20
18
/
1100352
2 con số tăng trưởng quý giá
longform
2 con số tăng trưởng quý giá

Đến thời điểm này có thể khẳng định, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của Quảng Ninh năm 2021 đạt mức 2 con số (đứng thứ 2 cả nước), thu ngân sách nhà nước vượt mốc 51.000 tỷ đồng, không người dân nào bị thiệt mạng do nhiễm bệnh Covid-19, bảo vệ và thực hiện thành công “mục tiêu kép” trong 2 năm dịch bệnh xảy ra…. Đó là những kết quả quý giá khi dịch bệnh Covid-19 tiếp tục tác động sâu tới mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội toàn cầu. Kết quả 2021 cũng khẳng định sự phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh khi 6 năm liên tiếp duy trì được đà tăng trưởng ở mức 2 con số, khẳng định một địa bàn năng động, cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc, một trong những trọng điểm kinh tế lớn của cả nước.

Hơn 10 năm kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thì 2 năm (2020, 2021) là 2 năm khó khăn đến cùng cực đối với anh Đoàn Văn Bình, Giám đốc Công ty TNHH Anh Tùng Dương. “Do dịch bệnh Covid-19 ngành du lịch, dịch vụ tê liệt hoàn toàn, tàu thì nằm bờ, nhà hàng không thể mở cửa kinh doanh trong khi đó mỗi tháng tôi phải trả chi phí hàng chục triệu đồng để trông coi, duy tu bảo dưỡng, chưa kể khoản lãi ngân hàng phải trả 90 triệu đồng/tháng. Từ đầu năm 2021 để có tiền cầm cự chờ đại dịch qua chúng tôi đã phải bán nhiều tài sản, thậm chí nghĩ đến chuyện bán cả tàu nhưng cũng không dễ dàng vì du lịch bị ảnh hưởng dù giao bán rẻ cũng không ai mua.” – Anh Đoàn Văn Bình cho biết.

Cơn bão dịch bệnh Covid-19 càn quét từ đầu năm 2020 đến nay đã đẩy hầu hết các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực du lịch, dịch vụ và các doanh nghiệp phụ trợ cho ngành này vào cơn bĩ cực. Theo báo cáo đánh giá của cơ quan chuyên môn, năm 2021 doanh thu du lịch đạt trên 2.500 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ. Hơn 500 tàu du lịch của tỉnh đã gần 365 ngày qua nằm bờ, trong khi các doanh nghiệp vẫn phải giữ và chi trả lương cho đội ngũ lao động khoảng 4.000 người để bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng phương tiện và các trang thiết bị. Nhiều chủ doanh nghiệp, chủ tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long đang kiệt quệ từng ngày và có nguy cơ đứng bên bờ vực phá sản...

“Như phản ứng dây chuyền, không chỉ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ gặp khó khăn mà các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ở lĩnh vực công nghiệp cũng bị tác động ảnh hưởng rất nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19. Cụ thể 2 ngành có cơ cấu kinh tế chiếm tỷ trọng lớn thứ nhất và thứ 2 của tỉnh là ngành khai khoáng (chiếm 17,8%) và điện (chiếm 15,9%) cũng phải chịu những tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bố trí, sử dụng lao động và tổ chức sản xuất. Nhất là các đơn vị khu vực miền tây vùng than Quảng Ninh như Vàng Danh, Uông Bí, Mạo Khê, Nam Mẫu, Kho vận Đá Bạc, Nhiệt điện Đông Triều và một số đơn vị khu vực Cẩm Phả. Tính hết quý II/2021, ngành khai khoáng tăng trưởng âm, giảm 1,54% cùng kỳ, bằng 96,4% kịch bản, giảm mất 0,33 điểm % đóng góp vào tốc độ tăng GRDP; ngành điện cũng tăng trưởng thấp so với kịch bản, giảm 2,3% so với kịch bản. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt khoảng 4.900 tỷ đồng, bằng 73% cùng kỳ, hụt thu 1.553 tỷ đồng.

Ở lĩnh vực thu xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do lượng than tồn kho nhiều, trong khi nhu cầu sử dụng than sản xuất điện giảm, dẫn đến lượng than nhập khẩu năm 2021 giảm mạnh so với năm 2020. Số thu từ xăng, dầu nhập khẩu sẽ tiếp tục giảm mạnh, do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam phải tập trung tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất…cũng tác động, ảnh hướng lớn đến việc thực hiện chỉ tiêu thu NSNN trên địa bàn.” – Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Hiền cho biết.

