảng dạy. Đồng thời, vận hành hiệu quả việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy, mục tiêu cao nhất vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo chất lượng dạy và học.

“Học sinh tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học”

Đối với những cơ sở đang học trực tiếp, phải tận dụng tối đa thời gian an toàn để tổ chức dạy học nhằm hoàn thành kế hoạch dạy học với chất lượng tốt nhất; khẩn trương hoàn thành việc kiểm tra giữa kỳ. Trong đó, đối với cấp tiểu học, ưu tiên thời gian, nguồn lực để tăng thời lượng dạy và hoàn thành các môn chính như Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh đảm bảo nội dung, tiến độ chương trình. Với cấp trung học, cần triển khai đúng, đủ nội dung kiến thức cơ bản, cốt lõi các môn học theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT. Với những trường đang tổ chức dạy học trực tiếp nhưng có học sinh tại địa bàn có cấp độ dịch đến mức phải nghỉ học ở trường, Hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên có giải pháp cụ thể, phù hợp để truyền tải kịp thời nội dung tiết dạy trên lớp tới những học sinh nghỉ học nhằm không làm gián đoạn việc học tập của học sinh theo kế hoạch giáo dục của lớp, của trường. Nhà trường phải có kế hoạch giáo dục để hỗ trợ, bù đắp những kiến thức theo mục tiêu bài dạy cho những học sinh này khi quay trở lại trường học trực tiếp.

Đảm bảo yêu cầu cốt lõi

Gần 2 năm qua, phương án học trực tuyến được ngành GD&ĐT Quảng Ninh tận dụng tối đa với tinh thần “tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học”. Việc dạy học trực tuyến được áp dụng bằng những công cụ, phần mềm hỗ trợ khác nhau, trên cơ sở phù hợp đối với từng lớp, đảm bảo có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, giữa giáo viên và gia đình học sinh, sự tham gia của cha mẹ học sinh trong hỗ trợ con học từ xa. Toàn ngành tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị dạy học tiên tiến, hiện đại được trang bị; tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy và học.

Học sinh Trường Tiểu học Suối Khoáng, TP Cẩm Phả, học trực tuyến tại nhà. Ảnh gia đình học sinh cung cấp.
“Dạy và học trực tuyến hiện được xem là giải pháp tối ưu nhất trong thời kỳ dịch bệnh. Do đó, đội ngũ giáo viên luôn sẵn sàng, từ kinh nghiệm đã được trang bị, cùng với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu để mang đến cho học sinh những bài giảng chất lượng, hiệu quả, giúp các em nắm chắc, vững kiến thức trong chương trình.” - Cô Nguyễn Thị Thúy, giáo viên Trường Tiểu học Bình Khê 1, TX Đông Triều chia sẻ.

Cũng trong 2 năm qua, tại các trường vùng núi, hải đảo, mạng internet chưa phủ sóng, có thời điểm những ngày phải cách ly, nhiều thầy cô không quản ngại xa xôi, vất vả ngày ngày đến nhà học trò hướng dẫn và kiểm tra các em học tập, giao các phiếu học tập cho học sinh. Thầy giáo Phạm Đức Chính, Hiệu trưởng Trường TH - THCS Đồng Sơn, xã Đồng Sơn, TP Hạ Long, chia sẻ: Gia đình các em ở trường hầu hết chưa có điện thoại thông minh, máy tính bảng như ở thành phố. Vì thế, trường chỉ đạo giáo viên xuống từng thôn, bản để phát phiếu, hướng dẫn học sinh hoàn thành bài tập ở nhà. Đây là giải pháp tối ưu thời dịch bệnh tại địa phương.

Đối với học sinh các vùng khó khăn, giáo viên phải đến tận nhà phát phiếu bài tập và hướng dẫn học sinh làm bài.

Nhìn chung, dưới sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, giáo dục Quảng Ninh đã và đang thích ứng linh hoạt, phù hợp, sáng tạo, triển khai các phương pháp dạy học phù hợp, thích ứng với đại dịch. “Tất cả cần phải thay đổi để thích ứng, từ cán bộ quản lý, cho tới mỗi giáo viên, cần linh hoạt, sáng tạo trong triển khai, đảm bảo chất lượng đối với các yêu cầu cốt lõi. Mục tiêu cốt lõi là bất biến, còn phương pháp và hành động thì vạn biến sao cho hiệu quả” – đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng là quan điểm ứng phó của ngành giáo dục Quảng Ninh khi dịch Covid-19 vẫn còn nhiều nguy cơ.

