20
18
/
1100251
2 triệu tấn than và 1% điểm tăng trưởng GRDP
longform
2 triệu tấn than và 1% điểm tăng trưởng GRDP

Hoạt động của ngành Than, trọng điểm là của Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có những đóng góp đặc biệt quan trọng trong phát triển KT-XH của Quảng Ninh. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu khắp các ngành, lĩnh vực, bằng các giải pháp điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh linh hoạt, TKV đã tiếp tục khẳng định là một trong những ngành kinh tế trọng điểm của Quảng Ninh. Vượt qua những khó khăn do dịch bệnh mang lại, TKV đặt mục tiêu rất cao trong quý IV/2021, đó là sản xuất từ 1,5-2 triệu tấn than, cùng Tổng công ty Đông Bắc đóng góp khoảng 1 điểm % tăng trưởng GRDP cho tỉnh; đảm bảo đời sống, việc làm, thu nhập cho 80.000 công nhân lao động vùng Mỏ. Đây có thể nói là nỗ lực vượt bậc của TKV thời điểm này.

Giờ giao ca 1, Công trường Khai thác 4 (Công ty Than Khe Chàm) diễn ra từ 7 giờ sáng. Trước giờ giao ca, tất cả công nhân ở đây đều phải kiểm tra thân nhiệt, thực hiện nghiêm quy trình phòng chống dịch. Các công việc, nhiệm vụ chính trong ca đều được Quản đốc Phùng Xuân Biêm phân công rõ ràng cho từng vị trí công nhân trước khi di chuyển xuống lò.

Tranh thủ khoảng thời gian di chuyển xuống lò chợ, Quản đốc Phùng Xuân Biêm chia sẻ với chúng tôi: Từ đầu năm 2021 đến đầu tháng 6, lò chợ cơ giới hóa Công trường Khai thác 4 phải tạm dừng khai thác than để bảo dưỡng thiết bị. Trong khi đây là một trong những lò chợ chủ lực, sản lượng cao nhất của Công ty. Chính vì vậy 6 tháng cuối năm, Công ty đã quyết định giao lò chợ này khai thác 210.000 tấn than. Tính đến hết tháng 9/2021, lò chợ khai thác hơn 105.000 tấn than. Dự kiến quý IV/2021, lò chợ cơ giới hóa sẽ phấn đấu khai thác 105.000 tấn than. Thời gian này, anh em trên công trường đang tập trung nhân lực, thiết bị để tăng cường ra sản lượng than trong từng ca lao động.

Được biết, đầu tháng 9/2021, TKV quyết định giao tăng chỉ tiêu sản xuất than cho nhiều đơn vị trực thuộc. Riêng Công ty Than Khe Chàm được giao khai thác thêm 30.000 tấn than nguyên khai, nâng sản lượng cả năm của đơn vị lên 1,63 triệu tấn than. “Trong 3 năm gần đây, đây là lần đầu tiên Công ty Than Khe Chàm được TKV cân đối tăng sản lượng. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng nhưng cũng chính là cơ hội để Công ty khẳng định năng lực sản xuất, bứt phá hoàn thành vượt chỉ tiêu năm. Riêng 9 tháng đầu năm 2021, Công ty đã khai thác trên 1,245 triệu tấn than nguyên khai. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi có 90 ngày đêm chạy đua với thời gian để hoàn thành nhiệm vụ. Anh em ai nấy cũng rất quyết tâm, hăng hái. Công ty cũng đã chuẩn bị sẵn sàng phương án tập trung nhân lực, chuẩn bị diện khai thác phù hợp, huy động công nhân tăng ngày công, năng suất lao động đáp ứng nhu cầu tăng sản lượng”- Giám đốc Công ty Than Khe Chàm Vũ Quang Tuyến cho biết.

Không chỉ ở Công ty Than Khe Chàm, những ngày này, dưới mỏ hầm lò và cả lộ thiên từ vùng Cẩm Phả cho đến Hạ Long, Uông Bí, Đông Triều, khí thế sản xuất trong các đơn vị của TKV đều rất nhộn nhịp, hối hả. Khẩu hiệu truyền thống “Sản xuất than như quân đội đánh giặc” đã và đang lan toả mạnh mẽ. Rất nhiều đơn vị trong TKV được giao thêm sản lượng khai thác than quý IV, như: Công ty CP Than Cao Sơn điều chỉnh tăng 150.000 tấn; Công ty CP Than Đèo Nai tăng 100.000 tấn; Công ty Than Thống Nhất tăng 30.000 tấn; Công ty Than Nam Mẫu tăng 20.000 tấn…

