"Cho đi là còn mãi"
Tháng 4/2024, tại Quảng Ninh, từ 1 người hiến tạng sau khi qua đời do chết não, đã mang đến cơ hội sống mới cho 7 người. Nghĩa cử cao đẹp này đã lan tỏa mạnh mẽ tinh thần nhân ái, lòng yêu thương, sự sẻ chia, truyền cảm hứng sâu sắc đến cộng đồng, khơi dậy ý thức về giá trị của sự sống và sức mạnh của tình người.
Lan tỏa nghĩa cử hiến tạng cứu người
Ngày đầu tiên của tháng 4/2024, anh Dương Minh Đức (SN 1988) được đưa đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí sau một TNGT. Anh được chẩn đoán đã chết não. Bất chấp những nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ, tình trạng của anh Đức ngày càng tệ hơn. Tận cùng nỗi đau, nhưng bố, mẹ của anh đã có một quyết định phi thường: Hiến tạng con để cứu sống những người bệnh đang trên bờ sinh tử khác.
Đứng ở góc độ chuyên môn, chưa bao giờ một ca lấy tạng được triển khai ở một bệnh viện tuyến tỉnh, song chuyển tuyến trên không phải phương án tối ưu do tình trạng của anh Đức không cho phép. Quyết định tổ chức lấy tạng tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí được đưa ra nhanh chóng, trên cơ sở đánh giá rà soát lại toàn bộ điều kiện cơ sở vật chất, con người tại Bệnh viện. Trong ngày, 60 y bác, sĩ từ các trung tâm ghép tạng hàng đầu Việt Nam như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế đã có mặt tại Quảng Ninh để chuẩn bị cho quá trình phẫu thuật.
Ngay trong đêm, những món quà sự sống quý giá từ anh Đức, bao gồm tim, gan, trong đó gan được chia tách gan phải - gan trái, hai quả thận, hai giác mạc đã được chuyển tới nhiều bệnh viện trong toàn quốc, nơi xa nhất là tới Huế, để trao cho những người cần nó nhất.
Nhớ lại ca hiến tạng đặc biệt này, tiến sĩ, bác sĩ Trần Anh Cường, Giám đốc Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, chia sẻ: "Không phải chúng tôi chưa từng gặp ca chết não tiềm năng cho tạng, nhưng không phải gia đình nào cũng sẵn lòng hiến tạng của con như trường hợp của bệnh nhân Đức. Là những người thầy thuốc, chúng tôi nhận được sự gửi gắm đó của gia đình, và xác định dù khó đến đâu cũng phải làm, để làm sao món quà sự sống của anh Đức được trao gửi đến với những người đang mong mỏi nó".
Từ câu chuyện của Đức đã lan tỏa sâu sắc ý nghĩa "cho đi là còn mãi" của hoạt động hiến tạng. Thủ tướng Chính phủ đã có thư khen gửi tới các cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia và các bệnh viện đã tham gia vào ca điều phối, ghép tạng này.
Tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, nơi diễn ra ca mổ, những nhân viên y tế tại đây đã cùng nhau đăng ký tự nguyện hiến tạng, với mong muốn nếu như một ngày kia tạm biệt cuộc đời, họ có thể trao gửi sự sống cho một ai đó. Những nghĩa cử cao đẹp cứ thế mỗi ngày được nhân lên. Hơn 3.000 trong số 7.000 nhân viên y tế toàn tỉnh Quảng Ninh đã tự nguyện đăng ký hiến tạng.
Tiếp tục lan tỏa tinh thần nhân văn ấy, tỉnh đã thành lập Chi hội Vận động hiến mô tạng (đầu tiên trong nước), với sự tham gia của tất cả các cơ sở y tế trong toàn tỉnh. Mỗi đơn vị có điều trị sẽ thành lập các tổ tư vấn hiến tạng, nhằm góp phần truyền thông về tầm quan trọng và ý nghĩa nhân văn cao đẹp của việc hiến tạng. Đây cũng là dấu mốc quan trọng trong công tác tư vấn vận động hiến tạng tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, góp phần xây dựng và mở rộng mạng lưới hiến tạng trên toàn quốc, thiết thực giúp đỡ cho nhiều bệnh nhân có cơ hội được tiếp cận với nguồn tạng hiến.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép tạng, phấn khởi chia sẻ: Sự ra đời của một chi hội cấp tỉnh như Quảng Ninh đã cho thấy sự tham gia tích cực của tuyến tỉnh vào mạng lưới ghép tạng quốc gia. Mạng lưới được mở rộng bao nhiêu, số người hiểu về ghép tạng và đăng ký tham gia hiến nhiều lên, cũng đồng nghĩa với việc nguồn tạng ghép sẽ tăng lên và nhiều bệnh nhân hơn được cứu sống.
Câu chuyện của anh Đức đã đưa việc hiến tạng được lan toả mạnh mẽ trong toàn quốc. Sáng 19/5/2024, tại Bệnh viện Việt Đức, Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, Trung ương Hội CTĐ Việt Nam, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tổ chức lễ phát động phong trào "Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người – Cho đi là còn mãi”. Tại sự kiện này, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đăng ký hiến tạng và kêu gọi mọi người dân Việt Nam trưởng thành, không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo, lứa tuổi, vùng miền hãy tình nguyện đăng ký hiến tạng trên tinh thần "Mở lòng nhân ái - Lan tỏa yêu thương - Thắp sáng niềm tin - Tiếp nối hy vọng - Gieo mầm sự sống".