Cô Vũ Thu Hường, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Hạ Long (TP Hạ Long), chia sẻ: Nhà trường đã chủ động sẵn các phương án dạy học linh hoạt để bảo đảm công tác dạy và học trong tình hình mới một cách khoa học và hiệu quả; dành mọi nguồn lực, thời gian ưu tiên các môn học chính để đáp ứng đầy đủ chương trình đào tạo cho học sinh. Đặc biệt, nhà trường sẵn sàng phương án dạy trực tuyến nếu dịch bệnh có diễn biến phức tạp, với phương châm chất lượng giáo dục phải được đặt lên hàng đầu.

Trường Tiểu học Hạ Long cũng đã chỉ đạo các tổ chuyên môn linh hoạt và sáng tạo trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, yêu cầu cần đạt môn học; chỉ đạo giáo viên làm đúng theo tinh thần “Dạy học đáp ứng yêu cầu của chương trình” sách giáo khoa chỉ là “phương tiện chuyển tải” để đạt mục tiêu vừa an toàn trong công tác phòng chống dịch, vừa hoàn thành chương trình và bảo đảm chất lượng dạy và học.

Trung tâm Truyền thông tỉnh ghi hình video hướng dẫn học sinh ôn tập kiến thức.

Đồng thời chủ động xây dựng, thiết kế các video bài giảng các môn học từ khối 1 đến khối 5 để đưa vào kho tài nguyên học liệu dùng chung cho giáo viên, học sinh toàn trường và phối hợp với phụ huynh học sinh triển khai thực hiện giải pháp học tập qua truyền hình đã được Bộ GD&ĐT phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng trên kênh VTV7 và các ứng dụng khác khi địa bàn xảy ra dịch bệnh.

Năm học 2021-2022 đã đi gần nửa chặng đường. Dịch bệnh phức tạo cũng đặt ra nhiều thách thức với ngành Giáo dục. Tuy nhiên, đây cũng là thời cơ để toàn ngành phải nỗ lực hơn, sáng tạo hơn, tập trung trí tuệ, sức lực, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thích ứng linh hoạt trong dạy học. Đòi hỏi các cơ sở giáo dục, toàn bộ cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội phối hợp chặt chẽ hơn nữa, đảm bảo an toàn cho các em khi đến trường, thực hiện mục tiêu tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Thiết lập “lá chắn” an toàn cho học sinh

Quảng Ninh hiện có khoảng 342.000 trẻ em, học sinh trong diện bảo vệ đặc biệt trước “cơn bão” đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh sống chung với dịch bệnh, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, cùng với các địa phương khác trong cả nước, tỉnh quyết định triển khai chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ em, học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi nhằm thiết lập “lá chắn” phòng dịch cho các em. Cùng với đó là hàng loạt các giải pháp đồng bộ, nỗ lực cao nhất để mỗi lớp học, mỗi trường học được an toàn.

“Phủ sóng” vắc - xin: Giải pháp đến trường an toàn

Ngày 2/11, trên 1.500 học sinh Trường THPT Hòn Gai, TP Hạ Long đã hoàn thành mũi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đầu tiên. Em Nguyễn Hồng Lương, lớp 11A3, Trường THPT Hòn Gai, nói: Chúng em được nhà trường phổ biến đầy đủ thông tin trước khi tiêm. Ngay tại buổi tiêm có cán bộ y tế tư vấn, khám sàng lọc kỹ lưỡng, hướng dẫn nghỉ ngơi, theo dõi sức khỏe sau tiêm nên chúng em rất yên tâm. Được tiêm chủng giúp chúng em sớm thiết lập được miễn dịch, bảo vệ sức khỏe trước nguy cơ dịch bệnh.

Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hòn Gai cho biết: Để các bậc phụ huynh, các em học sinh yên tâm tiêm chủng, nhà trường đã liên hệ với phụ huynh, chỉ ra những lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 để nhận được sự đồng thuận của các bậc phụ huynh, học sinh. Quá trình tiêm chủng, chúng tôi phân chia giờ tiêm khoa học đảm bảo không để tập trung quá đông học sinh tại các phòng. Phụ huynh học sinh được bố trí ngồi dưới sân trường đợi và được xếp giữ khoảng cách theo quy định. Cùng với đó thì ngành y tế cũng đã bố trí phương tiện, nhân lực ứng trực cấp cứu khi có trường hợp cần thiết.

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các em học sinh trường THCS Cẩm Thành, TP Cẩm Phả.

