20
18
/
1100356
“3 đột phá chiến lược” chuyển động mạnh mẽ
longform
“3 đột phá chiến lược” chuyển động mạnh mẽ

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, tiếp tục xác định 3 đột phá chiến lược (đầu tư hoàn thiện hạ tầng; đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung phát triển nguồn nhân lực) vẫn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài trong phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh phải dồn lực thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ, trong đó ưu tiên hàng đầu cho công tác phòng, chống dịch, thế nhưng thực hiện 3 đột phá chiến lược vẫn được quan tâm, chú trọng. Nhờ cách làm linh hoạt, bám sát thực tiễn phát triển của địa phương cũng như chỉ đạo của Chính phủ, Quảng Ninh vẫn có những bước tiến mạnh mẽ trong xây dựng 3 đột phá chiến lược trong “bão Covid-19”. Thành quả từ 3 đột phá chiến lược đã góp phần quan trọng giúp Quảng Ninh hoàn thành “mục tiêu kép” năm 2021.

Khẳng định quyết tâm tạo đột phá về hạ tầng, một trong 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của Quảng Ninh trong chủ đề công tác năm 2021 chính là “đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng”. Theo đó, từ đầu năm 2021 đến nay, tỉnh dành ưu tiên lớn trong đẩy mạnh đầu tư, xây dựng các dự án, công trình quan trọng, động lực, từ các nguồn vốn ngân sách, vốn ngoài ngân sách. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cao Tường Huy cho biết: “UBND tỉnh thường xuyên có văn bản chỉ đạo, đôn đốc các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án khởi công mới; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, động lực. Cùng với đó, tập trung quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, không để tình trạng chây ỳ, nợ đọng xây dựng cơ bản; địa phương nào chậm trễ thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.”

Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Xuân Ký kiểm tra việc triển khai Dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, ngày 30/10/2021.
Cầu Cửa Lục 1 đã xong các hạng mục kết cấu chính, nhà thầu đang khẩn trương hoàn thiện, thi công điện chiếu sáng, cảnh quan và tiến hành thảm nhựa mặt cầu, với quyết tâm đưa công trình vào khai thác cuối năm 2021 theo đúng kế hoạch.

Sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt từ cấp tỉnh đến địa phương, chính là động lực để các công trình, dự án trọng điểm về giao thông của Quảng Ninh ngay sau khi khởi động, đã nhanh chóng “vào guồng” để được tăng tốc thi công. Nhờ vậy, đến nay, một số dự án đã đi vào giai đoạn nước rút, phấn đấu hoàn thành trong năm 2021. Điển hình như 3 dự án: Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả và Cầu Cửa Lục 1, với tổng vốn đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng. Được biết, để đảm bảo các dự án về đích đúng thời hạn, ngày 2/9/2021, tỉnh Quảng Ninh đã phát động “Đợt thi đua cao điểm 100 ngày đêm hoàn thành 3 dự án động lực”.

Cầu Vân Tiên - cây cầu dài nhất tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái và dài nhất tỉnh Quảng Ninh đã hợp long.

Ông Nguyễn Văn Định, Phó Giám đốc BQL Dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, cho biết: Ngay sau đợt phát động thi đua của tỉnh, chủ đầu tư đã tổ chức họp, yêu cầu nhà thầu xây dựng tiến độ cụ thể, chi tiết cho từng hạng mục. Mặc dù dịch bệnh Covid-19 cũng có tác động không nhỏ đến tiến độ thi công các dự án, tuy nhiên, các nhà thầu đều đặt quyết tâm rất cao. Từ tháng 9 đến nay, các nhà thầu huy động khoảng 3.000 cán bộ, công nhân, tổ chức thi công trong cả 3 ca liên tục để đảm bảo hoàn thành dự án theo đúng tiến độ cam kết.

Hầm xuyên núi - đoạn thi công phức tạp nhất dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả đã hoàn thành phần lớn tiến độ.

Cùng với 3 dự án giao thông trọng điểm trên, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ Cầu Cửa Lục 3, tập trung GPMB chuẩn bị khởi công Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều; đường kết nối từ đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến cảng Vạn Ninh; đường dẫn và cầu ra cảng tổng hợp Hòn Nét - Con Ong;...

Khởi công, khởi động chuỗi 4 dự án, với tổng mức đầu tư trên 280.000 tỷ đồng.