2 ngành có cơ cấu kinh tế chiếm tỷ trọng lớn thứ nhất và thứ 2 của tỉnh là ngành khai khoáng và điện chịu những tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo đánh giá của các chuyên gia dịch bệnh Covid-19 diễn ra trong 2 năm qua không chỉ tạo sức ép về cạnh tranh, thanh lọc đối với các doanh nghiệp ngày càng gia tăng, mà doanh nghiệp còn phải chịu thêm cú sốc về kinh tế suy giảm nên số doanh nghiệp bị thua lỗ ngày càng tăng, tâm lý dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang xảy ra rất mạnh, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất đang rất hiện hữu.

Đặc biệt từ khi chuyển trạng thái chống dịch của toàn xã hội từ “zero F0” sang “sống chung thích ứng an toàn, linh hoạt” những khó khăn mới xuất hiện sẽ tiếp tục tác động và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch và thu ngân sách trên địa bàn. Nhất là đối với các ngành sản xuất chủ đạo của tỉnh như ngành Than – ngành sản xuất có đóng góp rất quan trọng trong điểm số tăng trưởng của tỉnh Quảng Ninh, cũng như đời sống xã hội thì thị trường tiêu thụ than giảm sút, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, tác động đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị sản xuất. Rồi ở lĩnh vực thu xuất nhập khẩu do lượng than tồn kho nhiều, trong khi nhu cầu sử dụng than sản xuất điện giảm, dẫn đến lượng than nhập khẩu năm 2021 giảm mạnh so với năm 2020. Số thu từ xăng, dầu nhập khẩu tiếp tục giảm mạnh, do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam phải tập trung tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất…điều này ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện chỉ tiêu thu NSNN trên địa bàn.

Khó khăn đó là điều hiển nhiên không thể tránh khỏi, vừa phải chống dịch như chống giặc, vừa phải giữ bằng được hướng đi an toàn cho “con tàu” vượt bão – đó là bài toán vô cùng khó đối với tỉnh Quảng Ninh. Biến thách thức thành cơ hội, biến khó khăn thành thời cơ đã được Quảng Ninh nhận diện ngay từ đầu năm 2021. Do vậy cùng với việc quyết tâm ngăn chặn, khóa chặt ổ dịch tại TX Đông Triều, không để từ đây trở thành vết dầu loang của đợt dịch lần thứ 3, Quảng Ninh đã tận dụng rất hiệu quả thời gian 114 ngày là vùng xanh an toàn để vượt bão Covid.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cao Tường Huy cho biết: Kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021 đã được Thường trực, BTV Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh bàn thảo rất kỹ lưỡng và điều chỉnh linh hoạt theo thực tiễn. Hàng loạt các giải pháp được triển khai thực hiện hiệu quả như: Tập trung thu hút các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo vào địa bàn; tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này sản xuất tăng năng suất, sản lượng; hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ, bổ sung năng lực tăng thêm ở một số dự án được dự báo tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nhóm ngành chế biến, chế tạo.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra tại Dự án Cầu Cửa Lục 3.

Đồng hành hỗ trợ tối đa cho ngành Than như: bám sát các bộ, ngành và tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thị trường tiêu thụ, tăng sản lượng tồn kho... để động viên ngành Than tăng tối đa sản lượng khai thác, góp phần vào tăng trưởng kinh tế GRDP, thu ngân sách nhà nước và bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Lĩnh vực xây dựng được điều hành theo hướng quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy triển khai các dự án công.

Nhanh chóng tận dụng cơ hội an toàn trong dịch bệnh để khôi phục ngành dịch vụ, du lịch, Quảng Ninh đã nhanh chóng có những quyết sách quan trọng, kịp thời kích cầu du lịch, tạo hiệu ứng thu hút khách, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp du lịch dịch vụ ngay khi dịch bệnh được khống chế trên địa bàn. Điều này, được thể hiện rõ nét qua việc HĐND tỉnh ban hành nhiều Nghị quyết hỗ trợ kích cầu du lịch tỉnh Quảng Ninh như thống nhất miễn phí 100% vé tham quan Vịnh Hạ Long, Yên Tử và Bảo tàng Quảng Ninh đến hết năm 2021. Qua đó, phần nào tạo điều kiện và cơ hội để các doanh nghiệp du lịch có cơ hội vươn lên khôi phục và phát triển ngay khi dịch bệnh được kiểm soát tốt...