Hồi sinh sự sống cho những cuộc đời
Gần nửa năm sau khi anh Đức qua đời, nhưng với ông Dương Quang Đông và bà Nguyễn Thị Nhận, bố mẹ của anh, con của ông bà vẫn luôn hiện hữu trên thế giới này, trong cơ thể của những người đã được anh trao gửi món quà sự sống. Ông Đông chia sẻ: "Không nỗi đau nào bằng nỗi đau mất con. Thế nhưng, cứ nghĩ tới việc ở đâu đó ngoài kia, có ai đó mang một phần của con mình, họ vẫn đang được sống, học tập, làm việc, cống hiến, chúng tôi cũng thấy nhẹ lòng phần nào. Chúng tôi cũng mong rằng mỗi người trong xã hội hãy cùng nhau lan tỏa điều tốt đẹp và nhân văn của hoạt động hiến tạng, để trao thêm cơ hội cho những mảnh đời bất hạnh không may mắc bạo bệnh. Cho đi chính là còn mãi".
Tiếp nối "hành trình trao sự sống" của anh Đức, đã có nhiều trường hợp hiến tạng trong cả nước, với sự tham gia của đông đảo các bệnh viện, cơ sở y tế tuyến tỉnh vào mạng lưới hiến - ghép tạng quốc gia. Nhiều sự sống đã được nối dài. Trong đó phải kể đến câu chuyện của Nguyễn Thanh Tùng (11 tuổi) là một trong những trường hợp được trao cơ hội sống tiếp nhờ được ghép tạng. Đang là một cậu bé ở tuổi ăn tuổi lớn, ngây thơ hồn nhiên, Tùng được phát hiện suy thận giai đoạn cuối. Thay vì ngồi trên ghế nhà trường, chăm chỉ học tập thì em phải nằm trên giường bệnh, sức khoẻ ngày càng suy kiệt. Đối với những bệnh nhân như Tùng, cơ hội sống duy nhất là được ghép thận. Thế nhưng cơ hội ấy như "chỉ mành treo chuông", bởi nguồn tạng ghép là vô cùng hiếm. May mắn, em được ghép thận kịp thời và dần dần hồi phục. Anh Nguyễn Thanh Quỳnh, bố Tùng, đến nay vẫn không dám nghĩ về quá khứ, bởi thời điểm ấy, cả gia đình anh đã chuẩn bị cho những phương án xấu nhất nếu con không được ghép thận. Anh Quỳnh chia sẻ: "Thời điểm ấy, cứ nhìn thấy con là không kìm được nước mắt. Thậm chí ở nhà, từng món đồ con dùng, xe đạp con đi, chúng tôi cũng đã lau sạch và cất gọn trong nhà kho, không dám nhìn, không dám nghĩ tới. Con được ghép tạng, với gia đình chúng tôi là một phép màu, để con được trao thêm một cơ hội sống khác, được hồn nhiên cắp sách đến trường".
Tiếp tục thắp lên ngọn lửa nhân ái
Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có gần 100.000 người đã đăng ký hiến mô tạng sau khi chết. Con số này cho thấy nhiều người đã vượt qua được sự sợ hãi của cái chết, vượt qua định kiến vốn đã ăn sâu trong tư tưởng của người Việt Nam đó là chết phải toàn thây, mở lòng hiến tạng cho những người không may mắc bệnh hiểm nghèo. Thế nhưng 100.000 người vẫn chỉ đạt tỷ lệ khoảng 0,1% dân số.
Thực tế thời gian qua, khoảng 94% số ca ghép tạng ở Việt Nam là từ người cho còn sống, chủ yếu hiến thận và gan. Điều này trái ngược hoàn toàn so với các nước phát triển khi nguồn tạng chủ yếu là từ người chết não, chết tim… hiến tặng. Tỷ lệ này ở các nước châu Âu và Bắc Mỹ lên đến 50-60%. Tại Thái Lan, chỉ trong năm 2022 đã có 547 ca ghép thận từ người cho chết não (trong tổng số 700 ca ghép), bằng số lượng ca ghép tạng từ người chết não của Việt Nam trong 13 năm.
Trong khi đó, cả nước có hàng chục nghìn người đang chờ ghép tạng. Tại Quảng Ninh, chỉ riêng bệnh nhân suy thận cần ghép đã lên tới 500 người. Con số này vẫn tiếp tục gia tăng hằng ngày.
Ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025 có thể triển khai ghép tạng tại tuyến tỉnh. Chúng ta có cơ sở để làm được việc này. Về hạ tầng trang thiết bị, các đơn vị tuyến có thể đảm đương được. Về nhân lực, ngành đã cử các bác sĩ lên Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Quảng Tây (Trung Quốc) để học tập, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật. Các chuyên gia tuyến trên sẵn sàng hỗ trợ khi Quảng Ninh cần. Thế nhưng cốt yếu của ghép tạng vẫn là nguồn tạng. Chi hội Vận động hiến mô tạng của tỉnh đang nỗ lực phát huy hiệu quả hoạt động, lan tỏa tinh thần "cho đi là còn mãi" tới cộng đồng, để mỗi người đều hiểu được ý nghĩa nhân văn của việc trao đi sự sống này. Một người hiến tạng có thể cứu sống được 8 -10 người khác. Cho, hiến tạng là sự chia sẻ cao quý, là hành động cao nhất của tấm lòng từ thiện.
Ý kiến ()