Không chỉ với các dự án giao thông, hàng loạt các dự án đầu tư hạ tầng khác tại Quảng Ninh cũng đã được triển khai trong năm 2021. Điển hình như cuối tháng 10/2021, tỉnh đã đồng loạt khởi công, khởi động chuỗi 4 dự án, với tổng mức đầu tư trên 280.000 tỷ đồng, gồm: Dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh; Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh; Dự án Sân golf Đông Triều và Dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh… Cùng với đó, tỉnh còn đón nhận thêm các nhà đầu tư quốc tế vào các KCN, KKT quan trọng với tổng vốn FDI thu hút mới đạt trên 1 tỷ USD.

Ở khâu đột phá về cải cách hành chính, năm 2021 tiếp tục đã ghi nhận nhiều cách làm mới, hiệu quả của tỉnh Quảng Ninh. Đáng chú ý, tháng 4/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết đã xác định công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản, xuyên suốt, lâu dài trong chiến lược xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, nhấn mạnh đến nội dung tận dụng hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tạo bước đột phá hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh. Thay đổi nhận thức từ nền hành chính công “một cửa cố định” đến “một cửa bất kỳ” hay “không cửa”; tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn, bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, nhằm giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp... Ngay sau khi Nghị quyết số 05-NQ/TU được ban hành, các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh đều đã xây dựng chương trình hành động, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Cũng trong năm 2021, Quảng Ninh hoàn thiện Đề án chuyển đổi số toàn diện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung đầu tư vào hạ tầng số trên 3 trục, gồm: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số… Hiện tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của tỉnh là 1.712/1.831 tổng số TTHC, trong đó có 1.387 TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (đạt 75%), tương ứng với 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; cung cấp 1.180 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh trên Cổng dịch vụ công quốc gia (đạt tỷ lệ 75%). Mới đây, tỉnh đã Ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Viettel cùng thống nhất các nội dung trọng tâm của chuyển đổi số bao gồm: Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện; phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ đào tạo, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; xây dựng phát triển các mô hình “cảng dữ liệu” tại Quảng Ninh…

Các thông tin, số liệu trong nhiều ngành, lĩnh vực được hệ thống hiển thị thông minh nhiều lớp trên bản đồ GIS tại Trung tâm Điều hành thành phố thông minh của tỉnh.

Không để doanh nghiệp hay nhà đầu tư phải loay hoay trong giải quyết thủ tục hành chính hay khó khăn trong triển khai các dự án tại tỉnh, từ cấp tỉnh đến sở, ngành, địa phương trong năm 2021 đều rất tích cực vào cuộc hỗ trợ. Riêng ở cấp tỉnh, định kỳ hằng quý, lãnh đạo tỉnh tổ chức Hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp để lắng nghe, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn công khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phát triển ngành, lĩnh vực, danh mục các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư; chủ động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp mới tham gia thị trường về thủ tục hành chính; xây dựng và đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia hiệu quả vào cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu...

Đồng chí Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký gặp mặt doanh nghiệp.

Với những nỗ lực trong đổi mới, cách cách hành chính, Quảng Ninh đến thời điểm này là địa phương đầu tiên và duy nhất trong cả nước cùng lúc đứng đầu 4 chỉ số cải cách của quốc gia, đó là: PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI. “Những hỗ trợ của Quảng Ninh đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư không chỉ tiếp thêm sức mạnh giúp cộng đồng doanh nghiệp địa phương vững vàng hơn, mà còn thu hút thêm những dự án đến với tỉnh. Điều này đặc biệt quan trọng trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đã, đang ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế” - Trưởng Ban Pháp chế-VCCI, Giám đốc dự án PCI, Đậu Anh Tuấn, cho biết.

Năm 2021, trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh Covid-19 mang lại, song Quảng Ninh vẫn dành nguồn ngân sách đáng kể để đầu tư cho giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Rất nhiều quyết sách quan trọng đã được tỉnh xây dựng, triển khai ngay.