Chị Trần Thị Thúy, phụ huynh học sinh chia sẻ: "Khi các con được tiêm vắc -xin, gia đình đã yên tâm phần nào về sức khỏe của con giữa đại dịch này. Nhà trường tổ chức tiêm rất quy củ, có khu vực riêng cho học sinh, khu vực chờ cho phụ huynh, từng khâu chuẩn bị rất chu đáo".

Cùng với hơn 1.500 học sinh của Trường THPT Hòn Gai, trên 30.500 học sinh TP Hạ Long từ 12-18 tuổi cũng hoàn thành tiêm mũi 1 vắc - xin phòng Covid-19. Còn tại TP Móng Cái, từ ngày 1-4/11, thành phố đã tiến hành tiêm xong vắc- xin mũi 1 cho hơn 9.000 học sinh các cấp học THCS, THPT. Để có được những mũi tiêm an toàn, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế, thành phố đã chỉ đạo phòng GD&ĐT, Phòng Y tế, các xã, phường phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, trang, thiết bị y tế, nhân lực phục vụ tiêm chủng. Cùng với đó, tăng cường công tác truyền thông cho phụ huynh, giáo viên, học sinh về lợi ích của việc tiêm chủng và nghĩa vụ của người tham gia tiêm chủng.

Tiêm phòng vắc xin cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi trên địa bàn huyện Bình Liêu.

Bà Nguyễn Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND TP Móng Cái, cho biết: Công tác tiêm chủng được các trường phối hợp chuẩn bị, triển khai thực hiện chu đáo, đảm bảo theo đúng hướng dẫn và quy định; tổ chức tiêm chủng hiệu quả, an toàn. Sau khi tiêm, học sinh được theo dõi tại chỗ và hướng dẫn theo dõi sức khỏe tại nhà. Đến thời điểm hiện tại, sức khỏe của đa số học sinh sau tiêm bình thường, ổn định.

Em Trần Thị Anh, Trường THCS&THPT Chu Văn An, TP Móng Cái, chia sẻ: Cùng với hơn 1.300 học sinh toàn trường, vừa qua, em hoàn thành xong mũi tiêm phòng Covid-19 đầu tiên. Ban đầu em cũng lo lắng, nhưng được bác sĩ động viên và khám sàng lọc thì em thấy yên tâm. Em hy vọng các bạn trong toàn tỉnh sẽ sớm hoàn thành các mũi tiêm để góp phần chung tay đẩy lùi dịch Covid-19".

Qua báo cáo từ các trường THPT, các trung tâm GDTX, đến ngày 8/11/2021, toàn tỉnh có 118.717 học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi đã tiêm vắc - xin phòng Covid-19 mũi 1, đạt 97,03%. Tính đến 12h00 ngày 3/11/2021, toàn ngành Giáo dục có 95,39% cán bộ, giáo viên, nhân viên người lao động được tiêm phòng Covid-19 mũi 1. Mũi 2 có 26.759/28.609 cán bộ, giáo viên, nhân viên đã tiêm, chiếm 93,53% tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động.

Nhân viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh Trường THPT Chuyên Hạ Long.

Theo ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, để phục vụ đợt tiêm này, tỉnh huy động khoảng 3.600 cán bộ y tế đã được tập huấn từ bệnh viện các tuyến, trung tâm y tế, trạm y tế xã, phường và cơ sở tiêm chủng dịch vụ, đồng thời huy động tối đa các đội cấp cứu thường trực tại điểm tiêm chủng, đảm bảo mỗi điểm tiêm chủng bố trí tối thiểu 1 kíp trực cấp cứu, 1 xe cấp cứu, chuẩn bị trang thiết bị bảo quản, vận chuyển vắc xin an toàn.

Đối với ngành Giáo dục, tham gia vào chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em từ 12-18 tuổi, Sở chỉ đạo các đơn vị đảm bảo công tác hậu cần cho học sinh tại các điểm tiêm tại trường. Yêu cầu 100% lãnh đạo các đơn vị, giáo viên chủ nhiệm, nhân viên y tế trường học, lực lượng liên quan có mặt suốt thời gian diễn ra tiêm chủng cho học sinh của đơn vị mình tại điểm tiêm. Đồng thời, chỉ đạo giáo viên của đơn vị, đặc biệt giáo viên chủ nhiệm chịu trách nhiệm theo dõi sức khỏe học sinh sau tiêm chủng trong toàn thời gian học sinh học tại trường. Thông báo những biểu hiện bất thường của học sinh cho phụ huynh, kịp thời thông tin tới cơ sở y tế để xử lý ngay nếu học sinh có biểu hiện sức khỏe không đảm bảo.

