Không phải bây giờ mà từ nhiều năm qua, Quảng Ninh đã nỗ lực bằng nhiều giải pháp để nâng cao đời sống, mang lại hạnh phúc cho người dân. Qua mỗi kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đều đặt ra những mục tiêu quan trọng nhằm xây dựng Quảng Ninh giàu mạnh và nâng cao đời sống cho nhân dân. Phải kể đến là tập trung đột phá về hạ tầng giao thông, các thiết chế văn hóa - xã hội, cải cách hành chính, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...Và hiệu quả rõ nét từ những đột phá này đã được minh chứng trong thực tiễn, mang lại những lợi ích vô cùng to lớn cho người dân trên địa bàn.
Cán bộ, công nhân ngành Than được tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Tiếp nối những thành quả đó, năm 2021, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đời sống nhân dân bị ảnh hưởng trực tiếp không nhỏ, nhưng với tinh thần tất cả vì sự bình an của nhân dân, quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau, Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống rất kịp thời, thiết thực. Qua đó, nhận được sự ủng hộ, đồng thuận sâu sắc của người dân, tạo động lực, cổ vũ các tầng lớp nhân dân tiếp tục chung một ý chí, đồng lòng với tỉnh và đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn trong cuộc chiến chống dịch.
Trải qua các đợt dịch phức tạp chưa từng có từ đầu năm đến nay, từ các đồng chí lãnh đạo cao nhất tỉnh đến các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 từ tỉnh tới cơ sở đã không quản ngại khó khăn, luôn tranh thủ từng giờ, từng phút quyết tâm, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; chủ động nắm chắc và dự báo, kiểm soát tốt tình hình; không lơ là, chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh để đảm bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân, từ đó tạo ra địa bàn ổn định, an toàn phát triển kinh tế - xã hội.
Cán bộ y tế phường Hà Trung (TP Hạ Long) hướng dẫn người dân trên địa bàn xét nghiệm nhanh Covid-19 tại nhà.
Đặc biệt, bám sát chỉ đạo hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế, Quảng Ninh là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai thực hiện chiến lược tiêm vắc-xin diện rộng cho toàn thể người dân trên địa bàn. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 326/NQ-HĐND quyết định dành tối thiểu 500 tỷ đồng cùng với các nguồn lực hợp pháp để mua vắc xin phòng ngừa Covid-19 để triển khai tiêm phòng cho toàn dân. Đây là chính sách quan trọng có ý nghĩa thiết thực để toàn tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch với các giải pháp chủ động từ xa, từ sớm, từ cơ sở, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn. Qua đó, đảm bảo mục tiêu cao nhất là giữ địa bàn an toàn, ổn định, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Không chỉ vậy, để mỗi người dân có thể chủ động tham gia tầm soát sàng lọc cho gia đình bằng phương pháp test nhanh, Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên đặt vấn đề tăng cường hướng dẫn tập huấn kỹ thuật chuyên môn, tăng cường tuyên truyền ý nghĩa của việc sàng lọc phát hiện sớm F0 trong cộng đồng. Đồng thời, triển khai các ứng dụng tiêm chủng trực tuyến, truy vết, khai báo y tế… để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.
Người dân xã Quảng Thành (huyện Hải Hà) nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Cùng với việc huy động mọi nguồn lực con người, vật chất để nhân dân trên địa bàn tỉnh được tiêm vắc xin phòng Covid-19 sớm nhất, nhanh nhất, an toàn nhất thì trước đó, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách thiết thực, kịp thời hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Cụ thể, Nghị quyết số 245/NQ-HĐND về một số giải pháp cấp bách và chính sách đặc thù phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được ban hành tại Kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khóa XIV, cuối tháng 8 vừa qua đã tập trung thực hiện hỗ trợ, động viên kịp thời các lực lượng tuyến đầu trực tiếp tham gia phòng chống dịch; hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non và học sinh phổ thông năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19; hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội trong thời gian phải thực hiện cách ly tại khu vực phong tỏa trong tình huống dịch bệnh xảy ra...
Nhờ đó, hàng nghìn người nghèo thêm yên tâm để vững vàng vượt qua khó khăn mùa dịch; biết bao gia đình đã vơi bớt nỗi lo cho con em vui bước tới trường; hàng nghìn cán bộ, nhân viên y tế, chiến sĩ..., những lực lượng ngày đêm vất vả trên tuyến đầu được san sẻ gánh nặng, có thêm sức khỏe, thêm tinh thần, ý chí đương đầu với những gian khổ, hiểm nguy trong cuộc chiến chống dịch đầy khốc liệt.
Sản xuất tại Công ty TNHH Sao Vàng Chi nhánh Uông Bí đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Việc triển khai các Nghị quyết của Chính phủ cũng được tỉnh chỉ đạo thực hiện quyết liệt, chặt chẽ, đảm bảo minh bạch, công bằng, tạo mọi thuận lợi trong giải quyết hồ sơ, thủ tục để người dân được hưởng chính sách theo quy định. Đến thời điểm hiện tại, tổng số người lao động và sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ “Về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19” là trên 5.600 doanh nghiệp, 358.193 người lao động với tổng số tiền đã hỗ trợ là 441.323 triệu đồng.
Đặc biệt, bám sát tình hình thực tiễn của tỉnh trong năm, HĐND tỉnh còn ban hành một số Nghị quyết về một số giải pháp cấp bách và giải pháp đặc thù phòng chống Covid-19, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, kích cầu du lịch; ban hành Nghị quyết phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó ngân sách nhà nước các cấp dành khoảng 4.000 tỷ đồng để thực hiện Chương trình. Ước hết năm 2021, số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm 307 hộ, tỷ lệ giảm 0,09%, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh hết năm 2021 còn 0,14% (tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2020 là 0,23%)...
Quang cảnh Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XIV (tháng 9/2021).
Bà Nguyễn Thị Châu, thôn Thành Long (xã An Sinh, TX Đông Triều), chia sẻ: Mỗi nghị quyết, chính sách ban hành chỉ có ý nghĩa khi nó xuất phát từ thực tiễn đời sống của nhân dân, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo no ấm, hạnh phúc cho nhân dân. Và Quảng Ninh đã làm được điều đó, những chính sách an sinh, nhất là trong mùa dịch khó khăn như hiện nay đã thật sự đã mang đến cho người dân, đặc biệt là người nghèo, người mất việc làm những món quà ý nghĩa, động viên họ vượt qua khó khăn trước mắt của dịch bệnh.
“Không để ai bị bỏ lại phía sau” là quan điểm, chủ trương nhất quán trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh. Và càng trong hoàn cảnh khó khăn, giữa những ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh thì quan điểm ấy vẫn đang và sẽ tiếp tục được cụ thể hóa bằng những chính sách thiết thực, phù hợp và kịp thời, thể hiện sự chung tay, sẻ chia đầy trách nhiệm của tỉnh đối với nhân dân.