Chăm lo, bảo vệ sức khoẻ tốt nhất cho người dân
Có thể thấy rằng, trong nhiều năm qua, bên cạnh các chính sách về bảo hiểm y tế (BHYT) của Nhà nước, Quảng Ninh cũng có những chính sách riêng có nhằm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tốt nhất cho người dân. Các ngành, địa phương tích cực phối hợp để những chính sách này được thực hiện một cách hiệu quả nhất.
Là người không có lương hưu, không có nguồn thu nhập, sau khi tròn 70 tuổi, bà Nguyễn Thị Hải ở phường Cẩm Tây, TP Cẩm Phả đã được tỉnh hỗ trợ ngay BHYT. Điều này giúp cho bà giảm bớt khó khăn mỗi khi ốm đau. Bà tâm sự: Trước kia, tôi cũng chỉ buôn bán mớ rau để kiếm sống. Tuổi già đến, lại ốm đau nên cũng không buôn bán được nữa. May được tỉnh hỗ trợ BHYT, nếu không mỗi lần ốm đau đi viện rất khó khăn.
Từ năm 2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 21/NQ-HĐND quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, người từ đủ 70 tuổi đến dưới 80 tuổi đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, chưa được cấp thẻ BHYT; người từ đủ 70 tuổi trở lên đến dưới 80 tuổi không có lương hưu, không được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hoặc trợ cấp xã hội hằng tháng và chưa được cấp thẻ BHYT theo các chính sách khác được tỉnh hỗ trợ BHYT, trong khi đó, quy định của trung ương phải từ 80 tuổi trở lên mới được hỗ trợ. Nhờ đó, không chỉ bà Hải mà hiện nay có hơn 28.200 lượt người từ 70-79 tuổi đang được tỉnh hỗ trợ BHYT.
Ngoài ra, Quảng Ninh còn rất nhiều các chính sách riêng có khác hỗ trợ BHYT cho người dân, như: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí đóng BHYT cho trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày, trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng, trẻ em bị xâm hại tình dục phải sinh con và đang nuôi con… người dân tộc thiểu số sinh sống ở các xã mới ra khỏi diện khó khăn, người dân sinh sống ở các xã mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, thân nhân là vợ hoặc chồng của thương binh, thân nhân là vợ hoặc chồng của người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày…
Tỉnh còn nâng mức hỗ trợ đóng BHYT đối với người thuộc hộ cận nghèo từ 70% lên 100% và nâng mức hỗ trợ đóng BHYT đối với người thuộc gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình từ 30% lên 80%...
Để các cơ quan, địa phương kịp thời nắm bắt các chính sách BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân; đồng thời để người dân nắm được quyền lợi của mình trong an sinh xã hội; BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền các chính sách này với nhiều hình thức.
9 tháng năm 2024, BHXH tỉnh đã tổ chức 217 hội nghị truyền thông, với tổng số 6.889 người tham dự; thực hiện phóng sự chuyên đề và 302 tin, bài; phát 85.870 lượt phát thanh trên loa đài phát thanh đặt tại các xã, phường, thị trấn; đăng tải 3.130 lượt sản phẩm truyền thông trên môi trường Internet, mạng xã hội; phát 58.832 sản phẩm truyền thông tờ rơi, tờ gấp, băng zôn... Đồng thời phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức 70 lễ ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong công tác chỉ đạo, điều hành các cơ sở khám, chữa bệnh và kiểm tra, giám sát việc sử dụng quỹ khám, chữa bệnh BHYT tiết kiệm, hiệu quả; đồng thời đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT khi đi khám, chữa bệnh. Qua đó, BHXH đã tổ chức thực hiện công tác giám định, thẩm định, tạm ứng kinh phí, quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho các cơ sở y tế kịp thời; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các giám định viên toàn tỉnh…
Việc đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT cũng được ngành BHXH tỉnh chú trọng. 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh giải quyết chế độ ốm đau cho 142.844 lượt người, giải quyết chế độ thai sản cho 12.673 lượt người, giải quyết chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe cho 1.776 lượt người. Có 2.020.878 lượt người khám, chữa bệnh BHYT với tổng số tiền chi khám, chữa bệnh BHYT là 1.698,5 tỷ đồng.
Cùng với đó, tỉnh chú trọng chất lượng hệ thống y tế cơ sở, đảm bảo đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho người dân. Từ năm 2020 đến nay, Quảng Ninh đã xây dựng 7 đề án, nghị quyết, với mục tiêu tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao năng lực trạm y tế trên toàn tỉnh, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ, chất lượng dân số. Tỉnh tiếp tục hoàn thiện Đề án “Nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng và y tế điều trị; chất lượng chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2021-2025”. Các dự án Bệnh viện Phổi Quảng Ninh, Bệnh viện Lão Khoa - Phục hồi chức năng tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ninh được đưa vào khai thác, sử dụng, cùng với việc nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất cho các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện và cơ sở đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, trong đó có người tham gia BHYT.
Với những chính sách chăm lo sức khỏe cho người dân của tỉnh, sự tuyên truyền tích cực của các ngành, địa phương, đến hết tháng 9/2024, toàn tỉnh có 1.324.431 người tham gia BHYT, tăng 7.413 người so với cùng kỳ năm 2023; đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 95,8% dân số.
Ý kiến ()