Trong đó, phải kể đến Nghị quyết 35/2021/NQ-HĐND (ngày 27/8/2021) của HĐND tỉnh về việc quy định chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh. Theo đó, sinh viên các chuyên ngành nghề thuộc diện thu hút đào tạo sẽ được hỗ trợ dựa theo kết quả trúng tuyển đầu vào và đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi hoặc kỳ thi KHKT cấp quốc gia. Nghị quyết còn quy định về mức hỗ trợ tiền đóng học phí hằng tháng, hỗ trợ tiền ăn và chi phí học tập cho sinh viên có kết quả đầu vào tốt và cam kết về việc làm cho sinh viên tốt nghiệp. Bên cạnh hỗ trợ cho học sinh, sinh viên, Nghị quyết cũng có các chính sách thu hút và hỗ trợ giảng viên vào giảng dạy tại Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh với mức tiền 300 triệu đồng/giảng viên; hỗ trợ 150 triệu đồng/giảng viên nếu được nhà trường cử đi đào tạo nâng cao trình độ các nghề phục vụ ngành công nghiệp chế biến chế tạo - động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Sinh viên Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh thực hành chuyên ngành công nghệ ô tô.

Ông Lưu Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, cho biết: Với những ưu đãi từ Nghị quyết 35, việc thu hút sinh viên học nghề tại Trường cũng sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn. Nhà trường cũng có cơ hội để nâng cao quy mô và tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ chi thường xuyên 100%, tập trung vào đào tạo các ngành nghề chế biến chế tạo, với mục tiêu đến năm 2025 sẽ trở thành trường cao đẳng chất lượng cao, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cung ứng cho nhu cầu nội tỉnh cũng như ngoại tỉnh.

Sinh viên Trường Đại học Hạ Long đọc sách tại Thư viện nhà trường.

Được biết, hiện quy mô nguồn nhân lực của tỉnh có hơn 780.000 người (tăng 8,2% so với năm 2015). Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 45,5% (tăng 8,9% so với năm 2015). Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực theo đúng định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đó là: Khu vực nông nghiệp 23,8%; công nghiệp, xây dựng 31%; dịch vụ 45,2%...

Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh thực hành trên mô hình thực hành điều dưỡng đa năng.

“Ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh đang tập trung các giải pháp để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, chuyển mạnh quy trình giáo dục truyền thống từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học. Chú trọng đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên đáp ứng căn bản yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo. Song song với đó là mở rộng các cơ sở đào tạo, dạy nghề chất lượng cao, ưu tiên các lĩnh vực ngành nghề tỉnh cần; sắp xếp lại hệ thống trường học đảm bảo đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra” - Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Thuý chia sẻ.

Sinh viên Trường Đại học Hạ Long khi ra trường đều đạt chuẩn ngoại ngữ và tin học cơ bản, đáp ứng yêu cầu của công việc thực tế..

Chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực chất lượng cao cho giai đoạn tới, Quảng Ninh đã phối hợp với Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo dự thảo, kinh phí thực hiện đề án là 1.133 tỷ đồng. Mục tiêu của Đề án là hướng đến phát triển toàn diện năng lực người học, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân và yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh; phấn đấu đến 2030 Quảng Ninh là một trung tâm giáo dục và đào tạo có uy tín ở khu vực đồng bằng sông Hồng, đứng trong nhóm đầu của cả nước.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tặng hoa chúc mừng Nguyễn Hoàng Khánh, nhà vô địch Olympia 21.

Dự thảo cũng đã đề xuất nhiều nhóm giải pháp về: Cơ chế chính sách, nâng cao năng lực cơ sở đào tạo, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nhân lực... Trong đó cũng đưa ra dự kiến đào tạo trong nước đối với 62.900 CBCCVC, tương ứng 1.005 lớp học; đào tạo bồi dưỡng tại tỉnh là 750 CBCCVC theo hình thức mời chuyên gia, giảng viên nước ngoài giảng dạy; đào tạo bồi dưỡng ở nước ngoài là 1.100 CBCCVC, tương ứng 55 lớp học; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm, dự kiến 5.000 lao động ngành nông nghiệp, 10.000 lao động ngành công nghiệp, thương mại, 5.000 lao động ngành xây dựng…

Đào tạo nghề sửa chữa cơ khí tại phân hiệu Cẩm Phả của Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam.

Sự chuyển động mạnh mẽ, đi vào chiều sâu của cả 3 khâu đột phá chiến lược ở năm 2021, đã tạo động lực rất lớn để Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2021; đồng thời, chuẩn bị cho lộ trình bứt phá của tỉnh năm 2022 và giai đoạn tiếp theo.


Thực hiện: Hồng Nhung - Đỗ Phương

Kỹ thuật đồ họa: Mạnh Hà