Ông Nguyễn Văn Yên, Giám đốc Công ty Than Nam Mẫu, cho biết: Tranh thủ điều kiện hiện nay Quảng Ninh đang an toàn, Công ty huy động tối đa nhân lực, vật lực cho sản xuất. Từ đầu năm đến nay, bên cạnh việc tuân thủ nghiêm quy định chống dịch của tỉnh, Công ty đã phát huy cao độ tinh thần sáng tạo, nỗ lực thực hiện mục tiêu đảm bảo sản xuất kinh doanh ổn định trong tình hình mới. Để điều hành sản xuất than nguyên khai tăng thêm 20.000 tấn so với kế hoạch đầu kỳ, Công ty chuyển diện sản xuất sớm cho Phân xưởng Khai thác 4, tiến hành lắp đặt khai thác lò chợ I-8-24 ngay từ tháng 9, sớm hơn so với kế hoạch ban đầu 1 tháng; đẩy nhanh tiến độ đào lò khai thông, tập trung nhân lực tăng công suất lò chợ, tập trung nhân lực vào cơ giới trong đào, chống lò, đẩy nhanh tốc độ đào lò tại các khu vực dự kiến khai thông lò chợ năm 2021, 2022...

Không chỉ đảm bảo sản xuất, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện cho đến nay, TKV đã đảm bảo ổn định việc làm, thu nhập cho hơn 80.000 công nhân tại Quảng Ninh, với mức tiền lương bình quân 13,1 triệu đồng/người/tháng, bằng 101% kế hoạch năm.

Ngành khai khoáng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nền kinh tế của Quảng Ninh (18,6%). Trong đó, ngành Than chiếm tới 95% tổng ngành công nghiệp khai khoáng, và chiếm tỷ trọng 18% trong tổng GRDP toàn tỉnh.

Để đáp ứng nhu cầu than cho phát triển, TKV đã và đang đầu tư các dự án trọng điểm để nâng công suất cho các mỏ. Tiêu biểu, đối với sản xuất than lộ thiên, Tập đoàn đang đầu tư Dự án Bắc Bàng Danh (Công ty CP Than Hà Tu - Vinacomin), tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng. Dự án có trữ lượng than nguyên khai 23,5 triệu tấn, công suất thiết kế 3,3 triệu tấn than/năm. Riêng mỏ hầm lò, TKV đang đầu tư dự án khai thác hầm lò dưới mức -150, mỏ Mạo Khê (Công ty Than Mạo Khê - TKV), với tổng mức đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng; dự án Khe Chàm II-IV (Công ty Than Hạ Long - TKV), hơn 12.500 tỷ đồng. Dự kiến giai đoạn 2022-2025, 2 dự án này sẽ cho ra than không chỉ mở hướng nâng cao năng lực sản xuất cho các đơn vị ngành Than, mà còn đảm bảo việc làm cho hàng nghìn công nhân.

Theo số liệu tổng hợp của Sở KH&ĐT Quảng Ninh, tăng trưởng của ngành Than, mà chủ đạo là của TKV 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2020, đóng góp được 0,1 điểm % trong tốc độ tăng GRDP của tỉnh. Lãnh đạo TKV chia sẻ: Khó khăn lớn nhất của TKV trong 9 tháng qua chính là thị trường tiêu thụ chậm, không đạt kế hoạch đề ra, dẫn đến doanh thu của ngành Than và nộp ngân sách nhà nước giảm so với yêu cầu. Dự báo những tháng cuối năm nhu cầu tiêu thụ than trong nước sẽ tăng trở lại, TKV đã chỉ đạo các đơn vị thành viên đẩy mạnh nhịp độ sản xuất, tăng tối đa sản lượng than sạch khai thác trên địa bàn, tích cực chế biến các chủng loại than theo nhu cầu của thị trường.

Việc điều chỉnh tăng sản lượng than ở những tháng cuối năm của TKV có ý nghĩa quan trọng, không chỉ tạo đòn bẩy để các doanh nghiệp ngành Than cân đối doanh thu, tài chính mà còn đóng góp điểm cộng vào mục tiêu tăng trưởng 2 con số của tỉnh Quảng Ninh. Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, cứ một triệu tấn than ảnh hưởng đến GRDP của Quảng Ninh là 0,39 điểm %.