Các dự án mới đồng loạt được khởi công.

Trước những khó khăn trong lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu, tỉnh tích cực tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong hoạt động xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu, lối mở biên giới để kịp thời có các giải pháp đảm bảo thông quan thuận lợi, an toàn… Cùng với đó, chỉ đạo các ngành nhanh chóng tìm giải pháp hỗ trợ và hướng ra cho các mặt hàng nông sản thông qua việc tổ chức làm việc với các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản để rà soát chính xác, đầy đủ về sản lượng. Từ đó, tiến hành hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, vận tải, kết nối tiêu thụ đảm bảo nhanh chóng, thông suốt, hiệu quả, không để ách tắc, cản trở hàng hóa lưu thông.

Tỉnh cũng đẩy mạnh thu hút các dự án khởi công mới ngoài ngân sách, trọng điểm tại thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Vân Đồn, Móng Cái. Trong quý II, quý III/2021, Quảng Ninh đã khởi công nhiều dự án ngoài ngân sách như: Dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long xanh, Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh, dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh giai đoạn 1, dự án Sân golf Đông Triều tại thị xã Đông Triều; khách sạn 1.000 phòng Tuần Châu, dự án Marina Bãi Cháy, dự án điện mặt trời ở khu vực Sông Khoai. Đây đều là những dự án động lực được kỳ vọng sẽ tạo được bứt phá trong phát triển KT-XH giai đoạn cuối năm của tỉnh, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 2 con số.

Sân golf Tuần Châu.

Bên cạnh các quyết sách kịp thời, sát với tình hình thực tế, các ngành, địa phương cũng tích cực và linh hoạt triển khai các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19 đã được Trung ương và địa phương ban hành, như: Gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất; gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng; chính sách về tín dụng, bảo hiểm xã hội; chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động...

Số liệu Tổng Cục thống kê công bố ngày 1/12/2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 của tỉnh Quảng Ninh ước tăng 10,28%, cao hơn 1,07 điểm % so với cùng kỳ (CK tăng 9,21%), là mức tăng trưởng cao, đứng thứ 2 so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Với tốc độ tăng trưởng GRDP mà Tổng cục thống kê công bố, Quảng Ninh nằm trong nhóm các địa phương duy trì tốc độ tăng trưởng cao và là tỉnh liên tục trong 6 năm liền có tốc độ tăng trưởng 2 con số.

Đồng chí Nguyễn Hồng Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới, trong khu vực, trong nước đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực dịch vụ, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Song với sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm của tỉnh; sự nỗ lực, cố gắng, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nên tỉnh Quảng Ninh vẫn đạt được kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Địa bàn thì được giữ an toàn, ổn định trong trạng thái bình thường mới, động lực tăng trưởng chính là khu vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo đã thực sự phát huy hiệu quả. Các dự án động lực, trọng điểm có vốn đầu tư ngoài ngân sách được đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như các dự án trong khu công nghiệp Đông Mai, Sông Khoai; dự án Nhà máy may mặc Hoa Lợi Đạt Cẩm Phả…). Đặc biệt dù trong bối cảnh doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 nhưng trong Quý IV vừa qua tỉnh đã khởi công 4 dự án trọng điểm có tổng mức đầu tư hơn 12 tỷ USD. Năm 2021, thu hút FDI thế hệ mới có bước đột phá, đạt trên 1,0 tỷ USD, gấp 2,67 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm của tỉnh; sự nỗ lực, cố gắng, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nên tỉnh Quảng Ninh vẫn đạt được kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Với 2 con số tăng trưởng quý giá trong năm 2021 đã đưa Quảng Ninh trở thành địa phương duy nhất trong cả nước 6 năm liền đạt mức tăng trưởng 2 con số. Kết quả đó là sự kết tinh của sức sáng tạo, quá trình nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc, lực lượng vũ trang trong tỉnh. Kiên trì, nỗ lực, cố gắng, thích ứng nhanh, chủ động, vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, quyết tâm hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Đó là nền móng quan trọng để tỉnh tiếp tục có sự bứt phá trong thực hiện mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn tiếp theo.


Thực hiện: Lan Hương - Thu Chung

Đồ họa: Hùng Sơn