
Bất ngờ chiến lược mua chất thải người để giảm khí thải của Microsoft
Gã khổng lồ công nghệ Mỹ Microsoft chọn phương pháp loại bỏ khí nhà kính độc đáo để đạt mục tiêu phát thải âm vào năm 2030.
Tập đoàn Microsoft đang theo đuổi một chiến lược bất ngờ nhằm giảm lượng khí thải carbon khổng lồ bằng cách mua chất thải người và chất thải nông trại để chôn sâu dưới lòng đất.
Đây là nỗ lực mới nhất của hãng công nghệ nhằm bù đắp lượng khí nhà kính ngày càng tăng, đặc biệt trong bối cảnh phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) đang đẩy mức tiêu thụ năng lượng lên cao.
Ngày 17/7, Microsoft thông báo đã ký kết thỏa thuận mua 4,9 triệu tấn chất loại bỏ carbon bền vững từ Công ty Vaulted Deep. Trong vòng 12 năm, bắt đầu từ năm 2026, Microsoft sẽ nhận được tín chỉ carbon cho mỗi tấn chất thải được chôn xuống độ sâu hơn 1.500m dưới các khối đá tự nhiên trong lòng đất.
Số chất thải này là hỗn hợp dạng bùn, bao gồm cả chất thải người và nông nghiệp, vốn trước đây rất khó xử lý và thường bị bỏ lại trên các cánh đồng, gây nguy cơ phát tán hóa chất độc hại ra môi trường đất và nước.
Theo bà Julia Reichelstein, giám đốc điều hành Vaulted Deep, công ty đang xử lý nhiều loại rác thải hữu cơ khác nhau bằng cách chôn chúng vĩnh viễn trong lòng đất để loại bỏ carbon. Bà nhấn mạnh: “Chúng tôi lấy chất thải dạng bùn và chôn sâu xuống lòng đất để loại bỏ carbon vĩnh viễn”.
Vaulted Deep tính toán lượng carbon lưu giữ được trong lòng đất để phát hành tín chỉ carbon, hiện có giá khoảng 350 USD cho mỗi tấn. Microsoft cho biết việc mua các tín chỉ này là một phần trong chiến lược lớn nhằm đưa tập đoàn đạt lượng phát thải carbon âm vào năm 2030 và đến năm 2050 sẽ loại bỏ được nhiều khí nhà kính hơn tổng lượng phát thải của công ty từ khi thành lập.
Từ năm 2020 đến 2024, Microsoft đã thải ra 75,5 triệu tấn CO₂. Trong nỗ lực bù đắp, tập đoàn đã mua hơn 83 triệu tấn chất loại bỏ carbon, trong đó 59 triệu tấn được mua chỉ trong năm nay, chưa bao gồm thỏa thuận mới ký với Vaulted Deep. Điều này cho thấy Microsoft đang đầu tư mạnh vào các giải pháp công nghệ và sinh học để giải quyết bài toán khí thải do hoạt động công nghệ cao gây ra.
Ý kiến ()