
Điểm hẹn của những tâm hồn yêu di sản
Hằng tuần vào mỗi thứ Bảy, Chủ nhật, không gian tầng 2 Hội quán Bervely Hills tại đồi Đức Dương, phường Bãi Cháy lại vang lên tiếng trống phách, đàn nhị và những làn điệu xẩm đặc trưng của vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Nơi đây đã trở thành điểm hẹn gặp gỡ của các thành viên CLB xẩm Hạ Long, hội tụ những người đam mê văn hóa, âm nhạc dân gian truyền thống ở nhiều độ tuổi khác nhau.
CLB xẩm Hạ Long mới được thành lập từ cuối tháng 6/2025 và hiện có hơn 30 thành viên, sinh hoạt định kỳ 2 buổi/tuần, chia thành từng nhóm nhỏ để học chơi đàn nhị, gõ trống, phách và học hát. Tiếng phách tre, tiếng nhị réo rắt và những làn điệu xẩm cổ như “Xẩm tàu điện”, “Xẩm thập ân”... được vang lên, ngân nga qua giọng hát của các thành viên CLB ở mọi lứa tuổi, từ già đến trẻ.
Người truyền “lửa” – nghệ nhân Đào Bạch Linh (sinh năm 1983) – là một trong số ít nghệ nhân còn nắm giữ vốn hát xẩm cổ ở miền Bắc. Là người gốc Hải Phòng, lại là truyền nhân của nghệ nhân Hà Thị Cầu, anh dành nhiều tâm huyết cho việc bảo tồn, lan tỏa nghệ thuật hát xẩm đến với cộng đồng, vừa truyền dạy, vừa diễn giải từng ca từ, cách nhấn nhá lấy hơi, luyến láy theo lối truyền khẩu, đúng như cách mà xẩm từng được gìn giữ qua bao thế hệ nghệ nhân dân gian.

Hát xẩm vốn là một loại hình diễn xướng dân gian độc đáo, một di sản âm nhạc của dân tộc, gắn với cuộc sống mưu sinh của những người nghèo trong xã hội xưa. Nghệ nhân Đào Bạch Linh cho biết: Nguồn gốc và sự ra đời của xẩm rất đặc biệt. Xẩm là loại hình âm nhạc duy nhất đến nay xuất phát từ người mù. Ngay từ khi ra đời, xẩm đã là một nghề mưu sinh chứ không phải là loại hình biểu diễn sân khấu. Xẩm không có nhà hát, cũng không có biểu diễn minh họa, chỉ đơn thuần trải chiếu ngồi hát ở những nơi đông người như chợ, tàu điện... Chính vì vậy, giai điệu và câu hát xẩm phải rất hình tượng.
Điều dễ nhận thấy ở CLB chính là tình yêu văn hóa dân gian của những người trẻ. Nhiều người trong CLB hiện đang là doanh nhân trong lĩnh vực du lịch, một số bạn là học sinh, sinh viên thuộc thế hệ Gen Z, trước đó chỉ biết xẩm qua sách vở, mạng xã hội, thì giờ đây đang thực sự “chạm” vào di sản bằng chính giọng hát, đôi tay và trái tim của mình.

Em Phạm Thu Ngân, sinh viên Đại học Hạ Long, một thành viên trẻ của CLB xẩm Hạ Long, chia sẻ: Em cũng là một người yêu các loại nhạc cụ truyền thống và ngay từ khi tham gia CLB em thấy thầy Bạch Linh chơi đàn nhị rất là hay, em rất thích và quyết định theo học. Em mong là sẽ có nhiều bạn trẻ biết đến và tham gia CLB để cùng lan tỏa những giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam.
Không dừng lại ở việc truyền dạy, CLB đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu lớn hơn: Đưa hát xẩm thành một sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của Quảng Ninh. Một số buổi biểu diễn xẩm thử nghiệm đã được tổ chức tại Bảo tàng Quảng Ninh, mang lại sự thích thú cho du khách, gợi mở góc nhìn về văn hóa Việt Nam từ nghệ thuật dân gian.
Anh Lê Minh Thứ, Phó Chủ tịch CLB Du lịch cộng đồng tỉnh Quảng Ninh và cũng là người sáng lập CLB xẩm Hạ Long, cho biết: Tôi muốn đưa hát xẩm về với Quảng Ninh để quảng bá đến đông đảo du khách trong và ngoài nước. Chúng tôi cũng có ý định nhờ nghệ nhân viết những bài xẩm đặt lời mới, quảng bá những địa điểm du lịch và ẩm thực Quảng Ninh để CLB tập hát và biểu diễn cho khách du lịch trong thời gian tới.
Có thể nói, CLB xẩm Hạ Long không chỉ là một điểm hẹn văn hóa cho những người yêu âm nhạc truyền thống, mà còn là nơi thử nghiệm một hướng đi mới: Dùng âm nhạc dân gian để kể chuyện vùng đất, dùng di sản để tạo nên những trải nghiệm văn hóa, du lịch sống động. Và chúng ta có quyền hy vọng về một tương lai gần, khi xẩm được trình diễn trên du thuyền, trong không gian bảo tàng, hay trở thành trải nghiệm văn hóa đặc sắc dành cho du khách trong nước và quốc tế khi đến với Quảng Ninh.
Ý kiến ()