Học sinh - đối tượng ưu tiên xét nghiệm sàng lọc

Trong bối cảnh sống chung với Covid-19, ngoài việc thực hiện tiêm chủng cho học sinh, tỉnh Quảng Ninh cũng chủ trương đưa học sinh vào diện xét nghiệm tầm soát, xét nghiệm thường xuyên, định kỳ. Toàn bộ chi phí xét nghiệm cho học sinh đều do tỉnh chi trả.

“Việc xét nghiệm tầm soát sẽ được thực hiện hằng tuần, theo cách lấy mẫu ngẫu nhiên và có thể căn cứ theo hiện trạng, công việc, tiếp xúc của người thân trong gia đình các em. Cố gắng sàng lọc lấy đúng, đủ các mẫu đại diện theo tình hình dịch bệnh. Việc xét nghiệm hoàn toàn miễn phí” - đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hạnh khẳng định.

Xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho học sinh tại Trường Tiểu học Hạ Long.

Cô giáo Nguyễn Bích Luyện, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Thái Tây, (TX Đông Triều) cho hay: Khi xuất hiện ca F0 là học sinh, trường đã thực hiện xét nghiệm tầm soát 100% học sinh trong trường. Trước khi triển khai, nhà trường đã tích cực tuyên truyền đến các bậc phụ huynh và được nhân dân đồng thuận, ủng hộ.

Những ngày vừa qua, tỉnh đã mạnh tay xử lý nghiêm các trường học, cơ sở giáo dục có biểu hiện chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch. Mới đây, qua kiểm tra 885/1.065 camera trường học, cán bộ Trung tâm điều hành thành phố thông minh tỉnh đã ghi nhận 20 cơ sở giáo dục ở 7 địa phương, gồm: Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Hạ Long, Cẩm Phả, Tiên Yên, Ba Chẽ có nhiều giáo viên, học sinh không thực hiện nghiêm túc quy định đeo khẩu trang trong lớp học.

Ngay lập tức, tỉnh chỉ đạo Sở GD&ĐT, UBND các địa phương chấn chỉnh, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu các cơ sở giáo dục vi phạm nêu trên. Đồng thời, yêu cầu toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, giáo viên, học sinh tại các trường học thiết lập lại các quy định phòng, chống dịch, tuyệt đối không chủ quan, lơ là.

Một số trường học có tình trạng học sinh và cả giáo viên không đeo khẩu trang trong lớp học.

Từ ngày 11/10 đến 10/11, Quảng Ninh ghi nhận 135 ca dương tính với virus SAR- CoV-2. Trong đó, có 19 F0 là học sinh và 969 trường hợp F1 là giáo viên, học sinh. Để chủ động, kịp thời trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh đã chỉ đạo ngành Giáo dục nhanh chóng kích hoạt, nâng cấp các biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó, yêu cầu toàn ngành phải kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt toàn bộ người ra, vào cơ quan, đơn vị trường học; tăng cường ứng dụng CNTT khai báo y tế bằng mã QR, khai báo trực tuyến, khai báo bằng sổ ghi chép (ghi đúng, đủ thông tin, ngày, giờ...) nếu không có điện thoại thông minh để cài đặt các phần mềm khai báo y tế. Thực hiện quy định về giãn cách trong giờ ra chơi, giờ tan trường để đảm bảo không tập trung đông người, tránh ùn tắc vào các giờ cao điểm.

Chị Hoàng Thị Phương, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả, chia sẻ: Tôi rất yên tâm, tin tưởng gửi gắm con đi học tại trường để còn toàn tâm toàn ý đi làm. Mặc dù hiện nay dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp trong và ngoài tỉnh nhưng tôi thấy tỉnh ta thực hiện phòng chống dịch rất tốt, rất nghiêm túc.

An toàn sức khỏe của học sinh, trẻ em là yếu tố được Quảng Ninh ưu tiên hàng đầu.

Có thể khẳng định, Quảng Ninh luôn có giải pháp quyết liệt, đi trước trong công tác phòng chống dịch; đặt an toàn sức khỏe của học sinh, trẻ em lên hàng đầu. Trong thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, để củng cố năng lực hoạt động của trạm y tế xã, phường, thị trấn, y tế học đường, tỉnh cũng yêu cầu ngành Y tế, GD&ĐT và các địa phương nghiên cứu kinh nghiệm các tỉnh phía Nam, củng cố vai trò của các trạm y tế cấp xã, y tế học đường trong thực hiện phòng, chống dịch tại cơ sở để có thể cung cấp dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, hiệu quả nhất và gần nhất đối với người dân, học sinh, trẻ em.

Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt

"Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt". Đó là lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được trích trong “Thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới”, đăng trên báo Nhân Dân, số ra ngày 16/10/1968. Đây cũng là bức thư cuối cùng Người gửi ngành Giáo dục nước nhà. Lời dạy của Người luôn được ngành giáo dục Quảng Ninh khắc ghi. Lớp lớp thầy và trò trong tỉnh tiếp tục thi đua, đổi mới, sáng tạo, đạt nhiều thành tích trong công tác dạy và học, chủ động thích ứng với dịch bệnh, kiến tạo môi trường giáo dục an toàn.

Kiến tạo môi trường giáo dục an toàn

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, toàn ngành Giáo dục Quảng Ninh đã, đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, nhằm tạo môi trường học tập an toàn nhất, tạo sự yên tâm, tin tưởng trong nhân dân.

Để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, nhân viên, giáo viên nhà trường, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng(TP Móng Cái) đã sớm triển khai mô hình trường, lớp học an toàn. Nhà trường thực hiện xét nghiệm sàng lọc định kỳ cho những học sinh có nguy cơ cao mắc Covid-19. Đồng thời, thường xuyên vệ sinh khử khuẩn trường lớp, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng các bài giảng về phòng chống dịch giúp học sinh thêm hiểu về các biện pháp bảo vệ bản thân.

Công tác phòng chống dịch tại trường học được siết chặt.

Cơ bản hiện nay, công tác phòng chống dịch tại trường học được siết chặt, đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, như: Khẩu trang, nước sát khuẩn, nơi rửa tay bằng nước sạch có xà phòng. Cùng với đó, nhà trường cũng tích cực tổ chức đo thân nhiệt cho học sinh khi đến trường và ra về; bố trí phòng cách ly, sử dụng ngay khi phát hiện học sinh, người có biểu hiện sốt, ho, khó thở. Đồng thời thông báo kịp thời cho cơ quan y tế và áp dụng các biện pháp phòng ngừa phù hợp.

Cô giáo Vũ Thị Minh Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (TP Móng Cái) cho biết: Trường tích cực tuyên truyền đến các bậc phụ huynh không đi đến trường và không được đưa học sinh đến trường nếu bản thân đang trong thời gian cách ly tại nhà hoặc có biểu hiện sốt, ho, khó thở. Phụ huynh phải đeo khẩu trang cho mình và con em khi đưa đón học sinh đến trường. Đồng thời, thực hiện khai báo y tế bằng ứng dụng điện tử hoặc bằng giấy, có trách nhiệm phối hợp với nhà trường phòng, chống dịch Covid-19.

Học sinh Trường Tiểu học Hạ Long được nhắc nhở việc đeo khẩu trang đầy đủ qua hệ thống camera thông minh.

Tương tự, tại nhiều trường học trong tỉnh cũng nhanh chóng triển khai các biện pháp nhằm chung tay bảo vệ trường học an toàn trước đại dịch. Trong đó, chú trọng ứng dụng CNTT trong khai báo y tế bằng mã QR, khai báo trực tuyến và tích cực ứng dụng mạng xã hội để tuyên truyền, phổ biến nội dung chỉ đạo trong phòng chống dịch Covid-19.

Bà Lê Thị Lan, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT TP Cẩm Phả, cho biết: Cùng với sự chủ động của các nhà trường, thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT thành phố cũng sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất các biện pháp phòng chống dịch tại các cơ sở giáo dục, trong đó đặc biệt giám sát việc đeo khẩu trang thường xuyên trong trường học của giáo viên, học sinh. Việc đeo khẩu trang là vô cùng quan trọng, sẽ hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh vào trường học.

Được biết, tại TP Cẩm Phả, ngay từ đầu năm học, UBND thành phố cũng chỉ đạo Phòng GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Phòng Y tế thành phố hướng dẫn các nhà trường xây dựng phương án phòng, chống dịch phù hợp với điều kiện của các cấp học và thực tiễn địa bàn, đảm bảo xây dựng môi trường dạy và học tuyệt đối an toàn. Trong đó, lưu ý kiểm soát chặt chẽ đối với các trường hợp cung cấp dịch vụ, người dạy các môn học năng khiếu, ngoại ngữ.