“Mục tiêu của TKV trong năm 2021 sẽ thực hiện thành công “mục tiêu kép”- tức vừa bảo đảm phòng, chống dịch nhưng vẫn phải bảo đảm sản xuất kinh doanh hiệu quả. Từ nay đến cuối năm, Tập đoàn sẽ sản xuất tối đa các chủng loại than chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thị trường. Cùng với đó, TKV cũng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị quyết liệt, chủ động nâng cấp độ phòng, chống dịch lên mức cao hơn nữa góp phần bảo vệ địa bàn xanh mà các đơn vị TKV đang đóng quân. Đối với công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19, TKV phấn đấu cuối tháng 10/2021 sẽ hoàn thành việc tiêm mũi thứ 2 cho cán bộ, công nhân viên đủ điều kiện tiêm.”- Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải cho biết.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: “Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp từ đầu năm 2020 đến nay, đặc biệt, trong làn sóng dịch thứ 3, Quảng Ninh là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng hàng vạn công nhân ngành Than vẫn luôn đoàn kết, cố gắng nỗ lực vượt bậc căng mình phòng, chống dịch bệnh và hăng say, miệt mài lao động để giữ vững nhịp độ sản xuất với khí thế “sản xuất Than như quân đội đánh giặc”, góp phần quan trọng để Quảng Ninh thực hiện thành công “mục tiêu kép”. Càng trong những lúc khó khăn, truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của người thợ Vùng mỏ, của ngành Than lại được lan tỏa mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho biết, tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn bám sát Bộ Công thương về việc tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thị trường tiêu thụ, tăng sản lượng tồn kho... để động viên ngành Than tăng tối đa sản lượng khai thác, góp phần vào tăng trưởng kinh tế GRDP, thu ngân sách nhà nước và bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Phấn đấu tổng sản lượng than sạch sản xuất năm 2021 tăng 2 triệu tấn trở lên so với kịch bản đề ra, trong đó TKV tăng thêm từ 1,5 - 2 triệu tấn, Tổng Công ty Đông Bắc tăng thêm từ 0,3-0,5 triệu tấn. ”Quan điểm của tỉnh là tìm mọi biện pháp tháo gỡ vướng mắc của ngành Than, đặc biệt là giải quyết thủ tục hành chính. Nếu vượt thẩm quyền thì tỉnh và ngành Than cùng nhau sát cánh phối hợp chặt chẽ, kiên trì kiến nghị thúc đẩy giải quyết”- Bí thư Tỉnh ủy khẳng định.

Được biết, UBND tỉnh cũng đã có Văn bản số 5966/UBND-XD3 (ngày 30/8/2021) báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương đề nghị điều chỉnh kế hoạch sản xuất than. Cụ thể, đối với TKV điều chỉnh sản xuất lên 39 triệu tấn than sạch, tăng 1,9 triệu tấn so với kế hoạch đầu năm 2021; Tổng Công ty Đông Bắc sản xuất 5,7 triệu tấn, tăng 0,5 triệu tấn so với kế hoạch đầu năm 2021. Song song với đó, tỉnh đề nghị cho phép TKV tăng lượng xuất khẩu 300.000 tấn than cục so với kế hoạch giao đầu năm và giảm lượng than nhập khẩu để hỗ trợ cho sản xuất, tiêu thụ và giải quyết 10,2 triệu tấn than tồn kho.

Những nỗ lực của TKV cùng với sự vào cuộc của tỉnh trong tháo gỡ khó khăn cho Tập đoàn, chính động lực quan trọng TKV hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đặt ra năm 2021, đóng góp vào mục tiêu kép trong phát triển KT-XH của tỉnh.


Thực hiện: Hồng Nhung - Phạm Tăng

Kỹ thuật đồ họa: Hùng Sơn


Thực hiện kịch bản tăng trưởng 3 tháng cuối năm: Kỳ vọng 2021
Rất nhiều hy vọng được Chính phủ gửi gắm đến các địa phương “vùng xanh an toàn” như Quảng Ninh trong 3 tháng còn lại của năm để bù đắp cho tốc độ tăng trưởng chung của cả nước 2021.  
   
Tăng công suất, vận hành sản xuất điện an toàn
Các đơn vị sản xuất điện đã khắc phục khó khăn, thách thức để đảm bảo cung ứng đủ điện cho hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, giữ vững đà tăng trưởng và tạo thêm động lực cho nền kinh tế.
   
Bổ sung năng lực cho ngành chế biến, chế tạo
Tất cả những cơ chế, chính sách tốt nhất, hiệu quả nhất, đã, đang được Quảng Ninh triển khai, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.  
   
“100 ngày đặc biệt”- Chiến dịch riêng có của Quảng Ninh
3.000 cán bộ, công nhân trên các công trường bám sát tiến độ tổng thể của các dự án, tăng gấp đôi nhân lực, phương tiện, tổ chức thi công liên tục nhiều ca, nhiều kíp, đồng loạt nhiều hạng mục.  
   
Phục hồi du lịch Quảng Ninh: An toàn, linh hoạt, hiệu quả
Để hoạt động du lịch được phục hồi thì một trong những yếu tố tiên quyết nhất chính là phải đảm bảo được môi trường du lịch an toàn.