Thi đua “Dạy tốt, học tốt”

Dẫu còn nhiều khó khăn, gian nan trong công cuộc chống dịch, song thực hiện chỉ đạo của tỉnh, của ngành Giáo dục, tại các trường, phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” tiếp tục phát huy hiệu quả. Từ phong trào, nhiều nhà giáo dù công tác, giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa, nhưng vẫn bám lớp, bám trường, vượt lên khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trở ngại về phong tục tập quán, ngôn ngữ tiếp tục gắn bó công tác, cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Cô giáo trẻ Chíu Sám Múi, Trường Mầm non Quảng Lâm (xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà) - một trong những giáo viên nhiệt huyết với nghề. Qua 8 năm, cô giáo Múi đã từng dạy ở nhiều điểm trường lẻ xa xôi, có điểm trường cách trung tâm xã đến hàng chục cây số. Từ năm học 2020-2021, cô Múi dạy ở điểm trường chính. Được nhà trường phân dạy nhóm trẻ 24 - 36 tháng (độ tuổi bé nhất tại đây), cô Múi phải luôn chân, luôn tay với đủ các công việc, từ cho trẻ ăn, ngủ, dạy trẻ học, vệ sinh cho trẻ, đến lau dọn lớp học sau khi tan trường. Dẫu vất vả, khó khăn, song với tình yêu nghề, mến trẻ, cô Múi được phụ huynh tin tưởng, được trẻ yêu, xứng đáng với danh hiệu giáo viên dạy giỏi của trường.

Cô giáo trẻ Chíu Sám Múi, Trường Mầm non Quảng Lâm (xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà) không quản ngại khó khăn, vất vả trong sự nghiệp trồng người.

Cô giáo Chíu Sám Múi, chia sẻ: “Xã Quảng Lâm có địa bàn trải rộng, dân cư phân bố rải rác, nhiều phụ huynh chưa dành quan tâm cho con em mình. Giáo viên nhà trường thường xuyên đến nhà để vận động các bậc cha mẹ cho trẻ ra lớp, để các em được thụ hưởng môi trường giáo dục tốt nhất...”

Cùng với Cô Múi, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều nhà giáo nhiệt huyết, tận tình, bám lớp, bám nghề, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Nhiều thầy cô được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm học 2020-2021, dự kiến được tuyên dương tại Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 tới đây, như: Thầy Trịnh Văn Sỹ (giáo viên Trường THPT Cô Tô, huyện Cô Tô); cô Trần Thị Thu Hương (giáo viên Trường THPT Đông Thành, TX Quảng Yên)…

Giờ học thể dục của học sinh trường THCS Hoà Lạc, Móng Cái.

Bên cạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, để đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, hiện ngành Giáo dục tỉnh còn thực hiện hiệu quả nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động, như: “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, “Xây dựng nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch”, “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”...

Theo Sở GD&ĐT, năm học 2021 - 2022, mạng lưới cơ sở GD&ĐT của tỉnh đa dạng, có đủ các loại hình, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Toàn tỉnh có 646 cơ sở giáo dục, với 10.453 lớp, trên 321.000 học sinh, trẻ mầm non; có trên 21.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Toàn ngành tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục, đặt mục tiêu giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học; tiếp tục xây dựng trường chuẩn quốc gia gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chủ động ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy và học tập, thực hiện chuyển đổi số trong GD&ĐT; tiếp tục triển khai xây dựng bài giảng điện tử, bài giảng trực tuyến dùng chung đảm bảo hiệu quả, phục vụ tốt nhu cầu tổ chức dạy học trực tuyến của các cơ sở giáo dục.

Ngành giáo dục Quảng Ninh tiếp tục thi đua thực hiện lời Bác Hồ dạy “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt và học tốt”.

Với sự quan tâm ngành Giáo dục, trường học và nhân dân, cùng với những nỗ lực và tâm huyết của đội ngũ nhà giáo, sự chăm ngoan của học sinh, ngành Giáo dục Quảng Ninh tiếp tục thi đua thực hiện lời Bác Hồ dạy “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt và học tốt”, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học 2021-2022. Toàn tỉnh phấn đấu hiện thực hóa mục tiêu hướng đến một nền giáo dục toàn dân, mọi học sinh đều bình đẳng trong cơ hội tiếp cận với giáo dục một cách tốt nhất, đưa chất lượng giáo dục của tỉnh không ngừng được nâng lên.


Chỉ đạo sản xuất: Nguyễn Huế
Thực hiện: Lan Anh - Hồng Ngọc
Kỹ thuật đồ họa: Đỗ Quang